Hôm nay,  

Vì Sao Việt Nam Gặp Nạn Nhập Siêu?

05/08/200300:00:00(Xem: 22322)
Các thống kê do Bộ Thương mại Việt Nam vừa công bố về xuất nhập cảng đã gây ưu lo cho dư luận với số nhập siêu có thể lên đến gần năm tỷ đô la cho toàn năm.
Hồ sơ này về ngoại thương Việt Nam được đài RFA ghi nhận qua cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sau đây.
Hỏi: Tuần qua, Bộ Thương mại cho biết xuất cảng của Việt Nam bị chậm lại trong hai tháng Sáu và Bảy, trong khi nhập cảng vẫn tăng mạnh, nên người ta sự đoán là năm nay, Việt Nam có thể bị thiếu hụt ngoại thương khoảng bốn tỷ 700 triệu đô la. Xin ông cho biết đại lược về vấn đề này trước khi ta đi vào nguyên nhân và hậu quả.
-- Tình hình xuất nhập cảng của Việt Nam thực ra đã có chỉ dấu khó khăn kể từ năm 1999 là năm Việt Nam đạt được mức thặng dư mậu dịch cao nhất, nhờ xuất cảng nhiều hơn nhập cảng được hơn một tỷ đô la. Kể từ năm 2000, số thặng dư này đã sút giảm và năm nay sẽ bị khiếm hụt có khi đến năm tỷ đô la. Riêng năm nay, sau năm tháng đầu xuất cảng rất khả quan thì tình hình đã bắt đầu khựng lại, và sẽ còn như vậy đến cuối năm, trong khi số nhập cảng không giảm cùng nhịp độ nên mức nhập siêu mới mở rộng. Trên đại thể, trong bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất cảng đạt được hơn 11 tỷ đô la, nhập cảng được hơn 14 tỷ, đưa tới số nhập siêu là hai tỷ 700 triệu đô la. Với đà này thì thiếu hụt ngoại thương cho toàn năm sẽ lên đến mức kỷ lục về cả tuyệt đối lẫn tương đối và là vấn đề thực sự đáng quan tâm.
Hỏi: Trước hết, vì sao xuất cảng đã bị chậm lại sau năm tháng khả quan"
-- Về khách quan, chúng ta có tình hình thị trường trên thế giới có những trở ngại trong mấy tháng qua, nhưng về chủ quan thì ta thấy có sự yếu kém khả năng xuất cảng của khu vực nhà nước. Trong thời gian qua, số thu về dầu thô của Việt Nam có tăng, nhưng kim ngạch của một số mặt hàng chủ lực lại giảm, thí dụ như dệt may, giày dép, than đá và cả gạo, sau đó là thủy sản và trà. Từ nay đến cuối năm, tình hình giảm sút sẽ tiếp tục và số thu về gạo coi như còn sụt nữa và sẽ gây sức ép trên thị trường thu mua gạo xuất cảng, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long là nơi đã cung cấp tới 95% số gạo xuất cảng, cụ thể là hai triệu mốt trong hai triệu 300 ngàn tấn xuất cảng. Xét vào chi tiết thì mũi nhọn xuất cảng đáng kể nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sau đó mới là doanh nghiệp nội địa, đáng chú ý nhất là sự sút kém của doanh nghiệp nhà nước. Nói chung, Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao đối với loại hàng chế biến trong nước, dù thời gian qua mình có lợi thế là giá xuất cảng có tăng và đóng góp tới 30% cho đà gia tăng xuất cảng.
Hỏi: Và trong khi đó, thưa ông, số nhập cảng vẫn cứ tăng nên mới gây nhập siêu lớn"
-- Vâng, trong khi xuất cảng tăng được hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái thì nhập nhẩu lại tăng đến gần 35% trong cùng thời kỳ. Ngoài số sút giảm nhập cảng về xe hơi nguyên chiếc, về bông vải và sợi các lọai, về linh kiện xe máy hay phôi thép, thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng. So sánh với xuất cảng thì tốc độ nhập cảng của cả nước tăng cao hơn 8%, với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng chừng 1,7% và khu vực có vốn nội địa lại tăng đến gần 18%. Ta chú ý đến sự kiện là số gia tăng nhập cảng đều là nguyên vật liệu cho sản xuất, như máy móc và thiết bị, như phụ tùng cơ phận lắp ráp xe hơi; vải và nguyên phụ liệu dệt may; như hóa chất và cả thành phẩm về thép.
Hỏi: Khi phải nhập cảng nguyên vật liệu cho sản xuất như vậy thì đà sản xuất càng tăng Việt Nam càng phải nhập cảng nhiều hơn. Đấy có phải là một nhược điểm tiềm ẩn ngay trong cơ cấu sản xuất chăng"
-- Thưa đúng và chiều hướng bất lợi này mới khiến chúng ta chú ý đến cái gốc của vấn đề là chánh sách đầu tư. Tại sao doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại ít lệ thuộc vào hàng nhập cảng hơn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nội địa" Và tại sao các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đạt tốc độ xuất cảng hơn gấp đôi doanh nghiệp nội địa, cụ thể là tăng gần 40% so với có hơn 14% của doanh nghiệp có vốn đầu tư nội địa" Chỉ câu hỏi này cũng khiến ta chú ý tới khả năng chọn lựa cao hơn của giới đầu tư nước ngoài, nhất là khả năng tận dụng lợi thế của bản Hiệp định Thương mại ký kết với Hoa Kỳ. Trong bối cảnh của việc Việt Nam muốn gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO, sự tinh tế đó của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là điều ta nên chú ý và học hỏi.

