Hôm nay,  

Cải Cách Doanh Nghiệp Nhà Nước

11/10/200600:00:00(Xem: 7726)

Cải Cách Doanh Nghiệp Nhà Nước

...giám đốc công ty quốc doanh hôm nay thì sẽ là gì ngày mai khi công ty ấy hết là quốc doanh"...

Hôm mùng bảy tuần qua, tại "Hội nghị gọi là Sắp xếp, Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước - Giai đoạn 2006-2010" của Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu yêu cầu là trong năm năm sắp tới, phải bảo đảm cổ phần hoá 100% số doanh nghiệp nhà nước. Diễn đàn Kinh tế RFA thảo luận với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về kế hoạch lớn lao trên trong phần trao đổi sau đây do Việt Long thực hiện.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nêu yêu cầu là phải cổ phần hoá 100% các doanh nghiệp nhà nước trong vòng năm năm tới đây. Chúng ta biết là việc cải cách doanh nghiệp nhà nước được đề ra từ lâu nhưng được tiến hành quá chậm trễ. Với chỉ thị từ nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ ở Hà Nội, ông nghĩ sao về kế hoạch này"

- Nếu chúng ta có trí nhớ thì từ hai vị Thủ tướng trước cho đến nay, vị nào cũng nêu ra yêu cầu rất cao như vậy mà kết quả thì vẫn quá chậm theo mục tiêu của Việt Nam và khuyến cáo của quốc tế. Vì vậy, từ ba năm nay tôi tránh nói đến vấn đề này vì có vẻ lẩn thẩn nói chuyện cũ. Lần này, tôi mong là mình lầm và Việt Nam sẽ kịp hoàn tất việc cải cách trong thời hạn khi phải hội nhập vào kinh tế thế giới nên trước đó phải tự hội nhập với chính mình.

- Hỏi: Nghĩa là ông tin rằng việc cổ phần hoá tất cả các doanh nghiệp nhà nước sẽ kịp hoàn tất trong năm năm"

- Tôi mong như vậy thôi.

- Hỏi: Thế câu hỏi đầu tiên của chúng tôi, vì sao lại có doanh nghiệp nhà nước và vì sao nay lại phải cải cách"

- Lý do vì sao ta có doanh nghiệp nhà nước thì có thể là lịch sử và trí tuệ.

Về lịch sử, sau khi giành lại độc lập từ năm 1954 thì miền Bắc đã tưởng rằng mô hình quản lý kinh tế Mác-Lênin là ưu việt nên tập trung quyền lực kinh tế vào nhà nước, công hữu hoá mọi loại tư liệu sản xuất và đẻ ra doanh nghiệp nhà nước. Sau đấy, cũng vì lý do lịch sử và nhận thức, khi vào đến trong Nam năm 1975, chính quyền cộng sản đã cải tạo kinh tế miền Nam theo mô thức miền Bắc, đánh tư sản và công hữu hóa mười mấy ngàn cơ sở tư doanh trong Nam. Kết quả là chế độ kinh tế bao cấp tràn lan với doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đây là một vụ cưỡng đoạt tài sản có quy mô lịch sử và một biểu hiện đáng buồn của trí tuệ Việt Nam vì dẫn tới khủng hoảng kinh tế.

- Hỏi: Thế rồi vì vậy mới có chuyện phải cải cách doanh nghiệp"

- Khủng hoảng xảy ra cách đây hơn 20 năm khiến người ta nhận thấy một điều là lãnh đạo có quyền lực cao hơn khả năng, và một trong những khả năng kém nhất chính là quản lý kinh tế và doanh nghiệp. Ta thấy doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã và cửa hàng mậu dịch xuất hiện nơi nào thì nơi đó là bần cùng khan hiếm vì tập trung quản lý kế hoạch là phản kinh tế.

Từ năm 1987, lãnh đạo Việt Nam nới rộng cái tròng đeo cổ cho doanh nghiệp nhà nước được quyền quản lý rộng hơn nhưng lại khám phá ra cái ưu thế giả tạo của các đại tổ hợp kiểu "chaebols" Hàn Quốc nên vừa nói cải cách vừa cho thành lập các tập đoàn, các tổng công ty, gọi là Tổng công ty 91, làm khu vực xương sống cho nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Hỏi: Và vì vậy, việc cải cách ấy tiến hành quá chậm phải không"

- Đấy là một trong các nguyên nhân. Năm 1991, Việt Nam có hơn 12 ngàn doanh nghiệp nhà nước đủ kiểu đủ loại đủ kích thước và sống vật vờ nhờ con dấu của nhà nước. Khi phải đổi mới thực sự vì khối Xô viết sụp đổ, chính quyền đành để phân nửa các công ty ấy lặng lẽ phá sản, tan biến trong vòng ba bốn năm.

