Hôm nay,  

Thương Phẩm Sụt Giá

10/01/200700:00:00(Xem: 8274)

Thương Phẩm Sụt Giá

...phải giải phóng thông tin và đừng đầu cơ kiến thức, đừng giữ lấy những tin tức ấy như bí quyết...

Năm 2007 đã mở đầu với rất nhiều giao động trên các thị trường thương phẩm quốc tế khi giá thương phẩm suy sụp đồng loạt, từ kim loại, xăng dầu đến cả ngũ cốc. Phải chăng, điều mà nhiều nhà đầu tư dự báo từ năm ngoái, là thị trường thương phẩm sẽ đi vào giai đoạn điều chỉnh đang xảy ra" Chúng tôi nêu câu hỏi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về vấn đề này trong tiết mục chuyên đề Diễn đàn Kinh tế do Việt Long thực hiện sau đây.

- Hỏi: Thưa ông, trong hai ngày mở cửa giao dịch đầu tiên của năm 2007, hôm mùng ba và qua mùng bốn, trên các thị trường lớn của thế giới, giá các loại thương phẩm đã sụt đồng loạt. Như dầu khí hay đồng đã mất giá tới 10%, ngũ cốc như bắp và bột mì sụt 3% và cả vàng cũng mất giá đến 2%. Sự kiện ấy khiến nhiều nhà đầu tư rất quan tâm vì liệu thị trường thương phẩm có đi vào một giai đoạn điều chỉnh sẽ báo trước nạn suy trầm kinh tế hay không. Vì lẽ đó, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về hiện tượng này trong tiết mục hôm nay. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là “thương phẩm” là gì"

- Từ “thương phẩm” hay sản phẩm thương mại là chữ thông dụng để dịch từ commodity mà ngày xưa có khi cũng dịch là “hàng hóa”. Chữ “hàng hoá” về sau được dùng phổ biến để phiên dịch một phạm trù kinh tế của Marx, với những nội dung đặc thù, cho nên ta cần tránh và dùng từ “thương phẩm” để khỏi trùng dụng lầm lẫn. Năm ngoái, diễn đàn này đã có một chương trình đề cập tới loại thị trường ấy.

Thương phẩm là các mặt hàng đồng dạng, thường là cồng kềnh, được buôn bán trên các thị trường căn cứ trên yếu tố giá cả. Chủ yếu, chúng gồm có nguyên nhiên vật liệu, kim loại, và nông phẩm. Thí dụ là dầu khí, quý kim, đồng, thau, kền, hay ngô, bắp, cà phê, thậm chí cả nước cam. Đây là nguyên liệu được sử dụng trong công nghiệp chế biến mà số cầu tùy thuộc vào yêu cầu về sản xuất của các nước và giá cả lên xuống của chúng ảnh hưởng đến phí tổn sản xuất, đến mức tiêu thụ và từ đó, đến tình hình sinh hoạt kinh tế.

- Hỏi: Thế vụ sụt giá thương phẩm rất mạnh vào tuần qua có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt kinh tế không" Mà vì sao lại có một hiện tượng sụt giá đồng loạt như vậy"

- Tôi nghĩ rằng đề tài rất đáng chú ý vì nó làm nổi bật một tâm lý thái quá của thị trường, từ hồ hởi sảng, tức là lạc quan thiếu cơ sở, thị trường có thể bị hốt hoảng bậy, tức là lo sợ vì những đồn đãi vô cớ hoặc vì thấy có ai đó bán tháo để chạy rồi mình cũng chạy theo. Việt Nam đang bước vào thị trường quốc tế và có thể sẽ gặp những giao động tương tự.

