Hôm nay,  

‘Iraq Hóa Chiến Tranh’

08/12/200600:00:00(Xem: 7770)

Kết Quả Nghiên Cứu Vấn Nạn Iraq Của Nhóm Baker – Hamilton: ‘Iraq Hóa Chiến Tranh’

Sáng Thứ Tư 6/12/2006, Nhóm Nghiên Cứu Iraq (Iraq Study Group – ISG) gồm 10 nhân vật thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ (1) sau khi chính thức chuyển cho tổng thống Bush bản nghiên cứu về tình hình Iraq đã cho phổ biến đến báo chí qua một cuộc họp báo tại Hoa Thịnh Đốn. Bản nghiên cứu dài 160 trang bao gồm tất cả mọi khía cạnh của vấn nạn Iraq và các giải pháp đề nghị.

Bản tường trình gồm 79 đề nghị. Nhưng tựu trung có thể tóm tắt trong bốn chữ “Iraq hóa chiến tranh” như chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” cách đây 38 năm sau cuộc tấn công Mậu Thân, khi Hoa Kỳ biết không thể thắng và chuẩn bị rút quân. Khác chăng là trong bản văn dài nhóm ISG không hề nhắc đến bốn chữ  nhạy cảm đó. Hội chứng Việt Nam vẫn là điều còn làm Hoa Kỳ nhức nhối.

“Iraq hóa chiến tranh” là chiến lược của nhóm ISG do cựu bộ trưởng bộ Ngoại giao James Baker III cầm đầu và cũng là con đường tổng thống Bush phải chọn lựa. Từ tướng lãnh đến các viên chức cao cấp trong ngành ngoại giao đều hiểu tình hình tại Iraq chỉ có một con đường độc đạo là “Iraq hóa chiến tranh ” và rút lui càng nhanh càng tốt trước khi quá trễ.

Nhóm ISG đề nghị:

1. Tăng cường huấn luyện quân đội Iraq để họ có thể duy trì an ninh ngăn chận một cuộc nội chiến lan rộng.

2. Hoa Kỳ cắt bớt viện trợ nếu chính phủ Iraq không cải thiện được tình hình.

3. Hoa Kỳ tái phối trí quân đội (có nghĩa là rút quân) tùy theo tình trạng an ninh, và sẽ chấm dứt nhiệm vụ tác chiến từ đầu năm 2008.

4. Quan hệ với Iran và Syria và yêu cầu hai nước này giúp ổn định tình hình tại Iraq và Trung đông.

5. Hoa Kỳ cần tìm một giải pháp cụ thể cho cuộc tranh chấp Do Thái - Palestines

6. Tổng thống Bush cần nhanh chóng hành động trước khi tình hình Iraq trở nên tồi tệ hơn và những đề nghị của nhóm trở thành vô giá trị.

Nếu nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, vào đầu năm 1968 sau trận Mậu Thân, tướng William Westmoreland xin thêm 206.000 quân nhưng tổng thống Johnson từ chối. Ông tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nữa, đề nghị hòa đàm với Hà Nội và thi hành kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh để chuẩn bị rút quân.

Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh chính yếu gồm 3 điểm:

(1) Tăng  cường quân số quân đội Việt Nam Cộng Hòa,

(2) Hoa Kỳ rút quân dần tùy theo sự vững mạnh của miền Nam Việt Nam

(3)  Nhờ Liên bang Xô viết và Trung quốc can thiệp.

Trong hai chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” và  “Iraq hóa chiến tranh” cái chính là quân đội Hoa Kỳ có thể rút lui, còn việc huấn luyện quân địa phương để tự bảo vệ chỉ là một cái cớ. Tuy nhiên hai cuộc “địa phương hóa chiến tranh” để Hoa Kỳ rút ra khỏi hai cuộc chiến có một khác biệt căn bản.

