Hôm nay,  

Kinh Tế Trung Quốc Có Cơ Nguy Sụp Đổ...

09/09/200300:00:00(Xem: 19178)
...đáng lẽ mua hàng của, thí dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay các nước Đông Nam Á, thì Mỹ mua hàng của Hoa Lục nhiều hơn. Cái mà Trung Quốc được là cái mà các nước Đông Á bị mất...
Hôm qua, mùng tám, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết là chính quyền Bắc Kinh sẽ không nâng giá đồng “Nhân dân tệ” của họ như nhiều xứ đã yêu cầu, kể cả Mỹ. Đề tài này liên hệ tới sinh hoạt kinh tế toàn vùng Đông Á và có thể được thảo luận trong Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái bình dương vào tháng 10 tới đây tại Bangkok. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa đài RFA với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, vào cuối tháng Bảy vừa qua, cũng trên diễn đàn này, ông có trình bày là chính quyền Trung Quốc gặp sức ép rất mạnh của nhiều quốc gia vì cố duy trì một tỷ giá ngoại hối - nghĩa là hối suất - quá thấp của đồng Nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ. Trong chuyến thăm viếng Á châu, hôm mùng một vừa qua, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ John Snow cũng chính thức nêu vấn đề này tại Bắc Kinh. Ngày hôm qua, mùng tám, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết là Trung Quốc sẽ không nâng giá đồng tiền của họ, như vậy, liệu vấn đề đã ngã ngũ hay chưa"
-- Tôi thiển nghĩ rằng đây là vấn đề thuộc loại phức tạp nhất vì liên hệ tới rất nhiều lĩnh vực nên ta khó có một câu trả lời dứt khoát. Nếu nói cho gọn thì việc điều chỉnh tỷ giá ngoại hối chỉ là một phần của bài toán, đằng sau, ta còn có nhiều yếu tố khác phải cứu xét. Hãy nói trước hết về bối cảnh của sự việc thì trong khi tiền Mỹ sụt giá vì bị bội chi ngân sách lẫn nhập siêu quá lớn thì tiền Trung Quốc cũng tuột theo vì được giàng giá vào tiền Mỹ, một đô la Mỹ ăn 8,28 nhân dân tệ, với một biên độ xê dịch rất nhỏ, chỉ có 0,1%. Vì vậy mà tiền Trung Quốc mặc nhiên bị phá giá, nhờ đó hàng hóa Trung Quốc trở thành rẻ hơn, có sức cạnh tranh cao hơn. Vì nguyên nhân đó, các nước, kể cả Mỹ, mới muốn họ phải thả nổi đồng bạc hoặc ít nhất điều chỉnh hối suất cho sát với thực giá hầu cạnh tranh bình đẳng hơn với các quốc gia khác. Thực ra, vấn đề không giản dị như vậy vì hàm chứa bên dưới nhiều yếu tố phức tạp hơn.
Hỏi: Xin ông lần lượt trình bày những yếu tố phức tạp đó.
-- Trong cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Ngân khố John Snow của Hoa Kỳ vào tuần qua, giới chức Bắc Kinh cho biết là họ dự tính sẽ thả nổi cho đồng bạc cho thăng trầm theo sát quy luật cung cầu nhưng sẽ không nâng hối suất hoặc thả nổi trước năm 2005. Tôi thiển nghĩ rằng Bộ trưởng Snow của Mỹ cũng biết như vậy.
