Hôm nay,  

Hoa Kỳ Và Chế Độ Quân Dịch

23/11/200600:00:00(Xem: 8306)

Hoa Kỳ Và Chế Độ Quân Dịch

Quân dịch (còn được gọi là “nghĩa vụ quân sự”) là tòng quân bắt buộc nên không ai muốn nghe nói đến hai chữ quân dịch sặc mùi chiến tranh. Nước Mỹ ban hành chế độ quân dịch trong thời gian có cuộc nội chiến (1861-1865), và trong hai cuộc Thế chiến (Thế chiến I: 1914-1918, Thế chiến II: 1941-1945). Chế độ này được tái thiết lập năm 1948 khi cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu và chấm dứt năm 1973 khi Hoa Kỳ ký hiệp định Paris và rút quân ra khỏi Việt Nam.

Trong 33 năm qua quân đội Hoa Kỳ gồm toàn quân nhân tình nguyện. Thanh niên Hoa Kỳ chưa biết thế nào là quân dịch. Ngay cả các chính trị gia cũng vậy, ngoài những vị cao niên trưởng thành trong thời kỳ luật đó còn hiệu lực của những năm 1948 đến năm 1973. Bà dân biểu Nancy Pelosi, người vừa đắc cử chủ tịch Hạ nghị viện đã nhanh nhẩu trả lời báo chí về nghĩa vụ quân sự bằng một chữ “không” khô khan cụt lủn khi được hỏi về đề nghị của  dân biểu Charles Rangel (Dân chủ, New York).

Dân biểu Rangel cho biết ông sẽ đệ trình một dự luật tái thiết lập chế độ quân dịch vì một lý do đơn giản là đất nước đang có chiến tranh. Ngoài phản ứng của bà Nancy Pelosi, phản ứng chung của dân chúng và của các đại diện dân cử đối với vấn đề quân dịch khá nguội lạnh.

Nếu là một đại diện dân cử khác đề nghị hay nếu do Nhóm Nghiên Cứu Iraq (Iraq Sudy Group) đồng chủ tịch bởi cựu ngoại trưởng James Baker III (Cộng hòa) và cựu dân biểu Lee Hamilton (Dân chủ) đề xuất phản ứng của dân chúng có thể khác. Vì đây không phải là lần đầu dân biểu Charles Rangel đề nghị tái thiết lập chế độ quân dịch. Năm 2003 sau khi Hoa kỳ lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan và đang lâm chiến ở Iraq ông đã đề nghị chế độ quân dịch cho những thanh niên trong hạn tuổi 18 đến 26. Đề nghị của ông bị quốc hội bác bỏ với 402 phiếu chống, 2 phiếu thuận. Đầu năm nay khi bộ quốc phòng bàn về quân số thiếu thốn nếu Hoa Kỳ phải mở một mặt trận mới dân biểu Rangel lại đưa ra đề nghị “quân dịch” cho tất cả thanh niên nam nữ trong hạn tuổi từ 18 đến 42. Một lần nữa cũng chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.

Lần này sau cuộc bầu cử ngày 7/11 đảng Dân chủ nắm đa số cả hai viện quốc hội, tư thế của dân biểu Charles Rangel thay đổi (ông có thể trở thành Chủ tịch Ủy ban Thuế vụ Hạ nghị viện), và tiếng nói của ông có thể sẽ được chú ý hơn. Nhưng phản ứng nhanh chóng của bà Nancy Pelosi cho thấy đề nghị của ông Rangel cũng khó trở thành luật trong một thời gian thấy được trước mắt.

