Hôm nay,  

Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Cs Trung Quốc

14/10/200300:00:00(Xem: 16571)
Hôäi Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lên Việt Nam ra sao" Và vì sao báo chí Hà Nội không muốn nhắc gì tới hội nghị đáng quan tâm này"
Trong những ngày qua, từ 11 đến 14 tháng này, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thuộc khóa 16 đã họp kỳ thứ ba. Dù báo chí Trung Quốc không đăng tải gì về hội nghị này và báo chí Việt Nam cũng vậy, giới quan sát tình hình Á châu cũng theo dõi hội nghị rất kỹ.
Đài RFA đã trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về Hội nghị trên, đặc biệt về những đề tài mà Việt Nam nên quan tâm, như sau.
Hỏi: Thưa ông, báo chí Việt Nam ít nói gì đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng đang họp tại Bắc Kinh, theo ông nghĩ, nội dung hội nghị này có gì đáng chú ý"
-- Vâng, không riêng gì báo chí Việt Nam mà cả báo chí quốc tế cũng ít nói đến Hội nghị ba của Trung ương đảng thuộc khóa 16. Người ta chú ý đến việc Trung Quốc sẽ lần đầu tiên phóng một phi hành gia lên không gian vào ngày mai. Lý do khiến truyền thông quốc tế ít nói tới hội nghị là vì chính truyền thông Trung Quốc cũng lờ đi, theo chỉ thị của đảng. Đây là một hội nghị kín gồm gần hai trăm Trung ương Ủy viên của đảng, vừa được bầu lên trong khóa 16 cách đây một năm. Từ bên ngoài, ta có thể dự đoán là hội nghị có một nghị trình đầy tham vọng và không muốn gây chú ý trước khi đạt được thống nhất ý kiến.
Hỏi: Trước hết, xin ông nhắc lại về quy cách làm việc của đảng Cộng sản Trung Quốc và qua đó, lề lối hội họp hay nội dung của kỳ hội nghị này.
-- Thông thường, đảng Cộng sản Trung Quốc họp Đại hội đảng năm năm một lần. Lần cuối vào tháng 11 năm ngoái là Đại hội thứ 16, gọi là khóa 16 theo lối Việt Nam. Trên nguyên tắc, Đại hội đảng là cơ chế lãnh đạo cao nhất, trong thực tế, Đại hội gồm các đại biểu của đảng từ cơ sở mới bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành này một năm họp hội nghị nhiều lần, mỗi lần được gọi là một kỳ, như lần này là kỳ thứ ba. Báo chí quốc tế gọi theo Anh ngữ là plenum hay hội nghị khoáng đại. Trong Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và một số ủy viên lãnh đạo Bộ Chính trị này trong cơ chế gọi là Thường vụ Bộ Chính trị. Điểm đặc biệt của Hội nghị kỳ ba là Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã đề nghị một điều hoàn toàn mới so với thời Giang Trạch Dân còn là Tổng bí thư. Đó là Bộ Chính trị phải báo cáo trước Ban Chấp hành Trung ương.
Hỏi: Thưa ông, vì sao cái việc có vẻ là thủ tục đó lại là đặc biệt"
-- Vì nó phản ảnh một quy cách làm việc mới mà tôi thiển nghĩ rằng Việt Nam nên để ý. Về nguyên tắc thì Bộ Chính trị được Ban Chấp hành Trung ương đề cử nên có báo cáo với Ban Chấp hành thì cũng là đúng, dù là cơ chế quyết định cao nhất. Trong thực tế, khi Giang Trạch Dân lãnh đạo, ông tập trung quyền hành vào năm người trong Thường vụ Bộ Chính trị, thậm chí vào trong tay hai người là bản thân và tay chân thân tín là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tăng Khánh Hồng, cũng tương tự như thời Tổng bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ vậy. Với quyết định mới của Hồ Cẩm Đào, Bộ Chính trị chịu trách nhiệm truớc Ban Chấp hành và quyền lực được phân phối rộng hơn, và riêng Ban Kỷ luật và Thanh tra Trung ương còn có tư thế độc lập hơn để diệt trừ tham nhũng. Đấy là một đặc điểm của Hội nghị kỳ ba, một xu hướng có lẽ dân chủ hơn xưa.
