Hôm nay,  

Ai Mới Thực Sự Có Mưu Đồ Chính Trị Nham Hiểm?

11/09/200700:00:00(Xem: 9114)

Đọc bài báo có tựa đề "Câu kết trong ngoài và mưu đồ chính trị nham hiểm" trên báo Quân Đội Nhân Dân, người đọc có hiểu biết một chút sẽ thấy ngay đây lại là một bài báo vi phạm luật pháp và người viết bài (tên là Anh Minh) còn thiếu rất nhiều kiến thức về mặt luật pháp.

Thành lập đảng có phạm pháp hay không"

Ngay từ đầu, bài báo cho rằng việc phục hoạt đảng Dân Chủ, một đảng đã từng sinh hoạt và chiến đấu bên cạnh đảng Cộng Sản từ năm 1946 và mới chỉ mới ngưng hoạt động vào cuối thập kỉ 80 đã là một việc làm "vi phạm pháp luật".

Ở đây, cần khẳng định việc thành lập đảng chính trị ở Việt Nam hoàn toàn không bị cấm bởi Hiến pháp. Không hề có điều nào của Hiến pháp ngăn cấm công dân thành lập đảng để tham gia vào sinh hoạt chính trị của đất nước. Mà điều gì luật pháp không cấm thì công dân có quyền làm, đó là điểm căn bản của một Nhà nước pháp quyền.

Hơn thế nữa, Hiến pháp còn chỉ rõ là "Nhà nước bảo đảm xã hội công bằng, dân chủ". Chỉ có đảng Cộng Sản được phép sinh hoạt chính trị, đưa người ra ứng cử, còn các đảng khác bị cấm đoán thì rõ ràng là không hề có "công bằng" ở đây. Người dân không hề được lựa chọn để bầu người vào các vị trí lãnh đạo Nhà nước thì rõ ràng không hề có "dân chủ" gì cả.

Điều 53 Hiến pháp cũng khuyến khích việc công dân tham gia vào sinh hoạt chính trị, vào các công việc chung của đất nước. Để làm được điều này thì công dân cần có các đảng chính trị để sinh hoạt và lựa chọn. Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định "Việt Nam không phải là của riêng của người cộng sản".

Ngay cả chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã phát biểu "Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường". Như vậy chủ tịch nước đã công nhận đa nguyên là chuyện bình thường. Đa đảng là hệ quả tất yếu của đa nguyên do mỗi đảng có quan điểm, đường lối xây dựng đất nước khác nhau. Và chỉ có người dân thể hiện quyền làm chủ của mình trong việc chọn đảng nào có đường lối đúng đắn hơn trong một giai đoạn cụ thể ra phục vụ người dân.

Tùy tiện vu khống, bôi nhọ công dân là hành vi hợp pháp tại Việt Nam"

Tiếp theo, tác giả Anh Minh còn cho rằng việc công khai hóa đảng Dân Chủ Việt Nam "xâm hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội". Đây là một việc suy diễn và không hề có căn cứ, mới nghe qua người ta cứ tưởng đảng Dân Chủ đang âm mưu "khủng bố". Việc ra hoạt động công khai của đảng Dân Chủ chứng tỏ rõ thiện ý xây dựng đất nước, thể hiện qua bản cương lĩnh, điều lệ minh bạch. Nếu như đảng Dân Chủ hoạt động bí mật thì lúc đó mới có thể đặt câu hỏi về các vấn đề "an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội".

Sau đó, bài báo chỉ tên một loạt cá nhân và tổ chức mà tác giả Anh Minh cho là "phản động" trong khi không hề đưa ra chứng cứ gì cả. Tất cả những sự kiện tác giả cung cấp cho người đọc không ai có thể kiểm chứng được chúng đúng hay sai, duy chỉ có việc lặp đi lặp lại việc thành lập các tổ chức chính trị ở Việt Nam là "phản động".

Điều sai trái rõ ràng nhất là việc bôi nhọ cá nhân và đưa đời tư của các cá nhân lên mạng như kĩ sư Nguyễn Sĩ Bình, bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi... Đây là việc làm vi phạm pháp luật vì luật pháp chỉ cho phép chỉ ra cá nhân nào đang vi phạm điều luật nào. Luật pháp nghiêm cấm chuyện dựa vào đời tư cá nhân để phán xét tư cách của một con người. Thứ "chủ nghĩa lý lịch" tai hại một thời đã được tác giả vận dụng "nhuần nhuyễn" vào bài viết.