Đó là tâm lý dân chúng hiện nay. Tuy nhiên nhìn về nhiều mặt khác, đề nghị của dân biều Rangel là một đề nghị đúng. Nếu đảng Dân chủ không nắm lấy thời cơ đưa ra những biện pháp chấn chỉnh để cải thiện tư thế của Hoa Kỳ trên thế giới mà chỉ để làm những công việc vá víu thì Hoa Kỳ sẽ không ra khỏi những khó khăn lớn. Cuộc bầu cử ngày  7/11 ngoài mặt là một bày tỏ sự bất mãn của dân chúng đối với chính sách của tổng thống Bush về cuộc chiến Iraq, nhưng dân chúng không bầu đảng Dân chủ nắm quốc hội để bỏ chạy. Họ bầu đảng Dân chủ để tìm một giải pháp thích đáng giải quyết cuộc chiến Iraq mà không làm tổn thương đến vị thế siêu cường của Hoa Kỳ. Uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới mới là điều quan trọng vì việc này liên quan đến an ninh lâu dài của nước Mỹ và nền hòa bình thế giới.

Uy tín của một siêu cường nằm ở chỗ các nước khác cảm nhận sức mạnh qua chính sách ngoại giao và phong độ của siêu cường chứ không phải qua hành động. Nếu phải hành động các nước nhỏ trên thế giới mới sợ thì cái thế siêu cường không còn nữa.

 Sau khi Hoa Kỳ lâm chiến tại Iraq, những nhà lãnh đạo quân sự nghĩ rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ rút về trong một thời gian tối đa là một năm và quân đội Hoa Kỳ (gồm toàn người tình nguyện) vẫn đủ và sẵn sàng cho một biến cố nào khác trên thế giới. Nhưng khi cuộc chiến Iraq không diễn tiến như tiên liệu và quân đội Hoa Kỳ phải duy trì hơn 140.000 quân tại đó lâu dài thì Hoa Kỳ thấy ngay nếu có một mặt trận khác nữa Hoa Kỳ sẽ lâm vào hoàn cảnh thiếu quân. Đó là lý do tại sao Iran vẫn tiến hành tinh luyện chất uranium (để luyện nhiên liệu chế tạo vũ khí nguyên tử) và Bắc Hàn vẫn tiến hành thí nghiệm vũ khí nguyên tử dưới mặt đất. Iran và Bắc Hàn coi thường Hoa Kỳ vì biết rằng Hoa Kỳ chỉ dọa chứ Hoa Kỳ không có thế để hành động. Hoa Kỳ có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới và chỉ cần một phần nghìn của nó Hoa Kỳ có thể hủy diệt cả thế giới, nhưng ai cũng biết Hoa Kỳ cũng không muốn tự sát khi dùng đến vũ khí nguyên tử.

Vì vậy hiện nay Hoa Kỳ chỉ là một hảo hán khổng lồ với hai cái chân (đúng ra là hai cánh tay) bằng đất sét. Chừng nào Hoa Kỳ thay hai cánh tay của mình bằng sắt thì Hoa Kỳ mới có tư thế bảo vệ quốc gia và duy trì hòa bình thế giới. Và Hoa Kỳ không thể thay hai cánh tay đất sét bằng cánh tay sắt nếu không tái thiết lập chế độ quân dịch.

Chế độ một quân đội hoàn toàn tự nguyện như hiện nay của Hoa Kỳ đã có dấu hiệu bất ổn. Chỉ với mặt trận nhỏ ở Afghanistan và mặt trận lớn ở Iraq bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nhiều lần không giữ lời hứa với quân nhân. Nhiều đơn vị quân đội vừa hoàn tất một vòng chiến đấu tại Iraq trở về chưa kịp hưởng những ngày đoàn tụ bên cạnh vợ con đã được điều động trở lại chiến trường. Là quân đội tự nguyện họ không có quyền than vãn, đành khăn gói từ biệt vợ con lên đường. Các sĩ quan chỉ huy của họ cũng vậy. Là quân nhân, tuân hành lệnh cấp trên họ cũng phải vui vẻ lên đường để làm gương cho quân nhân dưới quyền. Nhưng gia đình họ cảm thấy có một cái gì không ổn. Dù rằng tổ quốc lâm nguy, nhưng đâu phải chỉ những người quân nhân tự nguyện là người hữu trách.

