Hôm nay,  

Luận Về Trung Lập Pháp Lý

27/10/200600:00:00(Xem: 7128)

Luận Về Trung Lập Pháp Lý

Hai chữ ‘’Trung Lập’’ quả thật đã gây ra nhiều vấn đề vì nội dung của nó khá mông lung, nhất là đối với những người chưa nắm vững các ý niệm về Trung Lập trong Quốc tế Công pháp. Theo tự nguyên thì Trung Lập có nghĩa là đứng ở giữa, tức là không thiên về bên nào. Giản dị là như vậy. Nhưng trên thực tế nó không giản dị như vậy, vì nó bao gồm một ý nghĩa rộng lớn từ một thái độ đứng giữa cho đến một qui chế đứng giữa của một quốc gia.

I/- Ba khái niệm liên hệ đến chữ Trung Lập.

Có ba khái niệm liên hệ đến chữ Trung Lập mà chúng ta cần phân biệt là: Trung lập sách, Trung lập chế, và Trung lập hóa.

A/- Trung lập sách (Neutralism): Đây là chánh sách trung lập, cũng gọi là chánh sách phi liên kết. Ở đây hai chữ cần nhấn mạnh là Chánh Sách. Vì là chánh sách nên có thể thay đổi bất cứ lúc nào theo ý của nhà cầm quyền đương nhiệm, hoặc có thể thay đổi cùng với sự thay đổi chánh quyền, như chúng ta thường nghe nói chánh sách đối ngoại của Tổng Thống Nixon hoặc chánh sách đối ngoại của Tổng Thống Clinton,v.v.. Như vậy chánh sách Trung Lập chỉ nhằm nói lên một chánh sách giai đoạn của một chánh quyền chứ không phải là một qui chế vĩnh cửu của quốc gia.

B/- Trung Lập Chế (Neutrality): đó là qui chế trung lập pháp lý vì nói đến qui chế tức là nói đến một nền tảng pháp lý mà trong đó đương sự có những quyền lợi và cũng có những nghĩa vụ nữa. Một quốc gia đã theo qui chế trung lập pháp lý thì chánh quyền không thể dễ dàng thay đổi qui chế của quốc gia như là thay đổi chánh sách. Qui chế Trung lập pháp lý có thể được thiết lập trong hai trường hợp:

1/- Do quốc gia tự tuyên bố và đòi hỏi các quốc gia trong cộng đồng quốc tế công nhận, như trường hợp của nước Áo năm 1955. Sự tuyên bố và công nhận đó tạo thành một qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn (hay thường trực) của quốc gia. Đây là trường hợp mà GS. Nguyễn Ngọc Huy rất mong muốn cho nước Việt Nam.

2/- Các quốc gia trong Cộng đồng quốc tế (thường là do siêu cường chi phối) quyết định một quốc gia nào đó hoặc một vùng lãnh thổ nào đó đặt dưới qui chế Trung lập pháp lý mà quốc gia đương sự phải chấp nhận. Thí dụ như qui chế trung lập pháp lý của nước Lào theo Hiệp định Geneve năm 1962.

C/- Trung Lập Hóa (Neutralize): đây là tiến trình đưa một quốc gia hay một vùng lãnh thổ vào qui chế Trung lập pháp lý (tất nhiên phải có sự công nhận và bảo đảm của cộng đồng quốc tế).

II/- Nội dung của Qui chế Trung lập Pháp lý.

 Nội dung này bao gồm một số quyền lợi và một số nghĩa vụ. GS. Nguyễn Ngọc Huy đã viết về nội dung đó như sau:

‘’Cũng như các qui tắc khác thuộc quốc tế công pháp, các qui tắc dính dáng đến qui chế trung lập pháp lý không phải minh xác và có tính cách cưỡng chế tuyệt đối như các luật lệ nội bộ của một quốc gia. Bởi đó, trong sự áp dụng qui chế trung lập pháp lý, các quốc gia có thể có những lề lối giải thích khác nhau và phạm vi nghĩa vụ và quyền lợi của quốc gia theo qui chế trung lập pháp lý vì đó mà hoàn toàn không phải minh bạch. Tuy nhiên, vẫn có những điểm chánh yếu mà mọi quốc gia đều phải công nhận trên lý thuyết cũng như trên thực tế. Nói chung lại thì các nghĩa vụ và quyền lợi của một quốc gia theo qui chế trung lập pháp lý có thể gom về hai lãnh vực quân sự và kinh tế. Về mặt quân sự, các quốc gia đã có một lập trường như nhau nên phạm vi nghĩa vụ và quyền lợi của quốc gia theo qui chế trung lập pháp lý rất rõ ràng. Nhưng về mặt kinh tế, các quốc gia đã có những lối giải thích rộng hẹp khác nhau về một số nguyên tắc nên phạm vi nghĩa vụ và quyền lợi của quốc gia theo qui chế trung lập pháp lý vẫn còn có những chỗ mù mờ dọn đường cho những sự tranh chấp.’’ 1