Hỏi: Thế tại sao ông ta vẫn gây sức ép để Bắc Kinh điều chỉnh hối suất đồng bạc"
-- Chúng ta không quên rằng năm 2004 tới đây là năm tranh cử tại Mỹ, và vì nạn suy trầm kinh tế lẫn năng suất lao động gia tăng, nước Mỹ đang có hiện tượng khá đặc biệt là kinh tế phục hồi mà thất nghiệp vẫn cao và sẽ chỉ giảm vào năm tới. Một trong các vấn đề được gây thành đề tài tranh luận là Mỹ “xuất cảng lao động” bằng cách đầu tư vào các xứ có đồng lương rẻ, như Trung Quốc hay Ấn Độ chẳng hạn, làm thợ thuyền Mỹ bị thất nghiệp. Lý luận này không đúng nhưng ăn khách trong giới chính trị có xu hướng bảo hộ mậu dịch bên đảng Dân chủ. Một vấn đề thứ nhì là trong quan hệ ngoại thương giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ bị nhập siêu nặng vì mua nhiều hơn bán, và điều này cũng khiến xu hướng bảo hộ mậu dịch tấn công chính quyền là mặc nhiên cho Trung Quốc có lợi thế về ngoại thương nhờ đồng bạc được phá giá theo đà tuột giá của Mỹ kim. Vì lý do chính trị, chính quyền Bush không thể không nêu vấn đề về tỷ giá ngoại hối của đồng nhân dân tệ. Thực ra, các nước Đông Á bị thiệt nhiều hơn và cũng cần Bắc Kinh nâng giá đồng bạc, nhưng người ta không để ý đến sự kiện đó bằng lời yêu cầu của Bộ trưởng Ngân khố Mỹ. Ông ta phải nêu vấn đề hầu chính quyền Bush khỏi bị đả kích ở nhà. Chúng ta không quên là trong các vụ tranh chấp về mậu dịch, kể cả vụ cá da trơn của Việt Nam, xu hướng bảo hộ mậu dịch bên phía đảng Dân chủ gây sức ép rất mạnh và cuối cùng là chính quyền Bush lại bị các nước khác công kích vì những biện pháp đó.

Hỏi: Như vậy, ông cho rằng Bộ trưởng Ngân khố Mỹ chỉ muốn nêu vấn đề để bảo đảm là chính quyền không bị tấn công ở nhà là không bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ mà thôi"
-- Như đã có dịp trình bày, các ngành chế biến và xuất khẩu của Mỹ thì thấy đồng nhân dân tệ Trung Quốc định giá quá rẻ nên có thể đã có lợi thế cạnh tranh bất chính; trái lại, các ngành tài chính và ngân hàng lại rất thích điều đó vì có lợi cho các nghiệp vụ tài chính liên hệ đến Trung Quốc, như môi giới đầu tư hay mãi dịch chứng khoán. Vì vậy, việc Trung Quốc có nên hay không nên thả nổi đồng bạc hoặc nâng hối suất cho cao hơn vẫn là đề tài tranh luận ngay tại Mỹ. Và chính quyền Trung Quốc có loại đồng minh khách quan là các ngân hàng hay công ty tài chính Mỹ. Giới chính trị thì tùy xu hướng tự do ngoại thương hay bảo hộ mậu dịch mà lấy lý luận của phe này hay ngành kia để bênh vực lập luận của mình. Vấn đề vì vậy mới thành phức tạp. Bộ trưởng Ngân khố Mỹ có lẽ hiểu rõ sự rắc rối đó và ngoài kinh nghiệm trên doanh trường ông cũng là một nhà chính trị nên mới gióng tiếng chuông mà đáng lẽ các chính quyền Đông Á nên vận động theo vì các nước Đông Á bị thiệt nhất do đồng nhân dân tệ được định giá quá thấp.
Hỏi: Như vậy, trong mối quan hệ ngoại thương xuyên qua vùng Thái bình dương, các nước Đông Á bị thiệt hại nhất hay sao"
-- Thưa đúng như vậy. Hoa Kỳ mua nhiều hơn bán cho Trung Quốc nên bị nhập siêu nặng với Trung Quốc. Nhưng, số nhập siêu này thực ra không đáng kể nếu so với tổng số mậu dịch của Mỹ và, quan trọng hơn thế, nó còn là kết quả của một sự chuyển dịch nghiệp vụ mua bán từ các nước Đông Á vào Trung Quốc. Nghĩa là đáng lẽ mua hàng của thí dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay các nước Đông Nam Á, thì Mỹ mua hàng của Hoa Lục nhiều hơn. Cái mà Trung Quốc được là cái mà các nước Đông Á bị mất. Tôi thiển nghĩ rằng vấn đề này có thể sẽ được thảo luận trong Thượng đỉnh của Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC trong hai ngày 20-21 của tháng tới. Nếu các nước Đông Á nương theo đòi hỏi của Mỹ để tranh thủ quyền lợi cho mình thì là điều có lợi cho họ.
