Hôm nay,  

Hoa Lục: Cải Cách Doanh Nghiệp

03/03/200400:00:00(Xem: 13452)
Một đợt cải cách vừa được khởi động tại Trung Quốc, dưới sự thúc đẩy của thế hệ lãnh đạo mới tại Bắc Kinh. Chiến dịch này dẫn tới đâu, và Việt Nam có thể rút kinh nghiệm gì nơi đây"
Đài RFA trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài trên như sau.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong kỳ trước, ông đã trình bày những lý do vì sao thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc khó trì hoãn việc cải cách doanh nghiệp được nữa, kỳ này, ta sẽ cùng trao đổi về những quyết định mới của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
-- Vâng, sau Đại hội đảng khóa 16, Trung Quốc đã chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ ba qua thế hệ thứ tư là Hồ Cẩm Đào, Úy Kiện Hành và Ôn Gia Bảo cùng Tăng Khánh Hồng. Hai nhân vật có nhiệm vụ chỉ đạo ngày nay là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cầm Đào và Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, nhưng quyết định đẩy mạnh cải tổ thực ra là do cả tập thể các Ủy viên Bộ Chính trị thông qua. Hai ông này không là những người duy nhất đề xướng ra chương trình cải cách mới.
Hỏi: Và chương trình này gồm có những điểm gì đáng chú ý nhất"
-- Tôi thấy có hai điểm cần theo dõi là, thứ nhất việc cải tổ về cơ cấu chỉ đạo việc cải cách doanh nghiệp, thứ hai là nỗ lực giải trừ tham nhũng. Vì sao diệt trừ tham ô và cải cách doanh nghiệp lại đi song hành thì có lẽ mình đã rõ, hệ thống doanh nghiệp nhà nước chính là ổ tham nhũng, và các thế lực tham ô bên trong tất nhiên chặn đà cải tổ hoặc làm ung thối những biện pháp cải cách được ban hành. Sau Đại hội đảng khóa 16, thì tháng Ba năm ngoái Quốc hội khóa 10 Trung Quốc đã cho thành lập Ủy ban Thanh tra và Quản lý Tài sản Nhà nước để tập trung quản lý gần 200 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, với tài sản tổng cộng lên tới hơn 800 tỷ đô la. Năm ngoái, ngày 22 tháng Năm chính quyền ban bố chương trình cải cách mới nhằm thay thế chương trình cũ được áp dụng từ năm 1998. Theo chương trình mới thì việc quản lý doanh nghiệp được tập trung vào ủy ban này để nâng cao hiệu năng. Việc tập trung trách nhiệm cũng nhằm củng cố quyền lực vào hệ thống trung ương thay vì để phân tán giữa các cấp địa phương như đã từng thấy trong suốt 20 năm cải tổ của Trung Quốc. Đó là về việc cải tổ cơ cấu chỉ đạo.
Hỏi: Còn việc diệt trừ tham nhũng, ông cho là cũng quan trọng cho nỗ lực cải cách"
-- Vâng, một thí dụ đã thấy tại Việt Nam là khi được viện trợ cho chương trình điện toán hóa hệ thống kế toán sổ sách nhằm gia tăng hiệu năng quản lý các công ty, thì nhiều cấp điều hành các doanh nghiệp nhà nước đã phá hủy nhu liệu kế toán này vì việc kiện toàn hệ thống quản lý tồn kho làm họ mất cơ hội trục lợi bất chính. Với sự phá hoại đó thì mọi kế hoạch cải cách đều thất bại vì áp dụng lệch lạc, hoặc bị đình hoãn vô hạn định. Tại Trung Quốc, tình hình cũng không khác. Trong hơn 20 năm cải cách, từ cuối năm 1978 đến nay, lãnh đạo xứ này đã tung ra nhiều chiến dịch diệt trừ tham nhũng, nhưng kể từ giữa năm ngoái trở đi, người ta thấy một nỗ lực riết ráo hơn, với các đoàn thanh tra được gửi xuống tỉnh để điều tra xem các cấp địa phương có thi hành đúng việc cải cách không và nhất là để diệt trừ tham nhũng và tẩu tán tài sản nhà nước ra ngoại quốc. Một yếu tố mới nữa là sự tham gia của báo chí trong việc phanh phui tố giác nạn cán bộ tham nhũng.
