Hôm nay,  

Rút Mà Không Ra

02/06/200700:00:00(Xem: 8289)

Hoa Kỳ sẽ rút quân - nhưng không ra khỏi Iraq...

Hôm 28 vừa qua, lần đầu tiên Hoa Kỳ đã nói chuyện trực tiếp với Iran sau 27 năm gián đoạn, từ thời "Cách mạng Hồi giáo" năm 1979. Mục tiêu của việc đàm phán song phương được tập trung vào một hồ sơ là tương lai Iraq, nhưng hồ sơ ấy tất nhiên bao gồm các vấn đề quyền lợi của Iran và của các nước Á Rập Hồi giáo trong vùng.

Sau bốn tiếng thảo luận, đôi bên đều đổ lỗi nhau đã "gây rối tại Iraq", nhưng Đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad là Ryan Crocker vẫn cho rằng buổi họp đầu tiên có đạt kết quả tích cực. Còn Đại sứ Hassan Kazemi Qomi của Iran lại còn có vẻ tích cực hơn nữa.

Ông hứa hẹn là hai bên có thể gặp nhau trong vòng một tháng.

Sau đó, hai bên lại tiếp tục đả kích nhau và Tổng thống Bush đích thân nói đến việc ba học  giả Hoa Kỳ gốc Iran bị Tehran giam giữ là điều không chấp nhận được. Phiá Iran thì không quên là năm "nhà ngoại giao" của họ đã bị Mỹ bắt giữ tại Iraq từ đầu năm nay mà chưa thả. Trong khi ấy, hạm đội Bonhomme Richard của Hoa Kỳ đã hiện diện trong vùng Vịnh, sẵn sàng tung vào 17 ngàn lính thủy và Thủy quân Lục chiến.

Tức là chung quanh bàn hội nghị, đôi bên đều đấu khẩu và nói thách.

Nhưng, điều đáng chú ý hơn cả là hai ngày sau hội nghị song phương giữa hai vị Đại sứ tại Văn phòng của Thủ tướng Iraq, ông Tony Snow, Phát ngôn viên Tòa Bạch Cung đã có một lời phát biểu bất ngờ. Rằng Hoa Kỳ sẽ còn hiện diện rất lâu tại Iraq. Ít ra năm chục năm như chuyện đã xảy ra tại Triều Tiên.

Nhìn trên bề mặt, người ta cho rằng Chính quyền Bush tiếp tục cường điệu nói giọng tuyên truyền, rằng Hoa Kỳ sẽ không bỏ Iraq. Thật ra, khi Tòa Bạch Cung lại so sánh sự hiện diện của các đơn vị Mỹ tại Iraq với trường hợp Cao Ly - nơi mà lính Mỹ vẫn đóng quân từ năm "hưu chiến" 1953 đến nay - sự thể cần được nhìn lại dưới một góc cạnh khác.

Hoa Kỳ sẽ còn đóng quân tại Iraq rất lâu, nhưng lính Mỹ sẽ triệt thoái dần ra khỏi thành phố và chấm dứt nhiệm vụ canh chợ cho các phe phái Iraq học tập xây dựng dân chủ. Nói cách khác, Hoa Kỳ sẽ giảm quân số tại Iraq, nhưng rút mà không ra. Các căn cứ quân sự được bảo vệ kỹ lưỡng của Mỹ sẽ là yếu tố ổn định, hoặc ít ra là sức mạnh cân bằng các thế lực trong toàn khu vực. Bên ngoài các căn cứ này, nếu các phe nhóm Hồi giáo có muốn giết nhau thì đó là chuyện của họ, miễn là lính Mỹ không đứng giữa lãnh đạn.

Và bất cứ ai tấn công các căn cứ Mỹ sẽ là tấn công vào lãnh thổ hay quyền lợi của Hoa Kỳ.

Qua các kỳ họp tới giữa Washington và Tehran, sự hiện hữu của các căn cứ Mỹ sẽ nằm trong nghị trình "tương lai Iraq". Trong khi đối lập bên đảng Dân chủ vẫn làm khó Chính quyền Bush và nhiều người kêu gọi Mỹ phải đàm phán, việc đàm phán đang thực tế tiến hành, nhưng theo cung bậc khác, và trong một viễn cảnh khác.

