Hôm nay,  

Hội Nghị Cancun Tan Vỡ

16/09/200300:00:00(Xem: 18093)
Hội nghị cấp Bộ trưởng của Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO tại Cancún đã bất ngờ tan vỡ trưa Chủ Nhật, và được coi như một thắng lợi của các nước nghèo trong tranh chấp ngoại thương với các nước giàu.
Đài RFA đã phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa và được giải thích rằng đây là một thất bại lớn của cả hai phía mà nạn nhân sau cùng vẫn là người dân các nước nghèo.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sự tan vỡ của hội nghị cấp bộ trưởng của tổ chức WTO vào chiều 14 vừa qua đã gây ngạc nhiên cho nhiều người, ngay trong các đại biểu của 146 nước hội viên của tổ chức này, vì sao như vậy"
-- Quan hệ mậu dịch giữa các nước giàu và nghèo đã gặp vấn đề từ lâu, nổi bật là Thượng đỉnh của tổ chức WTO tháng 11 năm 1999 tại Seattle của Hoa Kỳ. Năm đó, Tổng thống Bill Clinton chiều lòng một số trung tâm quyền lợi và tổ chức môi sinh nên đã đề nghị thảo luận về một số đề tài nhạy cảm đối với các nước đang phát triển. Hội nghị Seattle còn bị các nhóm chống toàn cầu hóa được thể phá hoại dữ dội bằng nhiều cuộc biểu tình bạo động. Mãi đến tháng 11 năm 2001, tức là hai năm sau và ngay sau vụ khủng bố tại Mỹ, hội nghị tại Doha mới cố lập lại một lộ trình phát triển mậu dịch giữa các nước với chỉ tiêu là đạt được một thỏa thuận vào cuối năm 2004. Trên cái đà ấy của hội nghị Doha, người ta đạt một số kết quả nên tưởng là 146 hội viên sẽ kịp tiến được một bước lớn tại hội nghị ở trung tâm du lịch Cancun của Mexico. Nào ngờ dị biệt quan điểm giữa các nước lại còn đào sâu hơn và hội nghị không đồng ý nổi về nghị trình thảo luận sau năm ngày đêm thảo luận. Nhiều đại biểu tham dự tỏ vẻ ngạc nhiên về sự tan vỡ này.
Hỏi: Trước khi đi vào chi tiết, xin ông cho biết ngắn gọn lý do chủ yếu của sự tan vỡ này.
-- Lý do chính là các nước đang phát triển đã thống nhất được thành một khối để chặn lại đề nghị thảo luận bốn đề mục do Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản và Hàn Quốc đưa ra. Bốn đề mục ấy được gọi là “đề mục Singapore” vì được nêu ra lên từ năm 1996 tại Singapore và liên hệ đến chính sách đầu tư, việc tiếp cận thị trường, thủ tục minh bạch khi các chính quyền mua hàng, và chính sách cạnh tranh. Sở dĩ bác bỏ là vì các vấn đề trên đi quá lãnh vực mậu dịch là trách nhiệm của tổ chức WTO, nhưng lý do thật là các nước nghèo muốn thảo luận về vấn đề họ quan tâm, là chính sách bảo hộ nông phẩm của các nước giàu, nhất là của Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản và Mỹ, vốn từng được nêu ra hàng năm mà không được các nước giàu đáp ứng, nhất là Liên hiệp Âu châu, trong đó đứng đầu là nước Pháp. Điều gây ngạc nhiên lần này là phản ứng thống nhất và khá hùng hồn của các nước đang phát triển, trong đó có các nước đông dân nhất địa cầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nước nghèo nhất tại Châu Phi.
Hỏi: Bây giờ, đi vào chi tiết, xin ông cho biết sự thể của quan hệ mậu dịch phức tạp này.