Hỏi: Trong hiện tại, ông Giang Trạch Dân vẫn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong đảng chứ"
-- Dĩ nhiên là có, qua cơ chế lãnh đạo quân đội là Trung ương Quân ủy hội đó và nhất là qua trung gian một số người thân tín được ông cất nhắc trước đây và nay đã là Ủy viên Bộ Chính trị. Tuy nhiên, ảnh hưởng này đang mất dần và tân Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cùng Tổng lý Quốc vụ viện, tức là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đang lặng lẽ và kiên nhẫn giải trừ những ảnh hưởng tiêu cực, thí dụ như tệ tập trung quyền lực, bè phái và nhất là tham nhũng, đã xảy ra vì Giang Trạch Dân. Họ Giang vẫn có uy tín, được tham khảo ý kiến như một Thái thượng hoàng, nhưng thế hệ lãnh đạo mới đang gia tăng ảnh hưởng và có nhiều quyết định cải cách tương đối mạnh hơn. Đấy là nội dung đáng chú ý của Hội nghị.
Hỏi: Ngoài ra, khi theo dõi tình hình Trung Quốc, ông thấy hội nghị kỳ ba này còn có những đề xuất quan trọng gì khác mà Việt Nam nên chú ý"

-- Vì lãnh đạo Việt Nam không dám đi nhanh, làm gì cũng nhìn vào Trung Quốc để học hỏi cho nên những gì đang và có thể xảy ra tại Trung Quốc tất nhiên được đảng Cộng sản Việt Nam theo dõi và bắt chước cho an toàn. Nhưng, hình như Việt Nam đi quá chậm so với lãnh đạo Trung Quốc. Thí dụ như trong Hội nghị này, Hồ Cẩm Đào có thể đề nghị một số biện pháp cải cách về luật lệ nhằm bảo vệ quyền tư hữu, tức là bảo vệ tư doanh, và nhằm tiếp tục cải tổ cơ chế kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là một nối tiếp của chủ trương do Giang Trạch Dân đưa ra trước đây là tìm cách lôi kéo doanh gia vào đảng, để đảng Cộng sản thực sự là đại biểu của các thành phần tiên tiến nhất trong xã hội theo cái thuyết “Tam biểu” của ông ta. Nói cho ngắn gọn, đảng Cộng sản Trung Quốc đang tự tư sản hóa và đi theo tư bản chủ nghĩa mà không nói ra. Họ đã đi trước Việt Nam khi cho phép đảng viên được kinh doanh, nay họ còn đi xa hơn khi muốn kết nạp các doanh gia vào đảng. Trong một tương lai không xa, đảng có thể sẽ mời các doanh gia thành công, dù chẳng là đảng viên, vào điều khiển các tổng công ty của nhà nước.
Hỏi: Ngoài chủ trương đó, Hội nghị kỳ này còn có thể đưa ra đề nghị gì khác nữa"
-- Nhân dân Nhật báo của Bắc Kinh không nói gì nhiều về Hội nghị nhưng ta để ý thấy là vào đầu tháng 10, khi tờ nhật báo này của đảng lại tiết lộ là lãnh đạo đảng ở cấp cao nhất đang cứu xét việc cho phép nông dân thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng. Trong khi Việt Nam đang tham khảo ý dân về bộ “Luật đất đai” và việc định giá đất thì cũng nên chú ý nếu quyết định này được Hội nghị Ban chấp hành kỳ ba thông qua. Tờ báo nói đến nhiều công trình khảo sát tại Sơn Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và thấy là tín dụng cho nông dân có giảm sút từ 2001 đến nay và đề nghị mở rộng hệ thống nông tín tại thôn quê, kể cả việc cho nông dân dùng quyền sử dụng đất làm bảo đảm khi vay tiền ngân hàng. Từ nhiều tháng nay, tờ Nhân dân đã nói đến nhiều ý cải cách của tân Tổng bí thư và tưởng rằng đã được chấp nhận từ hồi đầu tháng Bảy, nhân dịp kỷ niệm 82 năm thành lập đảng, nhưng rồi lại không xong, có thể vì bị vây cánh Giang Trạch Dân cản trở. Lần này, Hồ Cẩm Đào sẽ lại đề nghị trước một hội nghị khoáng đại hơn.
Hỏi: Trong lãnh vực kinh tế mà ông đặc biệt theo dõi, Hội nghị kỳ này còn có thể nêu những đề mục thảo luận gì khác đáng chú ý"
-- Riêg tôi để ý thì thấy Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã chọn một hồ sơ gai góc nhất để giải quyết và nếu thành công sẽ khai thông được nhiều việc khác, đó là kế hoạch phát triển ba tỉnh vùng Đông-Bắc là Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm, gọi là Tam Đông-Bắc. Đây là vùng đất mà do hoàn cảnh lịch sử, Nhật Bản và Liên Xô đã đặt nền móng công nghiệp, sau này được phát triển với các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành kỹ nghệ nặng. Giờ đây, các doanh nghiệp ấy đều suy sụp, sản lượng của cả ba tỉnh cộng lại không bằng tỉnh Quảng Đông. Họ Hồ có thể đề nghị kế hoạch cải tổ, thực chất là cấp cứu để khôi phục vùng Đông Bắc mà không tốn thêm công quỹ, bằng cách tư nhân hóa các cơ sở quốc doanh này và mời giới đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc hay Liên bang Nga vào cùng khai thác. Nếu Đặng Tiểu Bình đạt thành tích cải cách ở Quảng Đông, Giang Trạch Dân phát triển Thượng Hải và nhờ đó củng cố phe cánh Thượng Hải, thì có lẽ Hồ Cẩm Đào cũng chọn một nơi để lại công trạng cho lịch sử, trong chục năm nữa. Kế hoạch này cũng nằm trong nỗ lực cải tổ doanh nghiệp nhà nước mà ông ta không thể không giải quyết.
