Hôm nay,  

VN: Không Cần Trí Thức Việt Kiều Đóng Góp Tư Tưởng Dân Chủ

30/09/200600:00:00(Xem: 13341)

Trong lúc Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, việc bắt giam một người Mỹ gốc Việt hoạt động dân chủ ôn hoà đã trở thành một cause célèbre trong quan hệ Mỹ-Việt. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tư tưởng mạnh hơn súng. Chúng ta không để cho kẻ thù có súng, thế thì tại sao lại để cho bọn nó có tư tưởng - Joseph Stalin

*

Như nhiều trí thức hiện sống ở nước ngoài, Đỗ Thành Công là người vượt biên, rời quê hương bằng tàu năm 1982, định cư tại Hoa Kỳ, ở đó ông tốt nghiệp kỹ sư, rồi ra đi làm. Từ năm 1997 ông là kỹ sư của hãng điện tử nổi tiếng Applied Materials trong vùng San Jose, thủ đô sinh hoạt của người Việt miền Bắc California.

Nhìn bằng con mắt bình thường, Đỗ Thành Công là một người thực tế, biết hoạch định tương lai, lo cho gia đình. Bốn mươi bẩy tuổi, có vợ, ba con. Trong một chuyến đi công tác cho hãng tại Trung Quốc, xong việc, cuối tháng Bẩy vừa qua ông ghé Việt Nam, cùng vợ con ra Phan Thiết thăm mẹ, nghỉ hè. Đã về thăm quê hương nhiều lần, vợ chồng ông còn tính chuyện mua đất để mai sau có chỗ nghỉ hưu trên quê hương mình đã sinh ra.

Nhưng giấc mơ của ông Công và gia đình đã biến thành cơn ác mộng. Sáng sớm ngày 14.08.2006 công an đến gõ cửa nhà người mẹ và bắt ông đi. Bà Đỗ Thành Công, tức Jane Tiên Bùi Đỗ, ngỡ ngàng không biết vì sao họ lại bắt chồng mình. Đưa chồng đi, rồi công an đưa “thư mời” bà đến trụ sở để làm việc. Ở đó bà được biết chồng mình bị bắt là do thư nặc danh của một ai đó ở hải ngoại.

Công an đưa chồng vào Sài Gòn nhưng giam ở đâu bà Tiên cũng không được biết, không được thăm. Ngay cả Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, cơ quan đại diện ngoại giao của đất nước mà bây giờ ông Công và gia đình là công dân cũng không có thông tin gì về nơi ông bị giam và chưa được gặp mặt. Hằng ngày bà Tiên đến văn phòng Tổng Lãnh sự quán chờ tin, nhưng những nhà ngoại giao Mỹ chẳng biết gì để nói với bà. Một tuần sau bà được lãnh sự Mỹ thông báo về nơi giam chồng ở số 4 Phan Đăng Lưu. Nhưng bà không được phép thăm. Không thể chờ đợi và không cảm thấy an toàn cho chính mình, bà Tiên phải nhờ người thân qua Việt Nam đón đứa con trai chín tuổi về lại Mỹ trước, rồi ít ngày sau bà cũng rời Việt Nam mà không được phép thăm hay có thêm tin tức về chồng mình.

Ngày đầu tháng Chín, lãnh sự Mỹ cho biết họ đã được gặp ông Công. Ông bị nhà nước Việt Nam cáo buộc có âm mưu khủng bố tấn công Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Qua lãnh sự Mỹ bà Tiên lần đầu tiên biết được chồng mình còn là ủy viên trung ương của một tổ chức chính trị hoạt động bí mật trong nước, Đảng Dân chủ Nhân dân. Truy tìm trên mạng, bẻ khoá mật mã máy điện toán của chồng, bà mới biết được những hoạt động bí mật của chồng trong một đảng chính trị có chủ trương bất bạo động với mục đích đem lại dân chủ, nhân quyền, tự do cho dân Việt Nam. Bà không tin chồng có âm mưu dùng bạo lực khủng bố. Những tổ chức nhân quyền, bảo vệ ký giả cũng không tin như thế. Hoa Kỳ cũng chẳng tin ông Công có những toan tính đó. Lãnh sự Mỹ còn báo tin rằng ông Công đã bắt đầu tuyệt thực phản đối việc giam giữ từ ngày 1 tháng Chín cho đến khi được tự do hay là chết.

