Hôm nay,  

Đảng Dân Chủ Với Tự Do Ngoại Thương

09/12/200600:00:00(Xem: 9117)

Đảng Dân Chủ Với Tự Do Ngoại Thương

Rạn nứt trong đảng vì Tự do Ngoại thương"

Với đảng Dân chủ sẽ kiểm soát lưỡng viện Quốc hội kể từ ngày mùng bốn tới đây, một vấn đề sẽ gây tranh luận trong Quốc hội, với Hành pháp và ngay trong đảng là tự do thương mại (ngoại thương hay mậu dịch). Ngoài chuyện Iraq và Hồi giáo thì đây cũng là vấn đề mà các nước khác sẽ phải quan tâm.

Người ta có thể thấy trước việc này từ quy chế PNTR cho Việt Nam.

Quy chế mậu dịch bình thường và vĩnh viễn đã được đệ nạp Hạ viện (dưới tên H.R. 5602) và Thượng viện (dưới tên S. 3945) mà sau cùng vẫn không được phê chuẩn sau những cố gắng cứu vãn trong hai ngày cuối tuần này. Có nhiều lý do chính trị giải thích việc ấy, kể cả việc đảng Cộng hoà thất cử tháng trước và đảng Dân chủ không muốn Tổng thống George W. Bush có một món quà đem qua Hà Nội trong dịp tham dự Thượng đỉnh APEC tháng trước.

Nhưng lý do chính yếu vẫn là lập trường bảo hộ mậu dịch của đa số đảng viên Dân chủ.

Về đại lược, hai phần ba các vị dân cử của đảng Cộng hoà ủng hộ chế độ tự do mậu dịch và hai phần ba các vị dân chủ bên đảng Dân chủ thì lại chống. Vì vậy, những người bảo trợ dự án không hội đủ túc số để thông qua dự luật chấp nhận quy chế PNTR cho Việt Nam dù điều ấy cũng gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp Mỹ và doanh giới đã vận động rất mạnh ở hành lang.

Qua năm tới, tình hình sẽ ra sao" Đây là câu hỏi sẽ ám ảnh nhiều quốc gia khác trong thời gian hai năm trước mặt, cho tới kỳ bầu cử 2008.

Đây cũng là câu hỏi sẽ ám ảnh chính những người lãnh đạo đảng Dân chủ.

Một thành phần quần chúng ủng hộ đảng Dân chủ có lập trường chống tự do mậu dịch, thậm chí chống cả toàn cầu hoá mạnh nhất. Đó là các nghiệp đoàn và hiệp hội bảo vệ môi sinh.  Thông thường, họ rất nghi ngờ và kịch liệt chống đối các hiệp định thương mại song phương (BTA) hay Thỏa ước Tự do Ngoại thương (FTA) Hoa Kỳ ký kết với các nước khác.

Trong tám năm làm Tổng thống, dù khéo léo kiên trì vận động với sự hỗ trợ của đảng Cộng hoà, ông Bill Clinton không thuyết phục nổi phe Dân chủ trong Quốc hội chấp thuận cho Hành pháp được rộng quyền thương thảo các hiệp định ngoại thương theo thủ tục nhanh gọn, gọi là "fast track". Qua đến Tổng thống Bush thì Hành pháp (Đại sứ Thương mại trong Nội các của Tổng thống) mới có quyền ấy nhờ đạo luật gọi là Trade Authority Act, thông qua năm 2002.

Theo đạo luật này, đại diện của Tổng thống có toàn quyền thương thuyết về ngoại thương cho tới khi đạt thỏa ước và văn kiện này sẽ được Quốc hội phê chuẩn trọn gói, chấp thuận hay bác khước toàn bộ hiệp định, chứ không đòi tu chỉnh từng điều khoản trong nội dung để gài thêm những điều kiện có lợi cho thành phần cử tri của họ..

Nhờ vậy mà trong thời gian qua, Hoa Kỳ mới mở ra nhiều cuộc thương thảo và đạt nhiều hiệp định hoặc song phương hoặc cấp vùng, với từng nước hay từng nhóm quốc gia.

