Hôm nay,  

Á Châu Và Cạnh Tranh Mỹ-hoa

28/10/200300:00:00(Xem: 15966)
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm G-20, dư luận chú ý đến lời Mỹ yêu cầu Trung Quốc nên tự do hóa chế độ ngoại hối để nhân dân tệ khỏi là vũ khí cạnh tranh mậu dịch bất chính với Mỹ.
Trong hai ngày 26 và 27 vừa qua, Hội nghị G-20, gồm Liên hiệp Âu châu và 19 nước giàu nghèo khác, kể cả Mỹ và Trung Quốc, đã được triệu tập tại Mexico.
Tình cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và ảnh hưởng đối với các nước Á châu trong đó có Việt Nam sẽ ra sao" RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa như sau.
Hỏi: Tại hội nghị của nhóm G-20 vừa kết thúc ở Mexico, dư luận lại để ý tới lời yêu cầu của Bộ trưởng Ngân khố Mỹ John Snow, rằng Trung Quốc nên điều chỉnh chế độ ngoại hối để đồng nhân dân tệ tăng giá theo quy luật cung cầu và tránh nạn cạnh tranh mậu dịch bất chính với Hoa Kỳ. Đã từng đề cập đến vấn đề này từ tháng Chín, xin ông trước hết cho biết thêm chi tiết về sự cạnh tranh hầu như đã thành công khai giữa hai nước.
-- Trên đại thể và nhìn trong ngắn hạn, Trung Quốc đang bán nhiều hơn mua với Hoa Kỳ tới 100 tỷ đô la trong năm nay và vì kinh tế Mỹ bị bội chi ngân sách lẫn nhập siêu quá lớn nên đồng đô la tất yếu phải sụt giá. Khi tiền Mỹ sụt giá, hàng Mỹ thành rẻ hơn và dễ xuất khẩu hơn nên có thể thu hẹp số nhập siêu đó của mình. Nhưng vì Trung Quốc giàng giá đồng bạc của họ vào tiền Mỹ nên đô la Mỹ sụt tới đâu thì đồng nhân dân tệ sụt đến đó và hàng hóa Trung Quốc vẫn có lợi thế cạnh tranh đáng kể. Do đó, từ đầu tháng Chín đến nay, phía Hoa Kỳ mới nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh chế độ ngoại hối, tức là hối đoái, cho tự do hơn theo quy luật cung cầu để giảm bớt nạn cạnh tranh bất công này. Hôm 22 vừa qua, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Zoellick lại nhắc tới chuyện đó, hai ngày sau, đến Bộ trưởng Thương mại Don Evans trong chuyến thăm viếng Bắc Kinh cũng lại nêu cùng vấn đề, và hôm Chủ nhật 26, Bộ trưởng Ngân khố John Snow lại đề cập tới hồ sơ này. Như mọi khi, phía Bắc Kinh cho biết họ sẽ không thả nổi đồng bạc như Mỹ yêu cầu mà chỉ có thể mở biên độ giao dịch cho rộng hơn, nhưng trong một tương lai xa hơn. Đó là chỉ riêng một vấn đề ngoại hối và nhìn trong ngắn hạn trước mắt.
Hỏi: Nghĩa là ông muốn nói rằng trong dài hạn và trên tổng thể, vấn đề còn rắc rối hơn"
-- Vâng, năm tới Hoa Kỳ có bầu cử tổng thống và các nghiệp đoàn, đối thủ chính trị và cả Quốc hội Mỹ đang gây sức ép với chính quyền George W. Bush để nêu vấn đề cạnh tranh thiếu bình đẳng với Trung Quốc. Do đó, lần lượt các giới chức cao cấp nhất, từ ông Bush đến các Bộ trưởng Snow, Evans và Đại sứ Zoellick, đều nhắc đến việc thả nổi đồng nhân dân tệ và dư luận coi đó là biểu hiện của mâu thuẫn mậu dịch gay gắt giữa hai nuớc. Thực ra, vấn đề còn phức tạp hơn vậy vì hai nước còn nhiều mâu thuẫn khác giữa nhiều đổi thay và biến động của môi trường quốc tế.
Hỏi: Xin ông đơn cử cho một số thí dụ tập trung vào Á châu.
