Hôm nay,  

Lợi Hại Trong Trận Chiến Mậu Dịch

02/12/200300:00:00(Xem: 14662)
Trong lúc dư luận VN cùng toàn khu vực Đông Nam Á theo dõi các trận bóng đá giải SEA Games kỳ thứ 22, thì tại Hoa Kỳ, có tin Mỹ sẽ rút lại quyết định bảo vệ ngành thép do TT Bush đưa ra hồi tháng Ba năm ngóai.
Biến cố này được dư luận thế giới và riêng Đông Á chú ý vì làm nổi bật những ưu tư của các nước về một trận chiến mậu dịch toàn cầu. Đài RFA đã trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về những lợi hại của một trận chiến mậu dịch như vậy.
Hỏi: Hôm qua, Thứ Hai mùng một, nhật báo The Washington Post xuất bản tại thủ đô Hoa Kỳ đã tiết lộ nguồn tin theo đó, nội tuần này, Tổng thống George W. Bush sẽ thu hồi quyết định bảo vệ ngành thép. Các bình luận gia cho rằng việc thu hồi đó là hậu quả của phán quyết của Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO rằng quyết định bảo vệ ngành thép của Mỹ là phạm luật và sau đó Liên hiệp Âu châu cùng Nhật Bản đều ngỏ ý sẽ có biện pháp trả đũa kể từ ngày 15 tới đây. Xin ông trình bày cho thính giả nghe đài nội vụ của vấn đề, trước khi ta nói tới đề mục chính là những xung đột về mậu dịch hiện nay.
-- Vâng, nối tiếp ngôi vị của nước Anh trước đấy, Hoa Kỳ đã từng có một kỹ nghệ thép tiên tiến, nhưng cách đây đã mấy chục năm. Sau đó, các quốc gia khác lần lượt tham gia đầu tư vào ngành này và chiếm thế thượng phong, như Nhật rồi Hàn Quốc hay Brazil chẳng hạn. Kỹ nghệ thép của Mỹ lạc hậu dần và không còn khả năng cạnh tranh như xưa, nhất là các đại công ty được lập ra từ lâu và không cải tiến về công nghệ lẫn kỹ thuật quản lý. Vì vậy, ngành thép của Mỹ sa sút dần kể từ thập niên 80 trở đi. Nhưng, trong nội tình Hoa Kỳ, ngành thép vẫn còn nhiều thế lực nhờ các công đoàn và các công ty lớn, và họ đã gây sức ép cho chính quyền Bush. Năm 2000, ông Bush thắng cử khít khao và vì vậy rất cần tới lá phiếu cử tri tại các tiểu bang được gọi là “Vòng đai dỉ”, nơi hoạt động của các công ty sản xuất thép. Đó là lý do khiến Tháng Ba năm ngoái, ông quyết định nâng mức thuế quan cho các loại thép nhập cảng, từ tám đến 30%, với lý cớ là công nghiệp thép Mỹ cần chừng ba năm để cải tiến năng suất. Quyết định này mang tính chất bảo hộ mậu dịch vì dựng hàng rào nhập khẩu thật cao cho thép ngoại khó vào Mỹ, và vì vậy mới bị các quốc gia sản xuất và xuất khẩu thép phản đối, từ Âu đến Á và Nam Mỹ châu.
