Hôm nay,  

TT Bush Diễn Văn Về Dân Chủ đọc tại Praha Ngày 5-6-2007

09/06/200700:00:00(Xem: 5511)

(Nhân Chuyến Ghé Thăm Cộng Hòa Czech Ngày 5 tháng 6, 2007)

Tổng thống Bush: Kính thưa Tổng Thống IIves, Bộ Trưỏng Ngoại Giao Schwarzenberg và qúy khách danh dự:

Laura và tôi rất vui khi được trở lại Prague, và chúng tôi tri ân sự chào mừng nồng hậu của qúy vị tại sảnh đường lịch sử này. Ngày mai, tôi sẽ tham dự Thượng Định G-8, nơi mà tôi sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Trưa ngày hôm nay, tôi đang đứng cùng những con người là đại diện cho một sức mạnh còn vĩ đại hơn - đó là sức mạnh của lương tri.

Trong sảnh đường này có sự hiện diện của những nhà đối kháng và hoạt động dân chủ từ 17 quốc gia khắp năm châu. Qúy vị có những truyền thống khác biệt, có niềm tin tôn giáo khác nhau, và phải đương đầu với những thử thách khác nhau. Nhưng qúy vị đã đoàn kết trong một niềm tin vững chắc rằng: tự do là quyền bất khả thương lượng của mỗi con người, và con đường dẫn đến một nền hòa bình vững bền trong thế giới của chúng ta con đường giải phóng.

Hội nghị này là do sáng kiến của ba nhà hoạt động cho tự do nổi tiếng trong thời đại của chúng ta: Jose Maria Aznar, Vaclav Havel, và Natan Sharansky. Tôi cám ơn họ đã mời tôi đến nói chuyện với một cử tọa đáng ngưỡng mộ, và tôi cám ơn họ vì đã chứng minh cho thế giới thấy rằng một cá nhân có đạo đức và dũng cảm có thể thay đổi tiến trình của lịch sử.

Thật là xứng đáng khi chúng ta tụ họp tại Cộng Hòa Czech - trái tim của Âu Châu và cuộc tranh đấu vì tự do tại lục địa này. Chín thập niên trước đây, Tomas Masaryk đã công bố nền độc lập của Czechoslovakia dựa trên "lý tưởng dân chủ hiện đại." Nền dân chủ đó đã bị ngắt quãng, đầu tiên là bởi chế độ Nazis, và kế đến là Cộng Sản đã cướp chính quyền trong một cuộc đảo chánh đáng xấu hổ dẫn đến cái chết của Bộ Trưởng Ngoại Giao ngay tại sân của sảnh đường này.

Xuyên qua sự chiếm đóng kéo dài trong tăm tối của Soviet, thể diện thực sự của quốc gia này đã không bao giờ bị ngờ vực. Thế giới đã mục kích thể diện đó trong cuộc cải cách Mùa Xuân Prague và những yêu sách hợp lý của Hiến Chương 77. Những nỗ lực này đã được đáp trả với xe tăng, dùi cui, và sự bắt bớ của mật vụ. Nhưng bạo lực đã không thể có tiếng nói sau cùng. Năm 1989, hằng ngàn người đã tụ họp tại Quảng Trường Wenceslas đòi tự do. Những nhà hát như Magic Lantern đã trở thành bộ chỉ huy của những nhà đối kháng. Công nhân đã rời bỏ xưởng để ủng hộ cuộc đình công. Chỉ trong vài tuần lễ, chế độ đã sụp đổ. Từ một tù nhân, Vaclav Havel đã trở thành lãnh đạo quốc gia. Và dân tộc Czechoslovakia đã giựt sập Bức Màn Sắt bằng cuộc Cách Mạng Nhung.

Khắp Âu Châu, bối cảnh tương tự cũng đang xảy ra. Tại Ba Lan, một phong trào khởi xướng từ một xưởng đóng tàu đã giải phóng cả một quốc gia. Tại Hungary, nhiều người đã tụ tập tại Quảng Trường Anh Hùng để tiễn đưa một nhà cải cách đã bị giết- và đồng thời chôn luôn cả chế độ Cộng Sản. Tại Đông Đức, nhiều gia đình đã tụ tập để cầu nguyện - và họ đã tìm thấy sức mạnh để kéo sập một bức tường. Chẳng bao lâu sau, các nhà tranh đấu đã xuất hiện từ những gác xép và hầm nhà thờ để giành lại chủ quyền trên những con đường của Bulgaria, Romania, Albania, Latvia, Lithuania, và Estonia. Hiệp Ước Warsaw đã bị tan rã một cách ôn hòa ngay tại sảnh đường này. Và sau bảy thập niên đàn áp, Liên Bang Soviet đã không còn tồn tại.

