Hôm nay,  

Bốn Năm Của Luật Doanh Nghiệp

11/11/200300:00:00(Xem: 15058)
Tuần qua, Việt nam có Hội nghị toàn quốc sơ kết bốn năm thi hành Luật Doanh Nghiệp, dịp này Thủ tướng Phan Văn Khải đã nêu một số ý kiến đáng chú ý. Nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã nhúc nhích tới đâu"
Đài RFA đã trao đổi với Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về thành quả bốn năm thi hành đạo luật này như sau.
Hỏi: Thưa ông, trong hai ngày mùng ba và mùng bốn tháng 11, một Hội nghị toàn quốc tổng kết bốn năm thi hành Luật Doanh Nghiệp đã được triệu tập và dư luận chú ý đến lời yêu cầu của Thủ tướng Phan Văn Khải, cụ thể là từng bộ, ngành, địa phương, v.v... phải nêu rõ những công việc phải làm với thời hạn hoàn thành rõ rệt, để đẩy mạnh việc thực thi luật này cho sâu rộng hơn. Ông có nhận xét sơ khởi gì về chỉ thị đó"
-- Luật Doanh nghiệp được chính thức áp dụng từ tháng Giêng năm 2000, đến cuối năm nay thì coi như đã qua bốn năm thi hành. Hội nghị toàn quốc tuần qua là một sơ kết cần thiết để đánh giá ưu khuyết điểm của việc thi hành ấy. Vào dịp này, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh đến giá trị của bộ luật và nhiệt liệt ca ngợi sức đóng góp của khu vực kinh tế “dân doanh”, mà ta gọi nôm na là tư nhân hay tư doanh, và nhắc lại chỉ thị cho các cơ quan hữu trách phải khai thông bế tắc để việc áp dụng đạo luật đạt kết quả tốt đẹp hơn. Nhân đây, cần nhắc lại là bộ luật được thi hành từ đầu năm 2000, thì tháng Tám năm 2002, tức là 31 tháng sau, ông Khải đã ban hành Chỉ thị số 17/2002 nêu rõ trách nhiệm thi hành cho các cấp chính quyền địa phương và nói rõ việc thu hồi các quy định trái ngược đạo luật, thí dụ như thủ tục đăng ký kinh doanh, nhằm khuếch trương hoạt động của khu vực tư. Lần này, khi ông ta nhắc lại chỉ thị trên và trong một hội nghị toàn quốc, ta thấy là việc áp dụng bộ luật còn lắm trở ngại. Ông Khải có nói đến điều đó, rằng “trong quá trình thực hiện còn tồn tại và bộc lộ những yếu kém”, và “nhiều vấn đề thực hiện trong cơ chế chính sách đáng lẽ đã có thể làm tốt hơn nếu bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông suốt, bớt trì trệ”. Chỉ thị lần này của ông Khải là các Bộ trưởng, cơ quan ngang bộ, các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, v.v... phải nhận thức đúng, đủ và tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, với tinh thần “doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Hỏi: Thưa ông, khởi đi từ quan niệm tập trung quản lý và cải tạo tư sản ngày xưa, với vai trò chủ yếu của các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, cho đến quan niệm mới là dân doanh và người dân được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm, Việt Nam quả là đã đi được một bước khá xa phải không"
-- Thưa vâng, đây là một thay đổi về tư duy, về quan niệm kinh tế cơ bản của lãnh đạo. Cái bước khá xa này đã mất gần 14 năm mới thành, từ cuối năm 1986 đến khi Luật Doanh nghiệp được ban hành; bốn năm sau đó, Nhà nước vẫn phải nhắc nhở bộ máy quản lý của mình áp dụng bộ luật cho thông thoáng hơn. Điều quan trọng ở đây là lãnh đạo Việt Nam đã ý thức được rằng dân có giàu thì nước mới mạnh, nhưng đến nguyên lý “chỉ có dân mới làm giàu cho nước thôi, chứ nhà nước thì không” thì phải còn đợi thời gian. Người ta thường nói đường tuyến phát triển xứ sở là biểu hiện của đường tuyến học hỏi của lãnh đạo, trường hợp này rất đúng đối với Việt Nam nên người dân không khỏi nóng ruột.
