Hôm nay,  

Vai Trò Của Công Nhân Trong...

02/11/200600:00:00(Xem: 9343)

Vai Trò Của Công Nhân  Trong Cuộc Vận Động Dân Chủ Hoá Nước Ta

Moskva 18.09.2006

(Hội nghị quyền lao động công nhân Việt Nam tại Ba Lan)

Từ khi Đảng cộng sản (ĐCS) Việt Nam buộc lòng phải từ bỏ phần nào nền kinh tế chỉ huy, nới lỏng những trói buộc kinh tế tư nhân, kêu gọi đầu tư nước ngoài và thực hành chính sách mở cửa để tránh sự sụp đổ của chế độ toàn trị của Đảng thì Đất nước ta đã chuyển dần sang nền kinh tế thị trường. Dù vẫn còn bị gắn thêm cái đuôi "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và bị cái đuôi này hạn chế, gây trở ngại rất nhiều, nhưng kinh tế thị trường cũng đã vươn lên, tỏ rõ sức sống mãnh liệt của nó, và nói chung, đã tạo điều kiện cho nền kinh tế nước ta phát triển.

Ngày nay ở Việt Nam, một nền kinh tế nhiều thành phần đã xuất hiện. Hiện tượng nổi bật là các doanh nghiệp (DN) tư nhân, các công ty (Cty) tư nhân và các DN tư nhân nước ngoài đã tăng lên rõ rệt về số lượng và quy mô. Chính trong quá trình phát triển kinh tế đó, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ)1 của các DN - đây chính là giai cấp công nhân nước ta - ngày một tăng trưởng nhanh chóng.

Để dễ dàng thấy được sự tăng trưởng đó, xin bạn đọc xem các bảng số liệu của Tổng cục Thống kê (General Statistics Office) Việt Nam. Nếu vào thời điểm 31/12/2000 tổng số CNLĐ của các DN trong cả nước là 3 triệu 536998 người (trong đó 1 triệu 511047 nữ, chiếm 42,72%) thì đến 31/12/2002 đã có 4 triệu 657803 người (trong đó 1 triệu 963105 nữ, chiếm 42,15%). Còn đến 31/12/2004, tổng số CNLĐ đã tăng lên đến 5 triệu 770201 người, tức là tăng thêm 2 triệu 233203 người so với năm 2000,2 chiếm 14,22% tổng số người lao động trong cả nước và khoảng 7,2% dân số Việt Nam.

Bảng kê số CNLĐ trong các DN phân bố theo địa phương2 cho thấy ở các đô thị lớn và các vùng công nghiệp, như Sài Gòn, Hà nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng số lượng CNLĐ đã tăng lên nhanh hơn cả. Dưới đây lược kê những số liệu chính:

- Đồng bằng sông Hồng - năm 2000 có 857011 người, trong số đó Hà Nội - 448507, Hải Phòng - 139157, năm 2002 - 1 triệu 129522 người, Hà Nội - 606898, Hải Phòng - 187395, năm 2004 - 1 triệu 457500 người, Hà Nội - 778421, Hải Phòng - 219225;

- Đông Bắc Bộ - năm 2000 - 276208 người, trong số đó Quảng Ninh - 106709, năm 2002 - 352914 người, Quảng Ninh - 118961, năm 2004 - 399826 người, Quảng Ninh - 140290;

- Tây Bắc Bộ - năm 2000 - 28661 người, năm 2002 - 39957 người, năm 2004 - 51355 người;

- Bắc Trung Bộ - năm 2000 - 180895 người, năm 2002 - 229351 người, năm 2004 - 260200 người;

- Duyên hải Nam Trung Bộ - năm 2000 - 244344 người, trong số đó Đà Nẵng - 81809, năm 2002 - 323501 người, Đà Nẵng - 111188, năm 2004 - 389860 người, Đà Nẵng - 122986;

- Tây Nguyên - năm 2000 - 121747 người, năm 2002 - 136843 người, năm 2004 - 165269 người;

- Đông Nam Bộ - năm 2000 - 1 triệu 247315 người, trong số đó Sài Gòn -788922, Bình Dương - 146229, Đồng Nai - 174555, năm 2002 - 1 triệu 749449 người, Sài Gòn - 1 triệu 078251, Bình Dương - 256968, Đồng Nai - 242994, năm 2004 - 2 triệu 272271 người, Sài Gòn - 1 triệu 357300, Bình Dương - 383785, Đồng Nai - 325796;

- Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2000 - 244366 người, năm 2002 - 309386 người, năm 2004 - 375533 người.

