Hôm nay,  

Thay Đổi Chính Quyền

21/10/200600:00:00(Xem: 11896)

Thay Đổi Chính Quyền

Tại Hoa Kỳ thì chưa. Có khi là tại ngay Baghdad...

Một Thiếu tướng Mỹ, ở tại vùng hoả tuyến và lại là phát ngôn viên của Liên quân tại Iraq thì không thể phát ngôn tùy hứng. Vì vậy, khi Thiếu tướng William Caldwell tuyến bố rằng Chiến dịch Together Forward (Đồng Tiến") không đạt mục tiêu và Hoa Kỳ phải tìm giải pháp khác, dư luận có thể tin rằng ông ta nói thật.

Vấn đề là vì sao lại nói, và nói vào lúc này, khi cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong non ba tuần nữa và khi chuyện Iraq đang là đề mục tranh luận chính của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ"

Ngày 14 tháng Sáu, các đơn vị Mỹ đã mở chiến dịch xin tạm dịch là Đồng Tiến trong khu vực Baghdad để ngăn ngừa bạo động giữa các hệ phái và từ ba tuần nay bắt đầu giảm dần cường độ. Lý do là bạo động không giảm mà còn tăng và lính Mỹ bị tổn thất nặng. So với cường độ và nhịp độ tổn thất của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam thì vẫn còn thấp, so với những tai nạn gây thương vong cho dân Mỹ hay lính Mỹ ngay tại Hoa Kỳ thì cũng vậy.

Nhưng mức tổn thất này là điều không thể chấp nhận được, hơn 70 lính Mỹ đã tử vong nội trong tháng 10 chưa kết thúc, một kỷ lục bất lợi về mọi mặt, quân sự lẫn chính trị.

Sau khi chính quyền Baghdad thành hình vào đầu năm nay, việc các lãnh tụ Sunni đồng ý hợp tác và trùm khủng bố al-Zarqawi bị hạ sát đã là một dấu hiệu khả quan cho phép tin tưởng rằng một chính phủ ba thành phần sẽ ổn định được tình hình, ít ra tại Baghdad. Và vài tháng sau, Hoa Kỳ có thể nói đến việc rút quân, hoặc ít ra không phải đôn thêm quân.

Chuyện ấy không xảy ra. Xung đột giữa hai hệ phái Sunni và Shia bùng nổ và ngay trong cộng đồng Shia, nhiều nhóm võ trang đã tấn công lẫn nhau và địa bàn giao tranh chính là khu vực Baghdad. Hoa Kỳ phải tăng cường sự hiện diện trong khu vực để ngăn ngừa chuyện đó. Việc ngăn ngừa không thành và lính Mỹ lãnh đạn nhiều hơn.

Người ta có nhiều lý do giải thích sự kiện này. Thứ nhất, các đơn vị Mỹ phải bước thẳng vào vùng giao tranh. Thứ hai, đây là mùa Ramadan của Hồi giáo và các nhóm võ trang cực đoan nhất đều có cách mừng lễ hội ấy bằng bạo lực. Thứ ba, Iran không để hụt thời cơ quậy phá nội tình Iraq hầu chính quyền Bush thêm lúng túng và mất động lượng, mất momentum, khi cần gây áp lực về kế hoạch hạch tâm của Tehran. Thứ tư, tàn dư khủng bố của al-Qaeda tại Iraq cũng không lỡ dịp xác định khả năng phá hoại của họ trong khu vực Sunni sau khi al-Zarqawi bị giết. Thứ năm, các lực lượng thù nghịch với Hoa Kỳ đều biết một quy luật rất Mỹ, "công chúa đứt tay"… Đánh Mỹ thì nên đánh vào dư luận ở hậu phương, qua hệ thống tiếp vận của truyền thông Mỹ! Vân vân…

Ngần ấy lý do đều có thể đúng và nhất là có thể được bộ chỉ huy Mỹ tại Iraq nêu ra để giải thích mức thương vong rất lớn của binh lính Mỹ. Nhưng, khi một Phát ngôn viên Chính thức của Liên quân Quốc tế - của Hoa Kỳ - là Thiếu tướng Caldwell lại kết luận rằng Chiến dịch Đồng Tiến thất bại và Hoa Kỳ cần giải pháp khác, chúng ta có quyền nêu câu hỏi.

Bộ chỉ huy quân lực Mỹ phải rút tỉa kết luận trên từ trước, ít ra từ ba tuần trước nên mới ra lệnh tái phối trí để giảm cường độ giao tranh và số thương vong của binh lính Mỹ. Bây giờ, họ lại cho phép công nhận điều ấy. Ngũ giác đài muốn gì"

Giả thuyết được nhiều người nói tới là các Tướng lãnh bắt đầu nêu vấn đề với bộ Quốc phòng và Chính quyền Bush. Việc Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld bị đả kích là chính trị lẽ thường của Mỹ. Việc ông bị các tướng đã hồi hưu đả kích cũng chả gây vấn đề trầm trọng  hơn khi ông vẫn được Tổng thống tín nhiệm. Nhưng khi viên tướng Tổng tham mưu của Lục quân là Peter J. Schoomaker tuyên bố hôm 11 vừa qua, rằng quân số của Mỹ sẽ còn phải duy trì ở mức độ hiện tại cho đến năm 2010, người ta đoán rằng bộ Quốc phòng đã hết thống nhất.

