Hôm nay,  

VN: Lý Thuyết Chính Trị - Kinh Tế Ăn Đong Của Đỗ Mười

29/09/200600:00:00(Xem: 8080)

Hoa Thịnh Đốn.- Dù không còn  giữ chức vụ gì trong Đảng, nhưng ảnh hưởng của Đỗ Mười, Cựu Tổng Bí thứ khoá VII vẫn còn nguyên đó.  Mười  được coi là  tiếng nói đại biểu  cho  phe bảo thủ, giáo điều, sơ cứng  đang ra sức kìm giữ đảng trong qũy đạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và chống lại những ai có tư tưởng muốn ly khai.

Trên tờ Nhân Dân, Cơ quan ngôn luận chính thức của đảng vào ngày 04-11-2005, Đỗ Mười đã viết về tình trạng nhiều đảng viên hãy còn mơ hồ về Chủ nghĩa Mác-Lênin: “ Ngày nay tình hình nghiêm trọng hơn, không thể xem thường, những người dao động, phai nhạt lý tưởng cách mạng không phải là ít, với nhiều dạng biểu hiện khác nhau: có người ngượng ngùng khi nói "chủ nghĩa xã hội" hoặc khi nói "định hướng xã hội chủ nghĩa; có người nói một đằng làm một nẻo, nói hướng này, nhưng làm hướng khác, miệng nói chủ nghĩa xã hội nhưng giải pháp thì lại xa dần mục tiêu xã hội chủ nghĩa; thậm chí có người biện hộ, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản, trong khi phản bác, bôi nhọ và gieo rắc nghi ngờ về chủ nghĩa xã hội...”

Mười viết bày này  vào lúc đảng viên và  một số người ngoài đảng tranh luận trước Đại hội đảng X, tháng 4/2006, về việc nên hay không nên duy trù Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam.

Theo Mười thì “Nguyên nhân dẫn đến sự dao động này có nhiều và rất phức tạp. Một phần vì nhận thức quá nông cạn về thời đại, nhận thức quá sơ sài về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội, nhận thức mơ hồ về sự kiện Liên Xô tan vỡ và chủ nghĩa xã hội thế giới tạm thời thoái trào. Trong khi đó, do sự tác động phức tạp của "kinh tế thị trường" của "toàn cầu hóa", diễn biến tình hình thế giới lại quá nhanh, một số vấn đề lý luận chưa được làm sáng tỏ, đã ảnh hưởng đến nhận thức và niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Phần khác, có sự tác động vô cùng xảo quyệt, thâm độc, quyết liệt của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội, trong đó có sự tác động về tư tưởng, lý luận gắn liền với sức mạnh của đồng đô-la.”

Vậy ra bây giờ đã có nhiều đảng viên muốn bỏ đảng  để chạy theo lợi nhuận của đồng đô-la"  Mười  kêu gọi đảng: “Cần bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt nhìn nhận đúng đắn  đối với chủ nghĩa xã hội hiện thực đã từng tồn tại ở Liên Xô với cả thành công và vấp váp của nó cũng như  đối với sự đổ vỡ của Liên Xô trong chốc lát, thì mới góp phần củng cố lý tưởng xã hội chủ nghĩa của chúng ta.”

Mười nói: “Vấn đề bao trùm và cốt tử quyết định thắng lợi là xây dựng Đảng thật tốt, thật đúng đắn. Chúng ta bảo đảm không bao giờ chệch hướng trong xây dựng Đảng. Chúng ta xây dựng Đảng cho xứng đáng là Đảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng của Hồ Chí Minh. Chúng ta trung thành và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.  Chúng ta giữ vững và áp dụng sáng tạo nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng như Cương lĩnh và Điều lệ Đảng đã ghi…Tóm lại, thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng đất nước là quy luật tiến lên của nước ta, là đường lối chính trị cơ bản của Đảng ta, là xứng đáng với sự hy sinh to lớn của bao thế hệ chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước. Chúng ta tin rằng, Đảng ta tiếp tục xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam.”

Sau bài báo này, Mười ngưng nói cho đến ngày 21-9-06, cũng trên diễn đàn của  báo Nhân Dân, Mười viết về vấn đề “Tập trung sức đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.”

Nội dung bài báo nhằm đề cao vai trò “chủ quản của nền kinh tế Nhà nước” trong tiến trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa.