Sau những thành quả đầy kinh ngạc này là sự chiến thắng của tự do trong cuộc chiến tư tưởng. Người cộng sản có ý thức hệ đế quốc mà họ tự nhận biết rõ hướng đi của lịch sử. Nhưng sau cùng, nó đã bị khuất phục bởi những con người bình thường muốn sống cuộc đời theo ý của họ, muốn thờ phượng Thượng Đế của họ, và muốn nói sự thật với con cái của họ. Người cộng sản có sự cai trị tàn khốc của Brezhnev, Honecker, và Ceausescu. Nhưng sau cùng, nó đã thua xa tầm nhìn của Walesa và Havel, thua xa sự dũng cảm của Sakharov và Sharansky, thua xa quyết tâm của Reagan và Thatcher, thua xa sự vô úy của (Đức Giáo Hoàng) John Paul. Từ kinh nghiệm này, một bài học rõ ràng đã xuất hiện: Tự Do có thể bị kháng cự hoặc trì hoãn, nhưng Tự Do không thể bị từ chối.

Từ ngày được giải phóng, những quốc gia Trung và Đông Âu đã trải qua nhiều khó khăn trên bước đường chuyển tiếp qua nền dân chủ. Lãnh đạo các quốc gia này đã phải tiến hành những cải cách khó khăn cần thiết để gia nhập NATO và Liên Âu. Người dân đã giành lại tự do trong vùng Balkans và xa hơn. Hiện nay, sau nhiều thế kỷ của chiến tranh và đau khổ, Âu Châu cuối cùng đã được an hưỏng hòa bình.

Thời đại mới đã mang lại những mối đe doạ mới cho tự do. Ở những góc tối tăm và bị ức chế của thế giới, nhiều thế hệ đang lớn lên không có tiếng nói đối với chính quyền của họ và không có hy vọng gì ở tương lai. Cuộc sống bị ức chế tạo nên sự hận thù, và đối với nhiều người, sự hận thù biến thành chủ nghĩa giáo điều, cực đoan và bạo động. Thế giới đã chứng kiến hậu quả ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi khủng bố có căn cứ tại Afghanistan đã gửi 19 kẻ quyết tử để giết gần ba ngàn người vô tội tại Hoa Kỳ.

Một số người quan niệm chỉ nên phản ứng trong phạm vi nhỏ đối với cuộc tấn công này. Trên thực tế, vụ khủng bố 9/11 là bằng chứng của mối nguy hiểm rộng lớn hơn nhiều - đó là một phong trào Hồi Giáo bạo động quốc tế đang đe dọa con người ở khắp mọi nơi. Tham vọng của những người cực đoan là xây dựng một đế quốc độc tài bao phủ lãnh địa Hồi Giáo hiện nay và trước đây, bao gồm một phần của Âu Châu. Chiến lược của họ để đạt được mục tiêu là làm cho cả thế giới sợ hãi tới độ phải đầu hàng họ bằng cách tiến hành những chiến dịch khủng bố giết người tàn bạo.

Để đối phó với kẻ thù này, Hoa Kỳ và đồng minh đã tấn công với lực lượng quân đội, tình báo và cảnh sát. Tuy nhiên, trận chiến này không chỉ là một cuộc xung đột quân sự. Như thời Chiến Tranh Lạnh, nó là một cuộc chiến ý thức hệ giữa hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về nhân loại. Một bên là những thành phần cực đoan hứa hẹn thiên đàng, nhưng thực hành lối sống đánh đập công khai, đàn áp phụ nữ và nổ bom tự sát. Bên kia là đại đa số những người trung dung - kể cả hằng triệu tín hữu Hồi Giáo - với niềm tin rằng đời sống mỗi người đều có nhân phẩm và giá trị mà không một thế lực nào trên trái đất có thể lấy đi.

