Hôm nay,  

Viện Trợ Và Xóa Đói Giảm Nghèo

09/12/200300:00:00(Xem: 14610)
Tuần qua, hội nghị hàng năm của các nhà viện trợ đã kết thúc tại Hà Nội, với tin vui là số viện trợ cam kết sẽ tăng từ hai tỷ tư lên hơn hai tỷ tám. Nhưng Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, đã cảnh báo nhà nước CSVN ra sao"
Đài RFA nơi đây đã đào sâu với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về hội nghị này và về bản báo cáo phát triển mới nhất của Ngân hàng Thế giới được công bố nhân hội nghị.
Hỏi: Thưa ông, so với hàng năm, Hội nghị các nhà viện trợ vừa qua có yếu tố gì lạ"
-- Kể từ 1993, cách đây đúng 10 năm, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới trong thực tế hơn là bằng ngôn từ, các quốc gia và tổ chức viện trợ quốc tế vẫn có những hội nghị thường niên để bên cho bên nhận cùng thảo luận về việc sử dụng viện trợ tốt nhất. Được gọi là Nhóm Tư vấn Ngân hàng Thế giới, cơ quan điều phối việc này hợp tác với bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam để tổ chức hội nghị. Hội nghị năm nay là hội nghị thứ 11 và đánh dấu một chu kỳ 10 năm viện trợ cho Việt Nam. Từ năm năm nay, ngoài hội nghị về viện trợ, người ta còn tổ chức một Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó một ngày để các doanh gia trao đổi với chính phủ Việt Nam về môi trường kinh doanh và những yêu cầu cải thiện. Cũng kể từ năm năm nay, hàng năm vào khoảng tháng sáu, người ta còn có hội nghị giữa năm để kiểm điểm tình hình viện trợ trong sáu tháng sau hội nghị của nhóm Tư vấn Ngân hàng Thế giới. Đó là mình nói về bối cảnh chung của hội nghị viện trợ. Đi vào chi tiết thì năm nay hội nghị được tổ chức sớm hơn mọi năm, vì có Đông Nam Á Vận hội SEA Games, kỳ thứ 22. Người ta rút kinh nghiệm mấy lần trước, khi hội nghị viện trợ được tổ chức trùng với một sinh hoạt thể thao quốc tế như Giải bóng đá Thế giới chẳng hạn, quan chức Việt Nam thức khuya theo dõi các trận đấu, sáng sau vào hội nghị là khó tập trung và mắt đỏ nhừ. Hội nghị năm nay tổ chức sớm là một tiến bộ.
Hỏi: Ngoài một tiến bộ khác là ngân khoản viện trợ cam kết đã được gia tăng, từ hai tỷ tư lên hơn hai tỷ tám nữa phải không thưa ông"
-- Vâng, Việt Nam rất mừng về việc này, coi đó là một thành tích, một kỷ lục. Thực ra, ta cần đặt vấn đề vào đúng kích thước tương đối của nó. Từ đầu năm 2002, đồng Mỹ kim đã sụt giá so với nhiều loại ngoại tệ khác, nên số viện trợ năm nay có cao hơn năm ngoái hơn 400 triệu Mỹ kim thì đà gia tăng đó thực ra cũng không lên tới hơn 15% như được trình bày. Số gia tăng thuần chỉ lên đến khoảng 200 triệu, nên đà gia tăng chỉ khoảng hơn 8% mà thôi. Nhưng dù sao thì vẫn là có gia tăng như một sự khích lệ cho Việt Nam, là một nước nhận được nhiều viện trợ nhất nhì thế giới. Còn có sử dụng được trọn vẹn hay không lại là chuyện khác. Về nội dung và nghị trình, hội nghị năm nay quy tụ 26 quốc gia viện trợ và 15 tổ chức quốc tế, tổng cộng là 41 nhà cấp viện, và nghị trình tập trung vào bốn đề tài lớn. Thứ nhất, duyệt xét kết quả xóa đói giảm nghèo so với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam; thứ hai, thảo luận về vai trò và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân; thứ ba là trao đổi về một thách đố xã hội cho công cuộc phát triển kinh tế là bệnh Liệt kháng, tức là bệnh AIDS hay SIDA và vi khuẩn HIV. Sau cùng, ta có một đề tài xưa cũ mà vẫn cập nhật, đó là việc cải thiện thủ tục hầu đẩy nhanh tốc độ giải ngân tháo khoán viện trợ. Chẳng hạn, người ta cam kết viện trợ hai tỷ mà mình chỉ kịp giải ngân có mấy trăm triệu thì cũng đáng tiếc.