Bây giờ, ta phải mô tả thị trường này đã. Trên thị trường thương phẩm, ta không có nhà tiêu thụ là các cơ sở công nghiệp ở một bên và bên kia là các nhà sản xuất hay cung cấp; rồi hai bên thỏa thuận với nhau về giá cả hay khối lượng thương phẩm sẽ mua bán và trao tay cho nhau. Chúng ta có các nhà đầu tư làm trung gian ở giữa, họ giao dịch với nhau về từng hợp đồng được tiêu chuẩn hoá – thí dụ như mặt hàng gì, khối lượng bao nhiêu, đều có quy định hẳn hoi – và việc mua bán những lời cam kết trên một không gian có thể gọi là “ảo” đó mới chi phối ngược vào giá cả. Sở dĩ gọi là không gian “ảo” vì họ không có hàng hoá trong kho trong túi để trao cho nhau sau khi ngã giá.

Giới đầu tư này mới thực sự chi phối thị trường nhưng chính họ cũng bị chi phối bởi tin tức, lời đồn hay từng suy luận của họ về tình hình cung cầu hay phí tổn trên thế giới. Một thí dụ cụ thể là khi nghe tin tốt xấu gì về an ninh tại Trung Đông thì họ suy ra những rủi ro hay cơ hội về dầu khí và dù nhất thời tình hình cung cầu về dầu thô chưa có thay đổi, thị trường dầu thô có thể tăng hoặc sụt giá đột ngột, là chuyện đã xảy ra tuần qua.

- Hỏi: Thế thì tuần qua, thế giới có những tin gì đáng chú ý mà thị trường giao động mạnh như vậy"

- Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta có ba loại yếu tố đáng chú ý và có thể giải thích được.

Thứ nhất, về thời điểm, cả thế giới vừa bước vào một năm mới, nhiều nơi chưa thực sự hoạt động bình thường vì còn nghỉ lễ, đó là trường hợp của các thị trường Hoa Kỳ, Âu Châu, và cả Liên bang Nga nữa. Số nhà đầu tư giao dịch trên thị trường thương phẩm vì vậy cũng giới hạn, nôm na là không đủ đông. Chỉ cần một số nhỏ hốt hoảng tháo chạy là thị trường cũng bị tác động. Mà vào buổi đầu năm, lý do hốt hoảng thì cũng có khá nhiều.

Thứ hai, về tâm lý khả dĩ giải thích sự hốt hoảng là hôm Thứ Tư mùng ba vừa rồi, hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ công bố biên bản buổi họp ngày 12 tháng 12 trước đấy. Theo báo cáo này, giới lãnh đạo thị trường tiền tệ và tín dụng của Mỹ lượng định về viễn ảnh trước mắt với hai mối quan tâm, thứ nhất là sự suy trầm của thị trường gia cư địa ốc và thứ hai là tình hình vật giá chưa mấy ổn định. Trước đây, giới đầu tư cứ dự báo là lãi suất tại Mỹ sẽ phải giảm vì kinh tế sẽ gặp suy trầm nhẹ. Bây giờ lại thấy Ngân hàng

Trung ương Mỹ vẫn ngại lạm phát, tức là sẽ không hạ lãi suất trong thời gian tới, họ đảo ngược sự suy đoán và trở thành bi quan hơn.

Thứ ba, đa số các nhà đầu tư đều tính toán về giá cả cho một viễn ảnh dài hạn, nhưng khi thấy tình hình có bất trắc ngay trong ngắn hạn, họ có thể bán ra các hợp đồng để khỏi bị rủi ro. Trong một thị trường thưa thớt thì chỉ cần một số nhỏ bán tháo, nhiều người khác cũng lật đật chạy theo. Đây là tâm lý phổ biến trong thị trường là thiên hạ ưa chạy theo đám đông. Nôm na là thị trường cũng có phản ứng không phải là luôn luôn hợp lý đâu!