Số CNLĐ trong các DN phân bố theo loại hình DN3 như sau:

- DN nhà nước, gồm DN nhà nước trung ương và DN nhà nước địa phương - năm 2000 - 2 triệu 088531 người (nữ chiếm 39,82%), năm 2002 - 2 triệu 260306 người (nữ chiếm 37,73%), năm 2004 - 2 triệu 249902 người;

- DN ngoài nhà nước, gồm DN tập thể, DN tư nhân, Cty hợp doanh, Cty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, Cty cổ phần có vốn nhà nước, Cty cổ phần không có vốn nhà nước - năm 2000 - 1 triệu 040902 người (nữ chiếm 41,67%), năm 2002 - 1 triệu 706409 người (nữ chiếm 38,78%), năm 2004 - 2 triệu 475448 người;

- DN có vốn đầu tư nước ngoài, gồm DN 100% vốn nước ngoài và DN liên doanh với nước ngoài - năm 2000 - 407565 người (nữ chiếm 60,40%), năm 2002 - 691088 người (nữ chiếm 64,89%), năm 2004 - 1 triệu 044851 người.

Qua những số liệu vừa kể trên, thấy rõ số lượng công nhân trong các DN thuộc khu vực tư nhân trong nước cũng như khu vực tư nhân nước ngoài đầu tư đều đã tăng lên rõ rệt.

Nếu xét về cơ cấu (tỷ lệ % trong tổng số CNLĐ của các DN)3 thì số lượng CNLĐ của DN nhà nước năm 2000 chiếm 59,05%, năm 2002 - 48,53%, năm 2004 - 38,99%; DN ngoài nhà nước năm 2000 - 29,42%, năm 2002 - 36,64%, năm 2004 - 42,90%; DN có vốn đầu tư nước ngoài năm 2000 - 11,53%, năm 2002 - 14,83%, năm 2004 - 18,11%.

Còn đây là bảng kê tổng số người lao động trong cả nước4 - dĩ nhiên, gồm cả số CNLĐ trong các DN: vào thời điểm 1.7. 2000 - 37 triệu 609600 người; 1.7.2002 - 39 triệu 507700 người; 1.7.2004 - 41 triệu 5586300 người. Số người lao động này được phân theo ngành kinh tế như sau:

- nông nghiệp và lâm nghiệp - năm 2000 - 23 triệu 492100 người, năm 2002 - 23 triệu 173700 người, năm 2004 - 23 triệu 026100 người;

- thuỷ sản - năm 2000 - 988900 người, năm 2002 - 1 triệu 282100 người, năm 2004 - 1 triệu 404600 người;

- công nghiệp - năm 2000 - 3 triệu 889300 người, năm 2002 - 4 triệu 558400 người, năm 2004 - 5 triệu 293600 người;

- xây dựng - năm 2000 - 1 triệu 040400 người, năm 2002 - 1 triệu 528300 người, năm 2004 - 1 triệu 922900 người;

- thương nghiệp - năm 2000 - 3 triệu 896900 người, năm 2002 - 4 triệu 281000 người, năm 2004 - 4 triệu 767000 người;

- khách sạn và nhà hàng - năm 2000 - 685400 người, năm 2002 - 715400 người, năm 2004 - 755300 người;

- vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc - năm 2000 - 1 triệu 174300 người, năm 2002 - 1 triệu 183000 người, năm 2004 - 1 triệu 202200 người;

- văn hoá, y tế, giáo dục - năm 2000 - 1 triệu 352700 người, năm 2002 - 1 triệu 497300 người, năm 2004 - 1 triệu 657400 người;

- các ngành dịch vụ khác - năm 2000 - 1 triệu 089600 người, năm 2002 - 1 triệu 290500 người, năm 2004 - 1 triệu 557200 người.

Để không rối mắt bạn đọc, chúng tôi đã lược bớt số liệu hai năm 2001 và 2003, bạn nào muốn nghiên cứu chi tiết hơn, xin xem các bảng số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam kèm theo bài này. Cũng xin nói thêm, đến nay Tổng cục Thống kê công bố số liệu chỉ đến năm 2004 mà thôi.

