Hôm nay,  

Lại Nhỡ Tầu WTO

23/09/200600:00:00(Xem: 8912)

Khi bị té thì cũng phải té cho đẹp - nghệ thuật Hà Nội đấy!

Việt Nam sẽ không kịp gia nhập WTO năm nay.

Nói cho đẹp theo phép nõn nường Hà Nội: "Không nhất thiết phải vào WTO trước hội nghị APEC"; hoặc nói hùng dũng cho đúng quan điểm lập trường: "Chúng ta không gia nhập bằng bất cứ giá nào"; nói ví von theo kiểu đỏng đảnh: "Cả nước gia nhập WTO chậm một năm cũng giống như một người đàn ông chậm lấy vợ một năm mà thôi. Chậm một năm có khi còn tốt hơn chậm vài ngày"!

Nói kiểu gì thì nói, việc gia nhập WTO trước khi Việt Nam oai hùng tổ chức Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 này - như mục tiêu Hà Nội đã nói ra từ lâu - coi như xa vời.

"Nho xanh không xứng miệng người phong lưu".

Chùm nho WTO kia còn quá xanh, đảng và nhà nước ta chê. Và hiên ngang đổ tội "sức ép vô lý của các đối tác nước ngoài". Hoặc đổ tội cho Mỹ.

Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO từ mười năm nay. Qua mấy chục phiên họp để thảo luận về hồ sơ gia nhập, dù có tối dạ đi thì những người có trách nhiệm cũng biết rõ quy định và điều kiện của tổ chức này. WTO không là chợ Đông Xuân để người ta nói thách, nay rao giá này mai đòi điều khác. Nếu Việt Nam chưa hội đủ điều kiện và những cam kết chưa đủ khả tín thì các bộ phận có trách nhiệm duyệt xét hồ sơ vẫn có thể từ chối.

Trên nguyên tắc, sau khi giới hữu trách Việt Nam nổ xâm banh ăn mừng thỏa ước đã đạt với Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ còn hoàn tất một thủ tục cuối với nhóm công tác của WTO để mùng chín tháng 10 tới đây, họ đệ nạp phúc trình tổng kết lên đại hội đồng WTO với đề nghị chấp thuận. Sau đó,  Quốc hội Việt Nam chờ sẵn để sốt sắng phê chuẩn và Việt Nam sẽ vào WTO. Vào rồi, dân chúng làm ăn sinh hoạt ra sao thì chưa ai rõ vì nội dung cam kết chưa được thông báo!

Thế rồi, tuần qua người ta được biết rằng việc thảo luận trong khuôn khổ đa phương bỗng trục trặc và bộ phận "Trade Review Body" của WTO không đệ nạp một đề nghị về Việt Nam cho đại hội đồng General Council trong kỳ họp vào hai ngày 10-11 tháng 10. Dù cố gắng vớt vát, Việt Nam cũng khó khai thông bế tắc với "Trade Review Body" trong các kỳ họp cuối tháng 10, cuối tháng 11 và giữa tháng 12 để kịp trình đại hội đồng General Council vào hai ngày 20-21 tháng 12.

Từ 2003, Hà Nội thông báo sẽ gia nhập WTO vào năm 2004, thế rồi việc gia nhập ấy trở thành mục tiêu di động, cứ mỗi năm một lùi, không còn là năm 2005, nay cũng chẳng là năm 2006 mà sẽ là "chậm nhất có thể vào đầu năm 2007".

Trong khi ấy, người dân không hiểu gì cả.

Và người ngoại quốc cũng vậy!

Làm sao hiểu được khi công an bắt một người Mỹ gốc Việt là ông Đỗ Thành Công với tội danh rất nghiêm trọng là khủng bố và có âm mưu lật đổ chính quyền" Ông ta đang cùng gia đình đi du lịch tại Việt Nam. Sau đó, chẳng thấy tòa án xét xử gì mà chỉ là công an tống nghi can lên phi cơ để trục xuất ra ngoài. Cơ sở của lời cáo buộc và việc bắt giam ấy là gì"

Làm sao hiểu được khi các nhân viên của ngân hàng Hoà Lan ABN-Amro bỗng bị bắt về những tội danh mơ hồ trong khi Việt Nam đang chiêu dụ đầu tư quốc tế" Nếu trong nghiệp vụ ngân hàng hay mua bán chứng khoán, những nhân viên này phạm lỗi về nghề nghiệp thì cơ quan hữu trách là Ủy ban Kiểm soát Chứng khoán hay Ngân hàng Nhà nước sẽ phải điều tra trước tiên. Khi thấy lỗi lầm về nghệ nghiệp ấy xuất phát từ gian ý phạm luật, các cơ quan hữu trách về tranh tra này mới chuyển hồ sơ cho công an kinh tế điều tra thêm và lỗi nghề nghiệp có thể là tội hình sự thì mới có chuyện tống giam để chờ ngày đưa ra toà truy tố.

