Hôm nay,  

Tiền Á Châu Tăng Giá Sẽ Có Hại

15/07/200300:00:00(Xem: 22243)
Sáu năm trước, cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á làm tiền tệ Á châu đồng loạt phá giá. Ngày nay, Á châu lại nguy cơ khủng hoảng vì hiện tượng trái ngược, đó là tiền Á châu được định giá quá thấp so với Mỹ kim.
Vấn đề phức tạp này được Đài RFA phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa như sau.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trên diễn đàn này ông nhiều lần đề cập tới lối phân công bất thường là Hoa Kỳ tiêu thụ và nhập cảng trong khi các nước Đông Á thì tiết kiệm và ra sức xuất cảng vào Mỹ, khiến kinh tế Mỹ bị bội chi và nhập siêu, đô la Mỹ bị tuột giá và kinh tế Đông Á bị lệ thuộc quá nhiều vào xuất cảng. Ông còn dự đoán là chiến lược phát triển kinh tế bằng xuất cảng của Đông Á đang gặp giới hạn của nó. Nhìn vào tình hình cụ thể ngày nay của Á châu, ta đã thấy dấu hiệu của hiện tượng đó chưa"
-- Chúng ta chỉ thấy một hiện tượng ngược, đó là quán tính của các nước khi bị chi phối bởi những thói quen cũ. Trường hợp điển hình ngày nay là đa số các nước Đông Á vẫn cố duy trì giá trị tiền tệ của mình ở mức thấp so với tiền Mỹ để được lợi thế xuất cảng cho Mỹ và đó là một điều thực ra bất lợi cho kinh tế Đông Á nói riêng và cho thế quân bình tòan cầu nói chung. Tiền của mình rẻ thì hàng của mình rẻ, xuất cảng được dễ dàng hơn, nhưng ngược lại sẽ gây thiệt hại cho chi tiêu nội địa và làm nền kinh tế càng bị lệ thuộc vào xuất cảng. Vào đầu thập niên 1990, xuất cảng của Đông Á trị giá khoảng 55% tổng sản lượng GDP của toàn khu vực, ngày nay, tỷ trọng đó lên đến 64%, tức là không giảm mà còn tăng, sau khi đã gặp vụ khủng hoảng có ý nghĩa cảnh báo vào năm 1997.
Hỏi: Vâng, trong cuộc khủng hoảng đó, trị giá tiền tệ Á châu được tính quá cao, một cách giả tạo, nên khi khủng hoảng bùng nổ, các nước đã theo nhau phá giá và nhờ đó mà bán hàng cho Mỹ được nhiều hơn để sớm phục hồi, và cũng vì đó mà tiếp tục lệ thuộc vào xuất cảng. Ông gọi đó là quán tính của các nước cứ quen lối ngựa theo đường cũ. Nhưng cụ thể thì tiền tệ Đông Á ngày nay được tính giá thế nào mà lại có hiện tượng đó"
-- Đại cương thì ta có ba chế độ hối đoái khác nhau. Một số quốc gia như Trung Quốc hay Malaysia thì giàng giá đồng tiền của mình vào Mỹ kim, Hong Kong cũng vậy khi định giá đồng bạc theo một nhóm ngoại tệ mạnh. Chế độ hối đoái thứ nhì là thả nổi đồng bạc cho thăng trầm theo quy luật cung cầu, như trường hợp Nhật Bản, Indonesia và đa số các nước còn lại. Giữa hai chế độ đó là trường hợp kiểm soát hối đoái, nhưng cho thăng trầm lên xuống theo một biên độ hay khoảng cách nào đó do nhà nước quyết định, là chế độ hối đoái của Việt Nam. Khi Mỹ mua nhiều hơn bán, chi nhiều hơn thu thì tiền Mỹ tất nhiên phải mất giá; và trên nguyên tắc phải mất giá theo cùng mức độ thiếu hụt mậu dịch với đối tác của mình. Thí dụ như bị nhập siêu với Trung Quốc thì Mỹ kim phải mất giá so với đồng Nhân dân tệ theo một tỷ lệ phản ảnh sự thất quân bình đó. Vấn đề ở đây là Mỹ kim có tuột giá từ đầu năm ngoái, nhưng mất giá đến 25% so với đồng Euro Âu châu hay đồng rupiah của Indonesia, nhưng lại rất ít so với các nước còn lại của Đông Á. Riêng với đồng quan Trung Quốc, đồng đô la Hong Kong và đồng ringgit của Malaysia thì vẫn như vậy vì ba xứ này theo chế độ hối đoái cố định. Kinh tế Mỹ bị nhập siêu chừng hơn 400 tỷ đô la một năm, trong đó, Á châu chiếm phân nửa là 200 tỷ và riêng Trung Quốc chiếm 100 tỷ, vì vậy, việc điều chỉnh tự nhiên là tiền Á châu lẽ ra phải tăng giá mới đúng.