Hỏi: Ông bắt đầu nói đến những nguyên nhân cơ bản của nạn nhập siêu"
-- Vâng, chúng ta đang chứng kiến kết quả của sách lược phát triển có thể gọi là “thay thế nhập cảng”, tức là thay vì nhập cảng cả thành phẩm, hay sản phẩm chế biến, thì ta nhập cảng nguyên vật liệu thôi để giảm bớt số nhập cảng. Nhưng cũng vì đó mà mình đầu tư vào những ngành cần nguyên vật liệu nhập cảng và đà sản xuất càng tăng thì lại càng nhập cảng mạnh. Rốt cuộc thì để giải quyết nhu cầu công ăn việc làm mình cứ phải nhập cảng nhiều hơn. Đó là một vế của vấn đề. Vế thứ hai là Việt Nam muốn tiến xa hơn sách lược thay thế nhập cảng đó bằng cách mua vào máy móc và nguyên vật liệu để chế biến bằng nhân công rẻ của mình rồi xuất cảng ra ngoài. Tức là từ việc làm gia công cho thị trường nội địa qua chiến lược “thay thế nhập cảng” ta tiến tới khuếch trương xuất cảng thì trị giá gia tăng của sản phẩm chế biến và tái xuất cảng thực ra chỉ là phần nhân công. Việt Nam từ bỏ chế độ tập trung quản lý và cố hội nhập vào kinh tế thế giới nhưng chỉ hội nhập có một phần, với kết quả là chuyển dịch cơ cấu sản xuất thành đại lý thương mại và làm gia công. Càng muốn đẩy mạnh sản xuất và càng tiết giảm thuế suất nhập cảng như Bộ Tài chính vừa cho áp dụng kể từ mùng một tháng Chín này, thì Việt Nam càng lệ thuộc vào nhập cảng.
Hỏi: Bây giờ ta nói qua hậu quả, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ ra sao"
-- Chánh sách kinh tế này tiếp tục thì Việt Nam sẽ bị thâm hụt từ cán cân mậu dịch, tức là bị nhập siêu, sang đến cán cân vãng lai, nghĩa là tổng số chi và thu bằng ngoại tệ, với ảnh hưởng bất lợi cho cả ngân sách quốc gia và cán cân tổng thể và hậu quả sau cùng là sẽ phải vay mượn nhiều hơn, bị giao động hối đoái nặng hơn. Vấn đề chưa đến nỗi nguy ngập nhưng cũng đáng lo ngại vì là kết quả của một sách lược đầu tư đã được chọn lựa từ lâu nên khó khắc phục được ngay trong ngắn hạn.
Hỏi: Như vậy, nói về chuyện khắc phục thì việc trước nhất là kiểm lại chiến lược đầu tư"
-- Vâng, trước hết là đặt ta những tiêu chuẩn mới và tinh tế hơn khi thẩm định giá trị của các dự án đầu tư thì may lắm hai ba năm nữa ta mới có kết quả. Thứ hai, điều chỉnh lại chánh sách ngoại thương dựa vào thế gia công để bán ra ngoài và bảo hộ mậu dịch để bảo vệ vị trí của doanh nghiệp nhà nước, vốn dẫn đầu trong chiến lược làm gia công và sản xuất để thay thế nhập cảng. Thứ ba là phát huy sáng kiến, kể cả tự do hóa quyết định kinh doanh của doanh nghiệp ngoài quốc doanh tức là khu vực tư doanh, để nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam có đạt một số kết quả đáng khích lệ về xuất cảng thì cũng nhờ có nhiều công ty tư doanh được tham gia vào thị trường xuất cảng, xưa kia vẫn được coi là thị trường độc quyền của nhà nước. Sau cùng, và để trở lại một đề tài đã được chúng ta trao đổi nhiều lần trên diễn đàn này, Việt Nam cần đẩy mạnh phần sản xuất nội địa cho thị trường nội địa. Điều đó không đơn giản là đưa ra biện pháp thuế khóa hay mậu dịch nhằm bảo vệ hàng nội hóa và kỳ thị hàng ngoại vì sẽ lại đi ngược với những quy định của WTO.
Hỏi: Và trong khi chờ đợi thì Việt Nam có thể nhờ sự tiếp sức của cộng đồng người Việt ở bên ngoài, với số tiền gửi về lên đến hơn hai tỷ đô la một năm"
-- Vâng, đấy là điều được nói đến ở trong nước, khi người ta muốn trấn an rằng nhập siêu có lên đến bốn tỷ bảy thì vẫn còn nguồn ngoại tệ của đồng bào hải ngọai để giảm bớt thiếu hụt cán cân vãng lại. Chúng ta có 80 triệu người dân cần cù, tháo vát và không kém sáng tạo, Việt Nam có dầu thô, gạo và thủy sản, v.v... nhưng vẫn cần đến sự đóng góp rất đáng kể của hơn hai triệu người sống ở bên ngoài để giảm bớt tới 40% số thiếu hụt ngoại thương. Đó là một điều đáng suy nghĩ, nhất là khi đồng bào bên ngoài kêu gọi là phải để người dân trong nước có nhiều quyền tự do hơn thì lại bị đả kích là “thế lực thù nghịch”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
Một Thư Mời, ký tên Thầy Thích Hạnh Đạo, đề ngày 6-1-2008 nhân danh Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất
Vào ngày đầu năm dương lịch, quân phiến loạn tại Philippines đã bất ngờ tấn công một mỏ đồng tại khu vực Nam Cotabato ở miền Nam đảo Mindanao
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.