Vũ khí mạnh nhất trong công cuộc chống lại chủ nghĩa cực đoan không phải là đạn hay bom - mà là lời kêu gọi toàn cầu cho tự do. Tự Do là thiết kế của Tạo Hóa, và là khát vọng của mọi tâm hồn. Tự do là cách tốt nhất để phát huy sự sáng tạo và tiềm năng kinh tế của một quốc gia. Tự do là trật tự xã hội duy nhất dẫn đến công lý. Và tự do của con người là cách duy nhất để đạt tới nhân quyền.

Mở rộng tự do không chỉ là điều bắt buộc của luân lý - nó là con đường thực tế duy nhất để bảo vệ người dân lâu dài. Nhiều năm về trước, Andrei Sakharov đã từng cảnh báo rằng quốc gia nào không tôn trọng quyền của công dân mình thì quốc gia đó sẽ không bao giờ tôn trọng quyền của những quốc gia lân bang. Lịch sử đã chứng minh rằng Andrei Sakharov nói đúng. Những quốc gia có trách nhiệm với nhân dân của mình không tấn công lẫn nhau. Dân chủ giải quyết các vấn đề bằng phương thức chính trị thay vì đổ lỗi cho những con dê tế thần bên ngoài. Khi người trẻ có thể bất đồng ý kiến với lãnh đạo công khai sẽ ít có khuynh hướng theo chủ thuyết bạo động. Những quốc gia tôn trọng tự do của công dân của họ sẽ không ủng hộ những thành phần cực đoan - họ sẽ liên kết để đánh bại khủng bố.

Vì tất cả những lý do này, Hoa Kỳ cam kết phát huy tự do và dân chủ như là phương cách để loại trừ cực đoan và đàn áp. Và chúng ta có một mục tiêu mang tính chất lịch sử trước mặt. Trong diễn văn đăng quang nhiệm kỳ hai, tôi đã thề là Hoa Kỳ sẽ đạt tới mục tiêu tối hậu là tiêu diệt độc tài trên thế giới. Có người cho rằng việc làm này khiến tôi đủ tiêu chuẩn để trở thành "tổng thống đối kháng". Nếu tranh đấu vì tự do trên thế giới khiến tôi trở thành nhà đối kháng, tôi hãnh diện được mang danh hiệu này.

Hoa Kỳ theo đuổi nghị trình tự do bằng nhiều cách - có cách công khai và có thể nhìn thấy rõ, có cách im lặng không mục kích được. Chấm dứt khủng bố đòi hỏi sự hỗ trợ đối với những lực lượng của lương tâm để phá hủy từ ngay trong lòng những chế độ đang trấn áp xã hội. Nhà đối kháng Soviet Andrei Amalrik so sánh một quốc gia độc tài như là một người lính luôn luôn chĩa súng về phía kẻ thù - cho đến khi mỏi tay và tù nhân trốn thoát. Mục tiêu của thế giới tự do là tạo áp lực lên cánh tay của những nhà độc tài trên thế giới - và tăng cường sức mạnh cho những tù nhân đang cố gắng đẩy nhanh sự sụp đổ của độc tài.

Vì vậy tôi đã đích thân gặp gỡ những nhà đối kháng và hoạt động dân chủ từ những quốc gia độc tài nhất bao gồm Belarus, Burma, Cuba, Bắc Hàn, Sudan và Zimbabwe. Tại hội nghị này, tôi mong muốn được gặp những nhà đối kháng khác từ Iran và Syria. Một trong những nhà đối kháng là Mamoun Homsi. Trong năm 2001, ông là thành viên độc lập của quốc hội Syria đã công bố một tuyên ngôn đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng nhân quyền. Vì hành động ôn hòa này, ông đã bị bắt và bị cầm tù nhiều năm cùng với những nhà tranh đấu khác cho một Syria tự do.

Một nhà đối kháng khác mà tôi sẽ gặp tại đây là Rebiyah Kadeer từ Trung Hoa, những người con trai của bà đã bị cầm tù, mà theo chúng tôi nghĩ, là để trả thù những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền của bà. Những tài năng như Rebiyah là tài nguyên lớn lao nhất của quốc gia họ, có giá trị hơn gấp nhiều lần những vũ khí của quân đội hoặc dầu hòa dưới lòng đất. Hoa Kỳ kêu gọi những quốc gia đang bóp nghẹt đối kháng hãy chấm dứt đàn áp, hãy tin tưởng người dân, và tôn trọng quyền tự do mà công dân của họ xứng đáng được hưởng.

