Hôm nay,  

Ba Tôi, Người Cha Khả Kính và Khả Ái...

18/06/200700:00:00(Xem: 10052)

Người cha quý kính.

  Chiều thứ bảy sau khi hoàn tất Khóa Huấn Luyện Sư Phạm thiện nguyện cho Trung Tâm Giáo Dục Hông Y Nguyễn Văn Thuận, tôi vừa bước chân vào nhà đã cảm thấy tất cả những mệt mỏi tan biến.  Đống chén dĩa lúc sáng đi vội để bừa bộn đã được rửa dọn sạch sẻ và úp ngăn nắp trong rổ.  Nhìn ra ngoài thấy vườn tược cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng, tôi biết ngay ba mẹ tôi đã đến thăm và đã làm những chuyện ấy. 

Tôi mường tượng được tiếng mắng yêu của mẹ tôi, "Cái cô này, suốt ngày chỉ biết chạy ngoài đường, làm toàn chuyện vác ngà voi, giống hệt như ba cô thôi!"  Tôi đã nghe mẹ tôi nói câu này nhiều lần với tôi nhưng trong giọng trách nhẹ nhàng đó có chứa đựng sự chấp nhận "cha nào con nấy" cũng như sự việc "vác ngà voi".  Những lần nghe vậy, tôi và ba tôi nhìn nhau nỡ một nụ cười "đồng lõa."   Đúng như thế, trong gia đình tám anh chị em, có lẽ tôi là người chịu ảnh hưởng của ba tôi nhiều nhất.  Mỗi lần có dịp chia sẻ cùng đồng nghiệp về những người "role models" trong cuộc đời chúng tôi, những người có ảnh hưởng nhiều trên sự suy nghĩ và cách sống, tôi không ngần ngại nói ngay rằng đó là ba tôi.  Đối với cá nhân tôi, ba tôi phản ảnh một con người khả kính và khả ái.

Tuổi nhỏ tôi lớn lên trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam gia tăng cường độ tàn khóc. Gia đình tôi phải di chuyển liên tục đi nhiều nơi vì ba tôi lệ thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa, không có sự lựa chọn. Tôi sanh ra ở Saigon, lớn lên ở Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng và cuối cùng gia đình trở về lại Saigon trước khi tản cư ra Phú Quốc và rời xa quê hương từ đó.  Cũng có những thời gian ngắn tôi được ở Komtum, Ban Mê Thuột, Huế, và Quảng Trị.  Thời gian các chị em tôi ở nội trú nhà dòng Franciscan Đà Lạt là khoảng thời gian tôi không được gặp ba tôi nhiều.  Thỉnh thoảng có những cuối tuần ba tôi đi hành quân xa trở về thì chị em tôi được đón về nhà tụ họp với gia đình.

 Tôi nhớ lúc ấy điểm học tôi rất thấp, hầu như lúc nào cũng xếp hạng gần hoặc cuối lớp trong khi các chị tôi học rất giỏi. Các lớp do mấy soeurs dạy và khi ba tôi đến đón, bà mẹ bề trên mời ba tôi vào văn phòng nói chuyện.  Tôi sợ bị ba mẹ mắng và các anh chị chế diễu là dốt nên buồn và lo lắm.  Tối hôm đó, ăn cơm xong ba tôi gọi tôi ra riêng để nói chuyện.  Tôi không nhớ ba tôi hỏi tôi những điều gì nhưng tôi không thấy ba tôi tỏ vẻ gì buồn hoặc giận nên hết lo sợ.  Sau đó ba tôi còn lấy tờ báo chỉ vào các hàng chữ và bảo tôi đọc xem mắt tôi có kém không.

