Hôm nay,  

Kinh Tế Mỹ Phục Hồi

17/02/200400:00:00(Xem: 13878)
Hôm Thứ Hai, các thị trường tài chính Á châu suy giảm trên đỉnh cao nhất từ bốn năm nay, vì Á châu âu lo về triển vọng kinh tế Hoa Kỳ trong khi tiền Mỹ vẫn sụt giá. Tình hình phục hồi kinh tế Hoa Kỳ đối với kinh tế toàn cầu ra sao"
Đài RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về chủ đề trên như sau.
Hỏi: Thưa ông, cách đây đúng tám tháng, ngày 17 tháng Sáu 2003, khi dư luận còn chú ý đến tình hình chiến sự Iraq, trên diễn đàn này, ông tiên đoán là kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi và có thể đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất là 4% quy ra toàn năm. Sau đấy, tình hình quả nhiên là khả quan hơn cho Mỹ và nhiều nước khác, như Âu châu và cả Nhật Bản. Nhưng tuần qua, Hoa Kỳ có nhiều chỉ dấu đáng ngại, như ngoại thương Mỹ thêm thiếu hụt vì nhập siêu, như số xuất khẩu Mỹ bị sụt và cả chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ cũng sút giảm. Những tin tức đó gây âu lo cho các thị trường chứng khoán Á châu trong ngày hôm qua... Như vậy, liệu sự hồi phục kinh tế của Mỹ có bị khựng hay không"
-- Trước hết, tôi xin được nhắc lại rằng năm nay là năm tranh cử tổng thống tại Mỹ, và mọi biến chuyển kinh tế, thăng hay giáng, đều được truyền thông báo chí thổi phồng và được giới chính trị bình nghị theo hướng này hay hướng khác. Sự sôi nổi đó tức thời chi phối các thị trường tài chính, nhưng đấy chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn và giao động tâm lý không kéo dài, trong khi sự vận hành kinh tế vẫn tiếp tục theo những chuyển động lớn của thực tế, có khi vượt ra khỏi tầm suy luận của báo chí... Tuần qua, thống kê bộ Thương mại Mỹ cho biết là trong tháng Giêng, nhập siêu của Hoa Kỳ đã tăng từ gần 39 tỷ lên quá 45 tỷ Mỹ kim trong khi số xuất cảng lại giảm 0,2%, tới mức xấp xỉ 90 tỷ. Mặt khác, viện Đại học Michigan cũng thông báo chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ đã sụt hơn 10 điểm, từ 103,8 vào đầu tháng Giêng xuống 93,1 vào đầu tháng Hai. Những thông tin đó lập tức gây tranh luận trong giới chính trị và truyền thông. Bên phía chính quyền, người ta cho là kinh tế vẫn đang phục hồi và sẽ tuyển dụng rất nhiều nhân công trong thời gian tới, bên ngoài chính quyền, dư luận lại cho rằng sự hồi phục này đã bị chững. Hậu quả chung cuộc là dư luận Mỹ có lo ngại, các cuộc khảo sát ý kiến mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Bush đã sụt giảm dưới mức 50%, chủ yếu là do tình hình kinh tế. Sự thể đó vì vậy cũng tác động vào các thị trường Á châu, vốn lệ thuộc nặng vào kinh tế Mỹ.
Hỏi: Đó là nhận định chung của dư luận, riêng ông, ông phân tích ra sao về tình hình"
-- Tôi thiển nghĩ rằng dư luận có lo ngại vì một loạt tín hiệu xấu, được các xu hướng chống Bush nhấn mạnh liên tục, như nhập siêu mậu dịch và bội chi ngân sách gia tăng, như đồng đô la tiếp tục tuột giá, hoặc số nhân công thu dụng không tăng mạnh nếu so sánh với các đợt phục hồi cũ trong khi xuất cảng và sự tin tưởng của giới tiêu thụ có sút giảm. Vì kinh tế Mỹ lệ thuộc tới 2/3, thậm chí là gần 70%, vào sức tiêu thụ của dân chúng nên chỉ số tin tưởng đó là tín hiệu đáng quan tâm. Thêm vào đó là sự lúng túng thụ động của chính quyền Bush về vụ Iraq cũng gây hoài nghi, kể cả trong dư luận báo chí chuyên đề về kinh tế tài chính. Vì vậy, ấn tượng chung của nhiều nơi là sự phục hồi kinh tế Mỹ có thể đang rơi vào khoảng trũng. Tuy nhiên, như tôi vừa trình bày, Hoa Kỳ đang khởi sự một năm tranh cử tổng thống và những giao động lẫn lập luận tranh cử có thể khiến dư luận chỉ thấy ra những điểm tiêu cực. Thực tế thì tình hình không đáng bi quan như vậy.