Có nhiều nhà đối kháng đã không thể tham dự được vì họ đang bị cầm tù hoặc quản chế tại gia một cách bất công. Tôi mong đợi có một ngày trong hội nghị như thế này có sự hiện diện của Alexander Kozulin của Belarus, Aung San Suu Kyi của Burma, Oscar Elias Biscet của Cuba, Linh mục Nguyễn Văn Lý của Việt Nam, Ayman Nour của Egypt - Con gái của một trong những nhà đối kháng hiện có mặt tại sảnh đường này. Tôi muốn nói với cô ấy và tất cả những gia đình của những nhà đối kháng rằng: Tôi tri ân lòng dũng cảm của qúy vị. Tôi cầu nguyện cho qúy vị được ơn an ủi và sức mạnh, và tôi kêu gọi những người thân yêu của qúy vị được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.

Trong cái nhìn của Hoa Kỳ, những nhà đối kháng dân chủ ngày hôm nay là những lãnh đạo dân chủ của ngày mai. Vì vậy chúng tôi tiến hành những bước mới để gia tăng sự hỗ trợ. Chúng tôi gần đây đã thành lập Qũy Hỗ Trợ Nhân Quyền để cung cấp ngân qũy cho dịch vụ pháp lý và y tế cho những nhà hoạt động dân chủ bị bắt giữ hoặc bị hành hung bởi nhà cầm quyền. Tôi hoàn toàn ủng hộ Hồ Sơ Prague mà hội nghị dự trù sẽ ấn hành, với công bố rằng "bảo vệ nhân quyền là tối cần thiết đối với nền an ninh và hòa bình quốc tế." Chia xẻ mục tiêu của tuyên ngôn này, tôi đã yêu cầu Ngoại Trưởng Rice chỉ thị cho tất cả các Đại Sứ Hoa Kỳ tại những quốc gia thiếu tự do: Phải tìm và gặp những nhà hoạt động dân chủ. Tìm đến những người tranh đấu nhân quyền.

Những người đang sống dưới một thể chế độc tài cần biết rằng họ không bị lãng quên. Người dân Bắc Hàn sống trong một xã hội khép kín, đối kháng bị đàn áp khốc liệt, và họ bị cắt đứt liên hệ đối với anh chị em của họ ở miền Nam. Người dân Iran là một dân tộc tuyệt vời, có quyền vạch ra hướng đi cho tương lai của chính mình, nhưng tự do của họ đã bị khước từ bởi một thiểu số cực đoan theo đuổi vũ khí nguyên tử, ngăn chặn quốc gia này đạt đến một vị trí xứng đáng trong những quốc gia tiến bộ. Người dân Cuba đang tuyệt vọng để có tự do - và là một quốc gia đang tiến vào giai đoạn chuyển tiếp, chúng ta phải nhất định đòi hỏi tự do bầu cử, tự do ngôn luận và tự do hội họp. Và tại Sudan, tự do bị từ chối và nhân quyền bị vi phạm bởi chính quyền đang theo đuổi chế độ diệt chủng với chính công dân của họ. Thông điệp của tôi đối với những ai đang sống dưới ách độc tài là: Chúng tôi sẽ không bao giờ miễn thứ cho những kẻ đàn áp các bạn. Chúng tôi sẽ luôn luôn tranh đấu vì tự do của các bạn.

Tự do cũng đang bị tấn công tại những quốc gia đã có qúa trình phát triển. Tại Venezuela, lãnh đạo đã dùng hạ sách mị dân để hủy bỏ dân chủ, gia tăng sự kiểm soát và duy trì quyền lực. Chính quyền của Uzbekistan tiếp tục bịt miệng những tiếng nói độc lập bằng cách bỏ tù những nhà hoạt động nhân quyền. Và Việt Nam gần đây đã bắt giữ và cầm tù nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị ôn hòa.