Hỏi: Nói cách khác, khi cứ để tiền mình sụt giá theo tiền Mỹ thì các nước Á châu vẫn đòi khai thác lợi thế xuất cảng và đẩy tiếp thất quân bình mua bán vào chỗ sẽ bị sụp đổ"

-- Vâng, về vật lý ta biết là nghiêng quá hóa lật và trong kinh tế thì đó là khủng hoảng. Hoa Kỳ không thể tiếp tục vung tay quá trán và đồng Mỹ kim phải sụt giá, ít ra còn sụt thêm 30% nữa so với những gì đã thấy từ đầu năm 2002. Nhưng hiện tượng điều chỉnh giá cả đó lại không có tác dụng với Á châu vì tiền Mỹ sụt đến đâu, tiền Trung Quốc sụt đến đó và nhiều nước khác thì dù không duy trì chế độ hối suất cố định cũng vẫn có thể bơm thêm tiền hay in thêm tiền cho tiền mình sụt theo Mỹ kim. Muốn đồng bạc lên giá thì khó chứ sụt giá thì dễ vì cứ in thêm tiền là xong. Các nước Đông Á vì vậy bơm tiền ra mua Mỹ kim và coi đó là có lợi vì có một khối dự trữ ngoại tệ dồi dào bằng đô la Mỹ. Bảy quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất hiện nay đều là các nước Đông Á, đứng đầu là Nhật Bản và Trung Hoa. Đấy cũng là các quốc gia có đồng tiền được định giá quá thấp.
Hỏi: Nhưng không phải vậy sao, một quốc gia có dự trữ ngoại tệ càng lớn là tiền tệ và kinh tế của mình càng mạnh"
-- Vấn đề là nguồn tài sản đó dùng để làm gì cho kinh tế quốc dân" Các xứ đó dùng khối tài nguyên này mua công khố phiếu Mỹ, với phân lời rất thấp hiện nay thì đó là lối đầu tư gây nhiều thất thâu vì làm mất cơ hội đầu tư vào các lãnh vực có lợi hơn cho kinh tế, như kích thích sản xuất nội địa để giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường xuất cảng chẳng hạn.
Hỏi: Sau khi điểm qua tình hình như vậy, xin ông giải thích cho nguyên nhân của hiện tượng này. Cụ thể là vì sao các nước Đông Á tiếp tục hoặc giàng giá tiền tệ vào Mỹ kim hoặc để tiền mình sụt giá theo tiền Mỹ"
-- Chủ yếu là vì quán tính của quá khứ. Họ cứ tưởng rằng tiền mình rẻ thì xuất cảng dễ hơn và có thêm dự trữ ngoại tệ bằng đô la thì thêm an toàn. Thực ra, trong hiện trạng thì sức cạnh tranh của Á châu vẫn còn rất mạnh mà khỏi phải lo là hối suất hay tỷ giá đồng bạc sẽ tăng so với tiền Mỹ vì thực tế thì tiền Á châu được tính giá quá thấp. Tuần trước đây, trong hội nghị của các bộ trưởng Tài chính Âu Á, các nước Âu châu đã kêu gọi Á châu hãy nâng trị giá tiền tệ của mình so với Mỹ kim. Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ John Snow cùng Quỹ Tiền tệ IMF và cả Ngân hàng Thanh toán Quốc tế là một phòng giao hoán tòan cầu, đều khuyến cáo Trung Quốc nên nâng giá đồng quan của họ thay vì cứ giàng giá vào hối suất cố định hiện nay là một đồng 28 xu ăn một đô la. Trong khung cảnh thất quân bình toàn cầu vì Mỹ mua nhiều hơn bán, việc Á châu để tiền mình sụt giá và mua vào đô la rồi đem tiền đó đầu tư vào thị trường trái phiếu của Mỹ là có lợi cho Hoa Kỳ trong ngắn hạn, nhưng về dài thì tiếp tục đẩy mạnh thất quân bình và đó là một nguy cơ khủng hoảng. Trước mắt, chính quyền Hoa Kỳ sẽ còn để mặc cho tiền Mỹ tự điều chỉnh, nghĩa là không vực đồng đô la dậy, nhưng nếu điều chỉnh đến đâu mà Á châu lại tuột theo đến đó thì việc điều chỉnh mất hiệu quả. Chỉ có Âu châu là bị kẹt nhất vì tiền mình lên giá trong khi kinh tế suy trầm và vì vậy các nước Âu châu than phiền nhiều nhất về chính sách ngoại hối của Á châu. Tình trạng này kéo dài, ta có thể gặp phản ứng bảo hộ mậu dịch, nghĩa là tung biện pháp trả đũa trên trận chiến ngoại thương giữa các nước với nhau.