Từ năm 1995, Việt Nam mới có Luật doanh nghiệp nhà nước để kiểm tra lại tình trạng sử dụng tài sản của nhân dân sao cho hợp lý hơn. Việc cải cách doanh nghiệp chỉ thực sự tiến hành từ đấy, với tiến độ rất chậm vì các cơ sở này đã thành loại sinh vật có khả năng tự tồn, tức là biết tranh đấu cho quyền lợi của chúng và tác động ngược vào hệ thống chính trị ở trên.

- Hỏi: Bây giờ, gần 12 năm sau, tình hình ra sao và vì sao cải cách doanh nghiệp vẫn là vấn đề"

- Bây giờ, phần đóng góp của doanh nghiệp nhà nước ngày càng thu hẹp, từ xuất khẩu đến ngân hàng hay công nghiệp mà vẫn còn cả ngàn cơ sở lớn nhỏ, được ưu thế là sự yểm trợ rất nhiều mặt của nhà nước, nhưng thực ra có sức cạnh tranh rất kém, khả năng tuyển dụng nhân công rất thấp - nếu tính theo phí tổn đầu tư cho một việc làm.

Quan trọng hơn cả, chúng là những cây cổ thụ ớm bóng không cho các doanh nghiệp tư nhân dễ ra đời để có sức đóng góp cao hơn cho thị trường và quốc dân. Nạn "sân chơi thiếu bình đẳng" mà quốc tế phàn nàn về doanh trường Việt Nam là biểu hiện của tình trạng ấy. Điều bất công và đáng buồn hơn, doanh nghiệp nhà nước cũng là yếu tố sản sinh ra tham nhũng.

- Hỏi: Ông có vẻ liên kết hai hiện tượng vào với nhau là đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước và nạn tham nhũng. Vì sao vậy"

- Tôi xin đơn cử hai thí dụ, thứ nhất là quyền sử dụng đất và thứ hai là doanh lợi và phần đóng góp của doanh nghiệp nhà nước cho ngân sách quốc gia.

Vì luật lệ kỳ quái về đất đai và vì định hướng xã hội chủ nghĩa, khi ra đón đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước có ưu thế sử dụng thậm chí tước đoạt đất đai để liên doanh với quốc tế. Khi liên doanh, họ chỉ có miếng đất và con dấu nhà nước và nống giá để chiếm một tỷ lệ hùn hạp cao hơn thực tế mà gây thiệt hại cho người dân. Đấy là một biểu hiện của tham nhũng, gây bất mãn cho dân chúng và khiến doanh gia quốc tế coi thường người Việt.

Luật lệ sau đó có cấm đoán, dù quá chậm, việc sang đoạt tài sản quốc doanh - như đất đai, phòng ốc hay thiết bị - làm của riêng, nhưng lại thiếu tinh tế khi cần kiểm soát việc thu vét lợi nhuận từ các doanh nghiệp. Đảng viên cán bộ có trách nhiệm quản lý cơ sở quốc doanh chỉ cần làm tròn nghĩa vụ ngân sách cho nhà nước là có thể yên tâm khai thác lợi nhuận làm của riêng. Đấy cũng là một nguồn gốc tham nhũng mà người ta nhìn không ra vì chỉ thấy các các tổng công ty đóng thuế đầy đủ cho nhà nước. Không tiếm dụng cái nhân là tư liệu sản xuất, người ta có thể tiếm dụng cái quả và làm giàu rất nhanh, nhanh hơn tư doanh.

Ngoài ra, còn một yếu tố kỳ bí là việc tài trợ quỹ đảng. Đảng lấy ngân sách ở đâu để hoạt động" Khi chế độ chính trị không dân chủ và minh bạch, thì việc kinh doanh cho đảng, cho nhà nước, hay cho chính mình là một vùng mờ ảo mà người ta đặt hết trí thông minh vào…

- Hỏi: Bây giờ, chúng ta hãy trở lại phương hướng cải cách, vấn đề cổ phần hoá…

- Tôi xin được nói ngay rằng cách gọi tên cũng đã là một sự mờ ảo nếu không nói là mờ ám.