Hỏi: Trở lại Luật Doanh nghiệp, thưa ông, người ta có thể đánh giá ra sao việc áp dụng văn kiện này sau bốn năm thi hành"
-- Mười năm trước khi bộ luật này ra đời, vào năm 1990, Việt Nam có chừng 12.000 cơ sở quốc doanh, hai năm sau, phân nửa số cơ sở này tan trong hư vô vì phá sản hoặc vì chưa bao giờ đi vào sản xuất mà chỉ sản nhập. Từ năm 1992, người ta nói đến cải cách doanh nghiệp nhà nước và tới nay, 10 năm sau, vẫn còn chừng 5.300 cơ sở hoạt động; trong suốt 10 năm gọi là cải cách đó, chỉ có chừng 900 đơn vị được “cổ phần hóa” hay tư nhân hóa, nói cho đúng nghĩa. Trong khi khu vực kinh tế quốc doanh bị khựng, với nhiều đơn vị bị lỗ lã kinh niên thì kinh tế vẫn đạt một tốc độ tăng trưởng khả quan, đó là phần đóng góp của khu vực tư doanh, của người dân. Chính quyền nay đã công nhận việc đó. Từ khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, đã có hơn 60.000 công ty được thành lập và góp phần không nhỏ, chắc chắn là lớn hơn khu vực quốc doanh, vào đà tăng trưởng sản xuất nhất là công nghiệp: đà tăng trưởng của quốc doanh chỉ khoảng 13% so với gần 20% của tư doanh. Quan trọng hơn thế, khu vực tư doanh với các xí nghiệp loại nhỏ và trung bình lại tạo ra rất nhiều công ăn việc làm và giải quyết được bài toán xã hội rất lớn cho một xứ sở có dân số trẻ, hàng năm phải tạo ra việc làm cho hơn một triệu người. Việc Việt Nam ban hành luật này và gần đây hơn, Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ 5 thuộc khóa Chín, vào tháng Ba năm ngoái, có đề cao việc phát triển khu vực tư doanh, khiến dân chúng tin tưởng hơn vào lề lối suy nghĩ của lãnh đạo. Phần còn lại là khoảng cách từ lời nói đến việc làm, từ Nghị quyết, luật lệ, chỉ thị đến việc thực thi của các cơ quan hữu trách. Cái đầu có xoay thì tay chân mới cựa...

Hỏi: Theo nhận xét của ông, đâu là những trở ngại cho việc thực thi này"
-- Đầu tiên vẫn là tư duy, sau đó là quyền lợi, sau đó mới là khả năng về quản lý và luật lệ. Từ đã lâu, người ta vẫn quan niệm rằng kinh doanh đồng nghĩa với bóc lột, theo lý luận sai lầm của chủ nghĩa Mác-Lenin. Mãi đến gần đây, đảng còn chưa chấp nhận cho đảng viên được quyền kinh doanh cũng vì tàn dư của lý luận lạc hậu đó nên đảng viên bèn kinh doanh bằng tài sản nhà nước theo kiểu cha chung không ai khóc. Sau hơn 10 năm đổi mới, dù đã thấy sức đóng góp của người dân, một số đảng viên thủ cựu vẫn còn cho rằng dân không biết quyền lợi tối thượng của quốc gia bằng nhà nước, nên vì sự nghiệp phát triển lâu dài, bền vững, công bằng, v.v... đảng và nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo trong sinh hoạt kinh tế, qua hệ thống quốc doanh, họ gọi đó là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Do đó, dù đề cao khu vực tư doanh, họ chưa chấp nhận đòi hỏi cơ bản là tư doanh phải được bình đẳng với quốc doanh, là ý niệm được các nhà cấp viện và đầu tư quốc tế lẫn dân ta gọi là “sân chơi bình đẳng”. Sâu xa hơn nữa, lãnh đạo Hà Nội vẫn chưa tìm ra một quan niệm chính xác và tiến bộ về vai trò của nhà nước, vốn không là một gia trưởng có nhiệm vụ bố trí và kiểm sóat mọi sinh hoạt của xã hội mà chỉ là một cơ chế bảo đảm việc thực thi luật lệ và yểm trợ sinh hoạt kinh tế của người dân. Đó là về phần tư duy.
