Hôm nay,  

Văn Học Hải Ngoại Hội Luận: Sắc Bén, Am Hiểu, Đồng Đẳng

29/01/200700:00:00(Xem: 5224)

Văn Học Hải Ngoại Hội Luận: Sắc Bén, Am Hiểu, Đồng Đẳng

Nguyễn Hưng Quốc nói về thành tựu và tiềm năng văn học hải ngoại. Bàn chủ tọa có các nhà văn Nguyễn xuân Hoàng, Võ anh Đào, Đỗ quí Toàn. (ảnh Nguyên Hiền)

Kỹ thuật internet giúp phát triển tiềm năng. Tha hồ viết để mà chơi, viết cho đã không cần để ý sách bán được hay không là tiềm năng. Khai thác đề tài dục tính là bước đột phá, cũng là tiềm năng của giới nữ lưu. Khám phá, giới thiệu được những cây bút trẻ mới, là thành tựu của văn học VN hải ngoại v.v.Và, có ý kiến nói sự kiêu ngạo của người cầm bút dễ sinh ra đố kỵ, hoặc vài ý khác tán thành việc hòa vào dòng chảy văn học trong nước, không cần đợi họ dang tay đón mình vào dòng văn học gọi là chính thống ấy!

Đó là nội dung các phát biểu ghi nhận được trong cuộc gặp mặt ngót 5 tiếng đồng hồ chiều Thứ Bảy 27-1 của lối 50 cây viết hải ngoại từ Úc, Washington DC, Boston, Seatle, San Jose,... hội tụ về cùng 20 thính giả Quận Cam, nhân cuộc hội luận về đề tài "Văn Học hải Ngoại: thành tựu và tiềm năng" do 6 tổ chức văn học taị Úc và Hoa Kỳ mở ra ở phòng hội báo Việt Báo: Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA, bốn tạp chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Văn, Hợp Lưu, trang web văn chương www.Damau.org.

Nhà phê bình đến từ Úc và là người chủ trương trang văn học Tienve.com, ông Nguyễn Hưng Quốc là người dẫn đề tài, cùng nhà văn Nguyễn xuân Hoàng nhắc mọi người chỉ nên nói về thành tựu và tiềm năng, đừng nhắc đến tiêu cực, bế tắc hay sự lão hóa. "Chuyện đó nói nhiều rồi, và đây chẳng là buổi tranh luận". Trong khi đó, hai nhà văn kỳ cựu Nguyễn xuân Hoàng, Đỗ quí Toàn cùng cây viết trẻ Võ anh Đào ngồi điều hợp, bảo mỗi người chỉ nói ngắn năm mười phút thôi bởi quá nhiều người phát biểu. Sự điều hợp được xem là khéo, bởi lượng người viết nam và nữ, được mời phát biểu, cân xứng dù nội dung có chỏi nhau.Không thấy có ý kiến nhắm công kích cá nhân hoặc một tác phẩm nào. Do vậy, cuộc hội luận được hầu hết người dự đánh giá là thú vị, thân tình, tích cực. Để rồi trước khi chia tay, họ tụm lại từng tốp nhỏ hàn huyên, vài người uống chút rượu mạnh, nước lọc, ăn mít trộn, bánh bèo bánh ướt, bánh ngọt và tiếp tục mạn đàm bên lề...