Hỏi: Và cuối cùng thì tổ chức WTO đã ra phán quyết kết án Mỹ là vi phạm luật lệ"
-- Được đưa ra ngày 10 tháng 11, quyết định ấy của WTO khiến các nước có thế mạnh để trả đũa. WTO họp ngày hôm qua để trao đổi về đề nghị trả đũa, và nếu được đồng ý thì kể từ 15 tháng này, các nước sẽ tăng thuế khoảng hai tỷ hai trên một số hàng Mỹ. Cụ thể là họ nghiên cứu rất tinh vi, xem tiểu bang nào thuộc loại có vấn đề, tức là bấp bênh nhất cho ông Bush trong cuộc tranh cử tổng thống năm tới. Từ đấy, họ nâng thuế suất trên sản vật do các tiểu bang đó xuất khẩu ra ngoài, như cam, nông cụ, đồ dệt sợi chả hạn, để gây thiệt hại kinh tế cho tiểu bang và thiệt hại chính trị cho ông Bush. Thí dụ như cam của Florida sẽ bị thuế nặng hơn, mà Florida là nơi ông Bush thắng cử năm 2000 với đa số có 537 phiếu, và đấy cũng là nơi bào đệ ông Bush đang làm Thống đốc. Ngoài Florida ra, còn các tiểu bang như Pennsylvania, West Virginia, Ohio và cả Minnesota nữa.
Hỏi: Ông thường nêu nhận xét là về mặt thuần túy kinh tế, quyết định bảo hộ mậu dịch thường là loại quyết định lợi bất cập hại. Ông Bush và kinh tế Mỹ được gì khi bảo vệ ngành thép, và mất gì khi bị trả đũa như vậy"
-- Câu hỏi đó ám ảnh chính quyền Bush từ nhiều tháng nay và ông ta cùng ban tham mưu về kinh tế và mậu dịch đã cân nhắc rất kỹ từ nhiều tuần, để xem là còn nên duy trì quyết định nâng đỡ ngành thép hay chăng. Cho nên, ta không mấy ngạc nhiên khi thấy ông sẽ thu hồi quyết định này. Tôi thiển nghĩ rằng việc bảo vệ ngành thép là một quyết định sai về kinh tế vì thành phần hưởng lợi không có bao nhiêu người, vỏn vẹn vài chục ngàn, nhưng người bị thiệt thì đông hơn gấp bội vì biện pháp tăng thuế nhập khẩu có giúp cho nhà sản xuất thép của Mỹ thì cũng khiến cho các công ty tiêu thụ thép, tức là nhiều ngành chế biến khác, và nói chung quảng đại quần chúng, bị thiệt hại. Nếu Liên hiệp Âu châu, các nước Á châu và cả châu Mỹ La tinh cùng ra biện pháp trả đũa thì nhiều ngành xuất khẩu khác của Mỹ cũng bị thiệt. Thực ra, quyết định bảo hộ của Mỹ chỉ làm châu Âu bị thiệt rất ít vì số thép Âu châu xuất khẩu qua Mỹ chưa lên tới 0,02% GDP nhưng đòn trả đũa của họ là một đe dọa chính trị cho ông Bush. Nên sau cùng thì Mỹ sẽ tuyên bố rất ngoại giao là ngành thép đã có cải tiến từ 18 tháng qua nên không cần được bảo vệ nữa.
Hỏi: Ngoài hồ sơ thép, hiện các nước đang còn có tranh chấp gì khác với Mỹ nữa không"

-- Một hồ sơ khác không thuộc thẩm quyền tổng thống mà tùy quốc hội là chế độ giảm thuế trên số thương vụ hải ngoại của các doanh nghiệp Mỹ. Biện pháp trợ cấp gián tiếp ấy có giúp cho sức cạnh tranh của các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài và lên tới hơn bốn tỷ đô la. Hồ sơ tranh chấp này chưa được WTO giải quyết và Mỹ còn thời hạn từ nay đến tháng Ba năm tới để tu chính luật thuế của mình. Quốc hội Mỹ hiện đã nghỉ sau Lễ Tạ Ơn và chỉ tái nhóm vào tháng Giêng, nên có thời hạn rất ngắn để giải quyết. Nếu không, Liên hiệp Âu châu cũng sẽ lại có biện pháp trả đũa là đánh thuế nhập khẩu trên một số hàng Mỹ như trái cây, thực phẩm, hàng dệt sợi và giày dép. Họ dự tính nâng thuế suất lên 1% mỗi tháng cho đến tối đa là 17% vào cuối năm tới, để đạt kết quả là sẽ lấy lại cũng bốn tỷ tư là ngân khoản nâng đỡ cho các doanh nghiệp Mỹ. So với sức sản xuất của kinh tế Mỹ là hơn 10.000 tỷ đô la một năm, số tiền trên thực ra không nhiều, nhưng tất nhiên sẽ gây thêm mâu thuẫn đã chồng chất hiện nay giữa Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu.