Hỏi: Ông có thể trình bày cụ thể một số cơ sở lý luận cho sự lạc quan này không"
-- Tôi thiển nghĩ rằng kinh tế Mỹ đang phục hồi và còn là đầu máy lôi kéo các nền kinh tế khác như Âu châu, Nhật Bản, Trung Quốc và nói chung Đông Á lẫn Mỹ châu Latinh. Và mấy nơi đáng ưu lo hơn chính là Trung Quốc và Mỹ châu Latinh, nếu mình có giao dịch mua bán với hai khối này thì nên quan tâm hơn cả. Lý do thứ nhất là về mậu dịch, Mỹ sở dĩ nhập cảng nhiều hơn vì kinh tế đã phục hồi nên số cầu gia tăng mạnh, trong khi xuất cảng chậm hơn vì khả năng ứng phó chậm của các nền kinh tế khác, đặc biệt là Hoa Lục và Âu châu. Tình hình giao dịch này phản ảnh hai mức độ năng động khác nhau, của kinh tế Mỹ và của các nền kinh tế kia. Về việc giới tiêu thụ có vẻ mất tin tưởng thì ta nên hiểu ra ảnh hưởng của nạn thất nghiệp được báo chí nói tới rất nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm từ 6,4% xuống còn 5,6% trong gần nửa năm qua và ngoài triển vọng thu nạp nhân công trong thời gian tới, ta còn có hiện tượng phức tạp khác mà báo chí nhiều khi không trình bày được cho rõ là năng suất và cấu trúc của thị trường nhân dụng Mỹ khiến người ta chuyển dịch lao động và thay đổi việc làm mà thống kê không ghi nhận cho kịp và cho đúng. Thứ nữa, vì kinh tế Mỹ tùy thuộc nhiều vào tiêu thụ, dân Mỹ dù sao vẫn tiêu xài mạnh và tiết kiệm ít nên số nhập cảng mới gia tăng. Nói chung, giới tiêu thụ Mỹ rộng tay chi tiêu hơn giới tiêu thụ Âu và Á châu nên hậu quả trước mắt mới là nạn nhập siêu của Hoa Kỳ. Đó là về tình hình trước mắt, trong viễn ảnh dài hơn thì có khác.

Hỏi: Xin ông trình bày tiếp là khác như thế nào"
-- Tuần qua, Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, là Thống đốc hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ, ông Alan Greenspan, đã ra trình bày trước Ủy ban Tài chính Ngân hàng của Thượng viện về tình hình kinh tế. Ông ta ủng hộ quyết định giảm thuế của chính quyền dù nhấn mạnh là cùng với việc giảm thuế, Quốc hội phải biết giới hạn công chi để giảm dần nạn bội chi ngân sách. Ông cũng cho biết là nhờ tình hình vật giá vẫn khả quan, ngân hàng trung ương chưa tính đến việc nâng lãi suất ngắn hạn trong tương lai trước mắt, và đồng Mỹ kim suy yếu như hiện nay thực ra có lợi cho mậu dịch vì sẽ hạn chế đà thiếu hụt ngoại thương do hàng nhập vào Mỹ sẽ thành cao giá hơn. Từ nhận định của một nhân vật có thẩm quyền và nhất là có quyền độc lập đối với mọi áp lực chính trị, ta có thể kết luận là Mỹ kim còn xuống giá, lãi suất Mỹ chưa tăng, nhờ đó, mậu dịch Mỹ sẽ có cải tiến. Đồng thời, giới chính trị cũng được nhắc nhở là phải giới hạn công chi, là điều cánh hữu của đảng Cộng hòa than phiền khá nhiều với chính quyền Cộng hòa của ông Bush. Song song, nạn nhập siêu và thất nghiệp vẫn được bên Dân chủ khai thác để gây sức ép với chính quyền trong mùa tranh cử. Vì vậy mà Hoa Kỳ mới bị đả kích là theo đuổi chế độ bảo hộ mậu dịch hoặc gây hấn với xứ khác vì mậu dịch, và dĩ nhiên là chính quyền Bush nhận lãnh sự đả kích đó. Nhưng nói chung thì kinh tế Mỹ vẫn khả quan hơn các nền kinh tế khác, sự hồi phục đang tiếp tục và năm nay Mỹ có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 4,5% đến 5%. Ngược lại, việc Mỹ kim tuột giá sẽ khiến sự hồi phục nhờ xuất khẩu của Âu châu bị trở ngại. Dường như tuần qua, Ngân hàng Trung ương Âu châu đã kín đáo can thiệp, tức là bán Euro và mua Mỹ kim, để giảm đà tăng giá của tiền Âu nhằm hạ thấp đà tăng giá của hàng hóa và dịch vụ Âu châu. Kết luận chung ở đây là kinh tế Mỹ vẫn có chiều hướng khả quan hơn nhiều xứ khác và đó là một tin vui cho các nước Đông Á đang cần giao dịch mua bán với Hoa Kỳ. Về dài thì nạn bội chi ngân sách mới là vấn đề đáng lo, nhưng đó là chuyện về dài, sau nhiều năm, khi ông Bush đã hết làm tổng thống.