Sau khi "khảo sát" tôi xong, ba tôi quay qua nói với mẹ tôi và cả nhà, "Không.  Con bé này không có vấn đề gì hết!"  và cười vui vẻ.  Ngày hôm sau khi chở chị em tôi trở về lại trường, ba tôi cũng nói y như thế với bà mẹ bề trên mặc dầu bà vẫn không hài lòng mấy về tôi. Sau này khi nghiên cứu về tâm lý giáo dục, tôi mới ý thức được tác dụng tích cực từ quyết định sáng suốt của ba tôi.  Nếu như ba tôi tin vào lời phê bình của các soeurs và mère superieur và cho là trí óc tôi phát triển chậm, kém thông minh, hay "có vấn đề" thì có lẽ tôi cũng sẽ trở thành như thế thật. 

Đã có những nghiên cứu chứng minh được điều này và họ gọi đó là "the fulfillment prophecy" hay là "the Pygmylian Effect".  Một người thông minh bình thường mà bị đối xử như một kẻ kém thông minh vì những người chung quanh tin lầm là vậy, lâu dần sẽ trở nên như thế. Niềm tin của ba tôi dựa trên sự quan sát, trao đổi với tôi đưa tới suy luận là tôi học dở, nhưng không dốt! Một mặt khác, tôi hãnh diện là ba tôi "bênh" tôi và nhờ vậy, tôi tự tin hơn.  Cũng có lẽ chính vì kinh nghiệm bản thân học dơ, điểm thấp, suốt năm bị "đội sổ" nên tôi theo ngành giáo dục sư phạm vì tin rằng không có học sinh dốt, chỉ có giáo viên dạy kém mà thôi!

Khoảng thời gian ba tôi làm việc ở Đà Nẵng là lúc tôi nghĩ ba tôi bi lao tâm hao trí nhiều nhất. Chiến tranh Việt Nam lúc ấy đang ở cao độ và Đà Nẵng là nơi quy tụ nhiều thành phần, phe nhóm đối kị nhau.  Đó cũng là nơi đổ bộ của lính Hoa Kỳ và do đó phát xuất nhiều tệ đoan xã hội ở mọi tầng lớp.  Lúc nào trong thành phố cũng có những nhóm người biểu tình chống đối việc này việc nọ. 

Là người chịu trách nhiệm trực tiếp cho cư dân và quân nhân trong địa hạt này, ba tôi làm việc ngày đêm.  Lúc nào chung quanh ba tôi cũng có những người bí thư, phụ tá, sẵn sàng đưa thêm công việc, vấn đề cấp bách cần giải quyết hoặc nhắc nhỡ ba tôi tham dự các buổi họp đã được sắp đặt sẵn.  Thời gian ba tôi có với gia đình càng ngày càng ít dần. Có những buổi chiều tan học tôi không về nhà mà tìm tới Tòa Thị Chính, nơi ba tôi làm việc để đợi ba tôi cùng về.  Có một lần ngồi bên ngoài phòng đợi tôi nghe lỏm bỏm câu đối thoại bên trong - một người kí giả có vẻ hăm dọa ba tôi nếu không hợp tác sẽ bị bôi nhọ trên báo. 

Tôi còn bé không hiểu hết vấn đề nhưng cảm thấy lo lắng cho ba tôi.  Tôi không nghe rõ câu trả lời của ba tôi nhưng chỉ thấy người ấy xô cửa ra một cách bực tức thì đoán là ba tôi không làm theo ý họ.  Nhìn nét mặt lo âu của tôi, ba tôi cười hiền lành và nói, "Con luôn nhớ - Trên đầu con có Chúa, Ngài biết hết mọi chuyện.  Chung quanh con có gia đình và đồng bào, con phải sống giữa mọi người.  Trong con có lương tâm, tự con đã biết phải trái rồi." Càng về sau, càng lớn và càng phải đụng chạm nhiều, nhất là trong thời gian tranh cử vào Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove năm 2004, tôi càng cảm sự thâm thúy của lời ba tôi dạy lúc ấy. 

Gia đình tôi lúc ở Đà Nẵng thuộc thành phần "có tiếng nhưng không có miếng."  Ba tôi tận dụng phương tiện truyền thông truyền hình để thông tin chính xác cho dân chúng tất cả những dự án và diễn tiến công việc ông đang làm nên được nhiều người biết đến, kính trọng và hổ trợ.

