Hôm nay,  

Phát Triển Hướng Nội Và Hướng Ngoại

08/07/200300:00:00(Xem: 22837)
Khi lập kế hoạch gia nhập tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO vào năm 2005 để mở rộng thị trường ngoại thương của mình, Việt Nam gặp nguy cơ đáng ngại nào"
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Đài RFA với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về một chiến lược kinh tế cần thiết cho Việt Nam.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trên diễn đàn chuyên đề về kinh tế này, ông đã nhiều lần đề cập tới giới hạn của sách lược phát triển kinh tế Đông Á khiến các nước trong khu vực bị chi phối quá nhiều bởi những biến động quốc tế. Kỳ này, ta sẽ tập trung vào hoàn cảnh Việt Nam, và xin ông trước hết cho biết vắn tắt về vấn đề này.
-- Sách lược phát triển này có thể được gọi tắt là hướng ngoại, vì nhắm vào xuất cảng như đầu máy cho sự tăng trưởng và muốn vậy thì phải chấm dứt chế độ ngăn sông cấm chợ hay bảo hộ mậu dịch. Sách lược đó có giá trị hiển nhiên vì giúp cho các nước Đông Á, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á đạt được một tốc độ tăng trưởng rất cao trong nhiều thập niên. Tổng cộng có tám nước đã trở thành các quốc gia “tân hưng”, những nước công nghiệp mới tại Đông Á, ta gọi đó là “sự kỳ diệu Đông Á”. Khi mọi người đều công nhận ưu điểm của sách lược đó thì nó cũng bắt đầu hết hiệu lực vì các nước đều tập trung vào việc sản xuất mặt hàng công nghiệp chế biến để bán cho các thị trường giàu có hoặc bán cho nhau. Một lý do nữa là kể từ 1978, Trung Quốc đã bắt đầu cải cách kinh tế và 20 năm sau trở thành lực cạnh tranh đáng kể của Á châu. Biến cố báo hiệu sự hạn chế của sách lược này là vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997.
Hỏi: Nghĩa là đúng 10 năm sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới kinh tế. Nếu sách lược đó hết dần tác dụng tại các nước tân hưng Đông Á thì Việt Nam có còn nên theo không"
-- Tôi nghĩ là vẫn cần chứ không nên đơn giản đi từ thái cực này qua thái cực khác. Nhưng mình cần tinh tế và thận trọng hơn trong sách lược đó. Trước hết, tự do kinh tế hay tự do mậu dịch là điều có lợi cho kinh tế nói chung, nhưng mình không nên vì đi sau mà chỉ dồn sức vào một sách lược hướng ngoại này để gọi là bù lại những thất thâu của quá khứ. Khi lập kế hoạch gia nhập tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO vào năm 2005 để mở rộng thị trường ngoại thương của mình, Việt Nam gặp nguy cơ đáng ngại là phát triển theo hai tốc độ vì sách lược này. Điều đó hiển nhiên là có lợi về một mặt nào đó nhưng cũng khiến xã hội bị tách đôi và kinh tế dễ bị chấn động vì thị trường quốc tế.
Hỏi: Ông cho rằng gia nhập WTO là con dao hai lưỡi hay sao"
-- Tôi không tin là Việt Nam sẽ kịp thời cải cách để trở thành hội viên WTO trong hai năm nữa nhưng vẫn phải cố gắng và thực tâm tiến hành vì việc cải tổ cho cơ chế kinh tế được tự do hơn là mối lợi chung cho Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ thu gọn vào hồ sơ mậu dịch này thôi. Sớm vào được thì càng hay, nhưng chả nên vội nếu cơ chế kinh tế trong nước vẫn chưa được tự do một cách đồng bộ. Tôi xin trở lại vấn đề phát triển với hai tốc độ. Nhờ cải cách kinh tế, nghĩa là mở cửa buôn bán với bên ngoài, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong 15 năm qua và đó là động lực chính cho thành tựu khả quan về mặt xóa đói giảm nghèo. Nếu cứ ngăn sông cấm chợ và theo đuổi chế độ tập trung kế hoạch thì ta cào bằng cả nước trong sự nghèo đói, là điều đã thấy. Nhưng khi mở cửa ra ngoài và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa do nhà nước thủ vai chủ đạo, ta đang có hiện tượng nhà nước dồn sức chỉ đạo sách lược phát triển hướng ngoại; các doanh nghiệp nhà nước ưu tiên liên doanh với nước ngoài, và các khu vực giao tiếp với bên ngoài thì có cải tiến về lợi tức, trong khi đó, đa số còn lại vẫn lẹt đẹt chạy sau. Chúng ta có khoảng cách giàu nghèo đang mở rộng giữa hai khu vực hướng ngoại và hướng nội.
