Hôm nay,  

Vào Sân WTO

01/11/200600:00:00(Xem: 7553)

Vào Sân WTO

...tôi e rằng dân ta sẽ đi chân đất vào sân banh quốc tế...

Nếu mọi sự diễn tiến như nhà cầm quyền Hà Nội trông đợi, sau tuần tới, Việt Nam đã có thể trở thành hội viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Người ta đã nói rất nhiều đến những triển vọng của một kỷ nguyên mới, Diễn đàn Kinh tế đài RFA kỳ này sẽ chú trọng đến các vấn đề sẽ thử thách khả năng ứng biến của Việt Nam qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Nguyễn An thực hiện sau đây.

RFA: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sau gần 12 năm chờ đợi và đàm phán, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào ngày Thứ Ba mùng bảy tháng 11 tới. Cảm nghĩ đầu tiên của ông, như một chuyên viên kinh tế, là thế nào"

NXN: Đây là loại tin mừng nhức tim.

Tin mừng vì cuối cùng thì Việt Nam có cơ hội bước ra sân chơi lớn. Nhưng đây là tin mừng nhức tim vì việc gia nhập sân chơi WTO vẫn chỉ là mối quan tâm hay cơ hội cho một thiểu số trong khi luật chơi của thế giới bên ngoài lại thay đổi cách kinh doanh và sinh hoạt của cả xã hội. Cho nên, thượng tầng ở trên nói đến triển vọng, thậm chí còn uống xâm banh ăn mừng, chứ ở bên dưới thì đa số người chưa biết, thậm chí chưa cần biết về những thay đổi sẽ chi phối cả xã hội. Vì vậy, tôi e rằng dân ta sẽ đi chân đất vào sân banh quốc tế.

RFA: Cái hình ảnh “đi chân đất vào sân banh quốc tế” có vẻ không đựơc phấn khởi cho lắm. Vừa rồi ông nói là “thượng tầng ở trên nói đến triển vọng”, nhưng đâu phải chỉ ở thượng tầng ở trên mới nói đến triển vọng" Thật ra, truyền thông và doanh giới quốc tế cũng nói đến triển vọng này, còn ngợi khen Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng cao nhất nhì thế giới, có thể sánh với Trung quốc, và họ bày tỏ hy vọng là Việt Nam sẽ sớm trở thành một con cọp kinh tế Đông Á sau khi vào WTO.

NXN: Tôi gọi đó là "hiệu ứng phòng thương mại quốc tế", là tác động của doanh giới quốc tế vào truyền thông để cho lãnh đạo các nước nghèo uống nước đường.

Tôi xin giải thích cho rõ hơn:

Lãnh đạo đừng cứ đọc báo Mỹ và phiên dịch những gì họ khen ngợi Việt Nam mà phải tự “giải ảo”, tự mình giải phóng khỏi ảo tưởng. Từ ba bốn chục năm trước, các xứ tân hưng Đông Á, như Nam Hàn, Đài Loan, rồi Malaysia, Thái Lan, v.v… đều có giai đoạn khởi phát với tốc độ tăng trưởng 8-9% như Việt Nam ngày nay, nhưng với tỷ lệ công bằng xã hội cao hơn rất nhiều, tức là mức dị biệt giàu nghèo hẹp hơn.

Hãy lấy ví dụ dễ hiểu, từ mặt đất mà muốn cất cánh, các phi cơ đều phải bốc lên với góc độ rất cao ban đầu vì khởi đi từ mức cực thấp. Một khi đã trở thành nền kinh tế tân hưng, phát triển, họ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhưng trên một nền tảng giàu có hơn, nên dù chỉ tăng trưởng có 5% môt năm, thì mức 5% ấy vẫn giàu hơn mức 8,5% của Việt Nam gấp bội, mà lại ít có vấn đề xã hội hơn.

