Hôm nay,  

Cơn Sốt Vàng Và Mỹ Kim

25/11/200300:00:00(Xem: 15036)
Tuần qua, giá vàng tại Việt Nam đã lại tăng vọt và có thể vượt quá 80 vạn đồng một chỉ trong những ngày tới. Tình hình giá vàng tăng ào ạt ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ và thế giới, trong đó có VN, ra sao"
Dưới đây là cuộc trao đổi của đài RFA với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài này.
Hỏi: Thưa ông, tuần qua giá vàng tại Việt Nam đã lại tăng vọt cùng giá vàng thế giới và nạn sụt giá đồng Mỹ kim. Xin ông phân tách mối quan hệ này và nhận định về giá vàng.
-- Vì Việt Nam nhập khẩu vàng từ bên ngoài, có thể đến 95% nhu cầu nội địa, nên giá vàng thế giới mà tăng thì giá trong nước cũng tăng, và tăng còn mạnh hơn do tiền Mỹ sụt giá khi tiền ta ít nhiều cũng sụt theo Mỹ kim trong chế độ hối đoái hiện hành. Nói cho gọn thì ta có thể dự đoán giá vàng qua trị giá đô la Mỹ trên các thị trường và với chiều hướng hiện nay, tiền Mỹ còn sụt, có khi sụt mạnh nên giá vàng còn biến động đến sau Tết là ít.
Hỏi: Tuần qua, đô la Mỹ sụt mạnh khi có tin Hoa Kỳ ra định mức nhập khẩu hàng dệt sợi Trung Quốc không được tăng quá 7,5% một năm. Ông có cho rằng cuộc chiến mậu dịch có ảnh hưởng bất lợi cho đồng Mỹ kim và vì vậy sẽ còn chi phối giá vàng"
-- Chúng ta đang gặp loại vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ kinh tế quốc tế với kết quả chung cuộc trong quan hệ đó là trị giá Mỹ kim so với giá vàng hay các ngoại tệ khác vì đồng Mỹ kim là đơn vị tiền tệ phổ biến nhất. Tôi xin giản lược hóa vấn đề bằng cách nêu ra trước tiên một số yếu tố chi phối giá cả đồng đô la. Trị giá tiền Mỹ tùy thuộc vào sức mua của đơn vị tiền tệ này so với tiền khác và hiện bị chi phối bởi năm yếu tố chính. Đó là, thứ nhất, nạn nhập siêu của Mỹ, tức là mua nhiều hơn bán ra ngoài, làm cán cân vãng lai tức là cán cân chi phó Mỹ bị thiếu hụt tới 450 tỷ và có thể lên đến 500 tỷ vào năm tới. Thứ hai, vì kinh tế bị suy trầm trong năm 2001, Hoa Kỳ kích cầu bằng cách hạ lãi suất và giảm thuế lẫn tăng chi ngân sách khiến ngân sách quốc gia bị bội chi, tức là khiếm hụt, cũng khoảng 500 tỷ. Hai khoản khiếm hụt đó tất nhiên làm sụt giá Mỹ kim và việc sụt giá này khởi sự từ đầu năm 2002. Yếu tố thứ ba là khi thị trường dự đoán tiền Mỹ sẽ sụt tức là tài sản lưu trữ bằng Mỹ kim sẽ mất giá thì đều sẵn sàng bán tháo Mỹ kim hoặc ít ra bớt mua tiền Mỹ là điều ta đã thấy từ hơn một tháng nay. Yếu tố kết hợp ngần ấy tính toán về lời lỗ là sự an toàn. Về an ninh thì chiến sự tại Iraq chưa ổn định, trái lại, khủng bố còn tăng, điển hình là vụ đánh bom vào trụ sở ngân hàng Hongkong and Shanghai Bank tại Turkey hôm Thứ Năm. Đây là ngân hàng thứ nhì trên thế giới và Turkey là xứ Hồi giáo ôn hòa cố tránh bị lôi vào cuộc chiến Iraq mà vẫn bị khủng bố tấn công hai đợt, mỗi đợt hai lần liền, trong chưa đầy một tuần. An ninh bất ổn vì vậy làm sụt giá các thị trường chứng khóan và sụt giá tiền Mỹ. Yếu tố thứ năm là mâu thuẫn mậu dịch giữa Mỹ và các nước trong bối cảnh tranh cử năm tới tại Hoa Kỳ, mà diễn biến nổi bật là vụ tranh chấp về dệt sợi với Bắc Kinh. Tuần qua, Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Alan Greenspan, người điều khiển hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ, đã cảnh báo chính quyền về xu hướng bảo hộ mậu dịch đang lan tràn và là điều bất lợi cho toàn thế giới, kể cả Hoa Kỳ.