Đội ngũ CNLĐ không những tăng trưởng về mặt số lượng như đã nói trên, mà cả về mặt chất lượng cũng tăng tiến rõ rệt. Chẳng những trình độ học vấn của họ được nâng cao, mà trình độ nghề nghiệp cũng đã tiến bộ lên rất nhiều. Ngay cả trong lĩnh vực công nghệ cao, trình độ tay nghề của CNLĐ Việt Nam đã được các chuyên gia nước ngoài công nhận là khá giỏi, không kém gì CNLĐ các nước khác trong khu vực. Trong mấy chục năm qua, chính lực lượng CNLĐ này đã góp phần đắc lực nhất vào việc nâng cao sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và tăng thêm thu nhập cho nhà nước cũng như xã hội, nhờ đó đời sống của nhân dân được cải thiện hơn trước.

Thế nhưng, điều đáng buồn là so với công sức đóng góp của anh chị em CNLĐ vào nền kinh tế quốc dân thì đời sống vật chất và tinh thần của họ, nói chung, vẫn rất cơ cực. Tiền lương của CNLĐ Việt Nam trong các DN nhà nước cũng như tư nhân, kể cả các DN có đầu tư nước ngoài đều rất thấp, so với tiền lương ở tất cả các nước trong khu vực.

 Cần nói thêm là lúc đầu nhà nước Việt Nam ấn định mức lương căn bản cho CNLĐ trong các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam vào khoảng 45-50 USD/tháng, nhưng rồi để chiều lòng tư bản nước ngoài, hồi năm 1999 nhà nước đã "điều chỉnh" lại lương tháng của CNLĐ xuống 35-45 USD/tháng tuỳ theo vùng! Thế là từ năm 1999 đến đầu năm 2006, mức lương căn bản của CNLĐ ở các DN có đầu tư nước ngoài không thay đổi gì. Còn ở các DN nhà nước mức lương căn bản chỉ ở khoảng 20 USD/tháng. Trong lúc đó thì đồng bạc Việt Nam năm nào cũng bị mất giá, nạn lạm phát năm 2005 lên đến 8%, vật giá leo thang không ngừng. Cuộc sống của CNLĐ lại càng thêm khó khăn. Chẳng những thế, CNLĐ ở các DN tư nhân trong nước và các DN có đầu tư nước ngoài thường xuyên bị chủ áp bức, đe doạ đuổi việc, phạt khấu lương, hạ nhục, chửi mắng, thậm chí đánh đập, trừng phạt bất công. Những chuyện này xảy ra hàng ngày như cơm bữa. Các chế độ bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế cho CNLĐ không được quy định rõ ràng, mà có quy định thì cũng không được tôn trọng, nên khi ốm đau, tai nạn, tật nguyền CNLĐ đều phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Có khi anh chị em bị ốm mà vẫn phải gắng gượng đi làm vì sợ bị đuổi việc.

Tóm lại, cuộc sống của CNLĐ trong các DN nhà nước cũng như tư nhân đều rất khổ sở. Trong lúc đó, các tổ chức mang tên là "công đoàn" trong Tổng liên đoàn lao động Việt Nam do ĐCS lãnh đạo lại hoàn toàn thờ ơ với quyền lợi của CNLĐ, còn các cơ quan nhà nước thì chỉ lo ve vãn các chủ nước ngoài, vô cảm trước tình cảnh khốn khổ của CNLĐ, thậm chí còn ngăn cản họ đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân vì sợ các chủ nước ngoài không bằng lòng rồi chuyển dời DN sang nước khác. Trên giấy tờ và lời nói, Luật Lao động của CHXHCN Việt Nam cho phép đình công để bảo vệ quyền lợi của CNLĐ, nhưng trên thực tế, luật đó đã đặt ra nhiều điều kiện pháp lý để hạn chế quyền đình công của CNLĐ.

Chính vì thế, bắt đầu từ cuối năm 2005 - đầu năm 2006, bất chấp những hạn chế đó, một cao trào biểu tình và đình công rất mạnh mẽ của công nhân lao động ở 60 DN có đầu tư nước ngoài đã bùng lên, lôi cuốn đến trên 50 ngàn người để đòi tăng lương5 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, bắt đầu từ khu vực Sài Gòn, Bình Dương, Biên Hoà rồi sau đó toả rộng ra khắp miền Nam, lan đến miền Trung và miền Bắc. Trong lúc CNLĐ phẫn nộ đấu tranh cho quyền lợi thiết thân của mình thì cái gọi là "Tổng liên đoàn lao động Việt Nam" đã quay lưng lại trước quyền lợi của CNLĐ, còn ĐCS và giới cầm quyền lại ra mặt bênh vực quyền lợi đám chủ nhân, ra sức ngăn cản, đe doạ, thậm chí dùng "công đoàn" tay chân của mình phá hoại đình công và dùng công an đàn áp những người đấu tranh, nhất là những người bị coi là "cầm đầu". Được biết có khoảng 100 người đã bị bắt.