Những diễn tiến này rất dễ làm ngã lòng, nhưng còn có nhiều lý do để lạc quan. Vào đầu năm 1980, chỉ có 45 quốc gia dân chủ trên trái đất. Bây giờ có tới 120 quốc gia dân chủ - hiện có nhiều người sống trong tự do nhất từ truớc đến nay. Và đó là trách nhiệm của những ai đang được hưởng ân phúc của tự do để giúp những ai đang tranh đấu cho tự do của đất nước họ. Vì thế, Hoa Kỳ đã gia tăng gần gấp đôi ngân qũy đối với những dự án dân chủ. Chúng tôi đang cộng tác cùng những quốc gia G-8 để đẩy mạnh sự thăng tiến của xã hội công dân tại Trung Đông qua những dự án như Diễn Đàn Cho Tương Lai. Chúng tôi cộng tác sát cánh cùng nền dân chủ mới tại Ukraine, Georgia và Kyrgyzstan. Chúng tôi chúc mừng nhân dân Yemen với cuộc bầu cử tổng thống lịch sử, và nhân dân Kuwait với cuộc bầu cử cho phép phụ nữ đi bầu và ứng cử lần đầu tiên. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ nhân dân Lebanon và Afghanistan và Iraq khi họ bảo vệ những gặt hái dân chủ chống lại kẻ thù cực đoan. Những người này đang hy sinh lớn lao cho tự do. Họ xứng đáng được sự ngưỡng mộ của thế giới, và xứng đáng được sự hỗ trợ vững bền của chúng ta.

Hoa Kỳ đồng thời dùng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy những đối tác quan trọng như Ai Cập, Saudi Arabia, và Pakistan tiến đến tự do. Những quốc gia này đã dũng cảm hành động chống lại thành phần cực đoan, cùng với những bước để gia tăng tự do và sự minh bạch. Tuy nhiên, họ còn có một khoảng cách rất lớn để tiến tới. Hoa Kỳ sẽ áp lực những quốc gia này mở rộng hệ thống chính trị, cho người dân tiếng nói mạnh hơn. Điều không thể tránh được là việc này tạo ra sự căng thẳng. Nhưng sự quan hệ của chúng tôi đối với những quốc gia này đủ rộng và sâu để gánh sự căng thẳng này. Mối quan hệ của chúng tôi với Nam Hàn và Đài Loan trong Chiến Tranh Lạnh chứng minh rằng, Hoa Kỳ có thể duy trì tình bạn và cùng lúc thúc đẩy một quốc gia hướng đến dân chủ.

Chúng tôi cũng áp dụng bài học này trong quan hệ với Nga và Trung Hoa. Hoa Kỳ hiện có mối quan hệ vững mạnh với những quốc gia này. Tình bạn của chúng tôi với những quốc gia này rất phức tạp. Trong những lãnh vực mà chúng tôi chia xẻ quyền lợi, chúng tôi cộng tác với nhau. Trong những lãnh vực khác, chúng tôi có thể bất đồng ý kiến mạnh mẽ. Những nhà lãnh đạo Trung Hoa tin rằng họ có thể mở rộng kinh tế quốc gia mà không cần mở rộng hệ thống chính trị. Chúng tôi không đồng ý.

Tại Nga, cuộc cải cách từng hứa hẹn thêm sức mạnh cho công dân đã bị trật đường rầy với những dấu hiệu đáng lo ngại cho sự phát triển dân chủ. Một phần của mối quan hệ tốt là khả năng đối thoại công khai về sự bất đồng ý kiến. Vì vậy Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ của chúng tôi đối với những quốc gia này - mà vẫn sẽ không từ bỏ những nguyên tắc và giá trị của chúng tôi.

Chúng tôi biết rằng xã hội tự do tiến triển theo tốc độ khác nhau tại những quốc gia khác nhau. Một đức tính của dân chủ là phản ảnh lịch sử và phong tục địa phương. Tuy nhiên, có những giá trị dân chủ căn bản mà các nền dân chủ đều có chung như tự do ngôn luận, tôn giáo, báo chí, và tự do tụ họp, nền pháp trị bởi các tòa án độc lập, quyền tư hữu, và các đảng phái chính trị được cạnh tranh tự do và công bằng trong các cuộc bầu cử. Những quyền và cơ chế này là nền tảng của nhân phẩm con người, và trên con đường tìm đến tự do, các quốc gia sẽ tìm thấy Hoa Kỳ là một cộng sự trung thành.