Những thủ tục thông thường ấy không hề có trong đầu của những người hữu trách làm sao lại có thể có trong hệ thống luật lệ về ngân hàng, chứng khoán và tư pháp của Việt Nam" Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam tiếp tục có loại quyết định đầy sáng tạo và bất ngờ như vậy sao" Nếu họ có phải duyệt xét lại thì cũng đúng thôi!

Nhiều người đa nghi thì cho rằng trong nội bộ chính quyền Hà Nội, có một số phần tử thủ cựu không muốn Việt Nam hội nhập quá nhanh với thế giới bên ngoài hoặc mở cửa quá lớn cho nước ngoài vào lũng đoạn Việt Nam. Thành phần này tìm cách gây rối với những quyết định tùy tiện, bất chấp luật lệ. Nói như vậy vẫn còn là lạc quan, vì như vậy thì ít ra ai đó trong chính quyền còn có những tính toán hay ý đồ hợp lý với mục tiêu có khi vô lý của họ.

Vấn đề nó nghiêm trọng hơn vậy.

Trong cơ chế chính trị và quyền lực hiện nay, không ai bảo được ai cho nên người có thẩm quyền quyết định về kinh tế tài chánh thì có thể giúp cho người này làm giàu, người kia phá sản mà chẳng cần một sự hợp lý kinh tế nào. Và người có thẩm quyền về an ninh thì có quyền tống giam hay trục xuất bất cứ ai mà giới chức về ngoại giao hay kinh tế đối ngoại chẳng biết vì sao. Nên chẳng có thể trả lời được cho quốc tế.

Hơn 10 năm trước, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã từng bị những vố như vậy khi đang du thuyết tại Hoa Kỳ thì công an bắt giữ một nhà báo Mỹ. Ông có một câu trả lời để đời: "Bên an ninh có những quyết định của họ, mà chúng tôi không thể biết được". Đến cuối năm 2006, tình hình vẫn không có cải tiến!

Chế độ độc tài ít ra còn có cái lô gích của nó khi dùng bạo lực. Chế độ độc tài tại Việt Nam lại… đa nguyên hơn. Bất cứ ai cũng có quyền, kể cả cái quyền coi chánh sách nhà nước như chiếc dép rách.

Chuyện WTO bị dìm trong khung cảnh nhiễu loạn ấy của hệ thống chính trị.

Xuống đến cấp chuyên môn, cái rừng luật lệ của kinh tế thị trường là điều gì đó rất khó hiểu cho người hữu trách. Dù có được viện trợ về kỹ thuật để hiểu luật và trở về đề nghị làm luật, họ cũng cần thời gian và tiếng nói của họ nhiều khi lại không lọt tai ngần ấy cái đầu trong hệ thống chính trị có vẻ đa nguyên mà hoàn toàn lạc hậu đó.

Cái khó khi lo việc nước là giúp cho lãnh đạo học bài. Lãnh đạo nhiều mặc cảm thì không muốn học mà chỉ muốn ra uy. Càng dốt lại càng thích ra uy. Người mặc cảm thường hay xuất hư chiêu là vậy.

Khi người hữu trách về thương mại của Việt Nam trấn an dư luận theo kiểu đỏng đảnh đầy… nam tính, rằng "thà lấy vợ trễ một năm còn hơn sớm được một ngày", ông ta quên mất lời khuyên của các cụ: "Lấy vợ thì lấy liền tay - chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha".

Bị dèm pha trước tiên là ở ngay tại nhà, vì vậy mới có 1ời phát biểu đầy khí phách Hà Nội: "Chúng ta không gia nhập bằng bất cứ giá nào".