Từ nhận định về nội dung đó, GS. Huy đã nói một cách cụ thể hơn cho nước Việt Nam như sau:

‘’LMDCVN chủ trương theo qui chế Trung Lập Pháp Lý như Thụy sĩ, Thuỵ Điển hay Áo. Chủ trương này khác với chủ trưong theo Chánh sách Trung Lập cũng được gọi là Chánh sách phi liên kết. Trong thực tế, các nước tự xưng là theo chánh sách trung lập hay phi liên kết phần lớn đã theo hẳn siêu cường này để chọi siêu cường kia. Trong khi đó, qui chế trung lập pháp lý mà Liên Minh chủ trương là một qui chế được quốc tế nhìn nhận. Quốc gia theo qui chế này không liên minh quân sự với bất cứ nước nào khác, không để cho bất cứ nước nào khác dùng lãnh thổ mình để tấn công nước thứ ba, và đứng ngoài các cuộc tranh chấp võ trang giữa các nước khác. Chủ trương trung lập theo qui chế pháp lý quốc tế phù hợp với chủ trương hòa bình. Nó không ngăn cản dân tộc Việt Nam tự võ trang để tự vệ, chỉ đòi hỏi dân tộc Việt Nam khước từ dùng võ lực để xâm lấn nước khác hay tham dự các cuộc tranh chấp võ trang giữa các nước khác.’’ 2

III/- Lợi ích của qui chế trung lập pháp lý đối với Việt Nam.

Có những lợi ích sau:

1/- Vị trí nước Việt Nam nằm tại ngả tư quốc tế Đông Nam Á, qui chế trung lập pháp lý sẽ tạo một địa bàn mở ngỏ và ổn cố cho các nước đến Việt Nam giao dịch trên mọi phương diện, tạo cơ hội cho nước VN phát triển về mọi mặt trong tương quan đa phương, đa quốc, đa diện, đa sắc, để hình thành một địa vị lý tưởng cho một quốc gia lý tưởng.

2/- Tránh đưa Việt nam vào vị trí tiền đồn chiến tranh trong tương lai (một kinh nghiệm đã quá đau thương trong quá khứ). Ngày nay, mặc dù chiến tranh lạnh giữa Tư Bản và Cộng Sản không còn nữa, nhưng những chiến tranh khác trong tương lai giữa các siêu cường Á Châu với nhau hoặc giữa các siêu cường Á Châu và siêu cường Tây phương có thể xảy ra.

IV/- Sự áp dụng qui chế trung lập pháp lý vào thực tế.

Trên thực tế, một số quốc gia tuyên bố theo chánh sách trung lập, nhưng thật sự họ đã không giữ thái độ trung lập mà họ đã thiên bên này hoặc thiên bên kia, hậu quả là họ không còn giữ được uy tín trung lập (như Ai Cập, Nam Dương, Nam Tư). Một vài quốc gia khác từ chủ trương Trung lập sách họ muốn tiến tới qui chế Trung lập pháp lý cho quốc gia họ như nước Miên hồi thời Ông Sihanouk còn làm Quốc Trưởng thời trước 1970. Ông Sihanouk đã từng lớn tiếng kêu gọi thế giới phải công nhận và tôn trọng nền Trung lập của nước Miên. Nhưng chính ông đã phản bội nền trung lập đó khi ông chứa chấp Bộ Đội Cộng sản Bắc Việt và MTGPMN lập căn cứ trên đất Miên để chống VNCH, và hậu quả là nước Miên bị sa vào cuộc chiến từ lân bang đưa đến. Nếu ngày xưa, ông Sihanouk thi hành đúng qui chế trung lập pháp lý mà ông đòi hỏi thì  nước Miên đã khác, đã thành một nước huy hoàng, phát triển, hòa bình và thịnh vượng. Việt Nam ta nên học bài học Trung lập pháp lý của ông.

