Hôm nay,  

Tổng Kết Về 2003 Và Dự Báo

23/12/200300:00:00(Xem: 14362)
Trong khi các phân tích gia tổng kết về tình hình kinh tế năm 2003 và nêu ra một số dự đoán cho năm 2004, với trọng tâm là kinh tế Đông Nam Á và Việt Nam, một số nan đề của kinh tế VN cũng được nêu lên.
Bài tổng kết sau đây do đài RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Hỏi: Trước thềm năm mới, xin ông tổng kết cho thính giả về xu hướng chung của kinh tế toàn cầu trong năm 2003 sắp hết, trước khi ta trao đổi về những dự báo cho năm tới.
-- Trong lãnh vực kinh tế, năm 2003 sắp kết thúc đáng được chú ý nhất ở sự phục hồi khá ngoạn mục của kinh tế toàn cầu, dù có gặp rất nhiều nghịch cảnh. Quả như vậy, từ năm 2000 trở đi, ta gặp một hiện tượng bất thường chưa từng thấy trong vòng 30 năm trở lại, là ba nền kinh tế mạnh nhất địa cầu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu châu đều bị suy trầm cùng một lúc. Đã vậy, thế giới còn gặp nạn khủng bố và nguy cơ chiến tranh lan rộng xuất phát từ phản ứng chống khủng bố của Hoa Kỳ. Riêng tại Á châu, năm 2003 còn mở đầu với nạn khủng bố hoành hành tại Đông Nam Á đi cùng dịch bệnh viêm phổi cấp tính là dịch Sars đe dọa rất nhiều xứ Đông Á, kể cả Việt Nam. Vậy mà đến cuối năm, ta vẫn thấy dấu hiệu rõ rệt là lạc quan của một sự hồi phục toàn cầu, bắt đầu là tại Mỹ, rồi tại Nhật và mới nhất là tại Âu châu. Cũng trong khung cảnh đó, có ba nền kinh tế đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
Hỏi: Đâu là động lực chính của sự phục hồi gần như đồng loạt này"
-- Các khối kinh tế có chức năng đầu máy cho toàn cầu là Mỹ, Nhật và Âu châu đều giảm lãi suất tới mức thấp nhất. Hoa Kỳ còn hạ thuế liên tục ba lần trong ba năm. Các xứ khác, nhất là trong vùng Đông Á, cũng áp dụng chính sách tiền tệ và hối đoái hào phóng và rộng rãi, cụ thể là giảm cả lãi suất lẫn hối suất, nghĩa là tỷ giá đồng bạc, để đẩy mạnh sức xuất khẩu, nhất là vào thị trường Mỹ. Hàng hóa thế giới trở thành rẻ hơn, đến nỗi người ta đã lo sợ nguy cơ giảm phát, tức là trái ngược với lạm phát. Tôi thiển nghĩ rằng đó là mấy yếu tố chính khiến kinh tế toàn cầu vượt qua trì trệ và sẽ tăng trưởng mạnh.
Hỏi: Như vậy, ông dự đoán là trong năm 2004, tình hình sẽ khả quan hơn"
-- Vâng, tình hình 2004 sẽ khả quan hơn năm 2003 và yếu tố đáng chú ý nhất là lãi suất. Hiện nay, lãi suất tại Nhật chỉ bằng 0%, tại Mỹ bằng 1% và tại Âu châu, chỉ bằng 2%. Nếu ta gia giảm hiệu ứng lạm phát trong ba khu vực đó thì lãi suất thực tế chỉ là 0%. Các nước đều áp dụng sách lược kích cầu bằng biện pháp tiền tệ với kết quả khả quan trước mắt, nhưng với nhiều hậu quả phức tạp hơn trong tương lai. Cụ thể là khi kinh tế tăng trưởng mạnh, nguy cơ lạm phát có thể xảy ra, các nước sẽ phải nâng lãi suất và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá đồng bạc, tức là hối suất giữa các ngoại tệ chính.
Hỏi: Trước khi nói đến các hậu quả phức tạp đó, xin ông duyệt lại cho tình hình kinh tế của từng khu vực nói trên.
-- Kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi mạnh kể từ giữa năm, khi dư luận còn chú ý đến cuộc chiến Iraq và trong Quý 3 vừa qua đã tăng vọt đến mức bất ngờ. Một số chỉ dấu kinh tế đều báo trước là trong năm 2004, kinh tế Mỹ sẽ có đà tăng trưởng rất cao mà khỏi sợ bị lạm phát. Các chỉ dấu tích cực đó là tâm lý giới thụ và doanh gia, là lượng đầu tư, là doanh lợi của xí nghiệp và giá cổ phiếu, và sau cùng là số thất nghiệp đang giảm dần. Mỹ sẽ tăng trưởng không sợ lạm phát vì bốn lý do: kinh tế đạt năng suất cao nhất kể từ 30 năm nay; doanh nghiệp còn dư công xuất sau ba năm trì trệ cho nên nếu có nâng sản lượng cũng không làm phí tổn tăng vọt; thất nghiệp còn cao (5,9%) sẽ không thổi bùng lương bổng; và Mỹ “nhập cảng giảm phát” từ Nhật và Trung Quốc, khi mua hàng rất rẻ từ các xứ đó. Vì lý do này, Hoa Kỳ có thể duy trì lãi suất hiện nay có khi qua năm 2004, và nhờ vậy mà càng đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, chắc chắn là cao hơn Âu Châu và Nhật Bản.