-- Trước hết, xin nói ngay rằng trong trao đổi ngoại thương giữa các nước ta không nên đơn giản nghĩ rằng có hai phe thiện ác giữa hai chiến tuyến minh bạch, một bên là các nước giàu chỉ muốn trục lợi và bên kia là các nước nghèo bị bóc lột. Lý do là ý niệm giàu nghèo này quá đơn giản nên ta không có hai phe mà có từng nhóm quốc gia có cùng quan điểm về quyền lợi trên từng vấn đề vào từng lúc. Tôi xin tạm minh diễn bằng một thí dụ dễ hiểu: nhiều người cùng muốn bước lên một đòan tầu, những ai chật vật vào được trong toa rồi đều nhất trí quay ra nói với người đứng dưới là bên trong đã hết chỗ, để khỏi bị chen chúc. Các nước nghèo mà phát triển đến một mức độ nào đó lại trở thành quốc gia đang phát triển, và có quan niệm về quyền lợi chuyển dịch theo tình hình mới, như trường hợp Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore. Đó là về bối cảnh chung; về thực chất thì xứ nào cũng ưu tiên nghĩ đến quyền lợi của mình, chính quyền nào cũng ưu tiên bảo vệ quyền lợi của công dân mình hay cử tri của mình. Vì vậy, ai cũng đề cao tự do mậu dịch trong địa hạt mà quyền tự do đó có lợi cho mình, rồi lặng lẽ thi hành biện pháp bảo hộ cho thành phần mình muốn bảo vệ, như Ấn Độ, Brazil hay Argentina cũng có chế độ bảo hộ nông phẩm. Cho nên, ai cũng nói đến tự do mậu dịch nhưng có cơ hội là vi phạm và vì vậy mới cần một cơ cấu giải quyết mâu thuẫn là tổ chức WTO, một câu lạc bộ của các nước muốn buôn bán tự do với điều kiện. Thực tế của quyền lợi là điều phũ phàng đó.
Hỏi: Nếu ta khó xác định được lằn ranh xấu tốt giữa các nước, vụ tan vỡ này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình mậu dịch toàn cầu"

-- Ngay sau khi hội nghị kết thúc, tổ chức WTO cho biết họ sẽ triệu tập lại một hội nghị, trễ nhất vào ngày 15 tháng Chạp này, có thể tại trụ sở chính ở Geneve của Thụy Sĩ. Trước đó, trong thượng đỉnh của tám nước công nghiệp hàng đầu là nhóm G-8, gồm Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada cùng Liên bang Nga, các nước cũng sẽ phải quan tâm đến phản ứng dữ dội của các nước nghèo. Và trong hội nghị hàng năm sắp tới của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đề tài này cũng phải được quan tâm, nhất là khi Ngân hàng Thế giới cho rằng chính sách bảo hộ nông phẩm của Âu châu có gây thiệt hại cho các nước nghèo. Nhưng, vì các nước nghèo và nhiều tổ chức ngoài chính phủ có quan điểm ủng hộ các xứ này đang hồ hởi vì thắng lợi vừa qua tại Cancun, người ta chưa thấy hy vọng khai thông ngay trước mắt. Tôi nghĩ rằng đây là một thất bại lớn và nạn nhân sau cùng vẫn là người dân của các nước nghèo.
Hỏi: Vì sao vậy, thưa ông"
-- Nếu thấy rằng mình không thể đạt được một thỏa thuận quốc tế, tức là đa phương, trong khuôn khổ của tổ chức WTO, mỗi nước sẽ đi tìm thỏa thuận song phương qua từng hiệp định thương mại hay thương ước ký kết với quốc gia nào đồng ý với mình, hoặc các nước sẽ lập ra một cơ chế của từng nhóm quốc gia đồng ý trao đổi ngoại thương với nhau. Vào trường hợp đó, tổ chức WTO sẽ mất dần nội dung và thực chất, và quan hệ mậu dịch lẫn việc buôn bán giữa các nước sẽ bị hạn chế. Mà điều này xảy ra thì các nước nghèo sẽ là nạn nhân hàng đầu, là điều họ chưa hiểu vì còn đang say men chiến thắng. Trước khi vào hội nghị, Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ là Robert Zoellick đã nói trước về viễn ảnh đáng tiếc đó. Trong vụ này, ta không nên nói ngay đến thắng bại mà phải thấy là các nước đang phát triển sẽ bị thiệt hại về kinh tế sau thắng lợi chính trị vừa qua.
Hỏi: Trở lại đề tài gây nhức nhối cho các nước nghèo khiến họ có lập trường mạnh mẽ vừa qua là vụ bảo hộ nông phẩm của các nước giàu....