Hỏi: Hãy nói về việc xóa đói giảm nghèo, thưa ông, 10 năm sau thì kết quả của viện trợ và cải tổ kinh tế đã được khảo xét ra sao trong hội nghị viện trợ này"
-- Vâng, nhân hội nghị Ngân hàng Thế giới vẫn hay công bố một phúc trình thường niên về tình trạng phát triển của Việt Nam, ở nhà gọi là “báo cáo phát triển”. Phúc trình năm nay tập trung vào đề tài xóa đói giảm nghèo, về nạn bần cùng, và đây là một điều có ý nghĩa.
Hỏi: Ông đã tham khảo bản báo cáo trước khi có hội nghị, xin ông cho biết về nội dung chủ yếu của tài liệu này.
-- Vâng, hãy nói về bối cảnh trước, thì Việt Nam có đạt tốc độ tăng trưởng được đánh giá là cao, qua năm mới được dự đoán vẫn ở mức 7%. So với các xứ khác thì đà tăng trưởng đó quả là cao nhưng so với mức sống dân cư thì điều đó chưa nghĩa lý gì vì dân ta quá nghèo. Có tăng 7-8% trên một ngạch số chừng hơn 400 đô la cho một người thì chỉ là thêm 32 đô la, so với thí dụ như mức lợi tức 3.000 đồng, thì đà tăng trưởng có 2% cũng là thêm 600 đô la. Thứ nữa, và đây mới là điều đáng chú ý, ta cần xét tới phẩm chất của sự tăng trưởng căn cứ trên hai tiêu chuẩn, là có bền vững không, và kết quả tăng trưởng có được phân phối đồng đều không. Bản phúc trình năm nay ngợi ca đà tăng trưởng và việc giảm nghèo của Việt Nam, vì tỷ lệ dân cư nghèo túng từ khoảng 58% dân số trong cuộc khảo sát mức sống dân cư năm 92-93 đã giảm xuống còn 37% vào năm năm sau, và năm ngoái chỉ còn khoảng 29% thôi. Nghĩa là tỷ lệ những người cùng khốn, phải sống ở mức tối thiểu sinh tồn, đã giảm được phân nửa trong vòng 10 năm qua. Về tuyệt đối mà nói, thì có 20 triệu người đã ra khỏi cảnh nghèo khốn nhờ kinh tế tăng trưởng trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, nói về phẩm chất của tăng trưởng, thì bản báo cáo này đưa ra nhiều điều đáng ưu tư đối với giới lãnh đạo.

Hỏi: Vì sự tăng trưởng không bền hay không đồng đều chăng"
-- Vâng, chính là như vậy, hãy nói về sự phân phối đã. Về kỹ thuật thì người ta chia dân số ra năm nhóm ngũ phân, mỗi nhóm có 20% dân số, và so sánh mức chênh lệch về chi tiêu giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất. Trong 10 năm qua, nếu tỷ lệ nghèo khó có giảm, tức là việc xóa đói giảm nghèo có đạt một số kết quả nhất định, thì ngược lại, mức chênh lệch giàu nghèo đã mở rộng hơn xưa. Tại một quốc gia mà nhà cầm quyền tự xưng là xã hội, hay xã hội chủ nghĩa, thì chênh lệch đó là sự thất bại về chánh sách và khả năng lãnh đạo. Cụ thể là 10 năm trước, nhóm ngũ phân số một, nhóm giàu nhất, tiêu xài gấp năm lần nhóm nghèo nhất, ngày nay, hệ số đó đã lên gấp sáu lần, và thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều vì thông thường người ta có xu hướng hạ thấp số tiêu thụ của mình khi trả lời các cuộc khảo sát. Thực tế, tỷ lệ đó có thể gấp hơn tám lần. Người giàu tiêu xài gấp tám lần người nghèo, hố sâu giàu nghèo vì vậy đang mở rộng. Có nhiều thành phần và địa phương, nhất là vùng cao vùng sâu, các sắc tộc thiểu số, có thể bị bỏ lại bên lề, vì tỷ lệ bần cùng trong số này không giảm theo toàn quốc mà lại còn tăng. Vì vậy, Việt Nam mới cần những chính sách chủ động về công chi và đầu tư hướng vào các thành phần này.
Hỏi: Còn về sự bền vững, thưa ông. Liệu tốc độ xóa đói giảm nghèo này có bền không"
-- Đấy là một điều đã được bản báo cáo nêu lên, và tại hội nghị tuần qua, nhiều giới chức bên phía cấp viện, kể cả Giám đốc Thường trú của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, đã cảnh báo là nỗ lực xóa đói giảm nghèo có thể bị đe dọa trong vài năm tới nếu cải cách doanh nghiệp và ngân hàng không được thúc đẩy mạnh hơn làm đà tăng trưởng có thể giảm. Ngoài ra, kinh tế tăng trưởng thôi cũng chưa đủ để tiến tới một tình trạng phát triển đồng đều và từ năm đến 10 triệu người vẫn còn đang sống trong cảnh bất trắc, mức sống có thể bị đánh sụt rất nhanh khiến họ lại rơi vào sự cùng quẫn.