Đạo luật rộng quyền ấy sẽ mãn hạn vào ngày 30 tháng Sáu tới đây và nhiều phần thì sẽ khó được tái tục với đảng Dân chủ nay kiểm soát được cả hai viện. Chẳng những vậy, ngay trong cuộc bầu cử, nhiều ứng viên Dân chủ đã hứa hẹn là nếu đắc cử, họ sẽ xét lại các hiệp định đã ký kết hay đang thương thuyết. Và nhất thời sẽ không thương thuyết gì thêm.

Trong giai đoạn tranh cử, đảng Dân chủ đã chọn chiến lược đả phá - y hệt với vụ Iraq - bằng cách công kích kết quả hay thành tích của chính quyền Bush mà chỉ mập mờ cho biết rằng nếu đảng mà có quyền thì sẽ đạt kết quả khả quan hơn trong một số lãnh vực. Thí dụ như đạt nhiều điều khoản mậu dịch có lợi hơn chính quyền Bush. Chiến lược ấy quả nhiên công hiệu mà không bắt các đảng viên phải nói rõ quan điểm lập trường của mình về ngoại thương.

Bây giờ, phe Dân chủ đã thắng cử, nay sẽ tính sao với quyền lực mới"

Họ có thể sẽ rất lúng túng vì một lý do bất ngờ.

Nhiều lãnh tụ của đảng thực ra là người thực tiễn và không kịch liệt chống tự do mậu dịch hoặc đòi hỏi biện pháp bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa. Nhưng quần chúng đảng ở dưới lại có lập trường thiên tả hơn, bảo thủ hơn về tự do kinh tế hay ngoại thương. Thậm chí gần với lập trường của xu hướng tự cô lập bên phe cực hữu như Ross Perot hay Pat Buchanan hoặc nghi ngờ doanh nghiệp như Ralph Nader, nhà đấu tranh cho môi sinh và quyền lợi giới tiêu thụ. Những nhân vật này đã từng ra tranh cử tổng thống và đại diện cho một xu hướng không nhỏ trong xã hội Mỹ.

Vì thái độ quá khôn khéo đến độ mị dân của ông Clinton khi dự thượng đỉnh của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO tại Seattle vào tháng 11 năm 1999, người ta thấy các xu hướng chống tự do mậu dịch và toàn cầu hoá đã kết hợp hành động từ hai cánh cực tả và cực hữu, từ các nghiệp đoàn đến bảo hộ mậu dịch, bảo vệ môi sinh. Từ đấy, mỗi hội nghị quốc tế lại là cơ hội cho các lực lượng này biểu tình chống đối. Với sự cố tình phá hoại bằng bạo động của các nhóm vô chính phủ, thân cộng và cả du đãng.

Nhưng, sau năm năm tung hoành, các lực lượng này bắt đầu rạn nứt. Hai thành phần trụ cột là các nghiệp đoàn và bảo vệ môi sinh đã chuyển dần lập trường về hướng ôn hoà hơn. Thay vì trực diện chống đối và phá hoại, họ cũng công nhận phần nào lợi ích của toàn cầu hoá - kể cả quốc tế hóa tiêu chuẩn bảo vệ môi sinh - và tiến vào đấu tranh chính trị, qua việc triệt để dồn phiếu cho đảng Dân chủ.

Trong vụ PNTR cho Việt Nam, dù nhiều Dân biểu và Nghị sĩ Dân chủ không ủng hộ và văn kiện chưa được thông qua, nhưng các nghiệp đoàn lớn của Hoa Kỳ đã không phát biểu ý kiến hay vận động đoàn viên tác động vào Quốc hội. Đây là chi tiết rất đáng chú ý.

Cũng thế, nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh hết còn chống đối  các hiệp định thương mại song phương vì thấy rằng tự do đầu tư và ngoại thương có nâng mức sống cho các nước nghèo và nhờ đấy các nước này có khả năng và phương tiện quan tâm nhiều hơn đến việc gìn giữ môi trường. Thà vậy còn hơn!

