Hôm nay,  

Cải Cách Ngân Hàng Thế Giới

27/09/200600:00:00(Xem: 7623)

...Hoa Kỳ đòi hỏi Ngân hàng Thế giới phải quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên hệ tới nạn tham nhũng và chế độ cai trị của các nước đi vay...

Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới World Bank đã bế mạc tại Singapore hôm 20 với một thông cáo đáng chú ý ở việc cải cách cấu trúc đầu phiếu của IMF. Đây là một thay đổi trong hệ thống tài chính thế giới báo hiệu những cải cách khác cho cả Ngân hàng Thế giới. Diễn đàn Kinh tế có cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về việc cải cách này. Chương trình chuyên đề sẽ do Thy Nga thực hiện sau đây.

- Hỏi: Hôm 20 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã thông báo thay đổi về cấu trúc bỏ phiếu như một bước đầu tiên của tiến trình cải cách sẽ thực hiện trong hai năm tới. Giới quan sát kinh tế cho rằng đây là một thay đổi lớn lao trong cấu trúc tài chính thế giới và rằng trong tương lai Ngân hàng Thế giới cũng phải được cải cách. Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trước hết, xin ông trình bày sơ lược về chiều hướng thay đổi này của cấu trúc tài chính thế giới.

- Thưa đây là một đề tài rất dài mà tôi xin được tóm lược ở chuyện cải tổ hệ thống tài chính đã được lập ra tại hội nghị Bretton Wood năm 1944 và dẫn tới việc thành lập Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF và Ngân hàng Thế giới World Bank năm 1946.

Khi Thế chiến II sắp sửa kết thúc, các nước đồng minh Tây phương họp bàn với nhau về việc tái thiết và trước tiên về những biến động kinh tế đã dẫn tới chiến tranh, cụ thể là vụ tổng khủng hoảng kinh tế trong các năm 1929-1933. Tại hội nghị tài chính ở Bretton Wood thuộc tiểu bang New Hampshire của Hoa Kỳ vào tháng Bảy năm 1944, 45 nước đồng minh đã quyết định lập ra Quỹ IMF và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế, tức là tiền thân và một phần của Ngân hàng Thế giới ngày nay, và Thỏa ước Tổng quát về Quan thuế, tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Kể từ đấy, người ta gọi hệ thống tài chính tiền tệ này là Bretton Wood, với sự ra đời của IMF và World Bank vào năm 1946.

Bây giờ người ta thấy là hệ thống Bretton Wood này không còn thích hợp với thực tế nên đã bắt đầu thay đổi. Thay đổi đầu tiên là phương thức tiến hành việc bỏ phiếu trong cơ chế IMF, với một "quota" hay "định phân" được đồng loạt nâng cao cho bốn nước hội viên là Trung Quốc, Nam Hàn, Mexico và Turkey.

- Xin ông nói rõ hơn về nhóm từ "không còn thích hợp với thực tế" này.

- Sau Thế chiến II, các nước công nghiệp Tây phương chiếm một tỷ trọng rất cao về sản lượng kinh tế, ngày nay, các nước gọi là đang phát triển đã có một phần đóng góp cao hơn về cả sản lượng lẫn ngoại thương hay tài chính toàn cầu nên có quyền tham gia nhiều hơn vào các quyết định kinh tế của thế giới.

- Việc nâng cao "quota" cho bốn nước ấy có nghĩa là gì"

- Quỹ IMF là một câu lạc bộ giữa các nước hội viên, mỗi hội viên đóng góp một số tiền và tham dự vào tiến trình quyết định về chính sách tài chính và tiền tệ do IMF đề ra, căn cứ trên một "quota" mà tôi xin tạm gọi là "định phân", phần quyết định được phân bố cho mình.