Về lý luận, nhà nước có thể nhân danh quyền lợi quốc dân lấy công sản, là tài sản nhân dân, để đầu tư vào việc kinh tế kinh doanh sao cho có lợi cho quốc gia. Đó là nguyên ủy của việc lập ra doanh nghiệp nhà nước, cơ sở kinh doanh có vốn nhà nước. Khi thấy việc kinh doanh ấy không có lợi cho quốc dân, nhà nước bèn rút vốn về, tức là chấm dứt việc đầu tư ấy. Người ta gọi đó là quyết định "giải tư" - ngược với đầu tư - và "giải tư" là một từ mà lãnh đạo Việt Nam chưa dùng, có thể vì lý luận chưa thông và đây là một vấn đề.

- Hỏi: Xin yêu cầu ông nói rõ hơn về quyết định triệt thoái đầu tư gọi là "giải tư" đó.

- Thưa khi quyết định "giải tư", nhà nước phải kiểm điểm và tính lại xem việc đầu tư ấy được tiến hành ra sao, đã trao cho cơ quan phủ bộ nào thực hiện, quản lý và giám sát" Và vì việc đầu tư ấy bị lỗ lã cho nhà nước và quốc dân - một lý do chủ yếu và hiện tượng phổ biến trong hơn 50% các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam - người ta phải kiểm kê lại lời lỗ và sắp xếp lại cơ cấu điều hành. Tiến trình ấy được gọi là "tái phối trí" hay "tái cấu trúc".

Nó gồm có hai phần. Phần thứ nhất là trách nhiệm tài chính, nôm na là lời lỗ bao nhiêu phải được tính lại và cơ quan nào phải bù lỗ cho sổ sách cân bằng. Phần thứ hai là trách nhiệm pháp lý về tổ chức, là bố trí lại tiến trình điều hành và giám sát cho ai. Thí dụ như từ bộ chủ quản hay cơ quan nhà nước ở địa phương chẳng hạn đổi ra thành cơ sở kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, trở thành cơ sở tư doanh, và số vốn nhà nước nay trở thành những cổ phần. Tái phối trí về tài sản và trách nhiệm pháp lý như vậy là một phần tất yếu của việc giải tư.

- Hỏi: Sau đấy mới là việc cổ phần hoá phải không"

- Đây mới là giây phút mập mờ làm tôi nhớ đến một lời khuyên của Marx: "sự trong sáng mới chứng tỏ lòng chân tín, tức là thực tâm, của người lý luận.

Từ một cơ quan của nhà nước biến ra một doanh nghiệp nhà nước bị lỗ lã kinh niên, người ta phải cải cách cơ cấu tài chính cho cân bằng và cơ cấu pháp lý cho minh bạch để doanh nghiệp có quy chế của một công ty, được kinh doanh bình đẳng với mọi công ty khác, trở thành một doanh nghiệp như mọi doanh nghiệp. Nhưng, viên chức nhà nước hôm qua trở thành giám đốc công ty quốc doanh hôm nay thì sẽ là gì ngày mai khi công ty ấy hết là quốc doanh"

Bằng thủ thuật pháp lý, lãnh đạo Việt Nam nhập nhằng đổi màu áo cho thành phần nhân sự ấy, khi biến doanh nghiệp nhà nước ra doanh nghiệp cổ phần mà vẫn giữ nguyên đặc quyền đặc lợi cho loại cơ sở phải gọi là bán công bán tư này, trong khi vẫn khắt khe với thủ tục cho phép tư doanh xuất hiện. Khi gọi việc cải cách là "cổ phần hoá", người ta hoặc chưa thông thoáng về tư tưởng hoặc thiếu trong sáng về lý luận theo lối nói của Marx.