Theo truyền thống "làm ăn" của người Á Đông, vấn đề quà cáp lúc nào cũng đầy đủ.  Chiếc bàn dài tiếp khách nhà trên mỗi dịp lễ Giáng Sinh cuối năm, đựng đầy mấy chục ổ bánh buches và mỗi dịp tết đầu năm bao nhiêu khay bánh mứt hạng nhất thành phố.  Tất cả những bánh trái ấy điều được mẹ tôi đem đi phân phát cho các nhà dòng và cô nhi viện theo chỉ thị của ba tôi. Ngay cả những vé ciné hoặc vé cho các buổi đại nhạc hội được gửi tới tận nhà mỗi cuối tuần chúng tôi cũng không được đụng đến.  Để sống đủ trong phạm vi mức lương của ba tôi, me tôi phải mua từng cuộn vải bán sĩ cho rẻ về may áo quần cho chị em chúng tôi. Có những cuộn vải rất đẹp, tuy nhiên khi cả năm chị em chúng tôi mặc như nhau thì không khác gì trẻ mồ côi!  Các chị lớn tôi xấu hổ, than phiền cho lắm cũng chẳng đến đâu vì mẹ tôi không làm khác được! 

Theo truyền thống Việt Nam thì "một kẻ làm quan cả họ được nhờ' nhưng có lẽ điều ấy cũng không được áp dụng trong dòng họ tôi vì ba tôi theo đúng nguyên tắc các luật lệ và thủ tục hành chánh phải được thi hành như nhau cho tất cả mọi người không phân biệt người thân hay người lạ.

Trong thời gian làm việc ở Đà Nẵng, có một lần ba tôi bị kiệt sức - lúc ấy có chiếc tàu Hellgoland, một trung tâm y tế của Đức đang đậu ở bến hải cảng Bạch Đằng Giang - mẹ tôi lấy lí do tôi cần mổ thịt dư trong cổ nên đưa tôi lên ấy và bảo ba tôi nhân tiện lên nghỉ dưỡng sức và trông nom tôi.  Tôi chẳng lo ngại về việc phải bị mổ, chỉ vui vì được lên ở trên một chiếc tàu to lớn đầy đủ tiện nghi và bên cạnh có ba. 

Ban ngày tàu là một trung tâm y tế, chẩn bịnh và chữa bịnh cho dân chúng lên xuống.  Mỗi chiều, chiếc tàu là một bệnh viện nổi, chạy ra khơi để tránh bị pháo kích, chỉ có những bệnh nhân đang điều trị mới ở lại trên tàu.  Tôi nhớ những buổi chiều đứng trên boong tàu nhìn ráng chiều chiếu xuống mặt nước lấp lánh như vàng lỏng, nhìn bầu trời nhiều vệt mây tím, đỏ, cam, lòng tôi xao xuyến nhớ nhà.  Nhìn qua nét mặt đăm chiêu của ba tôi, tôi bắt đầu cảm nhận lòng yêu quê hương, đồng bào và thân phận một đất nước giữa thời chiến. 

Trong những năm cuối cùng ở Đà Nẵng, có những lần ba tôi phải bất chợt lên xe đi băng qua đèo Hải Vân để đến những thành phố lân cận vì một vấn đề cần thiết, tôi đã được đi theo.  Những lần như thế, tôi ngồi yên, không làm phiền ba tôi khi ông phải bàn chuyện với ông phụ tá.  Tuy nhiên, tôi biết ba tôi vui vì có tôi đi cùng.  Lần đầu tiên lên tới đỉnh đèo, ba tôi cho xe ngừng lại và chỉ cho tôi coi cảnh đồi núi.  Lúc ấy, mấy câu thơ tả cảnh Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quang sống dậy trong lòng tôi.  Tôi xúc động gần rớt nước mắt khi thấy tận mắt,

"Cỏ cây chen lá, đá chen hoa.