Mở rộng tầm với của tự do là sứ mạng có thể đoàn kết các nền dân chủ trên thế giới. Có những đóng góp lớn lao nhất đang đến từ những quốc gia với ký ức độc tài gần đây nhất. Tôi cám ơn sự ủng hộ của Cộng Hòa Czech với những dự án dân chủ tại Belarus, Burma và Cuba. Tôi cám ơn Đức Quốc, Poland, Cộng Hòa Czech, Hungary, Slovenia, Georgia, Lithuania, Estonia và Croatia với sự đóng góp cho Qũy Dân Chủ Liên Hiệp Quốc. Tôi tri ân quyết tâm tham gia của những nền dân chủ mới tại Trung và Đông Âu vào Afghanistan và Iraq. Tôi rất cảm kích những quốc gia này đang sẵn sàng làm những việc khó khăn cần thiết để những ai muốn tự do có thể được sống trong xã hội tự do.

Trong mọi phương cách này, nghị trình tự do sẽ tạo được sự thay đổi. Công việc tiến hành rất khó, và sẽ tiếp tục khó khăn. Sẽ có những chiến thắng và thất bại, sẽ có những tiến triển và trở ngại. Chấm dứt độc tài không thể thực hiện qua đêm. Và dĩ nhiên, mục tiêu này luôn bị phê bình.

Có người nói rằng chấm dứt độc tài có nghĩa là "cưỡng bách giá trị của chúng ta" lên những người không cùng chia sẻ những giá trị đó, hoặc là người ta đang sống tại những vùng trên trái đất mà tự do không thể tồn tại. Điều này đã bị đánh bại với bằng chứng rằng mỗi khi con người được quyền lựa chọn, thì họ chọn tự do. Chúng ta đã chứng kiến nhân dân tại Latin America đã biến chế độ độc tài thành dân chủ, và nhân dân Nam Phi đã thay thế chế độ kỳ thị chủng tộc bằng một xã hội tự do, nhân dân Indonesia đã chấm dứt thể chế độc tài lâu đời trên quê hương họ. Chúng ta đã chứng kiến nhân dân Ukrainia trong những chiếc khăn màu cam đòi lá phiếu được đếm. Chúng ta đã chứng kiến hằng triệu người dân Afghanistan và Iraq chống lại khủng bố để bầu cử một chính quyền tự do. Tại một phòng phiếu ở Baghdad, tôi đã xúc động với lời nói của một cử tri bị cụt một chân: "tôi sẽ bò đến đây nếu cần." Tôi hỏi những người phê bình rằng: có phải dân chủ đã bị cưỡng ép lên người đàn ông đó" Có phải tự do là giá trị mà ông không trân trọng" Sự thực là chỉ có những thành phần giáo điều, cực đoan và độc tài mới cưỡng bách giá trị của mình lên người khác.

Và vì vậy mà người cộng sản đã đàn áp Mùa Xuân Prague, bỏ tù một nhà viết kịch bản công khai và run sợ trước một Giáo Hoàng gốc Ba Lan. Lịch sử cho thấy rằng sau cùng, tự do khuất phục sự sợ hãi. Và khi có cơ hội, tự do sẽ khuất phục sự sợ hãi tại mỗi quốc gia trên trái đất.

Một mục tiêu nữa - chống đối vì chấm dứt độc tài sẽ mang lại sự bất ổn. Những người phê phán chỉ vào những bạo động tại Afghanistan, Iraq, Lebanon như là những bằng chứng rằng tự do sẽ làm cho người dân bớt an toàn. Nhưng hãy nhìn vào để thấy ai là người đang gây ra bạo động. Chính những thành phần khủng bố và cực đoan. Đây không phải là điều trùng hợp khi họ nhắm vào những nền dân chủ non trẻ tại Trung Đông. Họ biết rằng sự thành công của những xã hội tự do là mối đe dọa chí tử cho tham vọng - và ngay cả sự sống còn của họ. Việc kẻ thù của chúng ta chống trả lại không phải là một lý do để nghi ngờ dân chủ. Nó là một bằng chứng rằng họ nhận biết sức mạnh của dân chủ. Nó là bằng chứng rằng chúng ta đang nằm trong cuộc chiến. Và nó cũng là bằng chứng rằng những quốc gia tự do phải làm bất cứ điều gì cần để chiến thắng.