Hoa Kỳ đã mất hơn 3.500 binh lính tại Iraq, một con số tổn thất thực ra rất nhỏ trong hơn bốn năm thọc tay vào ổ rắn. Nếu có so sánh với số thương vong vì tai nạn xe cộ hàng năm, hay hàng tháng, tại Hoa Kỳ thì vẫn chưa thấm vào đâu. Nhưng vấn đề đã thành một tổn thất chính trị cho ông Bush, ông bèn nhấn tới thay vì bọc xuôi theo áp lực của dư luận và Quốc hội. Chiến lược dốc quân đánh tới chính là để đạt điều kiện thương thảo tốt hơn với một đối thủ chính là Iran. Cũng vì vậy mà cùng với việc dồn quân đánh tới được đề nghị từ đầu năm nay, Chính quyền Bush đã trù tính rút quân ít ra phân nửa vào năm tới.

Sự tính toán này bị tờ New York Times tiết lộ khi hai Đại sứ chuẩn bị gặp nhau tại Baghdad - đôi khi do sự hớ hênh có chủ ý của Chính quyền Bush! Chỉ vài ngay sau đó, người ta mới hiểu là Mỹ sẽ rút phân nửa các đơn vị khỏi Iraq, còn phân nửa kia sẽ không ra mà luân phiên bảo vệ các căn cứ của Hoa Kỳ. Từ nay đến đó, binh lính Mỹ sẽ chuyển dần mục tiêu từ tác chiến và bình định qua huấn luyện và cố vấn các đơn vị Iraq.

Nếu đừng bị ù tai vì những lời đả kích ồn ào trên chính trường Mỹ trong một mùa bầu cử khởi sự quá sớm, người ta có thể nhìn ra sự hợp lý của quyết định này. Và cũng có thể hiểu vì sao Iran lại cũng có thể đồng ý như vậy.

Nhìn từ quyền lợi Hoa Kỳ, việc Iran có thể khống chế Iraq là điều khó chấp nhận. Mà càng khó chấp nhận cho các nước Ả Rập chung quanh như Saudi Arabia, Egypt và Jordan. Cả ba quốc gia Hồi giáo này đều không muốn Iran bành trướng thế lực mà cũng chẳng muốn Mỹ đóng quân trên lãnh thổ của họ. Nếu không có một sự cam kết của Hoa Kỳ, và sự đồng ý của Tehran, họ có thể nhúng tay vào cuộc bằng cách yểm trợ các nhóm phiến quân Sunni và sẽ không hết lòng diệt trừ các lực lượng khủng bố Thánh chiến (và al-Qaeda) đang trà trộn trong cộng đồng Sunni.

Nhìn từ quyền lợi của Iran, giả thuyết tệ nhất là nếu Hoa Kỳ lập ra một chính quyền thân Mỹ của thiểu số Sunni (Chính quyền Sunni không có Saddam Hussein và al-Qaeda). Giả thuyết đáng sợ ấy cho Tehran thật ra rất khó thành. Nhưng họ vốn không tin vào thực tâm của Mỹ và luôn luôn dự trù những trường hợp lật lọng của Washington!

Giả thuyết tạm chấp nhận được cho các Giáo chủ Tehran là Iran góp phần yểm trợ Chính phủ Baghdad để đào tạo và huấn luyện lực lượng an ninh Shia hầu bảo đảm là Chính phủ ba thành phần này có sức tự lực - và thân Iran.

Ngược lại, Tehran thực ra cũng thừa kinh nghiệm để biết rằng nếu Mỹ triệt thoái khỏi Iraq - như Quốc hội Dân chủ đang đòi tại Washington - thì Iran chưa kịp lấp vào khoảng trống do Mỹ để lại, các phe phái trong cuộc như dân Kurd và cả Shia sẽ loạn đả và gây họa cho các lân bang, từ xứ Turkey về tới Iran.

Cho nên, nếu nhìn trên toàn cảnh thì việc Hoa Kỳ rút mà không ra là chuyện không hẳn là phi lý. Tuy nhiên, đôi bên - hay nói cho đúng hơn, sáu phe liên hệ - đều muốn tác động vào chuyện đàm phán này để giành phần hơn.

Trước hết, nếu Hoa Kỳ và Iran đạt thỏa thuận tại Iraq, lực lượng khủng bố xưng danh Thánh chiến (al-Qaeda và các nhóm khủng bố ngoại nhập khác thuộc hệ phái Sunni) sẽ bị đòn xóc hai đầu nên phải phá cho tan mọi thỏa hiệp.  Thứ hai, các hệ phái trong phe Shia tại Iraq cũng không muốn Mỹ và Iran nhượng bộ phe Sunni quá nhiều trong tổ chức tương lai của chính quyền và kinh tế Iraq. Thứ ba, các lực lượng "dân quân" Sunni muốn đòi phần hơn trên bàn cờ - và giếng dầu - Iraq nên đã sớm ra tay truy lùng khủng bố al-Qaeda trong khi Mỹ đàm phán với Iran và sẽ lại tấn công thẳng vào phe Shia nếu thấy mình bị thất thế vì Mỹ nhượng bộ Iran quá nhiều!