Hỏi: Nghĩa là khu vực hướng ngoại thì làm giàu nhanh và bỏ lại các khu vực ông gọi là hướng nội, trong khi khu vực hướng ngoại đó lại sẽ gặp giới hạn vì môi trường quốc tế"
-- Chúng ta nên nhìn vấn đề trên mấy bình diện một lúc. Về mặt văn hóa, chính trị hay xã hội, ta không chấp nhận được sự kiện có những thành phần kinh tế hay khu vực sản xuất đang mấp mé bước vào thế kỷ 21 trong khi nhiều thành phần hay địa phương khác còn ở trong thế kỷ 19. Về thuần túy kinh tế, ta nói đến việc giải phóng tiềm lực toàn dân mà không tạo ra được điều kiện sinh hoạt bình đẳng và để một phần ba dân số còn bần cùng thì đó chỉ là khẩu hiệu. Trong khi đó, hoàn cảnh Việt Nam trong điều kiện mới của thế giới có thể cho phép ta tiến hành một sách lược tôi xin tạm gọi là “cộng đồng đồng tiến”.

Hỏi: Xin ông trình bày trước tiên về hoàn cảnh Việt Nam, sau đó ta sẽ nói về thế giới...
-- Vâng, hãy nói về lượng trước. Một quốc gia nhỏ bé ít dân thì không thể tạo ra một thị trường nội địa đủ lớn để làm đầu máy kinh tế. Một quốc gia thiếu tài nguyên thiên thiên thì cũng chả thể khai thác nguồn tài nguyên này cho nhu cầu sản xuất nội địa. Việt Nam không cực giàu về tài nguyên nhưng có đủ, và đủ đa diện, để mở rộng các mặt hàng hay dịch vụ cho nền kinh tế, với điều kiện nâng cao được mức độ tinh tế và khác biệt để tìm thế cạnh tranh riêng biệt. Cũng về lượng thì Việt Nam lại có dân số đông đảo đến 80 triệu người. Nhìn tiêu cực, ta nói đến 80 triệu miệng ăn, nhìn theo lối tích cực thì ta có 80 triệu khối óc và đôi tay. Nghĩa là khi nhìn vào phẩm thay vì lượng thì ta thấy người Việt mình thông minh, hiếu học, cần cù chịu khó và rất tháo vát. Đổi mới kinh tế sở dĩ thành công phần nào chính là nhờ ưu điểm đó của người dân chứ không nhờ nghị quyết của đảng. Vì vậy, nói vắn tắt về hoàn cảnh thì Việt Nam có điều kiện đa diện hóa sách lược phát triển, hầu vừa theo kịp đà trao đổi cạnh tranh của thế giới, vừa nâng cao được mức sống của quảng đại quần chúng nếu họ không bị kỳ thị hạn chế, và được yểm trợ đúng mức.
Hỏi: Thế còn về môi trường khách quan của thế giới, ta thấy có lợi thế nào không"
-- Thế giới nay đã phát triển tinh tế hơn và nói chung, thị trường trở thành khó tính hơn, không còn muốn loại sản phẩm đồng dạng, sản xuất ào ạt theo lượng mà bất kể tới phẩm chất mẫu mã. Vì vậy, trong thế cạnh tranh với các nước cùng cảnh ngộ, ta vẫn có thể tìm ra lợi thế riêng nhờ đặc điểm riêng. Muốn vậy thì phải có sáng tạo, trước hết là phải có tự do, là một sản phẩm thực sự vẫn còn khan hiếm ở trong nước. Thứ nhì, ngoài hàng hóa, ta còn dịch vụ trong đó có dịch vụ du lịch và các dịch vụ liên hệ đến công nghệ tín học. Thế giới đang trở thành đồng dạng về văn hóa nên du khách ngày nay muốn tìm những nét độc đáo riêng về địa lý mà lại an toàn vì không bị khủng bố. Ta có thể khai thác loại du lịch cao cấp là du lịch văn hóa, lịch sử, môi sinh và sớm thoát ra khỏi giải pháp dễ dãi mà nhục nhã và tai hại về y tế và xã hội là du lịch tình dục qua các sex tour, với trẻ em hay phụ nữ được khen là đẹp rẻ bền. Về dịch vụ liên hệ đến công nghệ tín học, đến ngành điện tử, dân ta có nhiều ưu thế hiển nhiên với điều kiện là nhà nước đừng kiểm soát thông tin và hạn chế việc sử dụng Internet như đang làm. Sau cùng, và căn bản nhất trong các yếu tố của thế giới ngày nay, chúng ta đang trải qua cuộc cách mạng tín học, nếu khai thác cuộc cách mạng này để nâng cao dân trí và khả năng sản xuất, trước tiên là ở thôn quê và các vùng cao, thì mình sẽ tăng cường được tiềm lực quốc dân một cách đáng kể. Đấy là lợi thế nhảy tắt hay nhảy vọt của các nước đi sau. Muốn như vậy, nhà nước phải chú trọng nhiều hơn đến giáo dục và đào tạo để thành sức mạnh yểm trợ cho toàn dân, thay vì thủ vai chủ đạo sản xuất. Sản xuất là chức năng tự nhiên của người dân vì lợi ích thiết thực của họ; còn yểm trợ là chức năng của nhà nước. Nếu làm ngược lại, ta sẽ có bàn chân của chính quyền xóa bỏ những tác dụng tốt của bàn tay vô hình của thị trường.
