Hôm nay,  

Kinh Tế Việt Nam Năm 2003

30/12/200300:00:00(Xem: 15910)
Nhìn lại kinh tế Việt Nam trong năm 2003, để đưa ra một số dự báo cho năm tới, điều cần thấy là VN không thể tiếp tục nạn độc quyền nhà nước trong lúc cận kề thời điểm sinh tử là kỳ hạn gia nhập tổ chức mậu dịch thế giới.
Đài RFA trao đổi với Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về tình hình này như sau.
Hỏi: Trước hết, xin ông trình bày vài nét tổng quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2003 đang kết thúc.
-- Năm 2003 là một năm may mắn cho Việt Nam. Bối cảnh chung của toàn năm đã có nhiều trở ngại lớn mà ta cần nhắc lại. Thứ nhất là kinh tế thế giới lúc đó còn bị suy trầm hoặc phục hồi khá chậm, ngoại trừ tại Hoa Kỳ. Thứ hai, cũng từ Hoa Kỳ, nguy cơ chiến tranh với Iraq và nạn khủng bố đã ảnh hưởng tới sinh hoạt kinh tế toàn cầu và có lúc làm giá dầu thô tăng đến 40 đô la một thùng. Thứ ba là tại Đông Á, dịch viêm phổi cấp tính là bệnh Sars bất ngờ bùng nổ và lập tức đánh sụt số thu về du lịch. Riêng tại Việt Nam, hạn hán và lũ lụt vẫn xảy ra nên gây nhiều thiệt hại cho người dân. Trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi như vậy, mà kinh tế Việt Nam vẫn đạt một tốc độ tăng trưởng khả quan là hơn 7%, dù thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội Việt Nam đề ra thì vẫn là đứng hạng thứ nhì trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng gia tăng nhịp độ xuất khẩu ở mức cao nhất kể từ nhiều năm nay. Mặc dù thống kê kinh tế của Việt Nam chưa thực sự khả tín nhưng đà tăng trưởng nói trên vẫn cho thấy một chiều hướng khá tích cực.
Hỏi: Ông thường hay nói đến phẩm chất hay chất lượng của sự tăng trưởng. Ông nghĩ sao về phẩm chất của đà tăng trưởng này"
-- Vâng, giới kinh tế thường nhấn mạnh đến phẩm chất của tăng trưởng qua hai tiêu chuẩn là thứ nhất có vững bền không, thứ hai là thành quả của tăng trưởng có được phân phối đồng đều không. Với khởi điểm rất thấp của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng lý thuyết đến hơn 7% là điều có thể đạt được trong lâu dài, nhưng về yếu tố thứ hai là tính chất công bằng thì tình hình không được thuận lợi như vậy, vì khoảng cách giàu nghèo có đào sâu mở rộng so với trước đây. Đó là trên đại thể....
Hỏi: Vào chi tiết thì ông có thể giải thích ra những động lực của kết quả ông coi là khả quan này hay không"
-- Nói chung, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển theo cái hướng mà tôi chưa dám gọi là kinh tế thị trường, nhưng là một nền kinh tế lý tài, trọng thương. Về cơ cấu, mức gia tăng sản xuất được coi là thành quả của khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh, tức là tư nhân và nước ngoài. Vì khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đến 40% của Tổng sản lượng GDP, phần đóng góp của công nghiệp ngoài quốc doanh đã góp phần đáng kể cho kết quả trên. Cũng về cơ cấu, khu vực nông nghiệp không tăng mạnh, nếu có là chủ yếu nhờ thủy sản và nhờ thủy sản cho xuất khẩu. Sau cùng, các khu vực dịch vụ, du lịch và tiêu dùng, kể cả bán lẻ, cũng có kết quả tạm khả quan, dù Việt Nam có bị hiệu ứng của dịch bệnh Sars. Bên trong là vậy, bên ngoài, Việt Nam đã hướng mạnh hơn vào ngoại thương và đạt kết quả tốt là nhờ xuất khẩu, nhưng cũng vì đó mà kinh tế dễ bị giao động hơn theo những biến chuyển của các thị trường thế giới, đặc biệt về giá nông phẩm.