Khi được thành lập đúng 60 năm trước, cơ cấu quyết định ấy của IMF tập trung trong tay các quốc gia công nghiệp Tây phương. Bây giờ các quốc gia kém phát triển đã lớn mạnh và có trọng lượng nặng hơn trong luồng trao đổi của thế giới nên người ta phải chấp nhận cho các nước này một tỷ lệ định phân cao hơn trong phần đóng góp và một quyền biểu quyết mạnh hơn trong các thỏa thuận về hệ thống tài chính thế giới. Đề nghị này do Hoa Kỳ đưa ra từ lâu và gặp sự cản trở của nhiều nước Âu châu, đến nay mới được Hội đồng Thống đốc của IMF thông qua trong kỳ họp thường niên tuần trước tại Singapore. "Nghị quyết về định phân và cải cách chế độ biểu quyết" đề ra thời hạn hai năm để hoàn thành việc cải cách ấy.

Nói vắn tắt thì tương quan về quyền lực đang thay đổi dần cho sát với thực tế kinh tế và các nước đang phát triển sẽ có nhiều quyền hạn hơn trong các quyết định tài chính của thế giới.

- Bây giờ, chúng ta sẽ tập trung vào một đề mục trong cả tiến trình thay đổi lớn lao ấy là Ngân hàng Thế giới vì cơ chế này có ảnh hưởng rất lớn đến việc viện trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước nghèo, trong đó có Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là Ngân hàng Thế giới có gặp sức ép là phải thay đổi như quỹ IMF hay không và sẽ thay đổi theo hướng nào"

- Áp lực thay đổi thì đương nhiên là có, còn sẽ thay đổi ra sao thì người ta chưa biết được, chính vì vậy mà các nước hội viên càng phải tìm hiểu và tham gia vào tiến trình cải cách ấy.

Trước hết là thực tế kinh tế của thế giới với sự chuyển dịch quyền lực ngày càng nạng hơn về các nước đang phát triển, vốn là khách nợ hay thân chủ được Ngân hàng Thế giới tài trợ. Một thí dụ là Trung Quốc, với nền kinh tế nay có trọng lượng rất lớn, chỉ thua Hoa Kỳ, Nhật Bản và nước Đức, nhưng vẫn có ảnh hưởng rất thấp trong Ngân hàng Thế giới đồng thời cũng là một thân chủ hay con nợ rất lớn của định chế này. Với việc cải cách chế độ bỏ phiếu bên IMF, Trung Quốc cũng sẽ đòi một quyền quyết định lớn hơn bên World Bank.

- Nghĩa là sẽ được World Bank cho vay nhiều hơn"

- Thưa không nhất thiết như vậy, ngược lại là khác. Trung Quốc có thể đòi định chế này thay đổi chính sách viện trợ tài chính tức là thay đổi cả tiêu chuẩn cứu xét và cấp phát tín dụng nhẹ lãi để qua đó giành lấy một quyền ảnh hưởng lớn hơn trong nhiều địa hạt khác. Một thí dụ cụ thể là Ngân hàng Thế giới bị sức ép rất mạnh của các tổ chức ngoài chính phủ, các NGO hay đoàn thể vận động dư luận quần chúng, hầu Ngân hàng Thế giới không viện trợ cho Trung Quốc trong các dự án gây hậu quả xấu về môi sinh hay văn hoá chính trị.

Sức ép thứ hai cho Ngân hàng Thế giới lại có chiều hướng trái ngược với sức ép kể trên từ phía Trung Quốc hay từ các nước đang phát triển khác, như Ấn Độ hay Brazil hoặc Mexico. Đó là Hoa Kỳ đòi hỏi Ngân hàng Thế giới phải quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên hệ tới nạn tham nhũng và chế độ cai trị của các nước đi vay. Thí dụ như định chế này phải đặt ra các tiêu chuẩn tiên quyết về sự minh bạch của dự án xin tài trợ hoặc phải tính ra được một cách cu thể những hậu quả phụ của dự án đối với môi trường sinh sống và đối với xã hội.

- Ngoài ra, người ta còn thấy loại sức ép nào khác nữa không"

- Có một sức ép âm thầm mà thực ra rất công hiệu của các đoàn thể quần chúng, các NGO là những cơ chế không nằm trong chính quyền nhưng tác động vào dư luận và ảnh hưởng tới việc cứu xét dự án tài trợ hay viện trợ của Ngân hàng Thế giới. Thí dụ như họ chống lại các dự án hủy hoại môi sinh hoặc điều kiện sinh hoạt của các nước nghèo.

