Hôm nay,  

Điếu Văn: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

26/01/200700:00:00(Xem: 18892)

Điếu Văn: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

 

(LTS: Sau đây là bài Điếu Văn Cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, do Tướng Nguyễn Duy Hinh phổ biến.)

Thưa Quí Vị,

Một vì sao sáng vừa lặn mất trên nền trời sao của VNCH :  trung tướng  Ngô Quang Trưởng đã qua đời!  Với riêng tôi, Ông là một kỷ niệm khá đậm nét.

Tôi biết Ông từ xa xa, những ngày Ông là Tư Lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh ở Huế và tôi đã thật gần Ông từ 1970 khi Ông tới Cần Thơ nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV / Quân khu 4 và tôi là Tư lệnh phó Lãnh thổ rồi Tư lệnh phó Quân đoàn.  Chúng tôi làm việc thiệt nhiều, đi bay thăm viếng mỗi ngày, để mắt đến ít nhất là năm tới bảy tỉnh hay quận trong cái quân khu gần hai chục tỉnh ấy.

Những năm 1970 sang 1971, Quân khu 4 được coi như bình định gần hoàn toàn.  Các đơn vị lớn của địch chạy sang Cam-Bốt.  Các căn cứ lớn của đối phương và các khu du kích địa phương nhỏ đã bị triệt phá, san bằng.  Quân khu 4 có bộ mặt hiền hoà tốt đẹp với kinh tế phát triển đến độ thời ấy, người ta dã nghĩ như chiến tranh sẽ tan biến đi. Đó là trạng thái suy sụp của chiến tranh du kích CS sau Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa 1968.

Trung tướng Trưởng là một quân nhân thuần tuý, một tướng lãnh gương mẫu.  Ông tuân phục kỷ luật, làm việc cặm cụi, tận tuỵ, lãnh đạo bằng khuôn mẫu hành xử của mình.  Có một đặc sắc trong đường nét lãnh đạo của Ông:  nói thật ít và cặm cụi với công việc.

Ông thường hay vắng mặt về đêm.  Đêm như thế, khi trời vừa tối, Ông cùng Cố vấn trưởng đáp máy bay xuống một đồn Địa phương quân hay Nghĩa quân xa xôi nào đó.  Tất nhiên tới đồn không phải là để ngủ mà là dòm nom các trạm gác, các lỗ châu mai, hỏi han các chiến sĩ trong đồn, xem xét tình hình chung.  Rồi sau vài lần đi đêm như thế, tiếng đồn loan ra, trưởng đồn các thôn xóm đều kháo nhau :  có thể ông Tướng Tư lệnh Quân đoàn tới trong đêm và hãy chuẩn bị mà lo trước đi thôi.

Trung tướng Trưởng ít nói, quá  hà tiện lời nói, có thể gọi là lầm lì.  Nhưng Ông để ý vào chi tiết.  Tới thăm một đơn vị thì hay nhìn kỹ, quan sát một vài xó xỉnh nào dó, thí dụ như một góc nhỏ rác rến trong khu nhà bếp một đồn binh.  Ông không nói gì nhưng ngay sau đó, khi vị Tư lệnh QĐ đi khỏi thì ta có thể chắc chắn rằng các xó rác đó sẽ được dọn dẹp và giữ gìn sạch sẽ về sau.

Trong các buổi họp, sau một thuyết trình của một đơn vị trưởng nào đó, người ta thấy Trung tướng Trưởng gật gù, mắt chớp chớp, nói một vài lời ngắn ngủi, đôi khi không hẳn là rõ rệt.  Đây là một khía cạnh lãnh đạo khác của Tướng Trưởng.  Các đơn vị trưởng, các sĩ quan tham mưu nhiều khi không hoàn toàn lãnh hội được chỉ thị của vị tư lệnh.  Buổi họp kết thúc, công việc phải làm không ngưng nghỉ và tất cả vận dụng đầu óc, tìm giải pháp tốt đẹp nhất để hoàn thành nhiệm vụ.  Sự kiện này đưa đến cộng tác của hàng chục, hàng trăm cái đầu các cấp, thách đố và gây nên sự hợp tác, đóng góp tận lực của tất cả.  Ở đây tôi thấy sự hữu hiệu sắc nét của một khía cạnh lãnh đạo Ngô Quang Trưởng. 

Rồi đến “mùa Hè Đỏ Lửa 1972”, Quảng Trị mất, dân Huế di tản, chợ Đông Ba cháy !  Buổi trưa ngày 3-5-1972, trở lại bộ Tư Lệnh sau khi gặp Tổng thống Thiệu tại Saigon, Tướng Trưởng mời tôi tới văn phòng;  Ông muốn tôi cùng ra Huế.  Vài giờ đồng hồ sau đó, chúng tôi giã biệt Cần Thơ.  Rời thủ phủ của Quân khu 4 an bình, tôi thấy chóng mặt khi đáp xuống Phú Bài.  Sát  cạnh phi đạo là hai khu tập trung thương binh Dù và Thuỷ quân lục chiến nằm ngồi nghiêng ngả, máu me, băng bó bê bết chờ di tản.  Dân chúng già trẻ chen chúc nheo nhóc  trong phi cảng chờ máy bay!  Tới Huế thì thấy đó là một thành phố vắng lạnh, người qua lại hốt hoảng, vội vàng.  Chợ  Đông Ba còn nghi ngút khói.