Hỏi: Còn về quyền lợi" Nhiều người không muốn sân chơi bình đẳng chỉ vì lý do ấy sao"
-- Vâng, thực tế đó hiện hữu từ cấp cao nhất xuống đến các cấp dưới của bộ máy lãnh đạo và quản lý. Nhiều người trong bộ máy lãnh đạo không muốn thay đổi quan niệm về vai trò của đảng và nhà nước nên không muốn tiến hành việc cải tổ hành chánh, lý do là để bảo vệ quyền lực của đảng và cả quyền lợi đảng viên xuyên qua hệ thống quốc doanh. Ở cấp dưới, người ta không muốn có sân chơi bình đẳng cho tư doanh vì e sợ sức cạnh tranh bén nhạy hơn của tư nhân nên vẫn muốn duy trì một số điều kiện đặc miễn. Sau đó, ta mới đi tới loại trở ngại thứ ba là khả năng chuyên môn về quản lý và thực thi luật lệ.
Hỏi: Tức là lãnh vực then chốt trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp phải không"
-- Vâng, Việt Nam hiện có nhiều hình thái kinh doanh, nào doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cá thể của các hộ gia đình, mỗi loại doanh nghiệp lại bị chi phối bởi một hệ thống luật và lệ riêng, thuộc phạm vi quản lý của một bộ phận trong guồng máy nhà nước. Đó là về hàng dọc; về hàng ngang, Luật Doanh nghiệp chưa được áp dụng đều khắp ở mọi địa phương, mọi cấp, nghĩa là phép vua vẫn cứ thua lệ làng như trăm năm về trước. Ngẫu nhiên, một thí dụ về sự thiếu nhất quán từ tư duy đến quản lý có thể được thấy tuần qua là việc một số doanh nghiệp hoạt động trong các Khu chế xuất đòi hưởng thuế suất ưu đãi CEPT, tức là theo Hiệp định Ưu đãi thuế quan, khi họ xuất khẩu hàng hóa ngược vào thị trường nội địa.
Hỏi: Ông nói xuất khẩu ngược vào trong" Xin ông giải thích cho trường hợp kỳ lạ này.