Mười bảo những người cầm quyền hiện nay: “Không thể buông lỏng để kinh tế quốc doanh tự bươn chải, được chăng hay chớ, không thể để kinh tế tập thể yếu ớt, thui chột dần, cũng không nên xếp kinh tế tập thể với kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân vào một khối gọi là "kinh tế ngoài quốc doanh" hay "kinh tế dân doanh", trái lại phải coi kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước thành một khối làm nền tảng cho nền kinh tế quốc dân, kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước có sự gần gũi nhau về bản chất...”

“Chúng ta phải chú ý từng bước công nghiệp hóa gắn liền với từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới - quan hệ sản xuất mới này có nhiều mặt, nhưng theo Cương lĩnh năm 1991 của Đảng thì phải dựa trên nền tảng dần dần hình thành chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội.”

Ngày 27-6-1991 là thời kỳ Mười bắt đầu  nắm quyền lãnh đạo đảng CSVN khóa VII.  Mười giữ chức vụ này cho đến ngày 26/12/1997 thì Lê Khả Phiêu lên thay tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII).

Suốt trong thời gian 7 năm, đảng CSVN,  tuy  khuyến khích tư nhân làm kinh tế nhưng lại quyết tâm chống ý kiến để cho kinh tế tư nhân nằm ngoài  chỉ đạo của đảng.  Và tuyệt nhiên, họ coi ý kiến cho đảng viên làm kinh tế là điều gì xa lạ, phản bội bản chất của  con người  Cộng sản và có hại cho sự tồn tại của đảng.

Đỗ Mười nhiệt thành  ủng hộ chính sách ”kinh tế Hơp Tác Xã” mà về sau  đã chứng minh là một chủ trương  trung ương tập quyền, bao cấp thất bại.

Việc này đã khiến  nhiều đảng viên tự ý xé rào  làm kinh tế tư nhân để nâng cao đời sống  và  nhiều người đã trở nên giầu có.  Đảng  không mất quyền lãnh đạo vì tình trạng này  nên đến  Khoá X, dưới quyền Nông Đức Mạnh,  đảng  không những  hợp thức hoá tình trạng này mà còn khuyến khích đáng viên làm kinh tế.

   Trong đợt  góp ý trước Đại hội X, Mười không bình luận gì về đề nghị cho  đảng viên được đảng khuyến khích làm kinh tế, cũng không gay gắt chống đối quyết liệt như Nguyễn Đức Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Trong bài viết mới đây, Mười chỉ có nhận xét  chung chung: “Chúng ta đã có những cố gắng, những tiến bộ trong thực hiện đường lối, chủ trương công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, từ chính sách đến quản lý điều hành vẫn chưa đủ mức cần thiết, chưa tương xứng với yêu cầu, cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp còn thấp kém, lao động trong nông nghiệp còn lạc hậu, vất vả, đang có sự phân hóa đáng kể giữa nông thôn và thành thị, ít nhiều tổn thương đến quan hệ liên minh công - nông - trí, nên không thể xem thường.”

Nhưng Mười  đã có nhận xét về những yếu kém hiện nay của nền kinh tế: “Không thể phủ nhận một thành tựu hiển nhiên của 20 năm đổi mới là công nghiệp nước nhà có bước phát triển mạnh mẽ, chiếm hơn 40% GDP, nông nghiệp chỉ còn chiếm 20% GDP, lao động trong nông nghiệp chỉ còn khoảng 60% tổng lao động xã hội. Tuy nhiên, cần nghiêm khắc nhận ra rằng tỷ trọng công nghiệp gia công còn lớn, phần lớn thiết bị, máy móc, nguyên liệu phải nhập từ bên ngoài, công nghiệp phụ trợ lại yếu kém nên giá trị gia tăng trong công nghiệp còn thấp và thiếu bền vững. Điện lực tăng lên, nhưng sản xuất thép thì quá nhỏ bé so với nhu cầu, những hóa chất cơ bản thì cơ bản là nhập khẩu, ngành cơ khí sa sút nghiêm trọng.”

“Hàng tiêu dùng nước ta hiện nay rất phong phú, nhưng yếu tố nước ngoài chiếm phần chủ yếu. Lao động trong nông nghiệp nước ta còn vất vả, nặng nhọc, gần như cơ bản vẫn dẫm chân tại chỗ ở trình độ thủ công. Chúng ta cũng có những lo lắng chính đáng về công nghiệp quốc phòng, làm sao cho luôn luôn tương xứng với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Cần suy ngẫm, nâng tầm tư duy về đường lối, quan điểm trong phát triển công nghiệp, trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.”