Hỏi: Nếu phân giải vấn đề phức tạp này thành từng phần đơn giản cho thính giả, thì ông sẽ khởi sự từ đâu" Từ nạn khiếm hụt song hành hay an ninh hay tranh chấp mậu dịch"
-- Khiếm hụt của Hoa Kỳ tất nhiên làm sụt giá tiền Mỹ và sự điều chỉnh tất yếu đó cần xảy ra tiệm tiến, nghĩa là chậm và đều, là hiện tượng ta đã chứng kiến kể từ 21 tháng nay, khi chỉ số Mỹ kim được gia trọng bởi mậu dịch sụt 11% so với các ngoại tệ khác. Khi tiền Mỹ sụt giá thì các loại hàng mua bằng Mỹ kim tất phải tăng, trong đó có vàng, nhưng sẽ không gây biến động thái quá cho luồng giao dịch toàn cầu. Nạn khủng bố là yếu tố trực tiếp tác động vào các thị trường khiến việc điều chỉnh giá đô la có thể thành đột ngột và gay gắt và đó là một mục tiêu của quân khủng bố. Bên cạnh, ta lại có tranh chấp mậu dịch là điều làm các quốc gia trên thế giới ưu lo. Đáng lẽ, việc Mỹ kim sụt giá sẽ thâu hẹp nạn nhập siêu của Mỹ vì giúp cho hàng Mỹ thành rẻ hơn, dễ cạnh tranh hơn, nhưng vì Hoa Kỳ sẽ có bầu cử năm tới, các chính khách Mỹ, từ Tổng thống Bush trở đi, đều cố chứng tỏ là mình quan tâm đến quyền lợi cử tri, do đó mâu thuẫn về ngoại thương mới được khuếch đại, vụ tranh chấp về dệt sợi với Trung Quốc là điển hình của tuần qua.
Hỏi: Dù điều đó thực sự không có ảnh hưởng gì nhiều đến mậu dịch của Mỹ phải không"

-- So với các xứ khác, kinh tế Mỹ tùy thuộc rất ít vào mậu dịch, chỉ có 11% tổng sản lượng GDP, trong đó, mậu dịch với Hoa Lục cũng chỉ lên đến 11% và dệt sợi là phần rất nhỏ. Trên đại thể thì Mỹ mua nhiều hơn của Trung Quốc vì mua ít hơn của các xứ khác, thí dụ như Nhật hay Đài Loan. Nhưng, vào mùa tranh cử, điều quan trọng là gây ra ấn tượng và đây là một ấn tượng xấu cho thế giới, dù có thể là tốt cho các công đoàn hay các ngành được bảo vệ như nông phẩm, công nghiệp thép.
Hỏi: Nhưng, xưa nay Hoa Kỳ vẫn là quốc gia đề cao tự do mậu dịch trên thế giới mà"
-- Không riêng gì Hoa Kỳ mà hầu hết đều đề cao tự do mậu dịch nhưng đều tìm biện pháp bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi cho từng thành phần dân chúng hay nghề nghiệp của mình. Điển hình là việc trợ giá nông phẩm của Liên hiệp Âu châu hay Nhật Bản hoặc bảo vệ doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Điều đáng lo ở đây là xưa nay, Hoa Kỳ vẫn là động lực tự do hóa mậu dịch mạnh nhất cho kinh tế thế giới. Từ mươi năm nay, từ trước thời ông Bush nhậm chức, Mỹ có thay đổi và thay vì nói đến tự do mậu dịch, người ta nói đến mậu dịch công bằng, thay vì free trade, người ta nói đến fair trade, nôm na là “dễ người dễ ta, khó người khó ta”. So với trước, tức là thời Bill Clinton, chính quyền Bush cụ thể hóa quan niệm đó bằng cách ký kết hàng loạt hiệp ước mậu dịch song phương thay vì tuân thủ lề lối đa phương của các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO. Vụ tan vỡ hội nghị WTO hồi tháng Chín tại Cancun và cả bế tắc tại hội nghị FTAA về Vùng Mậu dịch Tự do Nam Bắc Mỹ giữa Bộ trưởng Thương mại của 35 nước Nam Bắc Mỹ tại Miami tuần qua là biến cố khiến ta cần chú ý đến hồ sơ mậu dịch. Và đấy cũng là lý do khiến Mỹ kim sụt giá và vàng lên giá vì các nước có thặng dư mậu dịch với Mỹ đã bán Mỹ kim hoặc không tồn trữ Mỹ kim trong khối dự trữ như trước nữa.
Hỏi: Hồi nãy, ông có nói đến yếu tố đáng chú ý này...