Mặt khác, giới cầm quyền Việt Nam cũng lo sợ lòng bất mãn của CNLĐ bùng nổ sẽ gây ra những hậu quả lớn, nhất là sẽ làm xấu môi trường đầu tư ở Việt Nam, nên Thủ tướng Phan Văn Khải đã phải ký nghị định 03/2006/ND-CP tăng lương tối thiểu của CNLĐ các DN có vốn đầu tư nước ngoài lên 40% kể từ tháng 2.2006, nhưng rồi sau đó lùi lại đến tháng 4.2006.5 Nghị định này chẳng những không đáp ứng đúng mức đòi hỏi của CNLĐ tại các DN nước ngoài, mà còn gây thêm bất mãn cho CNLĐ các DN Việt Nam, vì họ cho là nhà nước bất công, kỳ thị đối với họ. Nhiều người nói: "Nếu công nhân của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài không sống nổi với lương căn bản của họ thì công nhân chúng tôi tại các DN địa phương với mức lương thấp hơn nữa thì làm sao đủ sống" Với thu nhập quá kém cỏi, đời sống của công nhân các DN địa phương chúng tôi càng khó khăn cực kỳ, để kiếm thêm tiền, chúng tôi phải làm phụ trội đến kiệt sức". Và thế là bắt đầu có thêm những cuộc đình công khác của CNLĐ các DN Việt Nam.

Cao trào biểu tình, đình công vừa qua là một cuộc đấu tranh có tính tự phát vì quyền lợi kinh tế, nhưng phần nào nó cũng mang màu sắc chính trị, vì những cuộc biểu tình, đình công này đi ngược với ý muốn của kẻ cầm quyền, phơi bày cái mặt thật của họ, tự xưng là đảng của giai cấp công nhân, chính quyền của giai cấp công nhân, nhưng lại ra mặt bênh vực giới chủ và đàn áp CNLĐ.

Đáng tiếc là trong cao trào đấu tranh này, CNLĐ Việt Nam chưa có được những nghiệp đoàn tự do hay công đoàn độc lập6 riêng của mình để thường xuyên bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, cùng giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, như khi bị đuổi việc, bị ốm đau, bệnh tật, cũng như cùng nhau nâng cao tình đoàn kết của giai cấp công nhân.

Một điều sơ đẳng ai cũng biết, là giai cấp công nhân có một vai trò rất lớn, nhất là trong các nước phát triển và đang phát triển, vì họ là lực lượng sản xuất chủ yếu, họ lại nắm các "yết hầu kinh tế" của đất nước, nên họ thường quyết định vận mệnh của đất nước. Thực tiễn cho thấy rằng trong mọi cuộc vận động xã hội, vận động chính trị, từ phong trào giải phóng dân tộc cho đến cuộc đấu tranh chống các chế độ độc tài, toàn trị, giai cấp công nhân thường là động lực có sức mạnh lớn lao.

Có thể lấy ví dụ điển hình là vai trò của công nhân Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary ở Đông Âu - đặc biệt là Ba Lan - hồi thập niên năm 50 đến những năm cuối cùng của thập niên 80, trong cuộc đấu tranh chống các chế độ toàn trị công sản và chống sự khống chế của Liên Xô đối với Đất nước họ. Nói riêng về Ba Lan, hồi giữa thập niên 50, phong trào công nhân đã rất sôi nổi dẫn đến cuộc nổi dậy của công nhân nhà máy ôtô ở Poznan (26.06.1956) rồi lan ra khắp cả nước bằng những cuộc biểu tình mãnh liệt với khẩu hiệu "Bánh mì!" và "Quân đội Liên Xô rút khỏi Ba Lan!"

Đến cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, công nhân Ba Lan lại tỏ rõ vai trò nổi bật của mình: tiếp sau những cuộc đình công quyết liệt của công nhân ở Gdansk là sự ra đời của Công Đoàn "Đoàn Kết" (Solidarnos) hồi năm 1980, do người thợ điện Lech Walesa lãnh đạo. Giai cấp thống trị đàn áp dữ dội, cấm đoán Công Đoàn "Đoàn Kết", bắt bớ giam cầm những người cầm đầu, nhưng phong trào Công Đoàn "Đoàn Kết" vẫn không bị dập tắt. Công Đoàn "Đoàn Kết" rút vào bí mật thế mà có khi đã thu hút đến gần 10 triệu đoàn viên. Những người trí thức Ba Lan nhận thức được vai trò của công nhân trong công cuộc chuyển hoá hoà bình Đất nước từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ đa nguyên, nên đã nhiệt thành tham gia và tích cực ủng hộ Công Đoàn "Đoàn Kết". Nhờ thế, Công Đoàn "Đoàn Kết" đã đứng vững trước mọi phong ba bão táp do giai cấp thống trị gây nên.