Công cuộc Việt Nam hóa chiến tranh có thể thành công nếu Hoa Kỳ khi ký Hiệp định Paris năm 1973 buộc quân đội Bắc Việt phải rút ra khỏi miền Nam. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tuy không được lãnh đạo bởi những tướng lãnh tài ba (vì đa số đều được người Pháp đào tạo qua một chương trình nhẹ và cấp tốc), nhưng các sĩ quan trẻ đào tạo từ các quân trường lớn ở miền Nam như trường Võ bị Đà lạt, trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang đều là những sĩ quan có khả năng và có ý thức chiến đấu cho một miền Nam tự do (nhưng rất tiếc chưa có đủ thì giờ để giữ nhiệm lãnh đạo) và binh sĩ đều là lính thiện chiến. Cuộc tấn công của quân đội Bắc việt trong dịp Tết Mậu Thân, trong khi 50% quân lính đi nghỉ phép trong thời gian hai bên đồng ý ngưng bắn và quân đội Hoa Kỳ gần như bất động, quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng không để mất một đồn bót hay một thành phố nào quan trọng.

Một khác biệt khác cũng cần được nêu ra. Trong thời gian Việt Nam hóa chiến tranh, trong khi quân đội Hoa Kỳ rút về dần dần tình hình miền Nam vẫn ổn định. Từ chiến trường về binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa cũng như binh sĩ Mỹ có thể thảnh thơi an toàn tại các thành phố cũng như tại các trại gia binh.

Tình hình Iraq hiện nay khác hẳn. Không một nơi nào tại Iraq người lính Hoa Kỳ được an toàn, ngoại trừ “vùng xanh” (Green Zone) tại trung tâm Baghdad nơi đóng tòa đại sứ Mỹ, chính phủ, quốc hội Iraq và bộ tư lệnh liên quân Hoa Kỳ-Iraq.

Và với đà bạo loạn hiện nay của cuộc nội chiến giữa giáo phái Shite và Sunni, “vùng xanh” có thể sẽ không được an toàn bao lâu nữa. Thượng nghị sĩ John McCain khi đề nghị đưa thêm 20.000 binh sĩ Hoa Kỳ sang Iraq có thể không phải để chận đứng cuộc nội chiến (vì trên thực tế cuộc nội chiến đã diễn ra và càng ngày càng khốc liệt) mà để bảo vệ “vùng xanh”. Hoa Kỳ cần có một vùng an toàn nếu cần phải rút lui trước áp lực.

Không ai ngạc nhiên thấy những tuần lễ trước khi Nhóm nghiên cứu Iraq công bố công thức giải quyết cuộc chiến Iraq, tổng thống Bush nhiều lần tuyên bố “quân đội Hoa Kỳ không rút lui theo một thời biểu nhất định, và chỉ rút khi nhiệm vụ hoàn thành”. Nhiêm vụ hoàn thành ở đây có nghĩa là chính phủ Iraq thân Hoa Kỳ có thể đứng vững. Và điều này là một điều đồng thuận của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Trên nguyên tắc Hoa Kỳ sẽ rút quân tùy thuộc vào sự tiến bộ của công cuộc huấn luyện quân đội Iraq. Nhưng xác định thế nào là tiến bộ lại là một vấn đề chính trị. Khi nào thấy cần một đợt rút quân (vì tình hình tại chỗ hay vì những đòi hỏi chính trị trong nước) thì các nhà chính trị nói là đã có tiến bộ. Đó là chuyện đã diễn ra tại Việt Nam. Các đợt rút quân của Hoa Kỳ từ năm 1968 đến năm 1973 tùy theo kết quả của cuộc thương thuyết tại Paris, chứ không liên quan gì đến quân đội Việt Nam Cộng Hòa mạnh hay yếu.

Điều hiển nhiên không thể tránh được là nội chiến sẽ diễn ra tại Iraq để kiểm soát quyền hành chính trị khi quân đội Hoa Kỳ không còn đóng một vai trò quan trọng tại đó. Nhưng Hoa Kỳ sẽ không thể ngoảnh mặt như đã làm ở Việt Nam, vì Hoa Kỳ còn những quyền lợi sinh tử tại Trung đông.

Hoa Kỳ sẽ giúp phe thắng thế trong cuộc nội chiến để duy trì một chính phủ thân Hoa Kỳ ở một  mức độ nào đó tại Iraq. Đó là lý do tại sao  thủ tướng Nuri al-Maliki yêu cầu Hoa Kỳ giao quân đội Iraq cho chính phủ ông, tổng thống Bush vẫn không chịu giao. Thủ tướng Nuri al Maliki thuộc giáo phái Shite muốn nằm quân đội để nắm chính quyền tại Iraq sau khi Hoa Kỳ rút lui, nhưng Hoa Kỳ biết quân đội Iraq (được Hoa Kỳ huấn luyện) không có khả năng đó và có thể nhóm du kích thuộc giáo pháo Sunni ủng hộ cựu tổng thống Saddam Hussein sẽ cướp chính quyền sau một cuộc nội chiến ngắn ngủi. Một chính phủ Sunni sẽ là một chính phủ thù nghịch với Hoa Kỳ, trong khi một chính phủ do người Shite kiểm soát có  nhiều triển vọng thân Hoa Kỳ hơn.