Hỏi: Trong một kỳ trước, ông nói đến việc Mỹ dọa trả đũa Trung Quốc với hạn ngạch nhập cảng hàng dệt sợi của Hoa Lục, đấy có là một hồ sơ tranh chấp khác chăng"
-- Vâng, quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có mâu thuẫn khá gay gắt vì đồng Mỹ kim sụt giá thì tiền Trung Quốc sụt theo nên hàng Trung Quốc vẫn thành rẻ hơn và dễ bán vào Mỹ hơn. Từ đầu tháng Chín, chính quyền Bush cảnh cáo Bắc Kinh về việc này và đề nghị Trung Quốc thả nổi đồng bạc. Đồng thời, Quốc hội Mỹ, ở cả hai viện, cũng đều đưa ra đề nghị tăng thuế nhập khẩu trên hàng Trung Quốc, có thể lên tới 27,5% nếu quả là Bắc Kinh có biện pháp cạnh tranh bất chính về ngoại hối. Gay gắt nhất là vụ dệt sợi khi tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ đòi hạn định là gần 4.000 mặt hàng dệt sợi của Hoa Lục bán vào Mỹ sẽ không được tăng quá 7,5% so với tổng số của 12 tháng trước. Nguyên do ở đây là lời yêu cầu của công nghiệp dệt sợi Mỹ, được đưa ra từ tháng Bảy vừa rồi. Trước đây, Mỹ có chế độ định mức tối đa ấy, nhưng sau khi Trung Quốc gia nhập WTO thì kể từ đầu năm ngoái Mỹ đã bãi bỏ chế độ này, tức là không hạn chế nhập cảng nữa, vì Thỏa ước về Dệt sợi và Áo quần của WTO quy định sẽ bỏ hạn ngạch kể từ đầu năm 2005 trở đi. Tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố là sẽ tái xác định hạn ngạch trong vòng một năm, có thể tái tục, bắt đầu áp dụng trong ba tháng nữa. Bên Trung Quốc trả lời bằng cách hủy bỏ chuyến đi của một phái đoàn qua mua hàng Mỹ và dọa sẽ nâng thuế suất trên một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ nếu Hoa Kỳ không bãi bỏ chế độ bảo vệ ngành thép.
Hỏi: Nhưng, hạn ngạch này ảnh hưởng ra sao đối với kinh tế Hoa Lục hay Hoa Kỳ"
-- Thưa rất nhỏ, coi như không đáng kể vì nói đến 3.800 mặt hàng thì nhiều, chứ chủ yếu chỉ là nịt ngực phụ nữ, áo cưới bằng vải bông hay các loại vải dệt, tổng cộng chừng hơn 500 triệu Mỹ kim trong chín tháng đầu năm qua. Việc đặt ra hạn ngạch gia tăng tối đa là 7,5% một năm sẽ chỉ ảnh hưởng đến 5% tổng số hàng dệt sợi Trung Quốc vẫn bán qua Mỹ hàng năm, và không thấm vào đâu so với nhiều nguồn xuất khẩu khác của Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ, biện pháp hạn chế nhập cảng như vậy cũng không đáng kể và thực ra, dân Mỹ không mua hàng Trung Quốc thì sẽ lại mua hàng của từ các xứ Á châu hay từ hai nước Trung Mỹ ít ai nói đến là Honduras và Cộng hòa Domingo. Lý do chính vì vậy không phải kinh tế mà là chính trị, nhằm gây ấn tượng là nhà nước ưu lo cho dân chúng.