Tuy nhiên, có người tranh cãi rằng có một mục tiêu an toàn hơn đó là sự ổn định, nhất là tại Trung Đông. Vấn đề là theo đuổi sự ổn định với cái giá phải trả là tự do sẽ không dẫn đến hòa bình - nó dẫn đến ngày 11 tháng 9, năm 2001. Chính sách chấp nhận độc tài là một thất bại về chiến lược và đạo đức. Đó là một lỗi lầm mà thế giới không thể tái phạm trong thế kỷ 21.

Nhiều người khác e sợ rằng dân chủ sẽ đưa những lực lượng nguy hiểm lên nắm chính quyền, như Hamas trong lãnh thổ Palestine. Bầu cử không phải lúc nào cũng đem lại kết qủa mong muốn, và dân chủ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ có một chuyến đi đến phòng phiếu. Dân chủ đòi hỏi đảng phái đối lập có ý nghĩa, một xã hội công dân sinh động, một chính quyền thi hành pháp lý và đáp ứng nhu cầu của người dân. Bầu cử có thể gia tăng sự thành hình của những cơ chế như thế. Trong một thể chế dân chủ, người dân sẽ không bầu cho một cuộc sống vĩnh viễn trong bạo lực. Để tiếp tục nắm quyền, dân cử phải lắng nghe người dân và theo đuổi những nguyện vọng cho hòa bình - nếu không, trong thể chế dân chủ, cử tri sẽ truất phế họ qua cuộc bầu cử tự do.

Sau cùng, có những tranh chấp cho rằng việc chấm dứt độc tài là không thực tế. Có người đã tranh luận rằng mở rộng dân chủ trên toàn cầu là việc khó lòng đạt được mục tiêu. Điều này không có gì mới. Chúng ta đã nghe những phê bình này trước đây xuyên qua chiều dài của lịch sử. Trong mỗi giai đoạn của Chiến Tranh Lạnh, có người đã tranh luận rằng bức tường Bá Linh là vĩnh viễn, và người dân sống phía sau Bức Màn Sắt sẽ không bao giờ có thể chiến thắng kẻ đàn áp họ. Lịch sử đã gửi một thông điệp khác.

Bài học là sẽ luôn luôn có những kẻ nghi ngờ tự do. Nhưng đó không phải là tất cả câu chuyện. Còn có những con người như các bạn, và những người thân thương mà qúy vị đại diện ngày hôm nay - những con người dũng cảm đã mạo hiểm tất cả vì lý tưởng. Trong diễn văn đầu tiên, Tổng Thống Vaclav Havel đã công bố: "Hỡi nhân dân, chính quyền đã được trả về trong tay qúy vị!" Ông đã lập lại ý tưởng bài diễn văn đầu tiên của Tomas Masaryk người đã trích dẫn nhà giáo Tiệp của thế kỷ 17 tên Comenius. Ông đã gởi thông điệp: Tự do không có giới hạn thời gian, Tự do không thuộc về riêng một chính quyền hoặc một thế hệ nào, mà Tự do là ước mơ và là quyền của mọi con người, mọi quốc gia trong mọi thời đại.

Hoa Kỳ tin tưởng vào thông điệp đó. Nó đã là nguồn cảm hứng cho tiền nhân dựng nước của chúng tôi, khi tuyên bố rằng "con người được sinh ra bình đẳng". Đây là niềm tin đã dẫn đường cho chúng tôi để giúp giải phóng lục địa này, và đứng chung với những quốc gia bị giam cầm trong cuộc đấu tranh trường kỳ của họ. Đây cũng là sự thật đã dẫn đường cho quốc gia của chúng tôi để chống lại chủ nghiã giáo điều, cực đoan, khủng bố và độc tài trên thế giới hôm nay. Và đây cũng là lý do tôi tin tưởng mãnh liệt vào những người hiện diện trong sảnh đường này.

Tôi rời Prague với niềm tin chắc chắn rằng lý tưởng tự do sẽ không mệt mỏi, và tương lai của nó đang ở trong tay những người tài giỏi nhất. Với niềm tin vững chắc vào sức mạnh của tự do, các bạn sẽ tác động lên tinh thần dân tộc của các bạn, sẽ lãnh đạo quốc gia của các bạn, và giúp thay đổi thế giới.

Xin cám ơn đã đón nhận tôi. Xin Thượng Đế ban phúc lành cho tất cả qúy vị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.