Hỏi: Ông thường nói các vấn đề kinh tế cũng như một đồng tiền, luôn luôn phải có hai mặt. Ông nhận xét ra sao về cái mặt tiêu cực, nếu có"
-- Vâng, chất tiêu cực rõ rệt nhất là hiện tượng tôi gọi là “kinh tế lý tài”, vì hướng vào ngọn hơn là gốc, vì chỉ mở rộng buôn bán và gia tăng thị phần với số doanh lợi thực ra rất thấp. Đó là một. Thứ hai, khoảng cách dị biệt về lợi tức có đào sâu, và thành phần nghèo khổ ở nông thôn thấy mình nghèo đi, chứ chưa được hưởng lợi lộc của đổi mới và mở cửa. Vì đặc tính tôi xin tạm gọi là chuyển lực của khu vực kinh tế hướng ngoại và dễ bị thăng trầm theo giá cả thị trường quốc tế, nông gia tại thôn quê bị ảnh hưởng nặng nhất. Đó là về thực tế ở dưới. Ở trên, chúng ta vẫn gặp ba ách tắc lớn là sự chậm lụt trong cải cách hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước và cả cải cách ngân hàng. Người ta không nên ngạc nhiên nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam bị sụp bất ngờ, dù hồ sơ sổ sách được bút ghi có vẻ tươm tất hơn xưa. Sự thật nó bấp bênh hơn vậy. Việc cải cách doanh nghiệp cũng không tiến mạnh, dù khu vực quốc doanh có hiệu năng kém mà vẫn được ngồi mát ăn bát vàng. Hôm 28 vừa qua, Thủ tướng Phan Văn Khải phải nhắc nhở là không thể tiếp tục nạn độc quyền nhà nước. Nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải có sức cạnh tranh cao hơn cho thời điểm sinh tử là kỳ hạn gia nhập tổ chức mậu dịch thế giới.

Hỏi: Nhưng, thưa ông, trong năm qua thì dường như là sức cạnh tranh của Việt Nam có gia tăng, căn cứ trên báo cáo của quốc tế. Cạnh tranh vẫn còn là vấn đề hay sao"
-- Tôi đoán là cô nhắc tới Phúc trình Global Competitiveness Report. Vâng, theo báo cáo này thì về khả năng cạnh tranh toàn cầu, trong 102 quốc gia được khảo sát, Việt Nam đứng hàng thứ 60, coi như lên được hai bậc so với năm 2002. Còn về sức cạnh tranh trong kinh doanh, Việt Nam đứng hàng thứ 50. Tuy nhiên, khi xét vào cơ cấu thì nếu khả năng cạnh tranh toàn cầu có đứng hạng 60, ba thành tố của tiêu chuẩn đó là môi trường vĩ mô, phẩm chất của định chế quốc gia và nhất là chỉ số công nghệ, tức là trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp, lại không được như vậy. Về công nghệ, Việt Nam đứng hạng thứ 73, tức là khá lạc hậu. Về phẩm chất của định chế nhà nước thì Việt Nam xếp hạng thứ 61, điều này phù hợp với lời phê phán của các cơ quan viện trợ cho Việt Nam. Sau cùng, mình cũng phải xem là Việt Nam cạnh tranh hơn ai trong toàn khu vực, chứ hơn các nước châu Phi không buôn bán hay cạnh tranh với mình thì cũng chả có ý nghĩa gì. Trên bảng tổng kết về sức cạnh tranh, Việt Nam thua các đối tác quan trọng nhất trong khu vực Đông á. Có chăng là hơn Indonesia và Philippines được chút đỉnh.
Hỏi: Và thưa ông, cạnh tranh cũng sẽ là đề tài nóng cho năm 2004 này, phải không"
-- Đó là vấn đề sinh tử trong năm tới, là năm bản lề trước kỳ hạn gia nhập WTO. Việt Nam phải đi sâu hơn vào việc chuyển dịch cơ cấu thay vì chỉ chạy theo kinh tế thị trường theo kiểu bắt chước ở cái vỏ. Muốn như vậy, trong năm 2004 này, Việt Nam phải phá vỡ được thế độc quyền của khu vực quốc doanh với các tổng công ty cồng kềnh và kém hiệu năng. Lý do là quốc tế không chấp nhận nạn độc quyền này và công lý về kinh tế đối với các thành phần kinh tế khác cũng đòi hỏi việc đó. Vì vậy, năm 2004, Việt Nam phải thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước chứ không thể trì hoãn được mãi. Đồng thời, và quan trọng nhất dù cũng là khó nhất, Việt Nam phải tiến hành cải tổ hành chính, dù điều đó có thể làm cho một số đảng viên thủ cựu sợ hãi. Hội nhập kinh tế vào trào lưu chung của thế giới là một đòi hỏi không thể trì hõan thoái thác. Sau cùng, việc cải tổ nền tảng luật lệ và thủ tục kinh doanh cũng phải được xúc tiến nếu Việt Nam muốn hội nhập trong thế cạnh tranh vững bền, là điều thật ra rất khó cho các công ty Việt Nam.