-- Vâng, khi Mỹ bị nhập siêu 500 tỷ đô la thì các nước thủ đắc tiền đó dùng ngân khoản 500 tỷ này vào việc gì" Họ đầu tư lại vào thị trường Mỹ, bằng cách mua cổ phiếu và nhất là công khố phiếu Mỹ. Vì nạn khiếm hụt chi phó, mỗi ngày, kinh tế Mỹ cần thu vào cỡ hai tỷ đô la, nôm na là vay lại của các nước xuất siêu với mình và thành con nợ. Từ vài tháng nay, do trị giá sa sút của đồng Mỹ kim lẫn an ninh bị suy đồi, số Mỹ kim nhập khẩu đó đã giảm, từ gần 50 tỷ trong tháng Tám đến tháng Chín chỉ còn hơn bốn tỷ và tin này vừa loan ra hôm Thứ Ba tuần trước là đồng Mỹ kim tuột dốc so với đồng Euro hay tiền Nhật. Và nếu không giữ khối dự trữ bằng Mỹ kim thì nhiều nước sẽ chuyển ra vàng nên vàng mới lên giá. Nghĩa là chiều hướng điều chỉnh tiệm tiến có thể sẽ thành đột ngột.
Hỏi: Và vì vậy, ông dự đoán tiền Mỹ sẽ còn sụt và vàng còn lên giá trong tương lai"
-- Vấn đề có lẽ trầm trọng hơn vậy. Vài ngày tới, Nhật có thể sẽ bán đồng Yen để mua Mỹ kim hầu vực giá đồng đô la và giúp cho kinh tế Nhật dễ xuất khẩu hơn. Kinh tế Liên hiệp Âu châu cũng bị hại nặng khi tiền Mỹ sụt giá như vậy vì hàng hóa Âu châu sẽ thành đắt giá hơn. Các nước đều có quyền lợi gắn bó với nhau nên chả ai muốn tiền Mỹ tuột giá đột ngột, trừ quân khủng bố. Nhưng, trong trung hạn, đồng Mỹ kim vẫn phải sụt, nhất là khi kinh tế Mỹ đã phục hồi và có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn vào năm tới. Điều đáng ngại ở đây là ngay giữa một chu kỳ điều chỉnh như vậy, nạn khủng bố dễ gây tâm lý hoảng hốt cho các thị trường và phản ứng trả đũa về mậu dịch cũng khiến thị trường hối đoái dễ gặp biến động. Trong dài hạn, và đây là yếu tố bi quan nhất, kinh tế thế giới không thể tiếp tục duy trì tình trạng thất quân bình hiện nay là Hoa Kỳ trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của thế giới, để bị nhập siêu kinh niên và trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Nhiều quốc gia oán trách Hoa Kỳ về rất nhiều chuyện nhưng đều mong là dân Mỹ tiếp tục phóng tay mua sắm để giúp mình bán hàng cho Mỹ được nhiều hơn. Cái thế bấp bênh đầy nghịch lý đó không thể kéo dài vì vật gì nghiêng quá thì cũng có khi lật, một vụ sụt giá Mỹ kim đột ngột vẫn có thể xảy ra và đấy là cơn ác mộng cho mọi người. Phải chăng vì vậy mà nhiều người dự đoán giá vàng sẽ vượt quá 400 đô la, có khi lên tới 800 đô la một troy ounce. Nhưng, lúc đó giữ vàng làm gì khi toàn cầu đã trôi vào một cơn khủng hoảng tài chính và khủng bố ngang nhiên hoành hành khắp nơi" Một yếu tố có thể sẽ giảm nguy cơ suy sụp là năm tới, khi kinh tế Mỹ đã phục hồi và gia tăng sản xuất, ngân hàng trung ương Mỹ e ngại lạm phát nên sẽ nâng lãi suất, có thể là sau mùa Thu năm tới, điều đó sẽ làm giảm bớt tốc độ sụt giá Mỹ kim, nhưng về dài nguy cơ đột biến vẫn còn...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xưa, Trần Quốc Toản, một thiếu niên đời Trần, đã bóp nát trái cam lúc nào không biết vì căm phẫn trước tình trạng đất nước bị giặc Nguyên xâm lăng
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian
Phần chính bài này đã được trình bày trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Việt Hùng, đài RFA, với tác giả  và đã được phát thanh sáng 6.9 giờ VN.
Nhìn lại chuyện đúng sai của quá khứ để rút tỉa bài học cho tương lai là quá trình bình thường. Tiếc thay, con đường kiến tạo tương lai
Thế nào là những “người bạn dân”, có phải gắn lên mình hai chữ nhân dân thì là bạn dân" Thế nào là nhà nước của dân, do dân và vì dân
Hoa Thịnh Đốn.- “Rối rắm, lung tung beng” là những chữ rất chính xác để mô tả về nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, sau 20 năm  đổi mới.
Hồ Chí Minh từng viết báo và tham gia sáng lập nhiều tờ báo cách mạng ở Pháp. Các bài viết của ông chủ yếu là các bài chính luận nảy lửa
Sở trường của người cộng sản xưa nay vẫn là "chia để trị", một chính sách hết sức nham hiểm. Mục đích" Thứ nhứt là phân loại thành phần
Qua thông tin hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình chúng ta có cảm tưởng đảng Dân chủ muốn quân đội Hoa Kỳ rút lui
Đây cũng là một nhạc phẩm nỗi tiếng từ gần 4 thập niên qua mà tôi đã hân hạnh được giới thiệu nhiều lần
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.