Hỏi: Người ta có nêu ra lý do vì sao lại có những dự đoán bi quan như vậy không"
-- Có nhiều lý do đã được ghi nhận trong phúc trình và được phát biểu tại hội nghị viện trợ tuần qua. Trước tiên là tăng trưởng kinh tế có giúp cho một số người thoát khỏi cảnh bần cùng, nhưng, những giải pháp dễ có kết quả nhất thì đều đã được áp dụng, thí dụ như vấn đề đất đai chẳng hạn. Bây giờ, người ta phải nghĩ tới phẩm nhiều hơn lượng và tìm ra giải pháp tinh vi hơn xưa. Thứ hai là nếu chỉ trông vào đà tăng trưởng kinh tế thôi thì việc xóa đói giảm nghèo vẫn chưa thể hoàn tất, vì còn nhiều thành phần dân cư hay địa phương vẫn bị bỏ bên lề. Thứ ba, và đề tài này dĩ nhiên cũng liên hệ đến vai trò của doanh nghiệp, là khu vực tư doanh phải được hoàn toàn giải phóng để khai triển hết tiềm năng hầu tạo thêm việc làm và kéo họ ra khỏi hố sâu bần cùng. Nếu không, Việt Nam sẽ gặp chủ nghĩa tư bản thân tộc, chủ nghĩa tư bản của tay chân nhà nước, là điều đã xảy ra cho các nước Đông Á, dẫn tới vụ khủng hoảng kinh tế năm 1997. Ngoài ra, khác với mọi năm, năm nay giới cấp viện cũng nêu nhiều yêu cầu không thuần túy kinh tế.
Hỏi: Vâng, dư luận có chú ý đến việc đó, xin ông cho biết nội dung của khuyến cáo.
-- Có hai mối nguy có thể bùng phát là bệnh SIDA và tệ quan liêu và tham nhũng. Muốn giải quyết nạn quan liêu và tham nhũng, Việt Nam phải dám đẩy mạnh hơn việc cải cách hành chính, là hồ sơ nhạy cảm vì đảng rất sợ, phải xây dựng dân chủ và mở rộng tự do báo chí, là điều nhạy cảm không kém, phải cải tổ nền tảng luật pháp cho đồng đều và thẩm xét cho kỹ lưỡng hơn các khoản vay thuộc diện chính sách. Sau cùng, là điều mà Phó Thủ tướng Vũ Khoan có vận động ngầm khi qua Mỹ tuần trước, Việt Nam có thể bị trễ hạn gia nhập tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO vào năm 2005, tức là trễ hạn hội nhập, vì cải tổ quá chậm. Tóm lại, viện trợ và hội nhập kinh tế vào luồng trao đổi của thế giới có góp phần cải tiến cuộc sống dân cư, nhưng tốc độ nhanh chậm và đồng đều tùy thuộc ở tốc độ cải cách của Việt Nam. Viện trợ được hứa hẹn nhiều hơn, nhưng lời khuyến cáo cũng được nêu ra rõ ràng hơn cho giới lãnh đạo Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không biết người đứng đầu chính phủ CSVN trả lời thế nào về thực tế truyền thông báo chí trong nước
Cổ nhân ta thường khuyên khi ta không tự chế được sự tức giận thì trí  ta sẽ mất khôn và dễ đưa ta đến việc làm  xằng bậy để bị người khinh
Vào tháng trước, sau khi đắn đo trong phiên họp mùng bảy tháng Tám của Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng (FOMC), Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ quyết định
Sự việc này tưởng chừng là nhỏ nhưng thật ra không nhỏ chút nào và có thể gây hậu quả lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dự kiến của người trong cuộc
Thảm kịch dân oan đang là vấn đề nhức nhối của dân tộc. Chính vì thế, những người dân chủ nên để tâm suy nghĩ về vấn đề này để xác định cho mình
Trong tư cách là Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, ngày 27-8-2007 vừa qua, nhân kỷ niệm 62 năm "cướp chính quyền"
Trăn trở trước hiện trạng các đoàn biểu tình khiếu kiện đông người ngày càng rầm rộ kéo về 110 Cầu Giấy - Hà Nội và trụ sở Văn phòng 2 của Quốc hội
Đao, thương, kiếm, kích, súng đạn...dĩ nhiên là dụng cụ dùng để giết người. Còn ngòi bút của văn nhân, ký giả có thể giết người không"
Mùng sáu vừa qua, trùm khủng bố Al-Qaeda là Osama bin Laden công bố băng hình với các lập luận vừa đe dọa, vừa đả kích, vừa tuyên truyền
Rechungpa, cậu bé chăn dê và sau này trở thành đệ tử tâm truyền nhất của Milarepa, đã hội ngộ với đạo sư của mình năm lên 11 tuổi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.