-- Ý niệm “Khu chế xuất” xuất phát từ lý do lập ra môi trường kinh doanh thuận tiện cho xí nghiệp tiếp nhận các nhập lượng, như nguyên nhiên vật liệu, với giá rẻ nhờ chế độ thông quan miễn thuế, để sản xuất ra các chế phẩm xuất cảng ra ngoài với ưu thế cạnh tranh. Đây là một sự lạc hậu kinh tế vì xuất hiện từ hơn 30 năm trước và các nước đã bỏ từ lâu nhưng khuyên các nước nghèo áp dụng, như Thái Lan đang khuyến khích Lào, Cămbốt và Miến Điện trong hội nghị hôm qua và hôm nay tại Miến. Tại Việt Nam, do sự khuyến dụ của một số chủ đầu tư Á châu nhằm bán hay gán thiết bị của họ cho phía Việt Nam, nhiều khi là đồ cũ “tân trang” hay phục chế từ các Khu chế xuất đã đóng cửa của họ, lãnh đạo Việt Nam hồ hởi cho lập ra các khu chế xuất khắp nơi mà không biết rằng hình thái ấy đã lỗi thời. Thực ra, cả nước phải là khu chế xuất rộng lớn chứ không chỉ từng khu vực nhỏ và ưu điểm lý thuyết gọi là “chuyển giao công nghệ”, tức là du nhập kỹ thuật, từ các nơi ấy qua nơi khác hoàn toàn không có. Rồi nhằm đẩy mạnh xuất cảng từ các khu chế xuất, thực ra là cơ sở quyền lợi của nhiều chính quyền và cán bộ địa phương, Việt Nam cho áp dụng quan thuế biểu có tính nâng đỡ. Khi doanh nghiệp được nâng đỡ vì chức năng xuất khẩu ra ngoài lại xuất khẩu vào trong mà cũng hưởng thuế suất ưu đãi theo quy chế CEPT thì rõ là có mâu thuẫn và thực tế là sân chơi đã thiếu bình đẳng. Khi Bộ Tài chính nêu vấn đề chính đáng là không cho nghiệp vụ xuất khẩu ngược vào trong được chế độ quan thuế ưu đãi vì cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa, thì doanh nghiệp trong Khu chế xuất lại khiếu nại và viện dẫn những văn kiện của Bộ Thương mại hay Hải quan đã cho họ hưởng chế độ này từ năm 1999. Nếu có, những văn kiện ấy rõ là sai trái và nay đang gây vấn đề cho Bộ Tài chính phải giải quyết. Đây là điển hình của nạn quản lý thiếu thống nhất từ trên xuống và gây ra lạm dụng lẫn cơ hội tham nhũng và sung dụng tài nguyên lệch lạc. Vì vậy, nếu ông Khải cứ vài ba năm lại ra chỉ thị đốc thúc các cơ quan thi hành luật lệ cho nhất quán và đồng bộ thì người ta không nên ngạc nhiên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày bầu cử hôm nay, thứ ba, 5 tháng 2, sẽ là ngày bầu cử quan trọng để quyết định các ứng cử viên của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa
Chúng tôi là một trung tâm bảo vệ quyền lợi của những người cao niên Châu-Á ở nước Mỹ, về sức khỏe để cho sinh hoạt phẩm chất tốt hơn
Gần đây, trong các mạng nhện i-meo, tự nhiên lại rộ lên phong trào đua nhau ca tụng Các Mác, y như  phong trào "trăm hoa đua không nở" vậy
Hàn Mặc Tử khoái trăng thì rao lên: ai mua trăng tôi bán trăng cho. Chứ thời bây giờ nhiều người rầu rĩ lắm, đâu có giờ mà ngó trăng hay mua trăng
Ăn Tết xưa nay đã trở thành một ngày hội lớn nhất trong năm của nhân loại. Riêng dân tộc VN qua bao đời đã có rất nhiều phong tục
Cách đây bốn mươi năm, vào Tết Mậu Thân 1968,  trong lúc người dân Miền Nam đang vui Xuân đón Tết,  tối 29 Tháng 1
Trên nửa thế kỷ trước đây, dân Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của Mohandas Gandhi, đã thực hiện cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại thực dân Anh
Sau khi đảng Dân Chủ tự vả vào mồm, với cựu Tổng thống Bill Clinton nhảy vào cuộc để bênh vợ và gián tiếp đem vấn đề màu da vào cuộc tranh cử tổng thống
Giai đoạn yêu đương tán tỉnh giữa ứng cử viên Tổng Thống (TT) và cử tri sắp qua.  Trong vài ngày nữa, cử tri trên khắp 22 tiểu bang của Hoa Kỳ sẽ quyết định
Nghĩa Hình Tướng: Bát Nhã Tâm hay còn gọi là Trí Tuệ Tâm, dược ví như thanh gươm vô cùng rắn chắc, và sắc bén như kim cương
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.