-- Vâng, ba khối kinh tế đứng đầu thế giới là Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng là ba nhóm có chính sách bảo hộ nông phẩm đáng trách nhất. Họ lấy tiền thuế của dân nâng đỡ nông gia bằng biện pháp trợ cấp và trợ giá khiến nông gia vẫn có lợi dù sản xuất với giá thành cao hơn các nước khác, và vì thấy còn có lợi, nông gia còn tiếp tục sản xuất nên ta có nạn dư thừa nông phẩm từ các nước giàu tràn ngập ra thị trường thế giới, làm sụt giá nông phẩm và gây thiệt hại cho các nước nghèo và cả các nước có nông nghiệp tiên tiến và năng suất cao như Úc Đại Lợi hay New Zealand. Chính sách bảo hộ này tuân theo quy luật chính trị nhưng hoàn toàn phản kinh tế, do đó các nước nghèo mới yêu cầu phải bãi bỏ mà không thành. Phải nói rằng trong hồ sơ nông phẩm Liên hiệp Âu châu là nhóm lạc hậu nhất, với chính sách nông nghiệp chung gọi là CAP hoàn toàn thoái hóa. Họ đả kích các xứ khác là cứ tự tiện hành động theo ý mình một cách đơn phương, chứ chính bản thân họ mới là nhóm hành động đơn phương khi duy trì một chế độ bảo hộ nông phẩm phi lý về kinh tế và nghiệt ngã với các nước nghèo, nhất là các nước Châu Phi sống nhờ xuất khẩu nông phẩm. Vì chính sách đó của Âu châu, Mỹ mới trả đũa và đến nay, hai khối này với nhau còn chưa khai thông được mâu thuẫn. Thượng đỉnh G-8 kỳ này có thể phải nêu lại vấn đề giữa các nước đã phát triển với nhau, vì vụ tan vỡ tại Cancun sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho mọi phe thắng bại.
Hỏi: Kết luận của ông về hồ sơ nhức đầu này"
-- Các nước đã phát triển, một thiểu số trên địa cầu kể về dân số, cần ý thức được là vận mệnh thế giới sẽ không thể do một nhóm nhỏ các nước giàu đó ngồi bàn tính một cách lạnh lùng với nhau, bất kể tới thiên hạ còn lại. Vì vậy, họ phải quan tâm đến quyền lợi và cả những ẩn ức của các nước nghèo, trong đó có một nhóm quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Indonesia tập trung quá nửa dân số địa cầu. Họ phải giải thích được cho người dân của họ, nông gia hay nghiệp đoàn và các chính khách thiển cận theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch, là chính sách này không thể tồn tại mãi vì nhà nước không thể lấy thuế của dân tiếp tục trợ cấp trợ giá trước phản ứng dữ dội của các nước khác. Ngược lại, các nước nghèo cũng đừng tự ru ngủ ở thắng lợi biểu kiến vừa qua tại Cancun vì sẽ thấy hậu quả bất lợi trong nay mai, khi có thể mất luôn diễn đàn WTO là nơi tiếng nói của đa số còn được một chút trọng lượng trước các khối kinh tế giàu mạnh kia.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Cộng sản số 11 đăng bài viết của tác giả Trần Duy Hương vu khống, xuyên tạc cuộc đấu tranh của chúng ta, quy kết những nhà đấu tranh cho Dân chủ
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực
Phương pháp luyện lực gTum-mo của truyền thống Tây Tạng đã được nhóm nghiên cứu ngành y khoa của đại học Harvard khảo sát tận nơi
Cảm ơn trang mạng tuyệt vời của quý vị, luôn cập nhật kịp thời mọi tình huống Phật giáo đang xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Benazir Bhutto đã thoát chết trong vụ mưu sát tối 18 tháng 10 tại Karachi của xứ Pakistan. Dư luận được biết như vậy về một đòn khủng bố tự sát
Trước sự kiện các nhà dân chủ Trung quốc, đối lập với chế độ độc đảng hiện hành ở trung Quốc do Mao dựng lên, đang khẩn trương đưa nội dung cuốn sách
Ta phải nhận thức rõ ràng là mọi người mà ta tiếp xúc đều giống như ta trên nguyên tăc căn bản:  họ muốn được hạnh phúc.
Trong Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 30/7/2007, Hội nghị V của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) đã viết về công tác kiểm tra, giám sát
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã được Tổng Thống Bush và quý vị Dân Biểu
Vâng, thật vậy, bạn hãy cùng tôi tham dự lễ An Vị Quán Thế Âm Bồ Tát nơi Lễ đài lộ thiên vào ngày 14 tháng 10 năm 2007
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.