“Tình hình hiện nay”, Mười viết tiếp, “ máy cho sản xuất, máy cho tiêu dùng, máy lớn, máy nhỏ đều phụ thuộc vào nước ngoài, hằng năm phải nhập hàng tỷ đô-la, đây là cái yếu cơ bản của nền kinh tế. Cho nên, sắp tới phải tập trung sức khắc phục yếu kém đó và đấy cũng là thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh: "Một nước độc lập, ắt phải có công nghiệp nặng" (Hồ Chí Minh toàn tập, quyển 7, trang 208). Làm được như vậy là chúng ta vừa bảo đảm phát triển nền kinh tế quốc dân, vừa bảo đảm độc lập tự chủ vừa có cơ sở nâng cao căn bản và vững chắc đời sống nhân dân.”

Nhưng Mười cảnh giác: “Còn lãng phí, thì phải lên án đó là tội ác (lãng phí tài nguyên, lãng phí thời gian, lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng...), vì nó tốn tiền của một cách vô ích, chẳng nhằm vào tiêu dùng cá nhân và cũng chẳng nhằm vào tiêu dùng sản xuất…. Còn tham nhũng, bòn rút ngân sách Nhà nước, là chống lại cả tích lũy và tiêu dùng của nhân dân, rút cuộc chống lại sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tóm lại, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, đấu tranh có hiệu quả với các lực cản của cả tích lũy và tiêu dùng, là một cơ sở quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.”

Nhưng lãng phí và tham nhũng có mới gì đâu. Ngay khi  còn làm Tổng Bí thư,  Mười đã gọi tệ nạn tham nhũng  là “Quốc nạn”, nhưng để  cho tình trạng này kéo dài và gây thiệt hại cho dân cho nước cho đến ngày nay,  Mười và những người lãnh đạo đảng CSVN có trách nhiệm gì không hay chỉ biết đổ lỗi cho nhau"

Mười còn kêu gọi cả nước thực hành tiết kiệm để xây dựng kinh tế trong câu viết: “Tiết kiệm vốn là một quy luật kinh tế - quy luật số 1 của sản xuất xã hội như Mác nói. Đối với nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa thì tiết kiệm càng là quy luật thép. Tiết kiệm phải là một quốc sách hàng đầu để đầu tư cho phát triển kinh tế. Phải tiết kiệm trong sản xuất và tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm sức người, sức của, đặc biệt sử dụng đất đai tài nguyên (một loại tư liệu sản xuất quý giá nhất nhưng lại không thể sinh sôi, nảy nở), một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất như ông cha ta vẫn thường nói "tấc đất tấc vàng". Người người tiết kiệm, nhà nhà tiết kiệm, cả nước tiết kiệm, vì hôm nay và một tương lai bền vững.”

NHỮNG VIỆC TRƯỚC MẮT

Kêu gọi như thế nhưng Mười quên rằng muốn “Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”  thành công thì trước tiên đảng phải trong sạch hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên để chống  tham nhũng, lực cản trung tâm hiện nay của  công tác  “hiện đại hoá” đất nước.

Báo cáo Chính trị của  khoá IX do Nông Đức Mạnh đọc tại  kỳ Đại hội đảng khóa X (4/2006), về lĩnh vực kinh tế đã viết:  “Các cân đối vĩ mô trong nền kinh tế chưa thật vững chắc, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động từ bên ngoài. Trình độ khoa học, công nghệ, năng suất lao động thấp; giá thành nhiều sản phẩm còn cao so với khu vực và thế giới. Nhiều nguồn lực và tiềm năng trong nước chưa được huy động và khai thác tốt. Đầu tư của Nhà nước dàn trải, hiệu quả chưa cao, thất thoát nhiều. Lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước và tiêu dùng xã hội còn nghiêm trọng. Môi trường tự nhiên ở nhiều nơi bị huỷ hoại, ô nhiễm nặng….”

“Lĩnh vực dịch vụ phát triển chậm. Nội dung và các biện pháp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn chưa cụ thể. Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hoá, còn nhiều vướng mắc. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, lao động chưa qua đào tạo vẫn là phổ biến, lao động nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao. Hoạt động kinh tế đối ngoại còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa đủ sức vượt qua những khó khăn về cạnh tranh và thị trường….Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng. Tội phạm và một số tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng. Tai nạn giao thông gây nhiều thiệt hại về người và của…”

Trong Báo cáo của Chính phủ  8 tháng đầu năm 2006, tình trạng tai nạn lưu thông viết: “Trong tháng 7/2006 (từ 22/6 đến 21/7) trong cả nước đã xảy ra 1085 vụ tai nạn giao thông, làm chết 928 người và bị thương 773 người. So với tháng 6/2006, tai nạn giao thông đã giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại về người: Số vụ tai nạn giảm 2,5%; số người chết giảm 0,5% và số người bị thương giảm 4,7%. So với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông giảm 55 vụ; số bị chết tăng 39 người và số bị thương giảm 177 người.”