- Hỏi: Nói như vậy thì những giao động vừa qua chỉ là tâm lý hốt hoảng nhất thời mà thôi"

- Dạ thưa là không hẳn như vậy. Nhìn trên toàn cảnh, chúng ta thấy rằng giá dầu thô đã ở mức quá cao trong quá lâu, vì yếu tố gọi là hiểm tai, rủi ro về an ninh. Nhưng tình hình thực tế thì không đến nỗi vậy và giá dầu sẽ phải có lúc giảm, nghĩa là thị trường chờ đợi một tín hiệu nào đó để điều chỉnh sau khi đẩy giá dầu lên quá cao. Tín hiệu ấy là một tin tức khí tượng. Người ta thấy rằng mùa Đông vừa qua tại Âu Châu và Bắc Mỹ thực sự lại ấm hơn mọi năm một cách bất thường, và qua năm nay, có lẽ còn ấm hơn nữa. Người ta bèn kết luận, rất hợp lý, là số cầu về dầu khí để sưởi ấm sẽ giảm. Đó là tín hiệu chờ đợi, làm giá dầu thô từ hơn 60 đô la một thùng đã sụt mạnh, gần 10%, trong có vài ngày.

- Hỏi: Nhưng vì sao một loại ngũ cốc như ngô bắp cũng giảm theo"

- Câu hỏi rất chí lý này khiến ta phải nhìn vào thị trường bắp tại Hoa Kỳ và mối liên hệ đến dầu khí, là điều mà nông gia trồng bắp ở các nước khác sẽ bất ngờ bị ảnh hưởng oan uổng. Trong năm qua, khi dầu thô lên giá, kỹ nghệ xăng dầu và cả chính trường Hoa Kỳ đã có cuộc tranh luận lớn là phải tìm ra nguồn năng lượng điền thế để bảo đảm an toàn về năng lượng. Một nguồn năng lượng thay thế có thể là cồn, cất từ nông sản như ngô bắp khoai. Nông gia trồng bắp tại Mỹ vì vậy lập kế hoạch gia tăng sản lượng và tính toán về giá cả căn cứ trên giá xăng dầu. Khi dầu thô sụt giá, giá bắp liền sụt theo. Câu hỏi ấy khiến chúng ta từ nay nên để ý tới mối liên hệ giữa giá dầu thô với giá ngô khoai!

 Nhân nói đến ngũ cốc thì mình cũng nên nói đến một hiện tượng khác là trong tuần lễ qua, một số khu vực tại Mỹ lại vừa ấm hơn vừa ẩm hơn với mưa rào nước lũ đổ xuống liên tục. Khí hậu ấy rất có lợi cho vụ lúa Đông-Xuân, ở đây là lúa mì. Khi thị trường dự đoán là sản lượng sẽ tăng mạnh thì giá tất nhiên là giảm. Chúng ta đang thấy một hiện tượng thực tế của toàn cầu hoá là những liên hệ phức tạp giữa các sản phẩm hay thị trường khác biệt làm giá cả lên xuống ở nhiều nơi. Nếu không chú ý đến hiện tượng đó là bị bất ngờ.

- Hỏi: Chúng ta vừa đảo qua một vòng thị trường thương phẩm, từ các tác nhân trên thị trường đến tâm lý có khi hợp lý có khi hốt hoảng rồi nói về tình hình dầu khí hay ngũ cốc. Bây giờ, ta sẽ đi qua một lãnh vực khác là kim loại. Vì sao giá đồng lại sụt mạnh như vậy"

- Từ hai năm nay rồi, giá đồng trên thế giới đã tăng mạnh do hai yếu tố là số cung không tăng trong khi số cầu lại vượt trội, chủ yếu là do thị trường Trung Quốc. Nếu theo dõi kỹ tình hình kinh tế xứ này, người ta suy đoán là có lúc kinh tế Hoa Lục phải hạ nhiệt, tức là giảm đà tăng trưởng để khỏi bị nóng máy. Nếu họ giảm đà tăng trưởng sản xuất thì số cầu cũng sẽ giảm. Chuyện ấy chưa xảy ra nhưng vào cuối năm người ta thấy rằng đã có dấu hiệu tiên báo, dù chưa đủ mạnh. Đấy là về bên vế cầu. Bên vế cung thì hai nước sản xuất đồng là Australia và Chile cuối cùng cũng hoàn tất kế hoạch gia tăng sản xuất và tin tức vừa loan ra là thị trường lập tức có phản ứng. Sau hai năm liền tăng giá rất mạnh thì thị trường đồng bỗng có thay đổi cả cầu lẫn cung nên giá phải sụt. Dù có thể chỉ sụt trong ngắn hạn thì điều ấy cũng làm cả thị trường giao động trong mấy buổi đầu năm.