Đáng chú ý hơn, một số những cá nhân mà tác giả bôi nhọ như đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ, giáo sư Hoàng Minh Chính, thượng tọa Thích Không Tánh, thượng tọa Thích Thiện Minh, giáo sư Trần Khuê, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Tiến Trung... đều đang ở trong nước. Nếu những người này vi phạm luật pháp Việt Nam thì đã có tòa án xét xử. Đằng này, không ai trong số những người này bị khởi tố chứ đừng nói đến việc bị tòa án cho là có tội hoặc phản bội Tổ quốc. Do đó, việc tác giả tùy tiện kết tội những người này là việc làm phạm pháp nghiêm trọng.

Câu hỏi về sự hiểu biết luật pháp của tác giả Minh Anh

Lấy ví dụ về việc tác giả Minh Anhcho rằng thầy Thích Quảng Độ "lôi kéo, lừa gạt" người khiếu kiện để "chống đối" Nhà nước, thực chất thầy Quảng Độ ra đứng công khai trước thềm Văn phòng Quốc hội 2 để động viên và chia xẻ nỗi oan khuất của bà con sau 1 tháng biểu tình mà không một vị đại biểu Quốc hội nào xuất hiện.

Việc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất xuất 300 triệu để cứu chẩn cho bà con dân oan đói khổ là một việc làm công khai. Thầy Thích Không Tánh đã mang tiền từ trong Nam ra một cách đường đường chính chính. Nếu như các thầy có âm mưu gì thì các thầy đã làm lén lút, và đã có tòa án xét xử. Đằng này không hề có ai bị truy tố, chứng tỏ rằng các thầy hoàn toàn vô tội.

Lại một ví dụ khác, tác giả Minh Anh phát biểu "Không hiểu với tư cách gì, với mục đích gì, mới đây, Hoàng Minh Chính và một số đối tượng còn viết đơn xin thành lập cái gọi là Hội những người bảo vệ các nguồn viện trợ nước ngoài tại Việt Nam"...". Đến đây thì rõ ràng tác giả Minh Anh chẳng hiểu gì về luật pháp. Điều 69 Hiến pháp đã khẳng định công dân Việt Nam có quyền tự do lập hội và hội họp. Bất kì người dân nào cũng có quyền tự do lập hội, chẳng lẽ với tư cách là công dân Việt Nam chưa đủ để thành lập hội, và chẳng lẽ với mục đích tốt đẹp là "bảo vệ các nguồn viện trợ nước ngoài" lại chưa đủ để hội hoạt động"

Một ví dụ nữa, tác giả Minh Anh cho rằng Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ là một "tổ chức phản động lưu vong". Chắc tác giả không biết Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ là một tổ chức công khai trong nước, thành viên Nguyễn Tiến Trung đang hoạt động công khai tại Việt Nam chứ không hề "lưu vong". Và nếu như Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ "phản động" hay "phạm pháp" thì Nguyễn Tiến Trung đã phải ra hầu tòa rồi.

4 dạng người tại Việt Nam

Qua bài viết có thể nói là có quá nhiều điều vi phạm luật pháp, chúng ta có thể nhận thấy trong hệ thống "pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Việt Nam có 4 dạng người:

1. Dạng "phản động" (theo định nghĩa của những người lãnh đạo đảng Cộng sản) nhưng "vô tội": đó là những người dân chủ không bị (hay chưa bị) khởi tố. Chúng ta có thể kể ra thầy Thích Quảng Độ, thầy Thích Không Tánh, thầy Thích Thiện Minh, giáo sư Hoàng Minh Chính, giáo sư Trần Khuê, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Tiến Trung,...

2. Dạng "phản động" và "phạm pháp": đó là những người dân chủ đã bị xét xử như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, các đảng viên đảng Nhân Dân Hành Động, đảng Thăng Tiến, đảng Dân Chủ Nhân Dân,...

3. Dạng "không phản động" và "phạm pháp": đó là những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam khi ngăn cấm các quyền công dân cơ bản đã được điều 69 Hiến pháp khẳng định. Tác giả Anh Minh của bài viết cũng thuộc dạng này, dù Anh Minh "không phản động" nhưng lại đang vi phạm luật pháp công khai qua việc bôi nhọ, vu khống cá nhân, tùy tiện đặt tội cho người khác khi chưa có bản án của tòa.