Thứ tư, hai lực lượng thân Mỹ nhất tại Iraq thuộc sắc tộc Kurd lại không muốn bị Mỹ hy sinh để rút chạy, như đã từng bị trong quá khứ nên cũng có thể gây rối cho cuộc hoà đàm. Thứ năm, các nước Á Rập theo hệ phái Sunni như Saudi Arabia, Egypt, hay Jordan, không muốn bị Iran lấn lướt khi Mỹ bị đẩy vào thế yếu và sẽ đòi hỏi những cam kết ổn định của Hoa Kỳ. Chẳng xa xôi gì với tình hình Iraq, xứ Syria cũng chòm chõm theo dõi cuộc đàm phán vì sợ bị mất phần tại Lebanon và có khi còn lãnh hoạ nếu các nhóm Thánh chiến bị xua khỏi Iraq lại lập hậu cứ tại Syria, trong cộng đồng Sunni ở đây!..

Xa xôi hơn nữa, Liên bang Nga của Tổng thống Putin cũng chẳng mấy vui nếu Hoa Kỳ đạt thỏa thuận với Tehran và sẽ còn hiện diện rất lâu ở Trung Đông: Nga mất thân chủ là Iran, mất cơ hội thọc chân đứng vào một khu vực chiến lược, có khi còn e rằng Iran sẽ quậy ngược về các nước Cộng hoà Trung Á như Azerbaijan và Turkmenistan! Và biết đâu chừng, gỡ được mối lo tại Trung Đông, Bush sẽ có lập trường cứng rắn hơn với sự bành trướng ảnh hưởng của Nga tại Âu Châu từ đầu năm ngoái. Putin có thừa bản lãnh để giúp Iran có những đòi hỏi mà Hoa Kỳ khó chấp nhận được, hồ sơ võ khí hạch tâm là một!

Mà Quốc hội Dân chủ ở nhà cũng chẳng muốn Chính quyền Bush sớm rút tay khỏi lò lửa Iraq, trước khi có bầu cử 2008.

Và ngay tại chỗ, tại Iraq, Chính phủ ba thành phần tại Baghdad sẽ đòi hỏi những gì cho họ để đồng ý với việc Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iraq"

Thành thử, người ta có thể mơ hồ nhìn ra lộ trình sắp tới của Chính quyền Bush và các Giáo chủ tại Tehran, nhưng con đường còn rất nhiều chông gai. Kết quả sẽ khó đạt vì đòi hỏi quá nhiều điều kiện. Và nếu đạt được, Hoa Kỳ đã... quay về chốn cũ.

Năm 1991, vì đóng quân tại Saudi Arabia, Mỹ cho al-Qaeda một lý cớ huy động các phần tử Hồi giáo cực đoan mở màn tấn công Hoa Kỳ, với cao điểm là vụ khủng bố 9-11. Bây giờ, Hoa Kỳ còn trù tính có căn cứ rộng lớn và kiên cố hơn ở tại Iraq thì làm sao đấng Allah có thể chấp nhận được"

Hay là Chính quyền Bush đã muốn như vậy ngay từ đầu khi mở chiến dịch tấn công Iraq" 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo  thông báo: Phòng mạch Bác Sĩ tại 3610 W. First ST, # G Santa Ana, CA 92703 khám bịnh cho toa miễn phí giúp đồng đạo
Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1787, trong đó không hề có một chữ "Thượng Đế" (God). Thời kỳ đó cách nay đã hơn hai thế kỷ
Ông Đoàn Hữu Định đã được đa số đại diện các quân binh chủng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
Trong năm 2007, những người Mỹ gốc Việt đã tạo thời cuộc phải kể đến hai nhân vật nữ
Năm 2007 vẫn là năm tiếp nối tình hình nhân quyền đen tối và tồi tệ tại Việt Nam dưới thể chế độc tài toàn trị cộng sản ngự trị tại Việt Nam hơn 60 năm qua
Để phản đối hành động này,  tù nhân chính trị như luật sư Trần Quốc Hiền, luật sư Nguyễn Bắc Truyễn, bác sĩ Lê Nguyên Sang và nhiều tù nhân khác
Không quản ngại thời tiết băng giá, tối ngày 3 tháng Giêng vừa qua cử tri bang Iowa đã rủ nhau đến những địa điểm hội họp để bắt đầu tiến trình
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.