Nhiệm vụ của Nhóm Nghiên Cứu Iraq cũng không ngoài mục đích đó. Và đảng Dân chủ vừa kiểm soát quốc hội cũng sẽ hiểu thông điệp của dân để giải quyết vấn đề Iraq. Dân Mỹ muốn rút ra khỏi vũng lầy Iraq nhưng dân Mỹ không muốn bỏ chạy, cũng như không muốn để cho kho dầu hỏa tại Iraq rơi vào tay một chính phủ thù nghịch.

Và sự khéo léo của hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ trong canh bạc Iraq sẽ là một yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống 2008. Không phải không có lý do khi từ tổng thống Bush đến nhóm ISG đều quả quyết sẽ không ấn định một thời biểu rút quân, nhưng trong bản nghiên cứu nhóm ISG xác định đầu năm 2008 quân đội Hoa Kỳ sẽ thôi nhiệm vụ tác chiến tại Iraq. Đầu năm 2008 là thời điểm cuộc tranh cử tổng thống bắt đầu sôi nổi.

Đã có quá nhiều bút mực so sánh hai cuộc chiến Việt Nam và Iraq nên ở đây tôi không có ý so sánh hai cuộc chiến. Hai cuộc chiến kết thúc giống nhau qua công thức “Việt nam hóa chiến tranh” và “Iraq hóa chiến tranh” (một bên minh danh, một bên hiểu ngầm) nhưng bản chất hai cuộc chiến khác nhau.

Cái khác nhau đập vào mắt người quan sát là sự liên hệ của Hoa Kỳ đến cuộc chiến Việt Nam là kết quả của cuộc chiến tranh lạnh và diễn ra một cách tiệm tiến qua nhiều thời tổng thống Hoa Kỳ. Trong khi cuộc chiến Iraq là do sự tính toán sai lầm của một số chính khách, vừa thiếu tầm nhìn, vừa thiếu kinh nghiệm lãnh đạo.

Cuộc chiến Việt Nam có thể thắng nếu Hoa Kỳ không có những McNamara điều khiển chiến tranh bằng điện toán, không có Henry Kissinger tráo trở, không có Nixon bị vướng vào vụ Watergate để phải từ chức, không có Ngô Đình Diệm phạm sai lầm về chính sách tôn giáo, và trong thời Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam có một tướng như de Gaulle của Pháp hay ít nhất như Pak Chung Hy của Nam Hàn.

Hôm 3/12/2006 báo chí Hoa Kỳ tiết lộ bộ trưởng quốc phòng Rumsfeld trước cuộc bầu cử ngày 7/11/2006 đã trình tổng thống Bush một phiếu trình trình bày những quan điểm của ông. Những quan điểm này khác hẳn với những gì ông từng tuyên bố từ năm 2003 khi quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tiến đánh Iraq. Danh sách đề nghị của ông khá dài: Ông nói quân đội  Hoa Kỳ đã không thành công ở Iraq, và chính phủ cần chuẩn bị tâm lý dân chúng cho một sự thay đổi sách lược. Phiếu trình bàn đến việc giảm quân, tái phối trí quân đội Hoa Kỳ tại Iraq như tập trung quân đội Hoa Kỳ từ 55 căn cứ như hiện nay còn 5 căn cứ và đóng tại những vùng an toàn tại Iraq hay tại Kuwait để sẵn sàng can thiệp, và cắt ngân khoản tái thiết ở những tỉnh chính quyền Iraq tỏ ra bất lực.

Hai đề nghị phụ của Rumsfeld là nếu cần nên kêu gọi một hội nghị quốc tế (như hội nghị Dayton- Ohio để giải quyết tình hình Bosnia năm 1995) và sẵn sàng gởi thêm quân để giữ an ninh cho Baghdad trước khi sụp đổ.