Hỏi: Dù rằng việc giải quyết đó có rất nhiều rủi ro chính trị, phải không"
-- Tất nhiên là như vậy, thế hệ lãnh đạo mới này đang phải thanh lý cái di sản tệ hại do đảng Cộng sản để lại trong mấy chục năm mà không gây động loạn xã hội. Cải cách doanh nghiệp sẽ khiến công nhân viên mất việc và mất luôn mạng lưới phúc lợi xã hội, trong khi vẫn có cả trăm triệu nông dân thất nghiệp đang đổ về thành thị kiếm sống. Từ cả năm nay, nhất là từ mấy tháng qua, bạo động đã dồn dập xảy ra ở nhiều nơi, từ Quảng Châu về tới Bắc Kinh. Tháng trước đây, ngày 19 tháng Chín, nhân dịp tham dự một cuộc thao dượt chống khủng bố của quân đội, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào không chỉ nói đến khủng bố của các lực lượng Hồi giáo ly khai tại Khu tự trị Tân Cương mà còn nghĩ đến hiện tượng gọi là “khủng bố cá nhân”, do những công nhân viên bất mãn tung ra ở nhiều nơi, nào là đánh bom, đốt phá công thự, nào là đầu độc tập thể. Nghĩa là nhân dịp thế giới quan tâm đến khủng bố, chính quyền Bắc Kinh tìm cách giải trừ bất mãn hay nổi loạn của dân chúng để tránh khỏi một mùa đông đỏ lửa sắp tới. Có lẽ hoàn cảnh đó mới khiến Ban Chấp hành họp Hội nghị một cách kín đáo trong năm ngày vừa qua, khi dư luận còn đang chú ý đến việc đưa phi hành gia đầu tiên vào không gian, nhưng việc họ thúc đẩy cải tổ là điều không thể cưỡng nổi, là điều tất yếu, còn việc họ tiến được tới đâu thì mình vẫn phải chờ những thông báo chính thức và những áp dụng thực tế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phật giáo Hòa Hảo là tông phái Phật giáo do Đức Giáo chủ Hùynh Phú Sổ (1920-1947) khai sáng ngày 18 tháng 5 năm kỷ mão (4-7-1939), tại làng Hòa Hảo
Không riêng cựu quân nhân, mà bất kỳ một đoàn thể nào sinh hoạt trong xã hội cũng đều có quyền và có nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động chính trị
Trong tháng Năm, sau khi một bồi thẩm đoàn kết luận ông Lewis “Scooter” Libby có tội nói dối để cản trở sự thi hành pháp luật và ông chánh án liên bang Reggie
Ngày xưa, Bác Hồ dưới bút hiệu Trần Dân Tiên đã viết CẢ một cuốn sách ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chữ "cả" ở đây là của tác giả họ Trần
Theo một nghiên cứu mới do Asian Americans/Pacific Islanders in Philanthropy (AAPIP) thông báo hôm nay, xu hướng tài trợ của các hội hàng đầu ở Hoa Kỳ
Vừa đặt chân đến Nữu Ước (New York) chiều 18-6, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Mỹ 5 ngày, Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà nước Cộng sản Việt Nam
Công viên rộng một dặm vuông. Nhiều cây cao bóng mát vươn lên từ những thảm cỏ xanh mướt. Nắng chưa lên mà đã có người đi bộ hoặc chạy bộ lướt qua khu vực
Trước năm 1975 quân nhân các quân binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau khi thụ huấn quân sự, trước khi ra trường đều tuyên thệ trung thành
Đọc bài viết trên VietNamNet về buổi nói chuyện của Ngài Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết ở Liên Hợp Quốc, tôi thấy có nhiều câu trả lời chưa thỏa đáng
Nhân dịp ông viếng thăm Hoa kỳ lần đầu tiên , tôi viết lá thư ngỏ này để bày tỏ nỗi quan tâm của cộng đồng người Việt sống ở Hoa Kỳ về hiện tình độc tài đảng trị
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.