Hỏi: Trong khi đó, hai khối kia lại không được khả quan như vậy hay sao"
-- Vâng, vừa qua, kinh tế Âu châu có dấu hiệu hồi phục rất mong manh, chỉ ở khoảng 0,4% trong Quý 3, còn thấp hơn đà tăng trưởng của Nhật. Mà cả hai khối này đều bị hiện tượng lão hóa dân số, là tỷ lệ cao niên ngày càng cao, nhất là tại Tây Âu, và ngạnh hóa xã hội, là cơ chế chính trị xã hội xơ cứng nên không kịp thay đổi theo yêu cầu, như hoàn cảnh của lãnh đạo Việt Nam. Liên hiệp Âu châu lại không thể có chính sách kích cầu thống nhất được và đấy là loại hậu quả rắc rối, khi đồng Euro tăng giá quá mạnh so với tiền Mỹ.
Hỏi: Vâng, chúng ta xin chuyển đề mục về những hậu quả đó.

-- Hoa Kỳ có lãi suất thấp nhất kể từ 45 năm nay, lại bị nhập siêu vì mua nhiều hơn bán và bị bội chi vì chi nhiều hơn thu. Ba yếu tố đó khiến tiền Mỹ sụt giá và sẽ còn sụt suốt năm 2004 này khiến hàng xuất khẩu từ Mỹ thành rẻ hơn và nhập khẩu vào Mỹ thành đắt hơn. Cả Nhật và Âu châu đều muốn đồng Yen và đồng Euro giảm giá so với tiền Mỹ hầu nâng sức cạnh tranh khi bán hàng cho Mỹ để kéo nền kinh tế ra khỏi suy trầm. Vừa qua, Bộ Tài chính Nhật bắn tin là Nhật sẽ tung ra gần 600 tỷ đô la trong 15 tháng tới để mua Mỹ kim nhằm nâng giá tiền Mỹ và giảm giá đồng Yen trong mục tiêu đó. Ngân khoản này coi như cao gấp ba số tiền Nhật đã bỏ ra trong năm nay để giảm giá tiền Nhật. Ngược lại, Âu châu không có khả năng đó trước sự kiện Mỹ kim sụt giá tới mức kỷ lục. Lạm phát tại Âu châu hiện ở khoảng 2%, nếu kinh tế tăng trưởng thì vật giá có thể tăng và Ngân hàng Trung ương sẽ phải nâng lãi suất. Nhưng, lãi suất cao càng làm Euro lên giá và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Âu châu. Các nước Âu châu hiện đang bị tách đôi về lập trường ứng phó với mâu thuẫn ấy; lời phát biểu của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi hôm 21 vừa qua là một thí dụ điển hình của lập trường đối nghịch giữa từng nước với cơ chế tiền tệ thống nhất là Ngân hàng Trung ương Âu châu. Cho nên, trong năm 2004 này, kinh tế Mỹ sẽ dần đầu, đô la vẫn sụt giá đều, trong khi Nhật sẽ lao đao và Liên hiệp Âu châu sẽ bớt liên hiệp và mất thống nhất về cả biện pháp kinh tế lẫn đối sách ngoại giao với Mỹ. Đấy là ta chưa nói tới sự bế tắc vừa qua của các nước Âu châu già và trẻ, cũ và mới, đối với hồ sơ Hiến pháp Âu châu. Càng cần Mỹ và càng cạnh tranh với Mỹ trong thế yếu và với sự bất lực thì nhiều nước Âu châu sẽ càng ồn ào chống Mỹ hơn.
