Hôm nay,  

Định Giá Doanh Nghiệp

19/10/200600:00:00(Xem: 7991)

Định Giá Doanh Nghiệp

... khi định giá doanh nghiệp Nhà nước, đảng viên cán bộ thường ngụy tạo hồ sơ sang tên, hoá giá và tẩu tán tài sản trước khi doanh nghiệp được kiểm kê để cổ phần hoá...

Với chủ đề Cải cách Doanh nghiệp kỳ trước, DĐKT đã đề cập tới yêu cầu cải cách doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam và nói tới từng bước của tiến trình “giải tư” các khoản công sản trong các doanh nghiệp ấy. Tuần này, chúng tôi xin được nói đến việc định giá doanh nghiệp qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa với người thực hiện tạp chí chuyên đề này là Việt Long.

- Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong kỳ trước chúng ta đã đề cập tới yêu cầu cải cách doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam. Qua kỳ này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ đề cập tới hai câu hỏi ông nêu lên tuần trước. Đó là bán cho ai và với giá là bao nhiêu"…

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Và trả lời cho hai câu hỏi ấy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nêu lên một vấn đề tiên quyết là bán để làm gì. Nghĩa là vì sao phải giải tư để tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước"

- Việt Long: Thưa vâng, như vậy thì ta phải đi lại từ đầu. Vì sao Nhà nước cần rút vốn đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước nghĩa là “giải tư”, và tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Lý do đầu tiên và cơ bản nhất là trong nền kinh tế thị trường thì tư doanh, tức là doanh nghiệp của tư nhân, có khả năng quản trị hữu hiệu hơn vì phải cạnh tranh với nhau nên sản xuất và phân phối hàng hoá hay dịch vụ với phẩm chất khá hơn và giá rẻ hơn. Nhờ đó, giới tiêu thụ được phục vụ tốt đẹp hơn và còn dư tiền để tiêu xài vào việc khác.

Việc giải tư còn một lý do chính đáng nữa là sẽ khiến Nhà nước bớt can thiệp vào thị trường để bảo vệ các doanh nghiệp của nhà nước, nhờ đó, chính sách kinh tế cũng tự do thông thoáng hơn. Và sau cùng, nhờ việc giải tư, Nhà nước có thể thu hồi lại tài sản đầu tư trong các doanh nghiệp Nhà nước để dùng vào những mục tiêu khác mà tư doanh không thể đáp ứng nổi.

Nếu nhớ lại lý do giải tư ấy, ta thấy ra một yêu cầu tất yếu của cải cách doanh nghiệp là nên bán lại tài sản đầu tư ấy cho tư nhân, để tư nhân thực sự làm chủ và quản lý các doanh nghiệp đó theo phương cách hữu hiệu hơn.

- Việt Long: Nhưng ở Việt Nam thì việc bán lại doanh nghiệp Nhà nước cho tư nhân có cần phải theo một chính sách gì đặc biệt không"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Việt Nam cần minh định phạm trù “tư nhân” này cho rõ ràng hơn. Tư nhân có thể là người bản xứ hay người ngoại quốc mà cũng có thể là công nhân viên trong xí nghiệp quốc doanh hay những người ở ngoài.

Vấn đề bán cổ phần của doanh nghiệp cho chính nhân viên của doanh nghiệp sở dĩ đặt ra một phần vì lý do công chính hay đạo đức, một phần lớn hơn thế là vì lý do kinh doanh. Những người đã đóng góp công sức cho doanh nghiệp có quyền được hưởng một phần kết quả của công lao đó, nếu đấy là những doanh nghiệp thành công và có lời. Lý do kia là khi được làm chủ một phần của doanh nghiệp, họ sẽ không còn phản ứng xin gọi là “cha chung không ai khóc” mà thiết tha quan tâm đến kết quả kinh doanh lời lỗ và đấy cũng là một điều có lợi.