Đối với nước Việt nam ngày nay, sự áp dụng qui chế trung lập pháp lý không phải dễ mà cũng không phải khó.

a)- Các hoàn cảnh trở lực cho sự thực hiện này là:

1/- Đảng CSVN vẫn còn đầu óc lệ thuộc (hết thuộc Nga lại thuộc Tàu, rồi đây sẽ thuộc Mỹ).

2/- Một số người Việt Nam kể cả người Việt quốc gia ở hải ngoại chưa ý thức được tương lai phát triển chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa,.. . của đất nước phải theo phương hướng nào: phương hướng địa lý chính trị tự lập hay phương hướng lệ thuộc Khối. Phương hướng lệ thuộc Khối vẫn còn mạnh mẽ trong tâm lý người Việt. Phương hướng này sẽ biến Việt Nam thành tiền đồn của Khối này để chống lại Khối nọ về đối ngoại. Còn về đối nội, người VN sẽ tiếp tục bị phân hóa trong tiến trình kết Khối để chống nhau đó. Đây là bài học lịch sử quá đau thương mà người Việt Nam cần phải suy nghĩ.

3/- Các siêu cường đang tranh giành Việt Nam (do sự cầu cạnh và hiến mình của CSVN) sẽ không muốn Việt Nam thành Trung lập pháp lý và thoát khỏi tay mình.

b)- Các hoàn cảnh thuận lợi là:

1/- Sau khi CS Liên Xô và Khối Đông Âu sụp đổ, đây là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo kềm kẹp của hệ thống Cộng Sản quốc tế, để tự mình chọn lấy một qui chế địa lý chính trị tự lập cho quốc gia mình và tránh xa tranh chấp của các siêu cường.

2/-Nếu chánh quyền Việt Nam chấp nhận thiết lập qui chế trung lập pháp lý cho quốc gia sẽ được hậu thuẫn của mọi người VN và của quốc tế, đó là cơ hội và cũng là môi trường để thực hiện đại đoàn kết quốc gia, thống nhất dân tộc Việt Nam hiện ở rải rác khắp nơi trên thế giới và đang thuộc nhiều khuynh hướng chính trị, tạo được sức mạnh Phù Đổng của dân tộc để tái thiết đất nước, củng cố thêm vị trí trung lập của mình tại ngả tư Đông Nam Á Châu. (Điều này đòi hỏi CSVN phải đặt quyền lợi đất nước và dân tộc lên trên quyền lợi đảng và quyền lợi bản thân).

3/- Thời cơ thuận lợi nhất là lúc Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc và Việt nam còn chống nhau và Việt nam muốn mở cửa giao thiệp với Tây Phương và nhất là còn đang tìm cách xin thiết lập bang giao với Hoa Kỳ (tức là từ 1990 đến 1993). Tuy vậy, thời điểm hiện nay cũng chưa phải là muộn.

4/- Hiện nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không muốn đụng độ trực tiếp với nhau, nhưng cả hai đều không muốn mất quyền lợi kinh tế ở Việt Nam.  Nếu Việt Nam biết khai thác hoàn cảnh này để trước một Hội Nghị quốc tế nào đó (như Hội Nghị APEC chẳng hạn) đưa ra chủ trương nước Việt Nam trung lập pháp lý và kêu gọi quốc tế thừa nhận để bảo đảm quyền lợi chung cho tất cả các nước trong tương quan đa quốc.  Đây là một triển vọng, nếu Việt Nam biết nắm lấy.

*  Một câu hỏi đặt ra là:  Nếu Việt Nam không liên kết với Khối Tây Phương nhất là Hoa kỳ thì làm sao Việt Nam có đủ sức chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc "

Ai cũng biết rằng Trung Quốc là kẻ mạnh, còn Việt Nam là kẻ yếu nên lúc nào cũng lo sợ kẻ mạnh lấn hiếp. Nhưng nếu đi nhờ Hoa Kỳ (hay nước nào khác) để chống lại Trung Quốc thì coi chừng bị hỏng giò như trường hợp VNCH trước đây.  Câu hỏi là Hoa Kỳ có thực sự muốn đụng độ trực tiếp với Trung Quốc để bảo vệ Việt Nam không"  Câu trả lời có lẽ không khó.