Hỏi: Câu hỏi cuối cùng, vì ta nói gì cũng trở về hoàn cảnh của Việt Nam, Việt Nam nên làm gì trong điều hiện trên"
-- Ngược với Trung Quốc có chế độ hối đoái cố định và đến lúc phải điều chỉnh lại vì hiện được định giá quá thấp, có khi đến 50%, thì Việt Nam theo chế độ thả nổi tiệm tiến. Tức là cho hối suất đô la di động trong khoảng cách nhất định, theo quyết định từng ngày của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ chính sách này, Việt Nam có thể chủ động điều chỉnh để giữ được một tỷ giá nào đó với Mỹ kim cho có lợi nhất. Vấn đề ở đây là đừng tiếp tục phản ứng phá giá kiếm lời như đã từng phải làm sau thời kỳ đổi mới. Yếu tố quyết định cho người làm chính sách là nhìn thấy lợi ích lâu dài của nền kinh tế để không tập trung chú ý vào riêng lãnh vực xuất cảng hoặc một thị trường xuất cảng duy nhất là thị trường Mỹ. Đồng bạc Việt Nam mà tính quá thấp so với tiền Mỹ có mối lợi là bán hàng cho Mỹ được rẻ hơn nhưng gây mối hại là đánh sụt mức tiêu thụ nội địa và về dài, khi kinh tế quá lệ thuộc vào xuất cảng mà chiến tranh mậu dịch xảy ra, Việt Nam sẽ không có lối thoát. Về dài, Việt Nam cũng nên tự chuẩn bị cho những sóng gió khó tránh khi Đông Á tiếp tục theo đuổi chiến lược hướng ngoại và để tiền tệ tuột giá theo Mỹ kim như hiện nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội
Tạp chí Cộng sản số 11 đăng bài viết của tác giả Trần Duy Hương vu khống, xuyên tạc cuộc đấu tranh của chúng ta, quy kết những nhà đấu tranh cho Dân chủ
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực
Phương pháp luyện lực gTum-mo của truyền thống Tây Tạng đã được nhóm nghiên cứu ngành y khoa của đại học Harvard khảo sát tận nơi
Cảm ơn trang mạng tuyệt vời của quý vị, luôn cập nhật kịp thời mọi tình huống Phật giáo đang xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Benazir Bhutto đã thoát chết trong vụ mưu sát tối 18 tháng 10 tại Karachi của xứ Pakistan. Dư luận được biết như vậy về một đòn khủng bố tự sát
Trước sự kiện các nhà dân chủ Trung quốc, đối lập với chế độ độc đảng hiện hành ở trung Quốc do Mao dựng lên, đang khẩn trương đưa nội dung cuốn sách
Ta phải nhận thức rõ ràng là mọi người mà ta tiếp xúc đều giống như ta trên nguyên tăc căn bản:  họ muốn được hạnh phúc.
Trong Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 30/7/2007, Hội nghị V của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) đã viết về công tác kiểm tra, giám sát
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã được Tổng Thống Bush và quý vị Dân Biểu
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.