Hỏi: Tổng hợp lại, ông nói đến một sách lược đồng bộ trong ngoài và lấy lợi ích của đa số làm chính"
-- Nói vắn tắt thì là vậy. Nói cụ thể thì phải hỗ trợ các ngành sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa và nâng cao trình độ sản xuất cho cả hai lãnh vực hướng nội và hướng ngọai, với ưu tiên ngày nay là lãnh vực hướng nội vì đi sau và có lợi tức thấp. Tuần qua, số đầu tư nội địa đã vượt qua đầu tư nước ngoài tại Saigon, đó là một tin vui trong tinh thần này. Ngoài ra, giữa một dự án huê dạng tốn đến cả tỷ bạc vì biểu hiện cho uy tín quốc gia hay uy tín của lãnh đạo với vài chục dự án nhỏ dưới trăm triệu cho các vùng nông thôn hẻo lánh, ta nên nghĩ đến những dự án nhỏ này hơn. Được như vậy thì đến một mức nào đó, ta không còn thấy sự khác biệt giữa hai lãnh vực nội ngoại này nữa. Các tổ chức viện trợ của quốc tế đã nói nhiều đến việc xây dựng “sân chơi bình đẳng” cho mọi thành phần kinh tế, đây là điều kiện tất yếu để từ đó ta mới tiến hành sách lược cộng đồng đồng tiến được. Không có sân chơi bình đẳng thì có thành hội viên WTO cũng là vô ích mà thôi. Then chốt ở đây là mình phải tin vào khả năng biến báo của người dân, để giảm dần những cấm đoán hay răn dạy của một nhà nước gia trưởng có khi chậm hiểu hơn dân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1975, từ khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, Việt Nam đã bắt đầu đặt kế hoạch phát triển trên toàn thể quốc gia.
Buổi lễ vinh danh do Bộ Nội An tổ chức nhằm hai mục đích. Thứ nhất là để tuyên thệ cho hai mươi lăm người từ mươi tám quốc gia
Cử tri tại tiểu bang California đang sửa soạn tham dự vào cơn sốt tuyển chọn ứng cử viên tổng thống được tổ chức vào ngày 5 tháng 2
Ông Vũ Dũng trong trả lời phỏng vấn trên báo Nhân dân ngày 6-1-2008 khẳng dịnh: không có chuyện chúng ta mất dất mất biển.
Cộng sản là một chủ nghĩa và là một chế dộ chuyên tạo ra kẻ thù cho mình. Ngay từ lý thuyết, thay vì cổ xúy tương sinh, cộng tồn
Nhằm mục đích phản đối Trung Cộng xâm chiếm quần đão Hoàng Sa và Việt Cộng đã dâng đất
Hôm nay tranh thủ về gặp mẹ xem có chuyện gì mà nghiêm trọng thế. Sau khi nghe mẹ kể sự việc con mới biết thì ra là không có chuyện gì nghiêm trọng cả
Nơi có thể xuất hiện loại giải pháp lý tưởng như vậy sẽ là ở miền Nam, môi trường cởi mở, thiết thực, đã tiếp cận với thế giới bên ngoài từ hơn trăm năm nay
Những ngày tháng  vừa qua, xã hội VN đã có bước đổi thay rất lớn, mang một tính chất bước ngoặt cho việc xây dựng xã hội
Mấy tuần lễ này, giữa cái vui tưng bừng của Lễ Giáng Sinh, của ngày đầu năm mới 2008, và cũng là những ngày rạo rực đón Tết Con Chuột
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.