- Việt Long: Nếu bán cổ phần của các doanh nghiệp này cho chính công nhân viên đang phục vụ trong đó thì ở Việt Nam liệu có thể bị lạm dụng và trở lại tình trạng tự bán lại cho mình không"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Việc lạm dụng thì chắc chắn là có. Ta từng nhìn thấy kinh nghiệm đó trong cuộc cải cách doanh nghiệp, tức là tư nhân hoá doanh nghiệp Nhà nước tại Liên Bang Nga ngày xưa. Nhưng luật lệ cần đặt ra là cho các công nhân viên được quyền mua một tỷ lệ nào đó của tài sản chung, trong một số điều kiện nhất định để tránh sự lạm dụng, mua qua bán lại hoặc tập trung tài sản vào trong tay một số giới chức có quyền trong doanh nghiệp.

Sở dĩ chỉ nên bán ra một tỷ lệ của doanh nghiệp cho công nhân viên được ưu tiên mua lại vì thứ nhất họ không có đủ tiền mua tất cả và thứ hai, quan trọng hơn, quyền làm chủ cũng là quyền quản trị. Tư nhân mà làm chủ phải có khả năng quản trị để cải tiến hiệu năng kinh tế của các doanh nghiệp này.

Nhiều quốc gia đã tiến hành việc tư nhân hoá bằng cách cho nhân viên được mua lại một phần tài sản của công ty, thậm chí phát không cho các nhân viên một số “phiếu tài sản”, tương đương với các cổ phần, và với những điều kiện rõ rệt về thời hạn và ngạch số để khỏi có sự lũng đoạn hay lạm dụng.

Phần lớn tài sản còn lại mới bán ra ngoài để thu tiền về cho ngân sách và đồng thời để thu hút tài năng quản trị của tư doanh. Trong phạm vi đó, việc bán tài sản này cho tư doanh nước ngoài cũng là điều nên làm, nếu nhờ đó mà ta có thêm chuyển giao công nghệ, du nhập thêm kiến năng về quản trị.

- Việt Long: Bây giờ, ta mới qua câu hỏi kế tiếp là bán với giá bao nhiêu, có phải không"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, và đây là một khâu chuyên môn phức tạp nhất, dù chưa hẳn là quan trọng nhất trong cả tiến trình giải tư. Mục đích yêu cầu của tiến trình này là thứ nhất, thu lại tiền cho ngân sách và thứ hai, cải thiện khả năng quản lý của doanh nghiệp. Cho nên, khi bán thì Nhà nước muốn bán với giá cao nhất, nhưng phải bán được và người mua cũng phải thấy là mình có lợi khi mua, với cái giá phải chăng, và từ đấy kinh doanh có hiệu quả hơn.

- Việt Long: Và việc định ra điều ông gọi là “giá phải chăng” ấy mới là một vấn đề chuyên môn"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, và đấy là một vấn đề, một bộ môn kỹ thuật được gọi là “định giá doanh nghiệp”.

- Việt Long: Xin ông trình bày khái quát về bộ môn đó, có được không"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi muốn cổ phần hoá để tư nhân hóa thì sổ sách của doanh nghiệp đã phải được chấn chỉnh minh bạch và doanh nghiệp phải là cơ sở kinh doanh có tiềm năng thì người ta mới muốn mua. Lối định giá một cơ sở đang tan rã là điều cũng có, nhưng là định giá để bán như món hàng phế thải, nôm na là bán cho hàng đồng nát, thì ta không nói tới ở đây. Chúng ta nói đến việc định giá một doanh nghiệp có khả năng tồn tại và sinh lời trong tương lai.

Người ta cần tính ra giá trị của doanh nghiệp như một cơ sở kinh doanh đang sinh hoạt và có triển vọng trong tương lai và cần tính ra giá trị ấy “một cách phải chăng”, theo lối tính toán của thị trường.

- Việt Long: Và “cái giá phải chăng” đó chính là cả một vấn đề lớn"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Có khi người ta gọi đó là “thực giá”, giá đích thực, có khi gọi đó là “giá thị trường”, tức là có thể so sánh với giá cả tương tự trên thị trường. Mà việc định giá ấy không là một khoa học chính xác, nó là một nghệ thuật vì đòi hỏi khả năng ước lượng giá trị về cả phẩm lẫn lượng, cả những yếu tố không đo đếm được.