RFA: Cám ơn ông đã giải thích chuyến “uống nước đường”, mặc dù thật ra thì cũng chẳng ngọt cho lắm. Thế còn cụm từ "hiệu ứng phòng thương mại quốc tế" thì có nghĩa là gì"

NXN: Phòng thương mại là hiệp hội quy tụ doanh giới để vận động cho quyền lợi của doanh giới. Doanh giới quốc tế nhìn thấy triển vọng đầu tư vào Việt Nam để hoặc bán hàng cho thị trường Việt Nam hoặc khai thác lợi thế kinh tế tại Việt Nam để tái xuất khẩu ra xứ khác. Sau khi gia nhập WTO, luật lệ Việt Nam được giải tỏa sẽ cho doanh giới cơ hội ấy nên họ vui mừng và vận động. Đây là điều đúng và cũng có lợi cho Việt Nam nhưng ta chẳng nên quên rằng tác động ấy chỉ thu hẹp vào một số khu vực ngành nghề của xã hội, trong khi ấy luật chơi sẽ chi phối cả xã hội và nhiều thành phần hay địa phương, mà những người trong cuộc lại chưa biết.

RFA: Dường như ông thường có phản ứng bi quan trước tin vui vì vậy mới mô tả là "đi chân đất vào sân banh quốc tế". Thưa ông đi chân đất thì ắt là gặp lắm thử thách. Thế ông ông muốn nói đến những thử thách nào"

NXN: Trong kinh tế không có chuyện bi quan hay lạc quan. Chúng ta thường nói trên diễn đàn này rằng bất cứ một biến cố hay chính sách kinh tế nào cũng có người lãi người lỗ, trong ngắn hạn hay về trường kỳ. Lãnh đạo kinh tế sáng suốt hay không là do khả năng thẩm định hậu quả về lâu dài và trên toàn cảnh, nên chẳng vì lợi ích cho một thành phần lại quên lãng những thiệt hại cho các thành phần khác mà nhất thời mình nhìn chưa ra, tính chưa nổi.

Một thí dụ cụ thể để minh diễn chuyện ấy: Việt Nam thực sự chưa thoát khỏi chế độ bao cấp của doanh nghiệp nhà nước và loại công ty của tay chân nhà nước ngụy danh là tư doanh hay dân doanh. Khi Việt Nam gia nhập WTO, các cơ sở ấy có ưu thế liên doanh hay hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài và coi như đi giày da đá trên sân banh quốc tế, với sự dìu dắt của quốc tế.

Nhưng bất công xã hội của sự kiện ấy là đặc quyền đặc lợi của một thiểu số vẫn gia tăng, với hiện tượng đã từng có, thí dụ như lại trưng thu đất đai của nông dân để liên doanh với nước ngoài vì luật lệ bất thường về quyền sử dụng đất. Trong khi đại đa số dân chúng vẫn đứng ngoài nếu không kịp, hay không có điều kiện, tiến vào nơi người ta gọi là hội nhập toàn cầu đó. Hậu quả là họ sẽ oán trách kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và cả tổ chức WTO.

RFA: Đấy là một loại rủi ro mà tôi có cảm tưởng là ông muốn gián tiếp cảnh báo. Ông nói ra cho rõ hơn được chăng"

NXN: Nói cho rõ thì 80% dân số Việt Nam, tức là hơn 60 triệu người, vẫn sống ở thôn quê với tỷ lệ bần cùng nghèo khó bình quân cao gấp ba dân số thành thị khiến cho 90% các hộ nghèo nhất là các gia đình hiện sống ở thôn quê. Họ sống bằng gì" Chủ yếu vẫn bằng canh nông và các nghề phù trợ nông nghiệp. Bây giờ, họ nghe nói là sau khi gia nhập WTO, họ có hy vọng xuất khẩu nông ngư sản ra thế giới bên ngoài, nhưng làm cách nào và trong điều kiện gì, về vệ sinh hay phẩm chất và thu mua tiếp thị, thì họ chưa biết và chưa được biết.

Trong khi ấy, WTO cũng cho đủ loại tư doanh quốc tế đổ bộ và phân phối hàng bền, ngon bổ với giá rẻ cho Việt Nam thì làm sao nông gia và tư doanh về dịch vụ Việt Nam cạnh tranh với thiên hạ ngay trên sân chơi của mình, nói chi đến chuyện thi đua trên sân chơi của quốc tế"

Vượt nổi ưu thế bao cấp của doanh nghiệp nhà nước đã là nỗi khó cho tư doanh và nông gia, nay lại gặp sức kết hợp của doanh gia quốc tế với doanh nghiệp nhà nước hay các công ty của tay chân nhà nước thì tư doanh đích thực và nông dân sẽ xoay trở làm sao"