Đó là chưa nói đến các quân nhân trừ bị. Họ được gọi nhập ngũ như giao kèo đã ký với chính phủ, nhưng họ đều có một đời sống dân sự cần ổn định.Thế nhưng vừa từ chiến trường về đang lo sắp xếp trở lại đời sống dân sự thì lại có lệnh gọi. Họ phải lên đường, dù vợ con nheo nhóc và đời sống gia đình bị xáo trộn.

Toàn bộ bức tranh là một cái gì thiếu công bình cho những người lính tự nguyện và những quân nhân trong đội ngũ trừ bị. Không phải là sợ đổ máu. Một quốc gia sợ đổ máu là một quốc gia trên đường suy vong, nên đổ máu để giữ gìn an ninh quốc gia là một bổn phận và là một vinh dự cho mỗi một công dân. Nhưng một người nằm xuống phải là một vinh dự cho gia đình và cho cá nhân của người nằm xuống, chứ không phải là một điều bi thảm.

Chừng nào người lãnh đạo quốc gia duy trì được tinh thần đó thì không lo gì không giải quyết được các khó khăn, nhất là với một quốc gia có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ. Một người lính biết mình có bổn phận ra chiến trường trong một thời gian ấn định hợp lý nếu có ngả gục vào ngày cuối cùng, họ có thể tự hào đã làm tròn nhiệm vụ một công dân. Nhưng nếu họ phải kéo dài thời gian chiến đấu ấn định vì thiếu nhân lực quốc phòng (trong khi còn hàng chục triệu thanh niên không muốn tòng quân) và phải chết thì cái chết của họ trở thành một thảm kịch cho gia đình. Không một cái chết nào của chiến sĩ trở thành một thảm kịch nếu mọi thanh niên trong tuổi quân dịch đều có bổn phận phục vụ như nhau.

Tổng thống Bush đã có ý chuyển hướng chính sách Iraq, và đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy sự chuyển hướng này. Tôi tin những người có trách nhiệm sẽ tìm ra một giải pháp (lẽ dĩ nhiên không phải là giải pháp rút quân tức khắc), nhưng tư thế của Hoa Kỳ chỉ được bảo vệ nếu sau vụ Iraq Hoa Kỳ không mất thế hành động. Và muốn vậy Hoa Kỳ cần sẵn sàng một đoàn quân để cùng một lúc có thể mở ba hay bốn chiến trường nếu an ninh quốc gia đòi hỏi. Một chính sách ngoại giao mềm dẽo hơn từ phía Hoa Kỳ là điều cần thiết nhưng không một chính sách ngoại giao nào thành công nếu không có một sức mạnh quân sự yểm trợ sau lưng.

Lịch sử thế giới chứng minh rằng một thế lực đang lên có thể thoái trào bằng một cuộc bại trận, hay bằng một cuộc rút quân. Sự chiến bại của hạm đội đồng minh Pháp - Tây Ban Nha trong trận hải chiến tại mũi Trafalger gần eo biển Gibraltar trước hạm đội Anh tháng 10 năm 1805 do Đô đốc Nelson chỉ huy là điểm thoái trào của đế quốc Tây Ban Nha.

Trong Thế chiến II quân đội Đức Quốc xã tiến vào Liên bang xô viết, và sau khi thất bại trước quân đội Nga giữa mùa đông giá buốt cuối năm 1943 qua đầu năm 1944 Đức quốc xã đi vào suy thoái mở đường cho cuộc đổ bộ Normandy của quân đội đồng minh. Cuộc rút lui của quân đội Anh (và Pháp) trong trận đánh giành kênh đào Suez năm 1956 sau khi đại tá Nasser sung công kênh đào đánh dấu sự thoái trào của đế quốc Anh. Sự bại trận của quân đội Pháp tại thung lũng Điện Biên Phủ (1955) đánh dấu sự chấm dứt của đế quốc Pháp. Cũng vậy, sự thất bại của quân đội Mỹ tại Iraq có thể là báo hiệu sự thoái trào của đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ. Ngoại trừ.