- Hỏi: Ông nêu một vấn đề rất lạ, nghĩa là ngôn từ phản ảnh một nội dung không minh bạch"

- Thưa vâng, tôi xin phải nhắc lại từng bước trong tiến trình quyết định này. Khi muốn giải tư, nhà nước quyết định tái phối trí lại về tài chính và pháp lý, sau đó phải làm gì"

Câu trả lời là sau đó là bán cổ phần của cơ sở quốc doanh cũ lấy tiền đầu tư về cho ngân sách quốc gia sử dụng vào việc khác. Khi ấy, phải quyết định là bán cho ai, với giá là bao nhiêu để cơ sở ấy hết là quốc doanh mà trở thành tư doanh, rồi sẽ bố trí lại nhân sự quốc doanh cũ như thế nào để họ khỏi bị thiệt thòi khốn đốn"

Bán cho ai là một quyết định chính trị. Thí dụ, công nhân viên thợ thuyền đã góp công sức cho doanh nghiệp nhà nước có quyền được mua để làm chủ một phần. Nhưng, họ có khả năng tài chính không, từ đó cơ sở có cải tiến không, và sau đó họ có quyền bán lại cho ai khác chăng"

Ngoài thành phần đó, khi muốn biến một cơ sở quốc doanh ra tư doanh để nhà nước lấy lại tiền thì việc bán cổ phần của công ty cho tư nhân là điều tất nhiên. Tư nhân có tiền và có khả năng quản trị giỏi hơn sẽ tiến vào làm chủ và cải thiện khả năng kinh doanh của cơ sở này. Tư nhân ấy có thể là người Việt hay là người nước ngoài. Về nguyên tắc thì không nên phân biệt quốc tịch, trong thực tế thì chính quyền non yếu có thể đặt ra hạn ngạch nhằm hạn chế nước ngoài và đi ngược với mục tiêu nguyên thủy là từ một doanh nghiệp nhà nước lỗ lã có thể sẽ có một công ty kinh doanh thành công nhờ học được kiến năng ngoại quốc.

Vấn đề ngôn từ trong cả tiến trình "giải tư" là phải "tư nhân hoá" cơ sở quốc doanh, tức là từ việc công hữu hoá thời chủ quan duy ý chí nay phải bước qua thời tư hữu hoá. Vì tránh nói đến tư nhân, tư hữu, tư sản, người ta loanh quanh với khâu "cổ phần hóa" của cả một tiến trình lâu dài hơn. Nói cho gọn thì cải cách doanh nghiệp là nhà nước giải tư và mời tư nhân vào tham gia một vai trò trọng yếu hơn cho kinh tế. Đấy cũng là giải phóng tiềm năng của dân tộc, như lãnh đạo Việt Nam vẫn nói tới.

- Nếu vậy, xin đề nghị là trong một kỳ sau, ta sẽ trao đổi thêm về ba câu hỏi ông nêu lên là bán cho ai, với giá bao nhiêu và xử trí ra sao với thành phần lao động cũ có thể bị sa thải. Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng tôi rất hân hạnh được gặp gỡ để hầu chuyện với quý vị hôm nay tại nơi đây, vì mỗi người chúng ta đang đi tìm hiểu về giá trị và ý nghĩa đích thực của sự sống.
Sau hơn 30 năm, người Việt tại Mỹ đã đạt được những thành công rực rỡ. Ngành nghề nào cũng có bóng dáng người Việt đứng đầu.
Cách đây đúng 40 năm, kinh tế gia (và chính trị gia thiên tả) người Thụy Điển là Gunnar Myrdal đã tìm hiểu về sự nghèo khốn tại Á châu
Một buổi lễ cầu nguyện cho Phật Giáo Miến Điện và Việt Nam sẽ được tổ chức cuối tuần này ở Canberra, Úc Châu
Chỉ xem qua bích chương giới thiệu về chương trình Đại nhạc hội Mùa Hè Rực Rỡ - Yêu Đời và Yêu Người
Nhân một bản tin của thông tấn VN sau đây, tôi sẽ phân tích tình hình và đưa ra biện pháp để giải quyết rốt ráo vấn đề nầy: Sáu tháng
Việt Nam hiện nay sau một thời gian dài chiến tranh, đang ở vào thời kỳ mùa xuân của dân tộc. Đất nước đang nở rộ, phát triển về mọi mặt
Trong dã tâm bá quyền này, Bắc Kinh đã trơ tráo thông báo rằng sẽ mở các chuyến du lịch bằng tàu lớn, để du khách có thể thưởng ngoạn
Tính đến ngày 25 tháng 9, những cuộc biểu tình rộng lớn của hàng chục ngàn nhà sư Miến Điện tại thủ đô Rangoon đã trải qua ngày thứ 9
Ở nhiều nước văn minh cũng như kém văn minh, tham nhũng và lãng phí của công bị coi như chuyện xấu xa trong xã hội
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.