Thiếu tướng Caldwell sở dĩ được phép nói ra sự thật, và ngay trong lúc này, có thể là do quan điểm và lời yêu cầu của các tướng lãnh: Hoa Kỳ không thể tiếp tục như hiện nay. Muốn chiến thắng thì phải đôn quân. Ngay trong mùa tranh cử, lời yêu cầu ấy là một phán đoán cực tai hại.

Cho đến nay, Tổng thống Bush luôn luôn chủ trương là tích cực thoả mãn yêu cầu của

các chiến binh ngoài tiền tuyến, tức của là các tướng lãnh. Lời yêu cầu lần này đẩy ông vào thế kẹt ngay trong mùa tranh cử và gián tiếp cho thấy vị trí rất khó xử của Tổng trưởng Rumsfeld.

Một giả thuyết khác là Ngũ giác đài muốn đề nghị thay đổi chiến lược tại Iraq với Phủ tổng thống nên mới để một Thiếu tướng nhận định rằng Hoa Kỳ cần giải pháp khác. Điều ấy chỉ khiến dư luận thấy chính quyền Bush hết thống nhất quan điểm về hồ sơ Iraq. Trong hoàn cảnh hiện tại, hai ông Bush hay Rumsfeld cũng chẳng thể nào có một quyết định tai hại hơn nữa là cách chức hay thuyên chuyển các sĩ quan đã có quan điểm tiêu cực về hiện tình tại Iraq.

Trong cả hai giả thuyết, chính quyền Bush và đảng Cộng hoà đều gặp bất lợi.

Người ta không thể tin rằng ông Bush và ban tham mưu không biết điều ấy. Việc một giải pháp mới cho Iraq - kể cả chia ba xứ này - đã được nói đến ngày một nhiều hơn, với sự hỗ trợ của nhiều Nghị sĩ có thế lực trong đảng Cộng hoà, cho thấy là một kế hoạch khác đang thành hình. Và có thể được thông báo sau ngày bầu cử.

Nhưng, ngay trước mắt, người ta cũng thấy một sự thể khó chối cãi: Chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Nouri al-Maliki không có khả năng ổn định tình hình.

Các đơn vị Mỹ đã trở lại Baghdad để giúp chính quyền al-Malaki giải trừ được các nhóm võ trang, chủ yếu là Shia. Lính Mỹ lãnh đạn nhiều hơn mà các nhóm võ trang này vẫn không được giải giới. Một thủ lãnh Shia là Sheik Mazen al-Saedi bị lính Mỹ bắt được hôm 17 thì lại được thả ngay hôm sau, vì sự can thiệp của chính Thủ tướng al-Maliki sau khi dân Shia biểu tình.

Thiếu tướng William Caldwell có thể nói với thượng cấp cho các đơn vị Hoa Kỳ, nhưng ông cũng nói với Baghdad: lính Mỹ sẽ không hứng đạn cho chính quyền của Thủ tướng al-Maliki được nữa.

Câu chuyện Đồng Tiến này rõ là một chuyện bất đồng, và dư luận Hoa Kỳ hết kiên nhẫn với ngần ấy người trong cuộc.

Lung lay nhất là vị trí của giới lãnh đạo Baghdad. 

Sau đó mới là chiến dịch Iraq và kế hoạch chống khủng bố của Hoa Kỳ. Của Chính quyền Bush.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sáng nay, vào lúc hơn 8 giờ ngày 28/11/2007 có 3 công dân Việt Nam đang sống ở Sài Gòn và tỉnh Bình Thuận
Cách đây hơn 1 tháng dư luận cả nước phẫn nộ lên án chủ quán phở tên Đức và vợ hắn ở Thanh Xuân Hànội, từng bóc lột, dùng cực hình tra tấn đầy đọa
Trong hai tuần qua, UBTDTG/VN và các thân hữu đã vận động thêm 10 quí TNS gồm: Gordon Smith (R-OR), Barbara Mikulski (D-MD), Tim Johnson (D-SD)
Kính thưa Quí thính giả, hôm nay chúng tôi có cơ hội trở lại với anh Nguyễn Khắc Toàn đang ở Hà nội và hiện bây giờ anh NKT đã có mặt trên đường dây.
Bây giờ đang là mùa Thu ở Hoa Thịnh Đốn, lá trổ màu vàng, đỏ, cam,  nâu thật tươi đẹp.
Tại sao lúc này Đảng ta lại nhấn mạnh thêm và đòi hỏi công tác tư tưởng, lý luận, báo chí phải là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng
Từ Hà nội ngày 27  tháng 11  năm 2007, Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam ra thông cáo báo chí gửi khắp toàn cầu kịch liệt lên án phiên tòa xét xử bất công
Tin sơ khởi từ trong nước gửi ra và loan tải trên mạng lưới Internet cho biết tình hình trước phiên tòa phúc thẩm
Bà Ngô Thị Hiền, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam (CRFV) vừa cho biết rằng báo nhà nứơc đã quy chụp sai trái về các việc làm đầy chánh nghĩa
Hội  Đồng Đại Diện của CDD/HTDD, D.C., MD &VA  đã họp để  tu chính Hiến Chương, vào lúc 1 giờ trưa ngày 25 Tháng 11
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.