- Việt Long: Một cách cụ thể thì người ta có những phương pháp định giá nào"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Một cách cụ thể, ta có thể đi từ bước thấp nhất lên bước cao hơn, từ hiện tại đến tương lai.

Bước thấp nhất là kiểm lại sổ sách kế toán để biết doanh nghiệp có bao nhiêu tài sản và còn mắc nợ bao nhiêu. Phần sai biệt giữa tài sản đang có và được khấu trừ các khoản nợ nần thì có thể cho biết tích sản thuần của doanh nghiệp là bao nhiêu. Lối định giá như vậy thiên về kế toán và quá khứ, là cách cho ta con số nhỏ nhất, trị giá thấp nhất, gọi là trị giá về kế toán.

Ngay trong cách tính rất thủ cựu ấy, ta còn phải kể thêm, tức là cộng thêm hay trừ bớt, các khoản nợ. Lý do là vì phải cộng thêm vào tài sản của doanh nghiệp các khoản nợ sẽ thu và trừ đi các khoản nợ sẽ phải trả.

Vấn đề này không lý thuyết đâu vì khi định giá các ngân hàng thương mại của Nhà nước, ta phải tính ra hoặc đoán ra là khoản tài sản mệnh danh là tiền nợ của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ thực sự được thu lại là bao nhiêu. Đa số là nợ khó đòi và sẽ mất nhưng lại được triển hạn để khỏi thuộc loại nợ trễ hạn, loại nợ xấu sẽ mất luôn. Đây là chưa nói đến nhiều loại tài sản hữu hình mà khó định giá, như bất động sản hay đất đai, và sau đó là loại tài sản vô hình còn khó định giá hơn nữa.

- Việt Long: Câu chuyện nghe bắt đầu phức tạp hơn. Xin ông đơn cử cho vài thí dụ về hai loại tài sản vô hình và hữu hình đó để thính giả có thể hình dung ra vấn đề.

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Về loại tài sản hữu hình, như máy móc thiết bị thì mình còn ước tính được nhờ phép chiết cựu hay khấu hao căn cứ trên cái tuổi của máy móc và trị giá của loại thiết bị có khả năng thay thế đang được bán trên thị trường. Nhưng với các phòng ốc hay quyền sử dụng đất thì ta tính ra giá nào, giá mua hay giá chuyển nhượng của Nhà nước năm xưa hay giá thị trường của hiện tại"

Nhân đây, cũng phải nói ngay đến một vấn đề rất phổ biến khi định giá doanh nghiệp của Nhà nước là đảng viên cán bộ thường ngụy tạo hồ sơ để sang tên, hoá giá và tẩu tán tài sản trước khi doanh nghiệp được kiểm kê để cổ phần hoá.

Về loại tài sản vô hình, ta có thương hiệu, uy tín hay uy thế của doanh nghiệp, nhưng giá trị của loại yếu tố ấy nhiều khi được thổi phồng nhờ ưu thế được bảo vệ vì chính sách. Một thí dụ là Nhà nước bảo vệ kỹ nghệ rượu bia hay thuốc hút cho doanh nghiệp Nhà nước có được tư thế gần độc quyền. Do đó, giá trị của thương hiệu có thể cao hơn thực giá khi chế độ độc quyền ấy chấm dứt vì Việt Nam phải hội nhập vào kinh tế thế giới và gặp sự cạnh tranh của tư doanh nội địa hay nước ngoài.

- Việt Long: Đó mới là cách định giá ông nói là từ bước thấp. Đến bước cao hơn thì còn những phương pháp gì khác nữa"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Bước thấp là tính ra tích sản thuần, tức là tài sản doanh nghiệp thực sự làm chủ, sau khi khấu trừ các khoản nợ sẽ phải trả. Muốn định giá cho chính xác thì phải có sổ sách đáng tin, thiết lập theo quy tắc kế toán được mọi người mọi nước chấp nhận. Kế đó mới kể đến giá trị của các loại tài sản vô hình, không đo đếm bằng kế toán được, mà cũng phải giải trừ ưu thế đã có trong quá khứ nhờ chính sách bảo vệ của nhà nước.

