Hôm nay,  

Khủng Hoảng California

26/08/200300:00:00(Xem: 20699)
Đúng sáu tuần nữa, mùng bảy tháng 10 tới đây, tiểu bang California tại Hoa Kỳ sẽ có một biến cố đang được dư luận và truyền thông thế giới theo dõi, đó là vụ trưng cầu ý kiến cử tri về việc truất bãi đương kim thống đốc...
Và cùng lúc đó là bầu cử thống đốc mới nếu đương kim thống đốc Gray Davis bị bãi nhiệm. Một trong các nguyên nhân được đưa ra là ngân sách tiểu bang hơn 100 tỷ đô la bị bội chi đến hơn 38 tỷ. Đài RFA có cuộc trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về vấn đề trên.
Hỏi: Thưa ông, dư luận nhiều nơi đều thắc mắc về một vấn đề khá hy hữu là chuyện bãi nhiệm thống đốc tại California và bầu ra một thống đốc mới. California vốn là một tiểu bang giàu mạnh nhất của Mỹ lại buôn bán rất nhiều với các nước Á châu nên dư luận của khu vực này càng chú ý đến vấn đề trên.
-- Vâng, biến cố quả là hy hữu và được dư luận Mỹ chú ý vì cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào tháng 11 năm tới. Với dân số hơn 36 triệu người, California là tiểu bang giàu nhất Hoa Kỳ, đóng góp một sản lượng lớn hơn nước Pháp; tức là nếu là một xứ độc lập thì có nền kinh tế đứng hạng thứ năm trên thế giới. California cũng là tiểu bang có nhiều sáng kiến và đi tiên phong trong nhiều lãnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa và xã hội, chính trị. Thí dụ như năm 1911, một vị thống đốc thuộc xu hướng thiên tả, phải nói là “xã hội chủ nghĩa” theo ý cấp tiến, của tiểu bang này đã có quyết định là cử tri có thể, ngay giữa hai kỳ bầu cử, vận động bãi nhiệm một thống đốc, là người cầm đầu hệ thống hành pháp của tiểu bang. Hoặc cách đây đúng 25 năm, dân cư California đã phát động phong trào chống sưu cao thuế nặng khi đưa ra một đề luật, gọi là Đề luật 13, để giới hạn mức tăng thuế và đòi hỏi những điều kiện rất khắt khe về tăng thuế. Đáng chú ý nhất, tiểu bang cho phép dân cư tự ý vận động ra những Đề luật để tham khảo ý kiến cử tri trên các vấn đề công ích của mình, như một biểu hiện của tinh thần dân chủ trực tiếp.
Hỏi: Một hậu quả của nền dân chủ trực tiếp đó là chưa đầy một năm sau khi bầu lên Thống đốc Gray Davis, một số người đã vận động và vận động thành công việc tổ chức trưng cầu ý kiến để bãi nhiệm ông ta. Trước khi đi vào chi tiết, xin hỏi ông vì sao họ lại vận động thành công và Thống đốc Gray Davis đã làm gì để bị chống đối mạnh như vậy"
-- Nguyên nhân kể ra thì rất nhiều nên cũng gây nhiều ngộ nhận. Năm ngoái, Thống đốc Davis được bầu cho một nhiệm kỳ thứ hai với 47% lá phiếu cử tri, một đa số tương đối. Chỉ có hơn 71% dân cư tiểu bang này đăng ký đi bầu và ngày đầu phiếu thì chỉ có 50% cử tri đăng ký này đi làm nghĩa vụ cho nên thực tế thì ông Davis chỉ được bầu lên với vỏn vẹn có 17% dân số mà thôi. Khi lên nhậm chức hơn năm năm trước, ông thừa hưởng một ngân sách thặng dư 10 tỷ đô la và một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nhờ cuộc cách mạng tin học và những hồ hởi của thị trường chứng khoán dựa trên kết quả của cuộc cách mạng này với các công ty có kỹ thuật cao, đa số ở tại miền Bắc California. Trên đà hồ hởi đó ông đã phóng túng trong việc chi tiêu, với ngân sách tiểu bang gia tăng đến 36% trong bốn năm đầu, trong khi dân số và lạm phát tổng cộng tăng có 5%. Một trong các mục công chi đó chính là để nâng cao mức lương công chức và đi dần vào một chế độ bao cấp với khá nhiều phúc lợi dồi dào cho thành phần cử tri của mình.