Các điểm thành tựu và tiềm năng của văn học VN hải ngoại được nêu là có trong tay vũ khí sắc bén về phê bình lý luận, am hiểu nhiều về tình hình văn học trong và ngoài nước (Nguyễn xuân Hoàng), được tự do viết, in, phát hành hơn giới văn học trong nước, có nhiều trang web văn học phổ biến trong khi 80 triệu dân trong nước không có l trang, nhiều sáng kiến sáng tác, kỹ thuật và ý thức mỹ học khai mở, cách nhìn thoáng hơn, người viết đội khi viết để mà chơi, biếu tặng là tình trạng trong nước không hề có, hồi ký thì ai cũng viết được không nhất thiết phải tướng tá, phong cách thơ và văn hiện thực, sâu sắc hơn trong nước, tuy lực lượng phê bình còn mỏng...(Nguyễn hưng Quốc, Tienve.org); văn chương di dân vượt biên giới, xuyên lục địa, mang tính đồng đẳng với nhau (Đặng Thơ Thơ -Damau.org); văn học lưu vong của VN hải ngoại hơn hẳn văn học Nga lưu vong, nhiều cây viết trong nước nói lấy cảm hứng và thi pháp từ văn học hải ngoại, đường ta, ta cứ đi tới (Hoàng ngọc Tuấn); trong nước có đốt sách cũ, tịch thu, cấm viết, thì hải ngoại cũng có chụp mũ, sự kiêu ngạo người cầm bút sinh ra đố kỵ (Đặng Hiền- Hợp Lưu, www.hopluu.net); rất nhiều tiềm năng, cứ viết cho hay, sống chết với văn chương thì sẽ được đón nhận (Nguyễn xuân Nghĩa); khám phá những khuôn mặt trẻ nổi bật là thành tựu đáng hãnh diện (Cao xuân Huy); hải ngoại có cái tự do cho người yêu làm văn thơ, thích thì làm, đừng căn cứ vào số lượng phát hành, thời gian trả lời, như thơ Tố Hữu một thời in cả trăm ngàn mà nay còn ai muốn đọc (Nguyễn chí Thiện); đội ngũ sáng tác nữ lưu hải ngoại đã yêu tiếng Việt, viết văn Việt là một tiềm năng lớn, gây sự chú ý trong nước. Vậy nữ luu cần thổi luồng gió mới vào văn học chính thống và hòa nhập vào nó.

Một tạp chí thơ VN đã xuất hiện nhiều nhà thơ hải ngoại, cho thấy họ không thể phủ nhận văn học hải ngoại (Nguyễn thị Thanh Bình đến từ Virginia), rất nhiều nhà văn nữ có những bước đột phá mãnh liệt, viết phóng túng, chọn chủ đề tình dục. Đó là thành tựu lớn (Lê quỳnh Mai); văn học hải ngoại nối dài với văn học VN quá khứ, trong khi trong nước phủ nhận quá khứ,cắt bỏ tương lai. Chúng ta viết để mà viết, mà chơi, viết hết khả năng (Trần doãn Nho đến từ Boston); mong một ngày nào văn học hải ngoại chấp nhận trong nước, không nên để họ chấp nhận mình (Hùng Nguyễn); đồng ý hòa vào dòng văn học trong nước, nhưng họ là chủ sân chơi, cần phải được đối xử đồng đẳng (Nguyên Hương -Damau.org); họ mời mình hòa vào, mình từ chối sẽ thiệt cho văn học và độc giả (Đặng Thơ Thơ); không lạc quan lắm về thành tựu, bởi nhiều khi sách ít người mua, thời kỳ vàng son 1985-90 đã qua rồi. Tự do viết nhưng ít phổ biến. Nay có lợi thế internet. Ta viết tự do, viết cho đã, mạnh ai nấy làm, lớp trẻ nhiều người viết bằng tiếng Anh, Pháp, Đức thay vì tiếng Việt (Nguyễn mộng Giác),....

Cuộc hội luận sôi nổi, nhưng trầm tĩnh, đôi lúc xen tiếng vỗ tay, tiếng cười từ số đông thính giả. Và mọi người nồng nhiệt tràng pháo tay khi nhạc sĩ  Hoàng ngọc Tuấn ngồi tự đệm ghi-ta thùng, hát sáng tác của chính anh: bài Nhịp Ba, phổ từ bài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Anh nói đấy là bài thơ ngợi ca tự do và tình yêu. Nhà văn Đỗ quí Toàn cảm động, cho biết thêm, bài Nhịp Ba trích từ tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc xuất bản năm 1956 của Thanh Tâm Tuyền. "Chưa bao giờ được dịp thưởng thức giòng nhạc, giọng ca hay như thế!", ông nhận xét.

Khi tan cuộc hội luận và tiệc trà, mọi người đếu nói đây là cuộc thảo luận mang tính tích cực, xây dựng. Có người mong nên tái diễn như thế. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.