Ngoại trừ sau Iraq Hoa Kỳ tái lập lại thế đứng của mình bằng một chính sách ngoại giao phù hợp với tình hình thế giới và một lực lượng quân sự hùng mạnh đủ người đủ súng, nói được và làm được. Trước hết là cho Iran và Bắc Hàn hiểu rằng họ không thể tiếp tục đem vũ khí nguyên tử ra dọa già dọa non Hoa Kỳ.

Nhưng Hoa Kỳ không thể tái lập uy tín của mình mà không tái lập chế độ quân dịch. Nước Mỹ đang lâm chiến, một trận chiến nhiều mặt trận. Chế độ quân dịch sẽ làm yên lòng quân dân và mang lại sự tự tin cần thiết cho quốc gia.

Bà dân biểu Nancy Pelosi sau 12 năm ở thế đối lập chỉ tìm cách chống đối phe đa số nên thiếu tầm nhìn. Trở thành Chủ tịch Hạ nghị viện bà đã tỏ ra bỡ ngỡ và lúng túng. Trước hết bà chỉ thấy cuộc bầu cử ngày 7/11/2006 là một cuộc trưng cầu dân ý về cuộc chiến Iraq nên đã vội vàng ủng hộ dân biểu John Murtha (Dân chủ, Pennsylvania) người lên tiếng mạnh mẽ nhất đòi rút quân ra khỏi Iraq thay vì chọn dân biểu Steny Hoyer (Dân chủ, Maryland) như ý muốn của đa số dân biểu thuộc đảng Dân chủ vào chức vụ trưởng khối đa số (và bà đã thất bại). Thứ hai là vội vàng bác bỏ đề nghị tái lập chế độ quân dịch do một đồng viện cùng đảng có nhiều kinh nghiệm đề nghị. Nếu bà Pelosi không nhanh chóng thích ứng để hành xử phù hợp với nhiệm vụ mới, bà sẽ trở thành một tiêu sản (liability) cho đảng Dân chủ và sẽ ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của Hoa Kỳ trên thế giới.

Vài ba năm nữa khi Hoa Kỳ có một tổng thống mới, nếu Hoa Kỳ chưa tái lập chế độ quân dịch, vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới sẽ hết sức mong manh. Thực tế của thế giới đòi hỏi như vậy. Không có một con đường nào khác./.

November  22, 2006

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Quan niệm đầu tiên là không thể không viết quyển “Từ Điển Chiến Tranh Việt Nam”. Chúng ta là một trong 4 lực lượng quân sự tham chiến, 3 lực lượng kia
Sau 5 ngày im lặng, kể từ khi bắt giữ 3 đảng viên Việt Tân và một số người Việt Nam khác vào cuối tuần trước, Hà Nội mới lên tiếng xác nhận việc bắt giam
Người dân Việt Nam không chỉ sẵn sàng phá bỏ công trình nhà Quốc Hội, một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, là công trình kiến trúc tiêu biểu
Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ ngày càng hấp dẫn qua các màn tố khổ lẫn nhau ngày càng nặng nề giữa các ứng viên cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa.
Bản Tin Tiếp Theo Về Trường Hợp Nhà Báo Đối Lập Nguyễn Khắc Toàn Đang Bị Công An CSVN Bao Vây Ngặt Nghèo Tại Hà Nội.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Dòng đời nhiều khi chỉ thấy như một dòng thác loạn, với những nhịp xung đột, làm thâm gan
Đôi lời của tác giả: Sau khi loạt bài về trại A-20 Xuân Phước được phổ biến, nhiều độc giả đã gửi thư về yêu cầu viết thành một tập hồi ký từ ngày đầu
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.