Nhìn ra bên ngoài, người ta còn cần hiểu ra một xu thế khác.

Cơ chế đa phương của WTO bị tê liệt và câu lạc bộ 149 quốc gia này trở thành một diễn đàn tranh tụng triền miên. Với sự tan vỡ của vòng đàm phán Doha, WTO năm tới sẽ là nơi ế khách. Từ nhiều năm nay, các cường quốc, kể cả Hoa Kỳ, đều ráo riết tìm tới loại thỏa ước thương mại song phương hay cấp vùng để giải quyết bài toán ngoại thương mậu dịch của họ.

Hai khối kinh tế có nhiều mâu thuẫn về mậu dịch nhất là Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu - một trong những nguyên nhân chính khiến vòng Doha bị tan vỡ sau năm năm thương thảo - ngày nay cũng bắt đầu nhìn lại cục diện. Qua năm tới, đến lượt Cộng hoà Liên bang Đức sẽ là chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu châu trong sáu tháng đầu năm. Tuần qua, chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel vừa bắn tiếng là trong nhiệm kỳ của bà, Liên hiệp Âu châu có thể tìm tới một thỏa ước tự do mậu dịch liên Đại tây dương với Hoa Kỳ - Trans-Atlantic Free Trade Agreement, hay TAFTA.

Chuyện này không mới lạ vì đã từng được Hoa Kỳ đề nghị ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và giữa hai bờ Đại tây dương, đôi bên đã có những khuôn khổ đàm phán như Trans-Atlantic Economic Partnership hay Trans-Atlantic Business Dialogue.

Bế tắc với cơ chế WTO khiến hai bên sẽ đẩy mạnh việc đàm phán này. Đức là cường quốc kinh tế Âu châu với một chính quyền mạnh hơn các chính quyền Pháp, Anh hay Ý - vì những vấn đề nội bộ của ba quốc gia này - nên việc chính quyền Merkel thúc đẩy việc thương thảo có hy vọng thành hình. Hoa Kỳ đã có thỏa ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ - NAFTA - với  Canada và Mexico. Nếu hai khối Âu-Mỹ lại đạt thỏa ước TAFTA, WTO càng trở thành phụ thuộc. Mất tầm quan trọng.

May là ta còn có thỏa ước song phương Mỹ-Việt!

Mà có chắc không"

Đã chậm gia nhập WTO trong cảnh chợ chiều và lãnh đạo lại không kịp học bài, Việt Nam sẽ ở vào thế bất lợi.

Nói chuyện song phương với Âu châu thì sẽ được Hà Lan hỏi về vụ ABN-Amro, trong khi thầy Quảng Độ lại vừa được Giải thưởng Nhân quyền Rato của xứ Na Uy - một bậc thềm dẫn tới giải Nobel Hoà bình.

Nói chuyện với Hoa Kỳ thì quy chế PNTR vẫn chưa xong, và chưa thể xong, trong khi việc đàn áp dân chủ và nhân quyền vẫn thường xuyên được họ nhắc nhở!

Lãnh đạo Hà Nội mong dựng một show lớn trong dịp Tổng thống Bush tham dự thượng đỉnh APEC tại Hà Nội. Trong mùa tranh cử hiện nay tại Mỹ, với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang thắng thế trong Quốc hội, nhất là bên đảng Dân chủ, thì chẳng có lý do gì Hoa Kỳ phải ưu tiên giải quyết chuyện PNTR cho Việt Nam trước các đối tác khác để Hà Nội dựng show. Đảng Dân chủ lại càng không muốn dựng show cho ông Bush!

Nếu đảng Cộng hoà còn giữ được đa số thì vấn đề nhân quyền sẽ thành chuyện lớn. Nếu đảng Dân chủ chiếm được đa số, chuyện bảo hộ mậu dịch của Hà Nội sẽ là vấn đề.

Và cái show của ông Bush tại Hà Nội sẽ là một show phát huy dân chủ của APEC.

Nhìn từ chuyện trước mắt tới chuyện lâu dài, người ta thấy ra rất nhiều rủi ro vấp ngã. Nghệ thuật Hà Nội là biết ngã cho đẹp. Như Chí Phèo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
Một Thư Mời, ký tên Thầy Thích Hạnh Đạo, đề ngày 6-1-2008 nhân danh Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.