RFA: Theo chúng tôi hiểu thì WTO cũng quy định là Việt Nam sẽ phải giải tỏa luật lệ cho thông thoáng và phải chấm dứt chế độ bảo hộ cho doanh nghiệp nhà nước cho nên tình trạng khu vực nhà nước khai thác ưu thế hiện có để trục lợi nhờ WTO sẽ phải hết. Ngoài ra, phát triển tư doanh cũng là một đòi hỏi được quốc tế nói tới từ lâu. Liệu trường hợp tiêu cực như ông vừa nói có thể sẽ chấm dứt hay không"  

NXN: Chúng ta có một hiện tượng tiêu cực khác mà tôi xin gọi là "trí tuệ khôn lanh" của Việt Nam. Khi biết luật chơi sẽ đổi thì những kẻ lanh lợi nhất sẽ thay đổi để kịp phù hợp với luật chơi mới mà vẫn giữ được đặc quyền đặc lợi đang có. Ai sẽ mau mắn làm được việc phù phép đó" Câu trả lời là những người có thông tin và có quan hệ tốt để kịp thời cải sửa mặt ngoài mà vẫn giữ được lợi thế ở trong. Mọi quốc gia chuyển hướng kinh tế đều có thành phần khôn lanh ấy và xứ nào thông tin càng ít minh bạch thì thành phần ấy càng làm giàu nhanh mà đa số vẫn đứng ngoài. Chưa kể là khi bị cạnh tranh bất chính như vậy, tư doanh sẽ khiếu nại với ai"

RFA: Đồng ý với ông rằng tình trạng ấy là có thực và trong tương lai, chắc chắc chúng sẽ tự thay đổi để mà tiếp tục phát triển hơn nữa. Như vậy ông nghĩ là Việt Nam cần làm gì để tránh được tình trạng đó"

NXN: Trước tiên là lãnh đạo phải có thực tâm muốn tránh chuyện đó, là điều tôi vẫn hoài nghi. Từ khi Việt Nam có hy vọng gia nhập WTO sau khi vượt qua cửa ải Hoa Kỳ, chúng ta đã nói trên diễn đàn này là phải có một cuộc cách mạng về thông tin để nhà cầm quyền trình bày cho quốc dân biết về những đòi hỏi của quốc tế và những cam kết của mình. Điều đó chưa hề có.

RFA: Thưa ông, vừa rôi ông Trương đình Tuyển cho biết sẽ chuyển tất cả những tài liệu ấy sang tiếng Việt một cách nhanh chóng và phổ biến.  Như vậy, thì có thể coi đó như một cuộc “Cách mạng thông tin không"”

NXN: Vâng, đó chính là một cơ hội cho một cuộc cách mạng về thông tin!

Nhưng không phải là ai ai cũng cần biết rõ và thuộc lòng 560 trang dày cộm về mọi quy định Việt Nam đã thỏa thuận với WTO về hàng hoá chẳng hạn, hoặc 60 trang về dịch vụ. Nhưng lãnh đạo có thực tài và thực tâm thì đã phải biết phân giải hồ sơ đồ sộ này thành từng phần cụ thể dễ đọc dễ hiểu cho từng ngành nghề liên hệ để nếu ai muốn tham khảo thì còn có nơi để tìm để biết.

Vấn đề là lãnh đạo ở trên thì quen phản ứng ém nhẹm và phân cấp thông tin vì sợ sệt chưa lường được hậu quả, mà xã hội dân sinh ở dưới chưa có các hiệp hội do các ngành nghề tự thành lập để thông tin cho các thành viên và tranh thủ quyền lợi của mình. Còn nếu để thư lại nhà nứơc dịch cả ngàn trang giấy với cái nỗi lo sợ là sẽ lại dịch sai cả những chức năng đã cam kết, thì mình sẽ lại trễ trong việc chuẩn bị.

RFA: Như vậy là chỗ muốn có một cuộc cách mạng thông tin, muốn phổ biến ra tất cả những tin tức liên quan đến WTO cho đến khi những thông tin đó hữu ích cho mọi người thì rõ ràng nó vẫn còn một khoảng cách. Vậy thưa ông, một cách cụ thể thì ông có đề nghị thiết thực như thế nào về việc thông tin này"

NXN: Đề nghị cụ thể đầu tiên là đừng bắt bỏ tù những người muốn tìm hiểu và quảng bá thông tin! Thứ nữa là đừng cho rằng nhà nước là người duy nhất quyết định về mọi việc, dù là vì lợi ích hay hạnh phúc của toàn dân. Vượt qua khung cửa hẹp của tư duy này rồi thì nên phát động một phong trào rộng lớn để toàn dân cùng tìm hiểu về WTO.