“Tính chung 7 tháng năm 2006, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 8,7 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 7,4 nghìn người và bị thương 6,7 nghìn người. So với 7 tháng năm 2005, số vụ tai nạn giảm 2,9%; số người bị thương giảm 13,9%; riêng số người chết tăng 8,3%. Bình quân một ngày trong 7 tháng năm nay xảy ra 41 vụ tai nạn, làm chết 35 người và làm bị thương 32 người.”

Báo cáo Chính trị của Nông Đức Mạnh còn cho biết: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Công tác tư tưởng còn thiếu tính thuyết phục. Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới. Công tác tổ chức và cán bộ còn nhiều mặt yếu kém. Chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao…”

Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  5 năm 2006 – 2010, do Nguyễn Tấn Dũng,  khi còn là  Phó Thủ tướng Thường trực,  trình bày tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI  viết rằng: “Những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua còn dưới mức khả năng phát triển của đất nước, hoạt động kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, bất cập; việc huy động và sử dụng các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực, vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội còn kém hiệu quả và chưa tương xứng với tiềm năng. Trình độ phát triển kinh tế và công nghệ vẫn tụt hậu so với nhiều nước xung quanh. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng và tính bền vững của sự phát triển còn kém. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại còn nhiều hạn chế. Văn hoá - xã hội phát triển chưa ngang tầm và còn nhiều vấn đề bức xúc; chưa thực hiện tốt việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường. Bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức đổi mới chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy thật tốt.”

Theo Dũng, nay là Thủ tướng, thì  “Các yếu kém và bất cập về kinh tế, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là:

(1) Chậm đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; chậm xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(2) Chính sách và giải pháp chưa đủ mạnh để huy động và sử dụng được tốt nhất các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

(3) Cải cách hành chính còn chậm và kém hiệu quả; công tác tổ chức, cán bộ chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu.

(4) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu nhất.”

Với những yếu kém do Mạnh và Dũng nêu lên, liệu Mười có thuốc gì khá  hơn là lời khuyên cấp tốc “công nghiệp hoá” để  nâng cao đời sống cho dân, trong khi  80 phần trăm dân ta là nhà nông lại chưa biết bằng cách nào, với điều kiện tụt hậu  như hiện nay, đảng  có thể “hiện đại hoá” đất nước vào năm 2020" 

(09/06)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cổ nhân ta thường khuyên khi ta không tự chế được sự tức giận thì trí  ta sẽ mất khôn và dễ đưa ta đến việc làm  xằng bậy để bị người khinh
Vào tháng trước, sau khi đắn đo trong phiên họp mùng bảy tháng Tám của Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng (FOMC), Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ quyết định
Sự việc này tưởng chừng là nhỏ nhưng thật ra không nhỏ chút nào và có thể gây hậu quả lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dự kiến của người trong cuộc
Thảm kịch dân oan đang là vấn đề nhức nhối của dân tộc. Chính vì thế, những người dân chủ nên để tâm suy nghĩ về vấn đề này để xác định cho mình
Trong tư cách là Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, ngày 27-8-2007 vừa qua, nhân kỷ niệm 62 năm "cướp chính quyền"
Trăn trở trước hiện trạng các đoàn biểu tình khiếu kiện đông người ngày càng rầm rộ kéo về 110 Cầu Giấy - Hà Nội và trụ sở Văn phòng 2 của Quốc hội
Đao, thương, kiếm, kích, súng đạn...dĩ nhiên là dụng cụ dùng để giết người. Còn ngòi bút của văn nhân, ký giả có thể giết người không"
Mùng sáu vừa qua, trùm khủng bố Al-Qaeda là Osama bin Laden công bố băng hình với các lập luận vừa đe dọa, vừa đả kích, vừa tuyên truyền
Rechungpa, cậu bé chăn dê và sau này trở thành đệ tử tâm truyền nhất của Milarepa, đã hội ngộ với đạo sư của mình năm lên 11 tuổi
Tu Chính án số 1 của Hiến Pháp Hoa kỳ xác địng rằng “Quốc Hội không được làm luật để  ngăn cấm hoặc giảm bớt 1) tự do ngôn luận
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.