-- Vâng, hãy xin nói về Á châu vì đó là mối quan tâm của Việt Nam. Tuần trước, sau Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương tại Bangkok, cả Tổng thống Bush lẫn Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đều cùng tới Australia mà phong thái và kết quả mỗi người đạt được lại mỗi khác. Ta nhớ là sau khi Hội nghị của WTO tan vỡ tại Cancun hôm 14 tháng Chín vừa rồi, xu hướng chung của nhiều nước là tránh dần các giải pháp thỏa thuận kinh tế đa phương, thí dụ như trong khuôn khổ tổ chức quốc tế WTO, mà tìm cách đạt từng hiệp định tay đôi. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều thi hành việc đó, dù vẫn nói đến hợp tác quốc tế đa phương và dù Diễn đàn APEC có ra thông cáo chung kêu gọi đẩy mạnh tự do mậu dịch và đàm phán giữa các nước với nhau. Sau khi dự Thượng đỉnh APEC, ông Bush tới Australia để cám ơn chính quyền xứ này đã sát cánh trên trận tuyến chống khủng bố, nhất là đối với chiến dịch Iraq, và sau đó hai bên nói ngay đến Thỏa ước Tự do Mậu dịch Song phương có thể ký kết năm tới. Hôm sau, đến lượt Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng nói chuyện với Quốc hội Australia như ông Bush và còn yêu cầu là không bị các đại biểu đối lập lên tiếng phản đối khi ông đọc diễn văn như ông Bush đã bị và đã thản nhiên chấp nhận. Ngay sau đó, Trung Quốc và Australia còn ký kết hai hiệp ước về khí đốt của Australia sẽ bán cho Hoa Lục trong mấy chục năm tới, tổng cộng lên đến 53 tỷ đô la. Để bán hàng cho Trung Quốc, phía Australia đồng ý với lập trường của Bắc Kinh về việc thống nhất Đài Loan. Chúng ta thấy đó, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều dùng võ khí kinh tế hay mậu dịch để đạt mục tiêu chính trị hoặc an ninh chiến lược. Từ thí dụ này, mình thấy ra cuộc chạy đua giữa hai nước nhằm lôi kéo các nước châu Á về với lập trường quan điểm của mình.

Hỏi: Và hậu quả trước mắt là các diễn đàn hay tổ chức quốc tế như WTO mất dần trọng lượng trong quan hệ kinh tế giữa các nước"
-- Vâng và đây là mặt trái của cái gọi là thắng lợi của các nước nghèo hồi tháng trước, khi gây ra vụ tan vỡ hội nghị các Bộ trưởng của tổ chức WTO tại Cancun. Nhưng, điều ấy có xảy ra thì mình cũng không nên ngạc nhiên vì trong quan hệ quốc tế, ngoại thương tức là mậu dịch cũng chỉ là một mặt của chính trị mà thôi. Trung Quốc dùng lợi thế kinh tế của một thị trường gần một tỷ ba trăm triệu để quyến rũ các nước Á châu và triệt hạ mọi phản ứng chống đối, đồng thời khiến từng nước, thí dụ như trong Hiệp hội ASEAN, có những quan hệ song phương với mình để dễ chi phối hơn. Mặt khác, ta cũng thấy Trung Quốc có vi phạm luật lệ của WTO, tương tự như nhiều xứ khác, kể cả Liên hiệp Âu châu hay Mỹ, tùy theo hồ sơ, nên tìm cách luồn lách tránh né sự ràng buộc của tổ chức này. Hoa Kỳ cũng vậy, có thể đang dùng cơ chế WTO làm đòn bẩy để yêu cầu các nước đi theo quy luật tự do mậu dịch nên rất rộng lượng ủng hộ các nước như Liên bang Nga, Saudi Arabia và Việt Nam sớm được thành hội viên của tổ chức này. Nhưng, khi mâu thuẫn giữa các nước trong khuôn khổ WTO dẫn đến bế tắc và thực tế là khai tử kế hoạch phát triển mậu dịch gọi là vòng đàm phán Doha, thì Hoa Kỳ tất yếu phải tìm đòn bẩy khác.
Hỏi: Ông không mấy lạc quan về tương lai của tổ chức WTO"
-- Tôi không nghĩ rằng các nước lớn, thí dụ như Hoa Kỳ, lại muốn khai tử tổ chức này, nhưng khi dị biệt quá rộng giữa các nước lại bị đào sâu và dẫn tới bế tắc thì sự cạnh tranh giữa các nước, cụ thể ở đây là giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, phải được chuyển hóa qua những bình diện khác, thí dụ như qua các Thương ước song phương như ta đang thấy.