Và loại áp lực này mới phức tạp và khó thỏa mãn nhất vì trong các đoàn thể ấy, ta có nhiều xu hướng khác biệt thậm chí mâu thuẫn với nhau. Chúng ta có những nhóm chống toàn cầu hóa, chống kinh tế thị trường mà họ gọi là kinh tế tư bản chủ nghĩa; ta cũng có các nhóm gây áp lực nhằm nêu ra loại vấn đề ngoài kinh tế, thí dụ như nhân quyền hoặc quyền lao động.

Dự án xây dựng một đập thủy điện để giải quyết vấn đề năng lượng hay một dự án thủy lợi cần thiết cho việc tiêu tưới nông nghiệp chẳng hạn có thể đòi hỏi việc giải phóng mặt bằng, tức là chuyển dịch dân cư với rất nhiều hậu quả xấu vì tham nhũng, hệ quả tệ hại về môi sinh hoặc đối với nếp sinh hoạt của các sắc tộc thiểu số trong khu vực thực hiện dự án.  

- Và Ngân hàng Thế giới có thể không thoả mãn được ngần ấy áp lực ngược chiều"

- Nếu theo dõi kỹ thì người ta thấy rằng định chế này đã cố gắng cải tổ nghiệp vụ của mình bằng cách lôi kéo chính các NGO đó vào tiến trình thẩm xét và quyết định về dự án khiến các chính quyền đi vay phải quan tâm nhiều hơn tới đòi hỏi của các NGO đó. Thực tế là nhiều nước đã vận động hay tranh thủ các NGO này để dự án của họ sớm được Ngân hàng Thế giới chấp thuận. Những vận động rắc rối ấy có thể vẫn chưa được Việt Nam chú ý đúng mức vì lãnh đạo xứ này không mấy quan tâm tới xã hội dân sinh, mà nhiều người gọi là "xã hội dân sự", tới sinh hoạt tự phát của quần chúng nằm ngoài thẩm quyền và khả năng quyết định của chính quyền hay tổ chức quốc tế.

- Ngân hàng Thế giới có chọn lựa các tổ chức phi chính phủ NGO này theo một nguyên tắc nào không"

- Thời ông James Wolfensohn còn làm Chủ tịch thì Ngân hàng Thế giới đã lập ra những bộ phận nghiên cứu với sự tham dự của nhiều nhân vật tích cực hoạt động trong các NGO và thường mời họ ra điều trần về chính sách cho vay của ngân hàng. Nếu có thể nói đến một nguyên tắc thì các nhân vật được tham khảo thường là những người nổi tiếng với các vấn đề xã hội và môi sinh.

- Ngoài ra, ông còn thấy loại áp lực nào khác đối với Ngân hàng Thế giới" 

- Thưa có một áp lực bất ngờ của thực tế tài chính và chính trị: Ngân hàng Thế giới là một ngân hàng nên, như mọi ngân hàng, nó phải huy động vốn từ đâu đó thì mới có thể tài trợ các dự án phát triển. Ngược lại, các nước đi vay có thể phải suy nghĩ lại khi phải thỏa mãn những điều kiện phức tạp của Ngân hàng Thế giới. Các nước này có thể tự hỏi là ta nên vay tiền Ngân hàng Thế giới hay tìm đến một ngân hàng nào khác chăng"

Câu chuyện ấy không là vấn đề trừu tượng. Năm 1999, số tài trợ của Ngân hàng Thế giới cho các dự án lớn đã lên tới 20 tỷ Mỹ kim, coi như đỉnh cao nhất. Năm ngoái, con số này chỉ còn là 13 tỷ. Khi cho vay ít hơn như vậy thì làm sao trả nợ cho các nguồn vốn họ đã huy động"

Và rắc rối hơn thế, Ngân hàng Thế giới lại gặp sự cạnh tranh của các ngân hàng khác, với điều kiện tài chính có thể nặng hơn nhưng điều kiện phi tài chính lại nhẹ hơn, cụ thể là các ngân hàng thương mại không đòi hỏi những điều nhạy cảm như môi sinh, nhân quyền, giải trừ tham nhũng. Đáng chú ý về tính cạnh tranh ấy là sự xuất hiện của các ngân hàng thương mại Trung Quốc với chính sách tài trợ rất dễ dãi cho các quốc gia họ muốn tranh thủ làm thân chủ vì những mục tiêu ngoại giao hay chiến lược của họ.