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông rợ mấy nhà."

Và một lần nữa, cảm xúc liên kết với quê hương đất nước được khơi dậy khi tôi lẩm nhẩm mấy câu cuối của bài thơ tuyệt diệu của bà Huyện Thanh Quang.  Sau này khi làm mẹ, tôi ý thức được mãnh lực của cảnh vật và ích lợi của sự du lịch nên đã không ngần ngại cho con tôi nghỉ học đi theo tôi những lúc tôi đi làm tại các nơi xa nhà.

Ba năm cuối cùng trước khi rời Việt Nam, gia đình chúng tôi trở về lại Saigon.  Gia đình chúng tôi được tụ họp, sống chung dưới một mái nhà.  Tuy nhiên đó là thời gian Saigon bị pháo kích liên miên.  Có những đêm khuya đang ngon giấc, tiếng còi hụ báo động vang lên, chúng tôi lồm cồm ngồi dậy, quờ chân xỏ dẹp, mắt nhắm mắt mở đi xuống hầm trú ẩn được đào sau nhà. 

Bình thường chúng tôi chỉ ngồi trong hầm chừng một tiếng đồng hồ là quá và được trở về giường êm nệm ấm.  Cũng có khi những tiếng nỗ vang rền và rõ mồn một như sát bên cạnh.  Lúc đó chúng tôi co rúm người lại và tim đập thình thịch trong lòng ngực và nỗi sợ hãi bao trùm không khí ngột ngạt trong chu vi căn hầm nhỏ bé.  Giữa lúc ấy, giọng nói bình tĩnh trầm ấm của ba tôi vang lên, "Chẳng có gì mà phải sợ cả! Có Chúa quan phòng rồi.  Mà gia đình chúng ta thật quá là may mắn có được một nơi trú ẩn an toàn như thế này.  Hạnh phúc hơn nữa là cả gia đình mình đang cùng nhau ở cùng một nơi, không lạc mất ai cả. Các con nhớ nhé - gia đình mình được Chúa thương một cách đặc biệt lắm đấy.  Qua bao nhiêu biến cố mà giờ đạy ba còn sống đây với các con."  Lúc ấy mọi sự chung quanh tôi như rung lên với sức sống.  Tất cả các giác quan tôi mở rộng và thu nhận tất cả những gì đang xảy ra. 

Sau này những khi gặp lúc nguy khốn, tôi "sống" lại giây phút đó, tôi cảm tưởng như đang ở trong căn hầm chật hẹp nhưng ấm cúng vì chung quanh tôi là những người yêu thương tôi.  Tôi có cảm giác được che chở bảo bộc một cách đặc biệt vì bao nhiêu bom đạn bay chung quanh mà không có một vật gì rớt xuống nơi chúng tôi đang trú ẩn.  "Sống" lại được giây phút ấy cho tôi sức mạnh vượt qua những khó khăn đang gặp phải.

Lúc vào Saigon, gia đình chúng tôi đông người và bận rộn nhiều công việc nên trong nhà có nhiều người giúp việc.  Chúng tôi cũng bắt đầu lớn và lên trung học nên mẹ tôi cho học nấu ăn, thêu thùa, may cắt ngoài chuyện học nhạc học đàn.

Một tháng hai lần vào dịp cuối tuần, ba tôi bảo mẹ tôi cho người làm nghỉ việc đi chơi hết.  Mấy chị em chúng tôi phải tự phân chia công việc, giặc áo quần, lau nhau, đi chợ, nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp…Chúng tôi ngấm ngầm phản đối và than thân trách phận vì chúng tôi chưa thấy gia đình nào trong đám bạn bè chúng tôi mà có lối "hành hạ" con cái như gia đình mình.  Mấy chị người làm tội nghiệp chúng tôi nên trước khi họ xách ví đi phố cuối tuần, họ cũng làm mọi chuyện ngăn nắp sạch sẽ để công việc chúng tôi được nhẹ bớt. 