Nếu việc áp dụng luật lệ thuộc trách nhiệm của nhà nước đối với quốc tế thì việc tìm hiểu, phiên dịch và diễn giải hướng dẫn người dân về những cam kết với WTO là thẩm quyền và trách nhiệm của mọi người. Mà đừng nên đánh giá thấp người dân về khả năng thông hiểu và phiên dịch ngoại ngữ! Mỗi thành phần nghề nghiệp đều có thể tìm hiểu và đãi lọc trong hồ sơ tổng thể của WTO những phần sẽ chi phối ngành nghề của họ và sẽ được tự do quảng bá thảo luận góp ý để tìm ra giải pháp ứng phó, khai thác, với lời ghi chú rằng đây không phải là bản dịch chính thức, mà chỉ mang tính cách hướng dẫn thôi.

RFA: Như vậy, ông coi đó là một ưu tiên trước mắt"

NXN: Vâng, nếu nhà nước chỉ thông tin nhỏ giọt theo thói cũ thì sẽ lại đẻ ra nạn đầu cơ thông tin để trục lợi bất chính, tức là chỉ có tiết lộ từng phần thôi, tức là bán những thông tin ấy để lấy tiền. Ngược lại, nếu bản văn, dù còn là ngoại ngữ, được công bố rõ ràng, thì từng thành phần sẽ biết vì lợi ích riêng tìm ra những gì liên hệ mà phiên dịch và quảng bá. Tất nhiên, văn kiện của nhà nước mới có giá trị pháp lý nhưng nội dung luật chơi mới là điều mà mọi người trong cuộc phải được biết. Thành phần nào phiên dịch chính xác và diễn giải rõ rệt nhất sẽ được tín nhiệm và việc thi đua tìm hiểu đó sẽ gây ra chấn động tâm lý cần thiết để người dân ý thức được là Việt Nam đang bơi ra biển lớn khởi đầu cho cuộc hành trình lớn. Khi các phòng thương mại hay công đoàn của thiên hạ đã mổ xẻ vấn đề để xử trí còn ta cứ uống xâm banh tự khen để dân chúng bị kéo ra khơi mà chưa có hải đồ thì nguy! Chưa nói đến cải cách luật lệ chính sách, tối thiểu thì cũng phải như vậy khi nhìn ra thách đố hậu WTO.

RFA: Mà đó là điều tối thiểu phải có"

NXN: Vâng.

RFA: Xin cảm ơn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không quản ngại thời tiết băng giá, tối ngày 3 tháng Giêng vừa qua cử tri bang Iowa đã rủ nhau đến những địa điểm hội họp để bắt đầu tiến trình
Tôi đang ở vùng Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, sắp đến Tết  Mậu Tý 2008, ở đây  Mùa Đông thật lạnh lẽo, nước mưa đông lạnh thành nước đá đóng mặt đường
John Wu đã diễn tả thật khéo trong cuốn "Đông Gặp Tây" về ba đạo sĩ theo dấu sao lạ tìm đến Bê-Lem dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Đấng Cứu Thế
Thoạt nhìn bên ngoài người ta chỉ trông thấy một cơ sở rất khiêm tốn, không nguy nga đồ sộ như những ngôi chùa lớn
Từ một tháng nay, tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã làm dư luận xôn xao
Ngày 31/12/2007 ông Vũ Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đến biên giới tỉnh Lào Cai để chủ tọa một buổi lễ
Sự việc Trung Quốc tuyên bố thành lập Huyện Tam Sa để quản trị quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền Việt Nam
Tết Nguyên Đán sắp đến,  năm cũ sắp qua đi, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm điểm lại một năm qua mình sống như thế nào
Nghị quyết ngày 26 tháng 3 năm 2004  viết rằng: “DDảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời
Sau hơn ba mươi năm sống Hoa Kỳ, người Việt ta đã hội nhập ngày một nhiều hơn vào đời sống chính trị Mỹ, để tham gia nhiều cuộc bầu cử chính trị
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.