Hỏi: Trở lại hoàn cảnh Trung Quốc, ông nghĩ sao về vấn đề hối suất này, nên hay không nên thả nổi đồng bạc của họ"
-- Dù đã gia nhập tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO, Trung Quốc vẫn chưa có nền kinh tế thị trường đích thực, vẫn duy trì chế độ kiểm soát tư bản và hối đoái và có một hệ thống ngân hàng lạc hậu trong một cơ chế bảo vệ khu vực quốc doanh. Nếu thả nổi hối suất lập tức, xứ này sẽ bị khủng hoảng lập tức vì hệ thống ngân hàng của họ sẽ sụp đổ dưới núi nợ xấu. Nhờ xuất siêu khoảng 100 tỷ đô la với Mỹ, xứ này có 100 tỷ bơm vào hệ thống ngân hàng và các ngân hàng phóng tay cho vay mà bất kể lời lỗ và rủi ro. Thí dụ như trong bảy tháng đầu năm, họ cho vay nhiều hơn ngạch số của suốt năm qua. Từ đó, chúng ta đang có một hiện tượng đã thấy tại Nhật Bản hay Hong Kong, tức là một trái bóng đầu tư đang được thổi phồng không cơ sở. Sẽ có ngày trái bóng đó bể như đã bể tại Nhật Bản, Hong Kong hay cả Hoa Kỳ. Thời điểm đó có thể là sau năm 2005, và trễ lắm là năm 2008, sau khi Trung Quốc hồ hởi tổ chức Thế vận hội tại Bắc Kinh. Một trong những trung tâm cần theo dõi khi trái bóng đó bể có thể là các cao ốc thương mại của Thượng Hải. Việc điều chỉnh hối suất vì vậy là điều khách quanh cần thiết cho quyền lợi Trung Quốc. Tôi nói điều chỉnh hối suất, tức là mở biên độ giao dịch mua bán cho rộng hơn, như Việt Nam đã làm từ nhiều năm nay, chứ không phải lập tức thả nổi. Từ nay cho đến ngày kinh tế Trung Quốc đủ trưởng thành để có thể thả nổi hối suất thì họ phải ưu tiên cải tổ lại hệ thống ngân hàng sau đó cải tổ chế độ kiểm soát tư bản và doanh nghiệp nhà nước. Có lẽ đó là lý do chính khiến chính quyền xứ này cố cưỡng chống áp lực của các nước để khỏi điều chỉnh chế độ hối đoái của họ. Vừa cố chặn sức ép bên ngoài vừa cải cách bên trong là giải pháp thực tiễn nhất, nhưng không phải là giải pháp dễ nhất đối với giới lãnh đạo. Nếu giữ nguyên trạng, tức là duy trì hối suất giả tạo của đồng nhân dân tệ mà không cải cách lại cơ chế kinh tế, thì Trung Quốc sẽ gặp nạn lớn trong vòng dăm năm tới, với ảnh hưởng sẽ lan rộng cho toàn vùng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau những đòn phép úp mở từ cả hai bên, cuối cùng Hoa Kỳ cũng tiếp đón Chủ tịch Nước của Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết.
Nhà nước Việt Nam là một trong các Chế độ Cộng sản bị Tổng thống George W. Bush lên án trước lương tâm nhân loại trong buổi lễ khánh thành
Tính cho đến nay, đã có tổng cộng 18 ứng viên chính thức ghi danh tranh cử tổng thống Mỹ, trong đó có 10 ứng viên Cộng Hòa và tám ứng viên Dân Chủ
Nội sáu tháng đầu năm nay, trái bóng đầu cơ cổ phiếu Trung Quốc đã ba lần bị xì. Lần đầu vào ngày 28 tháng Hai
Bài phỏng vấn cựu Thủ tướng (TT) và nguyên ủy viên Bộ chính trị (BCT) Võ Văn Kiệt (VVK) của BBC được truyền đi vào cuối tháng 4
Hàn quốc và Việt nam có nhiều nét tương đồng: cùng có lịch sử dựng nước trên 4000 năm, từng bị ngoại bang xâm lấn nhiều lần
Trong thời gian gần đây, giới tiêu thụ Việt Nam bắt đầu bàng hoàng vì hàng hoá Trung Quốc kém chất lượng và thiếu vệ sinh
Vấn đề buôn bán phụ nữ trẻ em ở Thế Kỷ 21 còn tồi tệ hơn buôn bán nô lệ mấy thế kỷ trước đây. Hoa Kỳ rất tích cực trong việc chống nạn
Tính đến năm 2007, Phật Giáo Hòa Hảo đã trải qua 68 năm hành đạo với nhiều nỗi thăng trầm, nhiều lần Pháp nạn, tưởng chừng không thể vượt qua
Ngày nay du khách đến Việt Nam đều hết sức kinh ngạc truớc cảnh tượng người dân, già trẻ, lớn bé
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.