Hỏi: Trong trường hợp đó, một quốc gia đang muốn gia nhập tổ chức WTO như Việt Nam thì nên làm gì" Cụ thể là có còn nên gia nhập WTO hay không"
-- Câu trả lời ngắn gọn tất nhiên vẫn là nên, nhưng vì lý do gì thì mình phải nhìn ra cho rõ. Về lý thuyết, tự do mậu dịch là quy tắc giao dịch có lợi nhất cho những nước tôn trọng tự do kinh tế, tôn trọng quy luật thị trường. Lấy một thí dụ cho dễ hiểu là tự do mậu dịch cũng cần thiết như khi mình xây dựng hạ tầng cơ sở cầu đường cho sinh họat kinh tế. Khi thấy nước khác không tôn trọng nguyên tắc tự do đó mà mình cũng lại cản trở hầu trả đũa thì cũng như khi thấy xứ khác không có xa lộ thì mình về nhà phá hỏng xa lộ của chính mình để trừng phạt xứ đó. Làm như vậy là gây hại cho chính mình. Nhưng, lý thuyết là vậy, thực tế thì chính quyền xứ nào cũng ít nhiều gặp áp lực bảo hộ mậu dịch và tìm cách bảo vệ những thế lực hậu thuẫn mình và cản trở việc tự do hóa mậu dịch và hội nhập đó. Càng bị nhiều áp lực thì càng gặp khó khăn về mậu dịch và càng bị cản trở trên con đường phát triển. Đi sâu vào trường hợp Việt Nam, việc cải tổ cơ chế kinh tế cho tự do hơn, trong đó có quyền kinh doanh bình đẳng giữa các đơn vị sản xuất tư nhân và nhà nước là một yêu cầu thiết yếu. Bên cạnh là yêu cầu cạnh tranh bình đẳng trên bình diện quốc tế, nghĩa là tự do mậu dịch. Việt Nam cần cải tổ nhanh hơn và nhiều hơn để hội nhập vào luồng trao đổi với kinh tế thế giới. Việc gia nhập WTO là một bước cần thiết theo hướng đó, nhưng, quan hệ kinh tế của Việt Nam với bên ngoài không chỉ giới hạn trong khuôn khổ WTO. Thí dụ gần nhất là Việt Nam sẽ phải thương thuyết lại Hiệp định Thương mại song phương đã ký kết với Mỹ và nếu không sớm cải cách để có khả năng hội nhập cao hơn thì cũng sẽ rất vất vả khi thương thảo với Hoa Kỳ, hoặc với bất cứ quốc gia nào khác. Trường hợp của Hoa Kỳ đáng chú ý nhất vì là thị trường lớn nhất, thị trường đầu tiên và sau cùng mà kinh tế Việt Nam phải chinh phục khi các nước khác đều lần lượt ký kết thỏa ước mậu dịch song phương với xứ này. Hiện nay, số thỏa ước song phương Mỹ đang được đàm phán hay đã được ký kết với các nước đã vượt qua tổng số thỏa ước đã có từ trước đến nay. Tuy nhiên, dù sao thì các thỏa ước mậu dịch này sẽ chỉ được Quốc hội Mỹ thông qua sau mùa bầu cử năm 2004, tức là vào năm 2005, là thời điểm mà Việt Nam dự trù sẽ được gia nhập WTO. Cho nên, việc Việt Nam cải cách và tự chuẩn bị cho thời điểm 2005 này không phải là thừa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông Đoàn Hữu Định đã được đa số đại diện các quân binh chủng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
Trong năm 2007, những người Mỹ gốc Việt đã tạo thời cuộc phải kể đến hai nhân vật nữ
Năm 2007 vẫn là năm tiếp nối tình hình nhân quyền đen tối và tồi tệ tại Việt Nam dưới thể chế độc tài toàn trị cộng sản ngự trị tại Việt Nam hơn 60 năm qua
Để phản đối hành động này,  tù nhân chính trị như luật sư Trần Quốc Hiền, luật sư Nguyễn Bắc Truyễn, bác sĩ Lê Nguyên Sang và nhiều tù nhân khác
Không quản ngại thời tiết băng giá, tối ngày 3 tháng Giêng vừa qua cử tri bang Iowa đã rủ nhau đến những địa điểm hội họp để bắt đầu tiến trình
Tôi đang ở vùng Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, sắp đến Tết  Mậu Tý 2008, ở đây  Mùa Đông thật lạnh lẽo, nước mưa đông lạnh thành nước đá đóng mặt đường
John Wu đã diễn tả thật khéo trong cuốn "Đông Gặp Tây" về ba đạo sĩ theo dấu sao lạ tìm đến Bê-Lem dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Đấng Cứu Thế
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.