4. Dạng "không phản động" và "vô tội": đó là những người dân bình thường, không bày tỏ quan điểm chính trị khác biệt với đảng cộng sản.

Ở một Nhà nước pháp quyền chân chính chỉ có hai dạng người: phạm pháp và vô tội. Còn ở Việt Nam, với hệ thống "pháp quyền xã hội chủ nghĩa", chúng ta có tới 4 dạng người trong xã hội. Xem ra hệ thống luật pháp Việt Nam vẫn chưa học hỏi được gì từ các nước tiến bộ trên thế giới.

Để suy ngẫm

Để chốt lại bài phản hồi này, xin nhắc tác giả Minh Anh nhớ rằng "cách mạng dân chủ", "cách mạng nhung" ở các nước khác là những cuộc cách mạng tiến bộ, hòa bình để xây dựng một xã hội "công bằng, dân chủ, văn minh". Tại các quốc gia đó, đảng Cộng Sản vẫn được phép hoạt động, có những quốc gia đảng Cộng Sản vẫn được dân tín nhiệm và được bầu lại để lãnh đạo đất nước, có những quốc gia đảng Cộng Sản không được dân bầu lại. Nếu thật sự lòng dân Việt Nam muốn đảng Cộng sản lãnh đạo, dân sẽ bầu cho đảng qua bầu cử tự do và công bằng.

Những người có "mưu đồ chính trị nham hiểm" thật sự là những người bất chấp luật pháp và đạo lý xã hội, tùy tiện vu khống, bôi nhọ công dân, là những người chủ trương độc đảng, độc tài, độc quyền, là những người ngăn cấm các quyền cơ bản của người dân Việt Nam như quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí, quyền tự do sinh hoạt chính trị lành mạnh,...

Việc sử dụng những từ ngữ như "phản động", "ngụy quyền", "lưu vong", "kích động", "lôi kéo",... cần chấm dứt vì nó vô nghĩa về mặt luật pháp mà lại chứng tỏ sự hằn học, thiếu giáo dục của người viết. Những người dân chủ là những người chung sống với nhau một cách hòa bình (cộng hòa) và tôn trọng những quan điểm khác biệt của nhau. Để xây dựng được một xã hội "công bằng, dân chủ" như chính đảng Cộng sản đang hô hào, những nhà báo của Đảng cần phải "quán triệt" hơn nữa tinh thần dân chủ chân chính.

(thành viên THTNDC)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Little Saigon” là một cái tên để chỉ nơi có nhiều cơ sở thương mại của người Việt trên đất Mỹ
Karmapa có nghĩa là “bậc hoằng hoá công hạnh của chư Phật” hay là "hiện thân của tất cả các họat động của chư Phật”.
Vụ Trung quốc cưỡng chiếm Trường Sa bằng nghị quyết sát nhập rơi vào quên lãng. Và chính quyền Việt Nam đã không có một hành động nào về mặt quốc tế
Chúng tôi cho rằng Trung quốc là một nước lớn, có vai trò quan trọng trên thế giới. Trung quốc mạnh lên, Trung quốc phát triển là có lợi cho sự lớn mạnh
Thấm thoát vậy mà đã trên 30 năm chúng ta xa quê hương. Thế hệ của các bậc phụ huynh nay đã luống tuổi, sẽ phải từ từ nhường lại cho các thế hệ con cháu
Hoa Thịnh Đốn.- Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra lệnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và Nhà nước cách nay gần một năm, nhưng xem ra
Những người giao hàng định kỳ đó, trông thì có vẻ siêng năng, đều đặn, nhưng thế nào chả có lúc trái gió, trở trời hay có việc gia đình bất thường mà người đó
Bốn mươi năm trước đây, Cộng Sản Việt Nam, trong cố gắng đảo ngược thế cuộc chiến tranh vì các thất bại liên tiếp của họ vào hai năm 1966 – 1967, đã phát động
Cuối tuần này, ngày 22 Tháng 3, 2008, nhiều cộng đồng VN trên thế giới sẽ trang trọng làm lễ tưởng niệm Nhị vị Trưng Vương, hai bậc nữ lưu anh hùng dân tộc
Thứ bẩy vừa qua, 15 tháng ba năm 2008, Chư Tăng Ni và Phật tử chùa Phật Tổ, tỉnh Long Beach miền Nam California đã được hưởng một ngày mưa pháp
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.