Hỏi: Năm 2004 vì vậy sẽ là một năm có nhiều thử thách lớn cho Việt Nam"
-- Vâng, tình hình kinh tế toàn cầu có sáng sủa hơn trong năm tới thì cũng là cơ hội cho Việt Nam lấy trớn để cải tổ, từ trên xuống hầu cải thiện môi trường đầu tư, chấm dứt nạn quan liêu và tham nhũng, nâng cao năng suất lao động trong các ngành tiên tiến qua giáo dục và đào tạo. Đồng thời, và đây cũng là một vấn đề then chốt, Việt Nam phải rà soát lại chiến lược kinh tế của mình hầu nâng cao khả năng tiêu thụ nội địa và mở rộng thị trường nội địa, thay vì chỉ nhìn ra ngoài và thắt lưng buộc bụng để xuất khẩu bằng mọi giá, kể cả qua biện pháp phá giá. Muốn giảm bớt khoảng cách giàu nghèo và ngăn ngừa sóng gió ngoại nhập, Việt Nam phải quan tâm hơn đến lợi tức và tiêu thụ nội địa. Và phải làm việc này trong khi vẫn cố thúc đẩy hội nhập với thế giới tiên tiến bên ngoài.
Hỏi: Để chấm dứt chương trình kinh tế cuối năm 2003, xin ông cho một tổng kết về những gì có thể xảy ra trước mắt.
-- Căn cứ trên kết quả khả quan của năm 2003, Việt Nam đã nâng chỉ tiêu của 2004 từ 7,5% lên 8%. Nhưng, trong năm 2004, Việt Nam sẽ gặp sức cạnh tranh rất mạnh của các lân bang, kể cả Trung Quốc, nhất là Trung Quốc. Sự hồi phục của kinh tế toàn cầu sẽ giúp Việt Nam có thể nương theo đó mà đạt một số kết quả khả quan về xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào Mỹ. Nhưng, vào năm 2004, kinh tế Hoa Lục có thể bị nóng máy và có khi lâm khủng hoảng tài chính với hậu quả xấu sẽ tác động vào Việt Nam. Do đó, năm 2004 có nhiều triển vọng tích cực cho Việt Nam nhưng lại đặt ra nhiều thách đố cho lãnh đạo, nhất là kể từ giữa năm trở đi. Nếu không kịp cải tổ thì qua năm 2005, Việt Nam có khi bị nạn và lỡ chuyến đò WTO.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cách đây đúng một năm, Iraq qua báo chí Mỹ là một biển máu. Mỗi tháng, trung bình có khoảng 2.000 thường dân Iraq và 200 lính Mỹ bị chết
Từ mấy tuần qua, một số dư luận quan tâm về kinh tế của Hoa Kỳ - và thế giới - có nhắc đến viễn ảnh của cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933.
Năm Mậu Tý 2008 là đúng 40 năm sau biến cố Tết Mậu Thân và cuộc thảm sát tại Huế. Đúng vào thời điểm này, sau 17 năm yên lặng làm chủ nhiệm Việt Báo
Chiến tranh lạnh Đông Âu chưa kịp nguội thì lại đến nạn diệt chủng ở Kosovo. Khối Bắc Đại Tây Dương với sự dẫn đầu của Chú Sam đã oanh tạc trừng phạt đất Serbia
"Giải Khăn Sô Cho Huế," là bút ký về những ngày địa ngục tại Huế Tết Mậu Thân 1968 khi cộng quân chiếm thành phố. Toàn bộ tác quyền từ sách này được góp vào việc trùng tu
Ai có khả năng ra lệnh cho bộ công an, viện kiểm sát , tòa án đình chỉ điều tra vụ án liên quan đến vụ án giết người" Ai chỉ thị công an tịch thu xác một cách bất bình thường"
Có lẽ trong đời, nhiều người đã từng nói, hoặc từng nghĩ tới câu này “Đi tìm quê hương”. Ai đi tìm quê hương" Chắc hẳn phải ngầm có chủ từ Tôi, Anh, Chị
“Little Saigon” là một cái tên để chỉ nơi có nhiều cơ sở thương mại của người Việt trên đất Mỹ
Karmapa có nghĩa là “bậc hoằng hoá công hạnh của chư Phật” hay là "hiện thân của tất cả các họat động của chư Phật”.
Vụ Trung quốc cưỡng chiếm Trường Sa bằng nghị quyết sát nhập rơi vào quên lãng. Và chính quyền Việt Nam đã không có một hành động nào về mặt quốc tế
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.