Khi Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (thực chất là Đảng cộng sản) lâm vào thế bí, tướng Yaruzelski thiết lập tình trạng đặc biệt (13.12.1981), nhưng tình hình chính trị vẫn bế tắc, cuối cùng ngày 17.04.1989 đành phải hợp pháp hoá Công Đoàn "Đoàn Kết" và mở Hội nghị Bàn tròn giữa chính phủ và Công Đoàn "Đoàn Kết". Sau những cuộc tranh cãi gay go đến ngày 05.04.1989 hai bên đã đi đến thoả thuận chung là tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do vào ngày 18.06.1989. Ông Lech Walesa đã coi "đây là thoả thuận của thế kỷ". Trong cuộc tổng tuyển cử, Công Đoàn "Đoàn Kết" đã thắng lợi rực rỡ và một trong những lãnh tụ của Công Đoàn "Đoàn Kết", luật sư Tadeusz Mazowieski, được cử ra làm Thủ Tướng chính phủ. Còn lãnh tụ Công Đoàn "Đoàn Kết", Lech Walesa, được nhân dân bầu làm Tổng Thống đầu tiên của nước Ba Lan dân chủ hậu cộng sản.

Chúng tôi nêu ví dụ của Ba Lan và Công Đoàn "Đoàn Kết" để thấy rõ vai trò của công nhân trong cuộc vận động dân chủ hoá Đất nước. Cố nhiên, hoàn cảnh Ba Lan khác biệt rất nhiều so với hoàn cảnh nước ta: ở đấy tỷ trọng công nhân trong dân số Ba Lan khá cao, mật độ tập trung của công nhân khá lớn, ý thức tự do dân chủ trong công nhân khá mạnh và giai cấp cầm quyền cộng sản tuy cũng rất độc ác nhưng chưa đến mức tàn bạo như bọn độc tài "phong kiến mới kiểu Á châu". Nhưng dẫu sao đây cũng là một tấm gương sáng để mọi người dân chủ chúng ta cùng ngẫm nghĩ.

Cần phải thành thực nói rằng trong thời gian qua, những người dân chủ nước ta chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của công nhân và việc vận động công nhân. Nhiều người còn chưa tiếp cận với công nhân hoặc có tiếp cận, nhưng chưa đặt được mối quan hệ chặt chẽ thường xuyên với họ. Cuộc sống không cho phép chúng ta chậm chạp được nữa, nếu không theo kịp phong trào của công nhân, của nông dân và của sinh viên học sinh thì những người dân chủ nước ta sẽ còn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để dấy lên cao trào dân chủ chung.

Ngày nay, cuộc vận động quần chúng công nhân, nông dân, sinh viên học sinh có rất nhiều khó khăn, chẳng những vì nỗi sợ "truyền kiếp" mà ĐCS đã gây ra cho mấy thế hệ liền, sau bao trận đàn áp ghê rợn và khủng bố đẫm máu của ĐCS, từ cải cách ruộng đất, vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, vụ án Xét lại-Chống Đảng, Tết Mậu Thân, các trại tù "cải tạo" dành cho những người thuộc chế độ cũ ở miền Nam và những người bất đồng chính kiến, v.v... mà còn vì cái tâm lý chung của đa số quần chúng tuy đã thấy những xấu xa, những căn bệnh trầm kha của chế độ đương thời và mong muốn thay đổi nó đi, nhưng lại không muốn có thay đổi mạnh vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình dẫu sao cũng đã có phần dễ thở hơn trước. Nhưng nếu những người dân chủ chịu khó "lăn" vào quần chúng, chắc chắn họ sẽ thấy được những bất mãn sâu sắc của công nhân, lao động, của nông dân và sinh viên học sinh với chế độ hiện tồn.