Hỏi: Bây giờ, xoay qua Đông Á, thưa ông, tình hình kinh tế năm tới sẽ ra sao"
-- Tôi e là ta lại gặp loại hậu quả phức tạp khác. Nhật mới chỉ tạm hồi phục bên cạnh Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Sự cạnh tranh về cả kinh tế lẫn ngoại giao giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến toàn vùng, nhất là các nước Đông Nam Á. Đã vậy, kinh tế Hoa Lục bắt đầu có triệu chứng nóng máy và qua năm 2004 có lẽ phải giảm đà tăng trưởng như đã từng gặp sau năm 1992. Khác với lần trước, lần này, Bắc Kinh đã áp dụng cả biện pháp hối đoái, là giảm giá đồng nhân dân tệ theo cùng đà mất giá của Mỹ kim, lẫn tín dụng, là dễ dãi bơm tiền vào nền kinh tế. Hậu quả là kinh tế Trung Quốc đang bị rủi ro đầu cơ y như Nhật Bản vào giữa thập niên 80, dẫn đến một vụ bể bóng đầu tư vì các ngân hàng cũng được bơm tiền mua cổ phiếu các doanh nghiệp khách nợ của mình. Cuối năm 2004, kinh tế Trung Quốc có thể gặp sóng gió nặng, với hậu qua lan rộng qua xứ khác và tại chỗ, hậu quả nghiêm trọng về chính trị và xã hội là điều ta vẫn chưa lường được.
Hỏi: Như vậy các xứ Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, sẽ ra sao và nên làm gì để ứng phó"
-- Trong năm 2004, cùng với đà hồi phục của kinh tế Mỹ, tình hình kinh tế Đông Nam Á sẽ khả quan hơn, nhưng, các nước nên lợi dụng cái đà này để duyệt lại sách lược của mình. Ta có một nghịch lý toàn cầu là Đông Nam Á lại học theo sách lược của Nhật Bản và Hàn Quốc của các thập niên trước, là tìm mọi cách xuất khẩu qua Mỹ, bất kể lời lỗ, kể cả bằng cách giảm giá đồng bạc hoặc chiết giảm phí tổn sản xuất lẫn kềm hãm lương bổng. Nghịch lý ở đây là dân Á châu thắt lưng buộc bụng sản xuất rất rẻ để bán cho Mỹ, lấy được đô la thì lại chuyển ngân đầu tư vào Mỹ. Việt Nam đi sau nên cũng lại học đúng phép cũ và kinh tế vì vậy quá lệ thuộc vào xuất khẩu là nơi mình gặp sức cạnh tranh rất mạnh của các xứ Đông Á khác, nhất là từ Trung Quốc. Kết quả là người dân dễ bị thăng trầm giá cả từ bên ngoài tác động vào mức thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Hỏi: Việt Nam có thể làm gì để thoát khỏi cảnh đó"
-- Do kỳ hạn then chốt là việc gia nhập tổ chức mậu dịch thế giới WTO, năm 2004 là năm bản lề cho Việt Nam kịp thời cải cách để hội nhập vào thế giới bên ngoài. Muốn hội nhập thì phải chấp nhận giải tỏa cho kinh tế và xã hội lẫn chính trị được cởi mở hơn. Đó là một thách đố mà lãnh đạo không thể thoái thác được. Nhưng đồng thời với yêu cầu hội nhập khi nhìn ra ngoài, thì Việt Nam cũng phải nhìn vào trong, và cố gắng giải phóng tiềm lực của các khu vực sản xuất không trực tiếp liên hệ với thế giới bên ngoài. Cụ thể là nâng cao tỷ trọng của thị trường nội địa, của sức tiêu thụ nội địa, hầu có thể đạt sự tăng trưởng có phẩm chất là không đào sâu thêm chênh lệch giàu nghèo, trong ngoài, và không bị hiệu ứng quá nặng của các thị trường quốc tế. Từ ba năm nay, Thái Lan đã có xu hướng áp dụng chiến lược hai mặt này, Việt Nam nên quan tâm học hỏi và ứng dụng giải pháp thích hợp cho mình. Năm 2004 vì vậy đòi hỏi nhiều thay đổi ngay từ cơ bản.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhận được lời mời thuyết trình của anh Huỳnh Quốc Văn, đại diện cho Cộng đồng Người Việt Quốc
Trong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. 
Kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên ban đại diện lâm thời Khối 8406, ngay từ 8g sáng ngày 16-12
Cách đây không lâu tôi có viết một bài đăng trên báo Việt ngữ tựa đề “cần tìm hiểu thêm về đạo Hồi-Giáo” do bởi có đa số người Việt đã quá hiểu lầm về Hồi giáo
Lịch sử mấy nghìn năm dân Việt chống Bắc thuộc, đánh giặc Tàu, ngăn chận ý đồ bành trướng của Đại Hán kể như chấm dứt vào cái ngày định mệnh và ô nhục
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Gần 800 năm trước đây, khi đất nước Việt Nam bị quân Nguyên Mông xâm lược, vua tôi nhà Trần đã có hội nghị Diên Hồng lịch sử để nói lên quyết định đồng tâm nhất
Tôi là một trong những người đã tham gia cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 trước Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối chính quyền Trung Quốc
Giờ phút này đây, tại quê nhà yêu quý, đồng bào quốc nội đang sục sôi biểu tình trước tòa đại sứ và tòa lãnh sự Trung Quốc ở hai đầu tổ quốc
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.