Bây giờ, trên cơ sở của những tài sản gọi là cơ bản đó, người ta phải tính ra triển vọng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai. Giới chuyên môn không nói đến các khoản lời chính thức được khai cho sở thuế vì chúng thường được định giá thấp hơn thực tế để tránh thuế và vì chúng cũng không ghi nhận được gánh nợ sẽ phải trả là các khoản vay mượn.

Người ta dùng một phạm trù khác là “nguồn hiện kim” (hay lưu kim, cash flow), là số tiền mặt sẽ được thu vào hay phải chi ra trong cả tài khoá. Cơ sở để tính toán lời lỗ trong tương lai là nguồn hiện kim ấy và phải gia trọng với yếu tố thời gian. Lý do là khoản tiền thu vào năm nay có giá trị cao hơn cùng khoản tiền ấy mà sẽ thu vào năm tới, hoặc trong năm năm nữa.

Về chuyên môn thì người ta tính ra nguồn hiện kim tích lũy trong 5-10 năm tới, nhưng được chiết khấu, tức là được giảm trừ yếu tố lạm phát của thời gian, để tìm ra “thực giá” hay “hiện giá” của nguồn lưu kim ấy, tính vào lúc này. Lối tính toán phức tạp đó thực ra đã thành quy luật và người ta có nhiều mô thức toán học được viết sẵn. Ăn thua, đúng hay sai, chính xác hay không, là căn cứ trên các giả thuyết mình đề ra và dự đoán cho tương lai.

- Việt Long: Các chuyên viên kinh tế trong nước hiện đã quen với những phương pháp đó chưa"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Việt Nam đã được quốc tế viện trợ mấy chục triệu trong mấy năm qua để học hỏi kỹ thuật cổ phần hoá và trong đó có cả kỹ thuật định giá công ty. Ngoài ra, thế giới có rất nhiều doanh nghiệp tư vấn có khả năng chuyên môn rất cao về định giá công ty. Thành thử bài toán phức tạp ấy vẫn có giải đáp.

Vấn đề là phải có sổ sách minh bạch và ngăn được hiện tượng phổ biến tại nhiều nước, là đảng viên cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước lại cưỡng chống việc tư nhân hoá. Thế rồi nếu chống không nổi thì làm thịt doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá. Rốt cuộc Nhà nước chỉ bán được cái xác khô mà tay chân Nhà nước thì giàu to.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tết Nguyên Đán sắp đến,  năm cũ sắp qua đi, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm điểm lại một năm qua mình sống như thế nào
Nghị quyết ngày 26 tháng 3 năm 2004  viết rằng: “DDảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời
Sau hơn ba mươi năm sống Hoa Kỳ, người Việt ta đã hội nhập ngày một nhiều hơn vào đời sống chính trị Mỹ, để tham gia nhiều cuộc bầu cử chính trị
Dù đã có sự thu xếp trước từ ban tổ chức trung ương Đảng, dù đã có đàn anh Trung Quốc chấp thuận, tình hình nhân sự nội bô Đảng trước ĐH X
Vấn đề mà cả hai bạn thường thắc mắc với tôi đã có câu trả lời rồi đấy. Hai chủ nhật vừa qua, những gì đã xảy ra trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội
Một bản tin của Việt Báo đã nhầm lẫn tên của một nhà hoạt động trong khi tường thuật về một sinh hoạt ở San Jose. Việt Baó trân trọng cáo lỗi
Đây là một chương trình phát hình tiếng Việt ở địa phương vùng Hoa Thịnh Đốn, được thực hiện
Mỗi năm, bắt đầu về lúc giao thừa đón năm mới, hàng loạt các luật lệ mới của liên bang
Những dịp dể cho cả một dân tộc cùng nhau hướng về một tình cảm, một tư tưởngđể cùng rung động …thật là hiếm có
Tại nhà hàng Seafood Place #2 vào lúc 7 giờ tối thứ 6 ngày 28 tháng 12 năm 2007, hơn 500 Chư Tôn Đức Tăng Ni
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.