Từ đó chúng tôi càng ý thức hơn vai trò tương trợ giữa những người giúp việc với bản thân chúng tôi nên càng lễ phép và ngoan ngoãn với các chị ấy hơn. Bài học này có lẽ giúp chúng tôi nhiều nhất khi cả gia đình phút chốc trở thành những người tị nạn lưu lạc đất khách quê người.  Chúng tôi tự lo liệu được các công tác nội trợ trong gia đình.  Các chị em chúng tôi không cảm thấy quá tủi hổ khi trở thành những người đi làm công, đi giúp việc, đi "babysit" và đi "clean" nhà  cho các gia đình bản xứ mỗi cuối tuần để phụ thêm vào ngân khoản gia đình. 

Cũng có những lúc chúng tôi chán nản vì đời sống quá khó khăn, những trở ngại vì ngôn ngữ bất đồng và những động chạm vì khác biệt văn hóa trong thời gian đầu của tiến trình hội nhập.  Những lúc ấy, ba tôi nói, "Các con hãy nhìn xuống, đừng nhìn lên!"  Thoạt nghe, câu nay tương phản với lối giáo dục Âu Mỹ - luôn luôn khuyến khích con người phải nhìn lên, tiến tới, với cao hơn. .. Nhưng ba tôi nhắc nhỡ chúng tôi nghĩ đến những bạn bè cùng lứa tuổi giờ đấy tại quê nhà đang gặp hoạn nạn, không được đi học, bị đẩy ra khỏi nhà, phải đi làm ruộng, làm rẫy ở những vùng đất đá khô cằn; cha đi tù, mẹ phải lặn lội đi tìm, đi thăm nuôi cha v..v... Khi "nhìn xuống" như thế thì chúng tôi tự nhiên cảm thấy chúng tôi quá đỗi may mắn và hạnh phúc. 

Những yêu thương dạy dỗ của ba tôi đã là hành trang cho chúng tôi trong suốt quãng đường đời vừa qua. Tôi vẫn hằng mong ước có thể truyền trao cho con tôi và các thế hệ sau  những giá trị tinh thần tôi nhận được từ ba tôi và gia đình tôi.  Trước hết, tôi mong các con tôi luôn ý thức những hạnh phúc chúng đang có.  Và khi ý thức được thì tiếp theo với sự biết thể hiện lòng biết ơn.  Tất cả những điều lành điều tốt chúng ta đang có không phải tự dưng một mình làm nên mà do Ơn Trên và sự giúp đỡ của những kẻ khác.  Chính lòng biết ơn này sẽ tạo động lực cho chúng ta biết đóng góp lại để giúp những người khác theo khả năng của chúng ta. Các việc "vác ngà voi" gần như một truyền thống gia đình của chúng tôi.  Các chị em chúng tôi hầu như ai cũng có vài cái ngà để vác khi bổn phận gia đình bắt đầu nhẹ gánh.  Khi nghĩ lại vai trò và khả năng làm cha làm mẹ con cái trong xã hội hôm nay, tôi cảm thấy yếu kém và thua xa ba mẹ tôi lúc trước. Tôi không hiểu tại sao trong một hoàn cảnh đất nước điêu linh, loạn lạc thế kia mà ba mẹ tôi hoàn tất được sự nuôi dưỡng và giáo dục cho tất cả tám anh chị em tôi.  Một người bạn chúng tôi nói, sự báo hiếu cha mẹ thiết thức nhất là dạy con cái của chính mình nên người theo những đường lối và truyền thống mà bản thân mình đã nhận được từ cha mẹ.  Tôi mong có ngày chúng tôi làm được chuyện này.

Chúc Mừng Ngày Lễ Thân Phụ, Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
“Độc tài, độc đảng là bà đẻ của tham nhũng vì hệ thống cai trị dựa trên sự bao che và tuỳ tiện để bảo vệ đặc lợi cho đảng cầm quyền.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.