Đặt chân tới Mang Cá, nhận bàn giao quyền Tư Lệnh Quân đoàn I / Quân Khu 1 ngay chiều đó, Trung tướng Trưởng bắt đầu bay đi thăm các đơn vị tiền tuyến.  Tôi được chỉ định sắp xếp lại bộ Tham Mưu Hành Quân và chuẩn bị các kế hoạch mới.

Sáng hôm sau, dân Huế đồn nhau “Tướng Trưởng đã trở lại”, tướng Trưởng, người tử thủ Huế năm 1968 nay đã trở lại, mọi sự sẽ ổn định.  Huyền thoại Ngô Quang Trưởng như một chiếc đũa thần mang đến phép lạ.  Có lẽ tôi khỏi cần phải kể rằng ít tháng sau đó, với sự tận tình yểm trợ của Đồng Minh, Quân Đoàn I tăng cường hai Sư đoàn Nhảy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến đã tái chiếm lại hầu hết tỉnh Quảng Trị.

Tướng bốn sao Hoa Kỳ, H. Norman Schwarzkoff, trong cuốn sách ông viết về trận đánh “Bão Sa Mạc” mang tên “It doesn’t take a hero” đã nức nở ca ngợi tài điều binh và kinh nghiệm chiến trường của Trung tướng Trưởng khi Ông hành quân cấp tiểu đoàn và lữ đoàn.

Năm 1975, một thử thách ở cấp bậc cao hơn đang chờ đợi !  Ngày 10-3-1975, Ban Mê Thuột bị tấn công để rồi thất thủ ngày hôm sau.  Không đầy một tuần tiếp theo, Pleiku và Kontum bị rút bỏ.  Các lực lượng Quân Đoàn II và dân chúng nheo nhóc di tản chiến thuật.  Quân Khu 2 đối diện nguy cơ bị xẻ làm hai.

Trong khi mũi tấn công chính của Bắc Việt đang thi triển tại Vùng 2 thì các lực lượng của CS tại Vùng 1 ào lên khai thác tình hình.  Ngày 24-3-75, Tam Kỳ rồi Chu Lai, Quảng Ngãi di tản, Sư đoàn 2 Bộ Binh bỏ chạy ra cù lao Ré.  Ngày 25-3 Mặt trận Huế vỡ.  Thế trận đang chuyển thành một cuộc bao vây và tấn công tương lai vào Đà Nẵng, nơi đặt bản doanh của Trung tướng Trưởng.  Các tuyến phòng thủ quanh Đà Nẵng co lại để sửa soạn phòng ngự.  Trong không khí hoảng loạn của dân Vùng 1 lánh nạn cùng với tin địch khởi sự tấn công vào đêm 29-3-75 hoà với áp lực cân não mọi phía, Tướng Trưởng triệu tập một cuộc họp các Tư lệnh đại đơn vị tại bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 vào 9 giờ 30 đêm 29-3-75 để rồi quyết định rút khỏi Đà Nẵng ngay đêm đó.  Quân khu giới tuyến thất thủ !

Trong suốt thời gian dài trên ba mươi năm định cư tại Virginia, tôi được may mắn ở gần và gặp gỡ Trung tướng Trưởng khá nhiều.  Tôi đã mời mọc vị cựu Tư Lệnh của tôi tham gia một số công tác hứa hẹn về hướng đấu tranh dân chủ hoá cho VN, Trung tướng Trưởng bao giờ cũng từ chối.  Ông sống như âm thầm với một nỗi u sầu khép kín.  Thời gian sau này, Ông đã nói nhiều hơn một chút nhưng cũng chẳng bao giờ thổ lộ bầu tâm sự.  Với vài ba bài báo viết về Ông trong mấy ngày cuối của VNCH, Ông bảo là có điều đúng, có nhiều điều sai vậy thôi!

Một tướng lãnh người đời đánh giá là tài ba sau cùng đã theo nạn nước mà di tản để gậm nhấm nỗi buồn nơi xứ người.  Có một lần tôi hỏi Ông:  “Nếu như Trung tướng có thể xoá ván bài, làm lại ở Đà Nẵng thì Trung tướng sẽ làm như thế nào"”  Và cũng có lần Ông đã trao đổi và đặt câu hỏi với một sĩ quan tham mưu cao cấp cũ của Quân đoàn như sau : “Nếu khi ấy ta giữ Đà Nẵng thì có thể làm được không"”  Các câu trao đổi này cho thấy Ông vẫn mang nặng một niềm đau gậm nhấm tâm can !

Ngày nay, Trung tướng Ngô Quang Trưởng đã ra đi.  Lũ bạn già chúng tôi đây xin hẹn sẽ gặp lại chốn cửu tuyền kia, sớm hay muộn nào ai biết !  Dầu sao, sinh ly tử biệt là đau, là buồn !  Vậy xin tạm biệt và cầu chúc Trung Tướng sẽ an bình nơi Tiên cảnh.  Chúng tôi xin chân thành chia buồn cùng bà quả phụ Ngô Quang Trưởng và cùng toàn Tang Quyến trong giờ phút đau đớn này.

Chúng tôi cùng xin bái biệt Trung Tướng Ngô Quang Trưởng!

Thương thay!

Virginia,  25-1-2007

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1991, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm, rất nhẹ. Nhưng dư luận nước Mỹ lúc đó đều nghe thấy những hồi chuông báo tử
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.