- Hỏi: Sau khi tìm hiểu một vòng tình hình thị trường thương phẩm, xin đề nghị ông rút tỉa ra một số kết luận cho thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể học được gì từ chuyện ấy"

- Các nhà khoa học có nói đến một ẩn dụ là “hiệu ứng cánh bướm”, trong ý nghĩa là một con bướm vẫy cánh bên này có thể gây ra bão tố ở bên kia đại dương. Ngày xưa, khi kinh tế còn bị che chắn trong cảnh ngăn sông cấm chợ và người dân chỉ trao đổi với nhau thì ít bị hiệu ứng mạnh từ bên ngoài. Bây giờ, khi ta bắt đầu giong buồm ra biển thì cơ hội cũng nhiều mà rủi ro tất nhiên cũng lớn hơn.

Khi kiểm lại cả chục lý do khiến thị trường thương phẩm trên thế giới bị giao động mạnh vào tuần qua, chúng ta có thể chưa biết là sự sụt giá ấy sẽ kéo dài bao lâu nữa, nhưng cũng biết là mình chưa biết rất nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến lợi tức hay sinh hoạt của mình. Những yếu tố ấy rất phức tạp và nếu không biết thì ta cho là mình bị xui xẻo, gặp vận xấu đầu năm, v.v.... Ngược lại, nếu biết thì phải hệ thống hoá việc thu thập thông tin về thị trường và việc khai thác những thông tin ấy thành dữ kiện có thể sử dụng được. Muốn như vậy, trước tiên thì phải giải phóng thông tin và đừng đầu cơ kiến thức, đừng giữ lấy những tin tức ấy như bí quyết hay tài sản của mình. Đấy cũng là một khía cạnh của nền kinh tế tri thức mà Việt Nam đang bước vào năm nay, với việc gia nhập WTO và sẽ bị hiệu ứng của cánh bướm! 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
Mới đây trên tờ tuần báo The Economist số ngày 10 -16/11/2007 có một câu chuyện (China: Beware of demob) về những người lính giải ngũ của Trung quốc.
Tôi là Trần Thị Lệ, mẹ LS Lê Thị Công Nhân. Con tôi đã bị Công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam ngày 06/3/2007 và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
Paris là thủ đô của ánh sáng,  là biểu tượng của văn minh Tây Phương,  Người Việt Nam làm quen Paris
Để thông tin cho độc giả và nhất là các quản trị mạng (webmaster) biết hầu tránh được sự cố đáng tiếc như ykien.net đã gặp, chúng tôi quyết định công bố
Bên Mỹ, bằng quan trọng nhất là bằng lái xe. Ở Louisiana thì cứ bốn năm phải lấy bằng lại, chụp hình lại, kê khai rõ nặng bao nhiêu, cao bao nhiêu, mắt màu gì
Trong cuộc đời của một con người chẳng ai lại không phải trải qua những dâu bể thường tình là những đắng cay/ngọt bùi, sướng/khổ, yêu/ghét, được/thua
Từ hồi Tháng 3, 2006, Quận Fairfax , VA đã thực hiện chương trình giao bữa ăn nấu theo kiểu Việt Nam
Khó ai biết là vì tình hình Iraq thì 10 năm nữa những gì sẽ xảy ra tại Trung Đông. Mười năm về trước, người ta cũng không biết những gì sẽ xảy ra
Khó ai biết là vì tình hình Iraq thì 10 năm nữa những gì sẽ xảy ra tại Trung Đông. Mười năm về trước, người ta cũng không biết những gì sẽ xảy ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.