Bây giờ, khi tình hình đã có xoay chuyển, rất chậm nhưng rất rõ như vậy, đảng Dân chủ bắt đầu lúng túng vì đã đến lúc phải trình bày chủ trương đường lối sao cho thích hợp với thực tế chính trị của đảng ở bên dưới. Lúng túng vì lãnh đạo của đảng ở trên đã thấy lợi ích của tự do mậu dịch và số người chống đối đã giảm, và hai thành phần cử tri trụ cột của đảng là nghiệp đoàn và bảo vệ môi sinh đã trở nên thực tế hơn. Nhưng đảng viên bên dưới vẫn có rất nhiều người cực đoan chống tự do mậu dịch. Họ có nói đến "mậu dịch công bằng" (fair trade) thì cũng chỉ để giới hạn tự do mậu dịch (fair trade) và bằng biện pháp bảo hộ mậu dịch (protectionist).

Sự lúng túng ấy sẽ được thấy ngay trong cuộc tranh luận về "fast track" khi đạo luật rộng quyền đàm phán ngoại thương sẽ mãn hạn.

Nhiều lãnh tụ Dân chủ đã thấy lợi ích của đạo luật này, y như lãnh đạo các nước khác.

Khi thương thuyết thì chỉ với Hành pháp là đủ - và đủ mệt để hai nước đạt được Hiệp định Thương lại Song phương BTA hay Thỏa ước Tự do Mậu dịch. Nếu đạo luật ấy bị đảng Dân chủ bác bỏ không cho tái tục hoặc bị tu chính để thu hẹp quyền đàm phán của Hành pháp thì các nước sẽ phải qua hai chặng thương thuyết, với Hành pháp rồi lại với Lập pháp.

Xưa nay, lãnh tụ các nước không ưa và không tin Hoa Kỳ vì nước Mỹ không giữ được chữ tín, chẳng vì lãnh đạo Mỹ ưa lật lọng mà vì chính trường Mỹ thường thay đổi. Chuyện Iraq là một điển hình!

Bây giờ, nói chuyện làm ăn với Mỹ cũng sẽ phải hai lần thương thuyết thì ai cũng nản!

Mà đạo luật này có hiệu lực trong năm năm. Hai năm nữa là ông Bush hết làm Tổng thống. Đảng Dân chủ hy vọng là mình sẽ giành lại cả Hành pháp nữa. Lúc ấy, chuyện thương thuyết mậu dịch hết là chuyện trừng phạt Bush! Nếu không khéo thì nội trong hai năm tới đảng Dân chủ sẽ chăng giây cột chân mình vào năm 2009.

Vì vậy, đảng Dân chủ phải tự xét lại mình và tìm ra những giá trị đồng thuận đủ mạch lạc để là một chương trình hành động khả thi và khả tín. Làm sao tìm ra những giá trị ấy khi cơ sở bên dưới vẫn chưa thống nhất nhận thức và ý kiến" Dưới thời Bill Clinton, ít ra đảng Dân chủ còn có một hệ thống tạm gọi là hoàn chỉnh về những mục tiêu - lương tối thiểu, chế độ bảo vệ sức khoẻ phổ cập, hợp tác quốc tế theo tinh thần tự do mậu dịch nhưng quan tâm đến môi sinh và cả quyền lợi của các nước nghèo.

Giờ đây, đảng Dân chủ phải tìm ra nền tảng đồng thuận ấy, từ lý luận đến các đạo luật họ sẽ ban hành.

Năm 2003, Chính quyền Bush đã thắng lớn tại Baghdad và ba năm sau mới thấy lúng túng khi phải cầm vận mệnh Iraq trong tay. Năm nay, đảng Dân chủ đã thắng lớn và bắt đầu cầm lấy con dấu mà chưa biết làm gì với cả Iraq lẫn ngoại thương.

Chuyện Iraq thì ai cũng nói, chuyện ngoại thương thì không. Mà chuyện ấy cũng ảnh hưởng rất mạnh đến tư thế của Hoa Kỳ với các nước khác, và đến quyền lợi của nhiều người Việt Nam đang hồ hởi với cánh cửa WTO vừa rộng mở.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
Một Thư Mời, ký tên Thầy Thích Hạnh Đạo, đề ngày 6-1-2008 nhân danh Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.