Muốn chống xâm lăng trước hết phải trông cậy ở sức mình, sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, và sức mạnh chính trị. Muốn có sức mạnh Phù Đổng này cần phải có Chính trị dân chủ và kinh tế tự do để phát triển đất nước và đoàn kết nhân dân. Còn trông cậy Hoa Kỳ (hay nước nào khác) đánh giặc thế cho ta để bảo vệ đất nước ta và sự tự do của ta, đó là một bài học đẫm máu, nước mắt và tù đày mà người Việt Nam đã học trong những thập niên qua. Thử hỏi có bao giờ Hoa Kỳ mang quân đi đánh Trung Quốc để đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam không " Người sáng suốt tất nhìn thấy sự liên minh quân sự chỉ có lợi cho nước lớn mà không có lợi cho nước nhỏ. Nước nhỏ có thể bị bỏ rơi hoặc bị bán đứng vì sự nhượng bộ quyền lợi giữa những nước lớn.

Muốn bảo vệ lãnh thổ hữu hiệu phải lo cho quốc phú dân cường, và đoàn kết được toàn dân dưới lá cờ chánh nghĩa của Quốc gia lý tưởng mà mọi người dân đều mong muốn để phụng sự, chứ không có nước nào muốn liều chết để bảo vệ lãnh thổ cho chúng ta cả. Đó là một chân lý lịch sử.

Thời nhà Trần, thời nhà Lê, và thời Tây Sơn, đâu có cường quốc nào hậu thuẫn chúng ta, thế mà nhờ đoàn kết được toàn dân, tổ tiên chúng ta vẫn chống được kẻ xâm lược.

Nói tóm lại, muốn bảo vệ được đất nước, cần phải phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, quân sự, ngoại giao, và lãnh đạo được lòng dân. Muốn được như vậy phải có tự do dân chủ là bước đầu tiên; không có bước đầu tiên tốt đẹp này, tương lai đất nước sẽ mịt mờ trước nạn ngoại xâm, và liên minh quân sự sẽ dẫn đến một cái tròng nô lệ khác.

Dương Thái Sơn

GHI CHÚ:

1  Nguyễn Ngọc Huy, Sách Tài Liệu Huấn Luyện LMDCVN, Tổng Bộ Tuyên Huấn ấn hành, Hoa Kỳ, 1990, trang 494.

2  Sách đã dẫn, trang 550.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nghe tiếng khoá lách cách bên ngoài, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Dù sắp phải đối phó với những màn ép cung mà một lời nói sơ suất có thể mang lại
Ông Alan Greenspan là một người Mỹ độc đáo, do sự nghiệp đưa đẩy. Ông được tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm vào chức vụ Thống đốc Ngân hàng
Như tôi đã trình bày trước đây là các tôn giáo lớn trên thế giới đều chú tâm đến sự quan trọng của việc phát triển tình thương và lòng từ bi
Tương lai của nền học vấn nước nhà sẽ ra sao, khi mà cả “Thầy” và “Trò” đều là nạn nhân của một chế độ xã hội lạc hậu, làm hủy hoại các giá trị truyền thống
Dù còn khoảng bốn tháng nữa thì đảng Dân Chủ mới chính thức bắt đầu đi bầu người đại diện để tranh chức tổng thống Mỹ với đảng Cộng Hòa
Nếu muốn đi cho đúng con đường của mình đã chọn để làm tròn nhiệm vụ thì phải tập sống vượt trên cảm quan của người.
Chuyến đi New York của Nguyễn Tấn Dũng để vận động cho nhà nước CHXHCN Việt Nam vào ghế uỷ viên không thường trực
Một kinh tế gia nổi tiếng của Anh đã nói như vậy. Nhưng về dài thì mỗi quốc gia lại có thể sống hay chết một cách. Một trong những yếu tố quyết định
Sự kiện cầu Cần Thơ bị sụp Bộ Công An còn trong vòng điều tra. Tuy nhiên, đây là điểm báo để Đảng CSVN thấy được tai họa về lâu dài.
“Liên Xô - quê hương của Cách mạng Tháng Mười đã không còn nữa, nhưng bản chất ưu việt và những cống hiến to lớn của chủ nghĩa xã hội đối với nhân loại
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.