Hỏi: Thế rồi khi kinh tế Mỹ và nói riêng, kinh tế California suy sụp, tình hình ngân sách bắt đầu gặp khó khăn phải không"
-- Vâng, nạn suy trầm kinh tế từ năm 2001 đã ảnh hưởng đến nguồn thu thuế khóa của tiểu bang và dù California quy định nghiêm ngặt về việc tăng thuế, Thống đốc Gray Davis cũng vẫn vận động được nhiều biện pháp tăng thuế khiến tiểu bang này hiện có thuế suất như thuế lợi tức hay thuế thương vụ thuộc loại cao nhất nước Mỹ. Hậu quả là ngân sách 100 tỷ mới bị bội chi hơn 38 tỷ và, trầm trọng hơn thế, nhiều doanh nghiệp chịu không nổi gánh nặng thuế khóa đã dời hội sở qua các tiểu bang lân cận và công nhân California bị mất việc, từ năm 2001 đến nay, mất gần 30 vạn công việc làm trong khu vực biến chế. Từ hơn 60 năm nay, bây giờ tiểu bang này mới gặp hiện tượng lạ là dân cư bỏ đi nhiều hơn là di dân ở nơi khác tìm đến. Đó là lý do chính yếu thuộc địa hạt quản trị và kinh tế. Ngoài ra, ông Davis cũng làm mất lòng nhiều thành phần, kể cả đảng viên Dân chủ từng bỏ phiếu cho mình vì cách hành xử nhiều khi thiếu khéo léo. Nói chung, California gặp nhiều hoạn nạn từ mấy năm qua, như vụ khủng hoảng về điện lực, nạn suy trầm kinh tế và cả những sa sút trong lãnh vực giáo dục, và cử tri không mấy hài lòng với người cầm đầu. Vì vậy, tỷ lệ dân chúng ủng hộ ông tuột dần và mấp mé 20%. Thực ra, nếu nhớ lại là ông chỉ có đa số tương đối là 47%, bằng với hơn 17% dân số bỏ phiếu, thì ta không mấy ngạc nhiên về vụ vận động truất bãi này. Từ năm 1991 đến nay, California đã có 34 lần vận động bãi nhiệm thống đốc, và đây là lần đầu vận động thành công.

Hỏi: Dư luận nước ngoài và ngay Thống đốc Gray Davis cũng có nói đến một hiện tượng là các thế lực tài chánh đã bỏ tiền vận động truất bãi thống đốc, nghĩa là xóa bỏ một kết quả bầu cử mới thực hiện chưa đầy một năm. Điều đó có đúng không"
-- Điều đó không đúng hẳn. Khi thấy tỷ lệ ủng hộ Gray Davis suy sụp dần và biết rằng luật lệ của tiểu bang cho phép đề nghị việc truất bãi thống đốc nếu hội đủ một số chữ ký của cử tri, người ta đã nghĩ đến việc truất bãi. Một Dân biểu thuộc đảng Cộng hòa, ông Darrel Issa, đã bỏ tiền túi đến hơn một triệu đô la để hưởng ứng cuộc vận động đó, cụ thể là phải thu thập được hơn 900.000 chữ ký của cử tri hợp lệ. Có thể là ông Issa nghĩ đến việc sẽ ra tranh cử thống đốc nếu Thống đốc Davis bị đa số cử tri đồng ý cho bãi nhiệm nhưng, cuối cùng thì ông ta không ra tranh cử. Ta không nên đơn giản nghĩ đồng tiền có thể mua được lá phiếu vì một chính trị gia triệu phú khác là Dân biểu Michael Huffington cũng đã bỏ ra 35 triệu tiền túi để tranh cử Nghị sĩ năm 1998 mà vẫn thua. Và một triệu phú nữa là ông Bill Simon cũng mất rất nhiều tiền mà năm ngoái vẫn thua Gray Davis. Thành thử, nếu không thuận lòng người thì tiền bạc cũng vô hiệu.