Hỏi: Và vì lý do chính trị mà lắm hồ sơ kinh tế lại rơi vào cái cảnh “chuyện bé xé ra to”"
-- Vâng, và đấy là điều đáng tiếc vì sẽ đào sâu thêm những mâu thuẫn sẵn có và có thể dẫn tới một trận chiến mậu dịch có hại cho mọi phe liên hệ, nhất là cho giao dịch toàn cầu.
Hỏi: Cuối cùng, xin ông kết luận về những tranh chấp mậu dịch này.
-- Vô tình hay cố ý, giới chính trị có khi hiểu sai và trình bày sai nhiều quy luật kinh tế cơ bản, thí dụ như ưa nhấn mạnh đến việc nhân công Mỹ bị thất nghiệp vì sự cạnh tranh của các nước khác. Điều này xảy ra ở mọi quốc gia, kể cả Âu châu, và thường hay gặp trong đảng Dân chủ tại Mỹ. Với đa số rất mỏng trong kỳ bầu cử trước, lại sắp phải tái tranh cử vào năm tới, ông Bush không thể không quan tâm tới những lời than phiền ấy và phải bày tỏ thiện chí bằng một số quyết định đi ngược với triết lý kinh tế tự do của bản thân ông. Khi phân tách ảnh hưởng kinh tế đích thực của những hồ sơ tranh chấp này, ta thấy vấn đề thực ra rất nhỏ. Vả lại, kinh tế Mỹ đã thực sự hồi phục, với đà nhân dụng sẽ gia tăng, thất nghiệp sẽ giảm, vì vậy, tôi thiển nghĩ rằng chính quyền Mỹ rồi cũng sẽ tìm cách giải tỏa các mâu thuẫn đó, việc thu hồi quyết định bảo vệ ngành thép nằm trong hướng này. Trong một tương lai không xa, loại hồ sơ như cá tôm của Việt Nam có thể cũng sẽ được giải quyết theo hướng khác, nếu Việt Nam thực sự không có biện pháp cạnh tranh bất chính và chứng minh được điều đó trước các diễn đàn quốc tế và nhất là dư luận Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Qua các cuộc đấu tranh cách mạng từ cổ chí kim, vai trò của tuyên truyền (truyền thông) đã được khẳng định luôn đóng một vai trò cốt yếu
Suốt ba tháng qua ở San Jose, thành phố với gần 100 nghìn người Việt sinh sống và chiếm 10% số cư dân
Ngày 29 tháng Hai, 2008- Shiseido, nhà tiên phong trong lĩnh vực làm sáng da từ năm 1916, giới thiệu sản phẩm mới White Lucent Brightening Eye Treatment
Muốn có căn nhà vững thì không những phải cần có nền tốt mà tường cũng phải cứng để cho cột, kèo bám vào chống giông bão. Đảng cầm quyền cũng vậy
Các chế độ độc tài không phải là một khối thuần nhất. Dù là độc tài cộng sản, độc tài quân phiệt, độc tài cá nhân... đều giống nhau ở điểm
Trong những ngày qua, Việt Nam đã như lên cơn sốt về giá cả với quyết định tăng giá xăng dầu quá đột ngột. Lồng bên dưới nỗi bất an đó còn có một hiện tượng
Trung Quốc (TQ) đang trên đà phát triển vượt bực nhất là trong những năm gần đây. Hiện tại, TQ là quốc gia thứ hai chỉ đứng sau Hoa Kỳ về thành phẩm sản xuất
Có nơi nào trên trái đất này Mật độ đắng cay như ở đây" Chín người - mười cuộc đời rạn vỡ. Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy… Có nơi nào trên trái đất này
Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận đã tưng bừng tổ chức một buổi gây quỹ Cây Mùa Xuân Thương Phế Binh
Nhiều thanh niên nam nữ, Phong trào Tự Do Việt Nam, Phân Bộ Phila và New Jersey,  phong trào Cờ Vàng từ Cali…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.