Những bất mãn đó xuất phát từ tình trạng bất công xã hội, từ cái hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng, từ nạn tham nhũng tràn lan của các quan chức, từ thói tệ quan liêu, hống hách với dân của kẻ cầm quyền, từ tình trạng cướp đoạt đất đai của nông dân và của nhân dân nói chung, nhất là khi việc công nghiệp hoá mở rộng một cách không cân nhắc, không tính toán...

Khi biết rõ những bất mãn đó, những người dân chủ sẽ có nhiều cơ hội lôi cuốn quần chúng vào cuộc đấu tranh cho quyền lợi thiết thân của họ và từ đó dần dần nâng cao nhận thức chính trị cho họ, kể cả ý thức về tự do dân chủ và sự cần thiết phải dân chủ hoá Đất nước. Những người dân chủ cần bớt đi những lời kêu gọi tự do dân chủ chung chung, bớt tung ra những khẩu hiệu kêu vang mà không thực tế chỉ làm quần chúng e sợ mà xa lánh mình, mà cần mạnh dạn và kiên trì đi sâu vào quần chúng, vận động họ đấu tranh cho quyền lợi thiết thân, chống áp bức bóc lột, chống bất công xã hội. Đây là việc làm thiết thực nhất hiện nay.

Sau 60 năm đè đầu cưỡi cổ người dân, những người cộng sản cầm quyền đã quan liêu hoá và tha hoá triệt để rồi, ngày nay họ đã tách rời dân chúng và trở thành giai cấp bóc lột, áp bức dân chúng. Chứ ngày xưa, khi chưa cướp được chính quyền thì họ biết thâm nhập vào quần chúng và rất khéo léo vận động quần chúng. Trừ cái thủ đoạn bịp bợm, lừa dối của họ đối với quần chúng thì chúng ta dứt khoát cự tuyệt, chứ những phương pháp đi vào quần chúng và vận động quần chúng trước đây của họ thì những người dân chủ chúng ta rất nên học.

Ngày nay, việc làm thiết thực nhất là chúng ta phải ra sức vận động thành lập những nghiệp đoàn tự do hay công đoàn độc lập6 của CNLĐ. Với hoàn cảnh hiện nay, lúc đầu nên là những tổ chức bí mật, chặt chẽ với chức năng vận động quần chúng, tổ chức tương trợ, hướng dẫn đấu tranh, lãnh đạo đình công, còn khi có điều kiện thuận lợi thì ra công khai và dần dần mở rộng tổ chức. Điều quan trọng là ngay từ đầu phải làm sao cho những tổ chức này cắm rễ sâu vào mọi xí nghiệp, mọi doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho công nhân và tương trợ nhau trong đời sống hàng ngày. Từ đó dần dần phát huy vai trò của công nhân trong mọi lĩnh vực, kể cả trong công cuộc đấu tranh để dân chủ hoá Đất nước.

Chúng ta tin chắc rằng cùng với các tập hợp dân chủ đã có và sẽ có, các tổ chức của công nhân sẽ góp phần xứng đáng vào việc chuyển hoá hoà bình Đất nước ta từ chế độ độc tài toàn trị sang chế độ dân chủ đa nguyên, mở đường cho Đất nước phát triển mạnh mẽ trên nguyên tắc công bằng xã hội và một nhà nước pháp quyền đích thực.

Ghi chú:

1. Hiện nay, ở Việt Nam các cơ quan nhà nước thường chỉ dùng từ "lao động" mà rất ít hoặc không dùng từ "công nhân". Chúng tôi cho rằng dùng từ ngữ như thế chỉ làm mờ nhạt tính chất công nhân với tư cách là một giai cấp, nên chúng tôi dùng cụm từ "công nhân lao động" và nhiều khi dùng từ "công nhân". Khi nói đến CNLĐ trong các DN, ta nên hiểu đó chính là công nhân, trước đây còn gọi nôm na là thợ thuyền.

2. Xem Bảng số 1.

3. Xem Bảng số 2.

4. Xem Bảng số 3.

5. Trước khi có nghị định 03/2006/ND-CP, mức lương trung bình của CNLĐ tại các DN Đài Loan khoảng 500000 VND (31,6 USD), tại các DN Nhật Bản khoảng 700000 VND (44,35 USD), và khoảng 800000 VND (50,6 USD) tại các DN châu Âu (Vietnam Investment Review, số 9, 15.1.2006).

6. Nghiệp đoàn tự do hay công đoàn độc lập là những tổ chức nghề nghiệp của CNLĐ không bị sự chi phối và khống chế của bất cứ một đảng chính trị nào, kể cả ĐCS, để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của CNLĐ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.