Hỏi: Ở trên, ông có nói đến mối ưu lo về kinh tế Trung Quốc và Mỹ châu Latinh.
-- Vâng, ngoài những bất ổn cả chính trị lẫn kinh tế sẽ sớm thấy tại Âu châu, trong thời gian tới, dư luận sẽ chú ý hơn tới mặt trái của đà tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc, đến 9% vào năm ngoái. Trước hết là hậu quả chưa thể lường nổi của dịch cúm gia cầm, thứ nữa là sự ung thối của hệ thống ngân hàng chìm dưới núi nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, kế tiếp là nguy cơ lạm phát vì kinh tế nóng máy và mới nhất là rủi ro suy sụp đầu tư vì nạn đầu cơ, là hiện tượng của một trái bóng thổi phồng không cơ sở. Ngoài dịch cúm gà, tai nạn hỏa hoạn vừa xảy ra tại Cát Lâm thuộc tỉnh Cát Lâm và Hải Ninh thuộc Chiết Giang cho thấy sự non yếu của hạ tầng cơ sở cả vật chất lẫn hành chính và nhân lực của xứ này nếu so sánh với đà tăng trưởng làm thế giới khâm phục và lãnh đạo hãnh diện. Cuối năm nay có thể là thời kết toán tính sổ, khi Trung Quốc đụng mạnh vào thực tế thảm khốc trước mắt. Điều này mà xảy ra tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, về cả nhận thức và lý luận của lãnh đạo cho tới thực tế của giao dịch kinh tế trong toàn khu vực. Dịch cúm gia cầm hay nạn hỏa hoạn không là điềm xấu của quỷ thần mà là sự phơi bày tất yếu nhược điểm của một hệ thống tổ chức lạc hậu được dung dưỡng nhờ ách độc tài. Quay ra Mỹ châu Latinh thì vì dư luận nhiều năm nay ít quan tâm đến vùng đất này nên người ta không thấy một số nguy cơ động loạn trong khu vực: từ vụ Argentina bị vỡ nợ và đang tính chuyện quịt nợ tới 90% tổng số ngoại trái đến tình trạng khủng hoảng âm ỉ của Venezuela, và một vụ phá sản sắp tới của chính quyền xứ Cộng hòa Dominican sau khi ngân hàng Banco International sụp đổ vì tội gian lận... Gần đây nhất và nóng hổi nhất là vụ khủng hoảng tại một xứ lân bang là Haiti trong vùng biển Caribbe. Chính là trong khung cảnh bất ổn này người ta mới càng theo dõi triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ, vì xứ nào cũng có thể ghét Mỹ hay tha hồ chửi Mỹ, chứ suy đi tính lại thì làm ăn với kinh tế Mỹ vẫn an toàn và có lợi hơn cả.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm Thứ Sáu mùng sáu, nhân chuyến thăm viếng Ấn Độ, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói đến việc nâng cấp quan hệ Việt-Ấn
Những thay đổi trong đời sống dù to tát hay nhỏ nhoi cũng có thể ảnh hưởng không nhiều thì ít đến chúng ta. Lúc tuổi cao, những thay đổi này càng
Nếu không hiểu rõ giá trị truyền thống của các tôn giáo bạn, thì chúng ta rất khó bày tỏ lòng kính trọng các tín ngưỡng khác biệt
Người ĐẠT ĐẠO phải trong sạch trong tư tưởng ảnh hưởng đến lời nói và việc làm. Cần phải gạt bỏ ngay hạt nhân xấu vừa nảy mầm
Dân chúng Mỹ lại một lần nữa tưng chào mừng Ngày Sinh Nhật thứ 231 năm của quốc gia trẻ trung Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1975, nhưng sau 32 năm dưới chế độ CS, người dân Việt Nam trong nước vẫn chưa được hưởng
Phim ảnh Việt Nam thời gian này ra nhiều về số lượng cũng như về chất lượng
Sau 1954 ba tôi rời nơi chôn nhau cắt rún, tạm xa gia đình vì sinh kế.
Bài viết này được đúc kết bởi cảm xúc có được sau hai ngày tham dự Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt (HNQTVTV) do Viện Việt Học (1) tổ chức
Công cuộc cứu trợ nạn nhân Sóng Thần ở Nam Á là một nỗ lực quốc tế lớn lao, chưa từng thấy trên thế giới. Nó cũng làm nổi bật một điểm rất đặc biệt
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.