Hỏi: Trở lại Ủy ban Thanh tra và Quản lý Tài sản, nhiệm vụ của Ủy ban này là gì"
-- Trước đây, tức là từ năm 1998, việc cải cách doanh nghiệp được tiến hành từ dưới lên, từ các doanh nghiệp nhà nước cấp địa phương, với những quyết định cổ phần hóa ồ ạt khiến cả triệu người mất việc mà không tìm ra cách sinh hoạt nào khác. Trong khi đó các doanh nghiệp lớn và quan trọng nhất vẫn bình chân như vại và trở thành ổ tham nhũng. Lần này, lãnh đạo mới tập trung trách nhiệm quản lý vào một bộ phận trung ương, với chi nhánh được lập ra tại các tỉnh và thành phố. Ủy ban Thanh tra và Quản lý này vừa phải diệt trừ tham nhũng, chấn chỉnh sổ sách và kiện toàn việc quản lý để tránh nạn sa thải ồ ạt làm nền móng chế độ bị lung lay vì sự bất mãn của dân chúng. Bắc Kinh thông báo là từ khi thành lập năm ngoái đến cuối năm, Ủy ban này đã cứu được gần 800 triệu đô la tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước khỏi bị đảng viên cán bộ biển thủ và tẩu tán ra ngoài. Bên cạnh đó, Cục Giám định Kế toán Nhà nước cho biết là trong năm 2003, việc rà soát sổ sách của 130.000 doanh nghiệp nhà nước đã tìm ra khoảng tám tỷ đô la bị ngộ dụng. Nôm na là sung dụng sai chỗ, tức là tuồn ra nơi khác, và 749 viên chức nhà nước đã bị điều tra. So sánh với số ước lượng là hơn 40 tỷ đã bị thất thoát trong các năm từ 96 đến 2000 thì thành tích cứu vãn được tám tỷ trong hơn nửa năm được coi là đáng mừng.

Hỏi: Nhưng có chi tiết đáng chú ý là yếu tố “Nhà nước". Doanh nghiệp nhà nước,Ủy ban Thanh tra hay Giám định gì thì cũng của nhà nước và tài sản nhà nước bị thất thoát ra ngoài trong khi người dân bị thất nghiệp và mất nghiệp phải biểu tình đòi quyền sống...
-- Đó là mâu thuẫn cơ bản của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa đang làm thế hệ lãnh đạo mới nhức đầu. Trước đây, họ lầm tưởng hoặc cố ý gây lầm lạc trong dư luận, rằng nạn tham nhũng là một thuộc tính của kinh tế thị trường và chỉ lo việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước để khỏi phao phí công quỹ trong các cơ sở lỗ lã. Vì vậy, thời Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ, họ tiến hành cải cách doanh nghiệp từ dưới lên, làm cho gần 30 triệu công nhân viên chức mất việc trong vỏn vẹn có năm năm mà không được đền bù trợ giúp thích đáng. Kết quả là làn sóng phẫn nộ của dân chúng. Người dân Hoa Lục không có loại đoàn thể quần chúng như Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan, nếu không thì lãnh đạo xứ này đã bị thay thế rồi. Ý thức ra nguy cơ đó và đồng thời cũng thấy được sự tệ hại của doanh nghiệp nhà nước, vào cuối thời của mình, Giang Trạch Dân đẩy mạnh cải cách và phân biệt hai phần đối lập. Tài sản thì của quốc dân trên danh nghĩa, nếu do nhà nước quản lý thì phần vụ quản lý phải được kiện toàn qua việc tập trung quản lý vào trung ương và đồng thời khai trừ truy tố các đảng viên cán bộ tham ô. Đến thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, chúng ta bắt đầu thấy việc đó được thi hành...
Hỏi: Và ước mơ của thế hệ này là củng cố được việc quản lý các doanh nghiệp lớn"
-- Vâng, cơ chế có nhiệm vụ thanh tra và quản lý tài sản nhà nước hiện đang kiểm soát gần 200 doanh nghiệp lớn nhất, hoặc có tầm quan trọng chiến lược nhất, với tổng số tích sản là hơn 800 tỷ đô la, ngẫu nhiên cũng bằng với số nợ thối của các ngân hàng nhà nước, theo lượng định mới nhất của Standard & Poors. Ước mơ của giới lãnh đạo là từ những cơ sở này sẽ biến cải thành những doanh nghiệp có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, trong các ngành luyện kim, hóa chất, hàng không, chế tạo xe hơi, v.v.... Cũng một loại ước mơ kiểu Lenin nhưng được hiện đại hóa, và dưới màu sắc Trung Hoa.