Hỏi: Bây giờ chúng ta mới nói đến chuyện bầu cử vào tháng 10 này. Hiện nay, tình hình tranh cử tiến hành ra sao và liệu cuộc khủng hoảng tài chánh và ngân sách của California có hy vọng giải quyết sau cuộc bỏ phiếu này không"
-- Trong cuộc bỏ phiếu vào sáu tuần tới, cử tri được hỏi hai câu trên cùng một lá phiếu. Thứ nhất, có đồng ý truất bãi Thống đốc Gray Davis hay không. Thứ nhì, nếu đa số cử tri đồng ý thì ai là người được bầu lên thay thế" Về câu hỏi đầu, các cuộc tham khảo ý kiến mới nhất cho thấy Thống đốc Davis có thể sẽ bị cử tri bãi nhiệm. Về câu hỏi thứ hai thì California sẽ còn dành cho chúng ta nhiều sự ngạc nhiên.
Hỏi: Thưa ông vì sao vậy, mà có bao nhiêu ứng cử viên đã đăng ký tranh cử"
-- Vì đây là một vụ bầu cử bất thường nên điều kiện ghi danh tranh cử cũng khá dễ dãi nên hiện đã có 134 người chính thức ra tranh cử, nếu ta kể đến việc ông Bill Simon thuộc đảng Cộng hòa vừa rút lui tuần qua. Người ta nói vụ tranh cử ở California cũng náo nhiệt như một chợ phiên hay một gánh xiếc là vì vậy. Có nhiều ứng viên chả có hy vọng gì nhưng vẫn ra để thu hút sự chú ý của truyền thông hơn là thực tế tìm giải pháp cứu vãn tình hình California. Đáng chú ý nhất có Phó thống đốc Cruz Bustamante thuộc đảng Dân chủ trước ba đối thủ Cộng hòa là tài tử điện ảnh Arnold Schwarzenegger, Nghị sĩ tiểu bang Tom McClintock và doanh gia Peter Ueberroth, người tổ chức Thế vận hội 1984 tại Los Angeles, đảng viên Cộng hòa nhưng ứng cử độc lập.
Hỏi: Và đến nay tình hình vẫn chưa ngã ngũ nên người ta sẽ còn ngạc nhiên phải không"
-- Vâng, bên đảng Dân chủ thì gặp lúng túng vì không muốn ông Gray Davis của mình bị bãi nhiệm nhưng vẫn phải có ứng viên phòng hờ khi đa số bỏ phiếu truất bãi ông ta. Bên đảng Cộng hòa còn lúng túng hơn nữa vì số phiếu hiện đang chiếm đa số lại bị phân tán và vì ứng viên có hy vọng nhất là tài tử và doanh gia triệu phú Schwarzenegger lại có lập trường khá phức tạp. Ông ta có xu hướng thủ cựu về kinh tế nhưng lại thiên tả về xã hội và muốn tăng chi cho nhu cầu giáo dục. Nói chung, giải pháp thủ cựu về kinh tế chưa chắc đã cứu vãn nổi tình hình California, trong khi lập trường phóng túng về xã hội, như đồng ý với việc phá thai và đồng tính chẳng hạn, lại gặp sự nghi ngờ của thành phần thủ cựu về xã hội ở trong đảng Cộng hòa, vốn rất coi trọng luân lý và đạo đức. Đến cuối tuần qua, Schwarzenegger có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn Bustamante vốn là người gốc Mexico, được sự ủng hộ của thiểu số Latino, là di dân từ Nam Mỹ lên. Nhưng, tình hình vẫn còn nhiều biến đổi gần như hàng ngày, và dù ai là thống đốc đi nữa, tình hình kinh tế của California vẫn chưa sáng sủa. Vì tiểu bang này có số phiếu cao nhất trong cử tri đoàn của cuộc bầu cử tổng thống nên cục diện California cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.