Phiếu trình của bộ trưởng Rumsfeld làm người ta nhớ đến sự thay đổi lập trường của bộ trưởng Robert McNamara trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng nếu sự thay đổi của McNamara là do sự nhận thức của chính cá nhân ông sau khi đọc bản tường trình Pentagon (Pentagon Papers) do chính ông ra lệnh sưu tầm, phiếu trình của bộ trưởng Rumsfeld có thể là một tính toán nội bộ của đảng Cộng hòa để tìm một đối sách trước sự thất bại hiển nhiên trước mắt.

Song song với đề nghị của Nhóm Nghiên Cứu Iraq tổng thống Bush cũng đã ra  lệnh cho Hội đồng An Ninh quốc gia, bộ tham mưu liên quân và bộ Ngoại giao nghiên cứu và đề ra những giải pháp. Tổng thống Bush muốn có sẵn trong tay nhiều báo cáo và đề nghị để chọn con đường nào ông nghĩ ít thiệt thòi nhất cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Đó là trang giấy ông muốn dành cho ông trong lịch sử Hoa Kỳ.

Dù sao vấn đề Iraq xem như sẽ kết thúc với việc “Iraq hóa chiến tranh”. Hoa Kỳ sẽ thành công nếu sau một cuộc chém giết vì nội chiến khó tránh khỏi, một chính phủ Iraq thân Hoa Kỳ còn tồn tại. 

Ngược lại là một thất bại lớn của Hoa Kỳ và Trung đông sẽ trở thành một cứ địa chống Hoa Kỳ trên thế giới.

Trần Bình Nam

Dec. 7, 2006

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

(1) Hai đồng chủ tịch James Baker III, bộ trưởng ngoại giao dưới thời tổng thống George H. W. Bush; Lee H. Hamilton, Dân biểu Dân chủ nguyên chủ tịch ủy ban Ngoại giao Hạ nghị viện; và tám ủy viên: Vernon E. Jordan Jr., cố vấn Bạch Cung dưới thời tổng thống Clinton; Edwin Meese III, bộ trưởng Tư pháp dưới thời tổng thống Reagan; Sandra Day O’Connor, nguyên chánh án Tối cao Pháp viện; Lawrence S. Eagleburger, cựu bộ trưởng bộ Ngoại giao (thay thế ông Robert Gates khi Gates được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng sau khi bộ trưởng Donald Rumsfeld từ chức); Leon L. Panetta, Tham mưu trưởng Bạch cung dưới thời tổng thống Clinton; William J. Perry, nguyên bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Clinton; Charles S. Robb, cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ đại diện bang Virginia, và Alan K. Simpson, nguyên Thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Wyoming.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ xưa, nước có vận nước, Vua có mệnh vua. Trải qua bao cuộc đổi thay, vận nước có lúc mạnh yếu khác nhau, nhưng thời nào cũng có người tài ra tay giúp
Lâu nay rất nhiều người tin rằng nước Mỹ là nước văn minh tiến bộ nhất thế giới, chẳng những về kỹ thuật và khoa học, mà còn trên đủ mọi phương diện khác
Trong những bài viết trước đây, chúng tôi đã trình bày về những huyền thoại và nghịch lý trong phát triển của TQ cũng như những sự lạm dụng môi trường
Các đại biểu của Florida tại Hạ Viện đã bác bỏ đề nghị tổ chức lại sơ tuyển bằng 2 thể thức: cá nhân đi bầu, và phiếu gửi qua bưu điện
Đây là vụ kiện dân sự xuất phát từ hậu quả của vụ án hình sự chưa được xét xử công khai theo những thông tin ở phần 1
Trận Mâu Thân 68 là chiến công anh dũng nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng... Biến cố Mâu Thân 68 đã in hằn vào tâm trí người Mỹ
Theo ước tính của Mathew Reese trong khi khảo sát về 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, TQ đã chiếm kỷ lục với con số 16 thành phố
Cuộc chiến đấu chống Cộng Sản đòi Tự Do và Dân Chủ cho Việt Nam là một cuộc chiến phức tạp và không cân sức giữa hai khối: Khối Tự Do
Buổi sáng thứ hai 10-3-08, thống đốc tiểu bang New York là Eliot Spitzer bất ngờ họp báo tuyên bố rằng ông đã có dính vào chuyện mua dâm với một gái gọi
Geraldine Ferraro, nguyên là cựu dân biểu, sau lời tuyên bố của Ferraro theo đó ông Obama là 1 ứng viên mạnh nếu không phải là người da đen.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.