Hỏi: Nhưng, liệu việc đó có thành không và chương trình cải cách sẽ gặp trở ngại gì"
-- Trở ngại trước tiên vẫn là sự cản trở và phá hoại của đảng viên cán bộ trong guồng máy công quyền và trong các doanh nghiệp này. Giang Trạch Dân đã chỉ nhìn thấy vấn đề khi quá trễ, sau khi củng cố được quyền lực của mình. Đến lượt Hồ Cẩm Đào, ông ta biết vậy và có khoảng năm năm trước mắt để hoàn tất việc đó. Nhưng, ngay trước mắt ông cũng có một núi nợ có thể lở bất cứ lúc nào của hệ thống ngân hàng. Và khi thấy ra quyết tâm cải cách từ trên xuống, đảng viên cán bộ tham ô phải cấp bách làm thịt các doanh nghiệp từ nay sẽ lọt ra khỏi quyền kiểm soát của mình. Nghĩa là cổ phần hóa càng sớm càng hay theo kiểu bán tháo ở Liên bang Nga. Đây không phải là một dự đoán vì người ta đã thấy hiện tượng đó khi Giang Trạch Dân quyết định chấm dứt việc quân đội cũng bước vào kinh doanh và xoay ra buôn lậu. Họ bán rẻ tài sản quân quản và chuyển tiền ra ngoài.
Hỏi: Thành thử ta mới thấy là một đàng phải tập trung quản lý tài sản nhà nước, đàng khác thì phải giám định kế toán để định giá tài sản này cho chính xác, đồng thời mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng"
-- Quả như vậy, và theo tờ Văn nghệ báo xuất bản tại Hong Kong mà do Bắc Kinh chỉ đạo thì sau Đại hội khóa 16, trong sáu tháng đầu năm 2003 có hơn 8.000 cán bộ cao cấp đào thoát ra nước ngoài, hơn 6.000 mất tích, nghĩa là sống hay chết hay lẩn trốn nơi nào thì không ai biết và hơn 1.200 người đã tự sát. Có khi đã được ai đó “tự sát” hộ. Tổn thất nhân lực này có cho thấy một điều tưởng như nghịch lý, là giới lãnh đạo mới thực sự ra tay diệt trừ tham ô vì nạn tham nhũng có thể làm Trung Quốc bị đại loạn. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng cố gắng chấn chỉnh lại hệ thống ngân hàng với hàng trăm tỷ được bơm vào bốn ngân hàng thương mại quốc doanh để kịp thời tư nhân hóa trước khi gặp sự cạnh tranh của ngân hàng nước ngoài theo quy định của WTO. Nói vắn tắt thì ta thấy sự xoay trở vất vả của một nhà nước ruỗng nát trước yêu cầu hội nhập. Nếu có dịp so sánh thì kích thước của vấn đề còn lớn lao và nghiêm trọng hơn những gì đã thấy thời Tưởng Giới Thạch, trước khi lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc bị đẩy khỏi Hoa Lục ra Đài Loan.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thật không có năm nào nhộn nhịp như cuối năm 2007, khi mà báo chí, đài phát thanh, các chương trình TV phát hình, các báo trên liên mạng
Điện thoại reo liên hồi, những người ở rất xa, vừa biết tin giờ chót có Đêm Thắp nến Tưởng niệm 40 năm
Trong niềm hân hoan chào đón một mùa Xuân mới, các Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông HK
Khi nhìn sâu vào một trái cam, không cần ánh sáng của khoa học, ta cũng có thể thấy rõ trái cam được làm bởi rất nhiều điều kiện như là: đất, nước, gió, mây
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo  thông báo: Phòng mạch Bác Sĩ tại 3610 W. First ST, # G Santa Ana, CA 92703 khám bịnh cho toa miễn phí giúp đồng đạo
Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1787, trong đó không hề có một chữ "Thượng Đế" (God). Thời kỳ đó cách nay đã hơn hai thế kỷ
Ông Đoàn Hữu Định đã được đa số đại diện các quân binh chủng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.