- Ông đề cập tới một chuyện rất đáng ngạc nhiên và có thể là đầy nghịch lý. Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới viện trợ rất nhiều, nay muốn có ảnh hưởng lớn hơn trong định chế này nhưng đồng thời cũng tung tiền ra cho các nước khác vay mượn để cạnh tranh với chính Ngân hàng Thế giới, trong khi định chế này lại cần huy động vốn trên các thị trường tài chính để có tiền cho vay….

- Với một hậu quả rất kỳ lạ trong quan hệ tài chính quốc tế, là các nước nghèo tự hỏi rằng mình nên đi vay Ngân hàng Thế giới hay ngân hàng Trung Quốc.

Chiều hướng ấy sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi các tổ hợp ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ như Bank of America, Citygroup, JPMorgan Chase đã thỏa thuận với bộ phận cấp phát tín dụng cho tư doanh của Ngân hàng Thế giới là cơ quan IFC về một số quy tắc hành xử gọi là Equator Principles theo đó các công ty tài trợ phải thận trọng để khỏi cấp phát tín dụng cho những dự án có vấn đề về môi sinh hay xã hội tại các nước nghèo. Quy tắc hành xử văn minh ấy sẽ được nhiều ngân hàng Âu châu tuân thủ nay mai nhưng có thể càng khiến các nước nghèo thấy đi vay ngân hàng Trung Quốc là tiện lợi hơn.

Bây giờ, Ngân hàng Thế giới sẽ phải xử trí ra sao với loại vấn đề đa dạng ấy" Trong một kỳ sau, chúng ta có thể sẽ tìm hiểu tiếp về những giải đáp vì chúng sẽ ảnh hưởng tới quyết định của các nước nghèo, trong đó có Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mới đây trên tờ tuần báo The Economist số ngày 10 -16/11/2007 có một câu chuyện (China: Beware of demob) về những người lính giải ngũ của Trung quốc.
Tôi là Trần Thị Lệ, mẹ LS Lê Thị Công Nhân. Con tôi đã bị Công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam ngày 06/3/2007 và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
Paris là thủ đô của ánh sáng,  là biểu tượng của văn minh Tây Phương,  Người Việt Nam làm quen Paris
Để thông tin cho độc giả và nhất là các quản trị mạng (webmaster) biết hầu tránh được sự cố đáng tiếc như ykien.net đã gặp, chúng tôi quyết định công bố
Bên Mỹ, bằng quan trọng nhất là bằng lái xe. Ở Louisiana thì cứ bốn năm phải lấy bằng lại, chụp hình lại, kê khai rõ nặng bao nhiêu, cao bao nhiêu, mắt màu gì
Trong cuộc đời của một con người chẳng ai lại không phải trải qua những dâu bể thường tình là những đắng cay/ngọt bùi, sướng/khổ, yêu/ghét, được/thua
Từ hồi Tháng 3, 2006, Quận Fairfax , VA đã thực hiện chương trình giao bữa ăn nấu theo kiểu Việt Nam
Khó ai biết là vì tình hình Iraq thì 10 năm nữa những gì sẽ xảy ra tại Trung Đông. Mười năm về trước, người ta cũng không biết những gì sẽ xảy ra
Khó ai biết là vì tình hình Iraq thì 10 năm nữa những gì sẽ xảy ra tại Trung Đông. Mười năm về trước, người ta cũng không biết những gì sẽ xảy ra
Vào tháng 3 đầu năm nay 2007, một nhóm chuyên gia về giáo dục từ Trường Đại Học Stanford đã phổ biến bản tường trình
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.