Tuy trong nhiều năm chồng giấu bà về những hoạt động chính trị - các bài viết của ông đều ký bút hiệu Trần Nam - bà Tiên và các con không giận mà còn hãnh diện khi biết được lý tưởng của chồng mình vì chính bà, cũng như nhiều người Việt khác đã bỏ quê hương ra đi mới hiểu được thế nào là giá trị của hai chữ “tự do”. Khi gửi lời chia sẻ niềm cảm thông với bà và gia đình trước những lo lắng và gian nan, bà Tiên tâm sự: “Cái giá phải trả khi dấn thân vào việc chung là như thế. Các con tôi và tôi giờ lại phải tranh đấu cho sự tự do của anh ấy. Tự do bây giờ mới thiệt là quí”.

Bà và các con kêu cứu đến các vị dân cử, từ nghị sĩ, dân biểu liên bang, thống đốc tiểu bang, cho đến các đại biểu nhân dân thành phố San Jose, các vị dân cử gốc Việt và những người yêu chuộng dân chủ tự do toàn cầu. Ai cũng đều lên tiếng bênh vực cho Đỗ Thành Công. Bạn bè của gia đình góp tay, đưa lên mạng trang nhà www.freecongdo.comvà trong vòng hơn một tuần đã có gần ba nghìn chữ ký ủng hộ và bà Tiên đã được mời ra tường trình về trường hợp của chồng mình trước một tổ chức nhân quyền của Quốc hội Hoa Kỳ.

Trong khi đó truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng. Đại sứ quán Việt Nam ở Washington, Tổng Lãnh sự quán ở San Francisco cũng chẳng biết gì về vụ việc.

Đến ngày thứ Tư 20.09, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, mới loan tin từ Bộ Công an rằng: “Các tài liệu, chứng cứ qua điều tra của cơ quan an ninh Việt Nam xác định nhiệm vụ của Đỗ Thành Công về Việt Nam lần này để thực hiện âm mưu khủng bố, trong đó nghi có ý đồ nhằm vào Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh…”. Nhưng chỉ hai ngày sau, cũng trên báo Nhân dân lại đăng tải quyết định của cơ quan an ninh Việt Nam đình chỉ điều tra và ra lệnh trục xuất ông Công.

Luật lệ kiểu này chỉ có ở Việt Nam.

*

Đỗ Thành Công về đến sân bay San Francisco chiều ngày 21.09 trong dáng điệu mệt lả sau nhiều ngày tuyệt thực trong tù và đã được cộng đồng người Việt vùng Vịnh San Francisco đón như một chiến sĩ của tự do, dân chủ. Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, phó chủ tịch Đảng Nhân dân Hành động, trước đây cũng đã bị nhà nước trục xuất trong một chuyến về Việt Nam làm công tác y khoa, phát biểu với một đài truyền hình Hoa Kỳ: “Đây là một chiến thắng của người Việt hải ngoại”. Hai tờ báo lớn San Francisco Chronicle và Mercury News đưa tin trang nhất về ông Công và những hoạt động của các tổ chức, phong trào đang tranh đấu cho tự do dân chủ trong nước. Các đài phát thanh đưa tin hàng giờ, đài truyền hình tường thuật vào chiều tối.

Từ khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phát triển tăng tốc trong một thập kỉ qua, truyền thông Mỹ khi nhắc đến nước Việt chỉ đơn giản gọi là “Vietnam”, ít khi nhắc đến cụm từ “communist Vietnam” như trong quá khứ. Nhưng mấy tuần rồi, qua vụ việc bắt giam một công dân Mỹ chỉ vì việc phát biểu quan điểm một cách ôn hoà, cụm từ trên lại được truyền thông nhắc đến trong những bản tin.

Ở Việt Nam ngày nay tính xã hội chủ nghĩa gần như không còn trong việc hoạch định chính sách kinh tế và việc kiểm soát đời sống thường nhật của dân không còn khắt khe như trước. Nhưng về mặt tư tưởng vẫn mang nặng tính cộng sản.

Vụ việc bắt giam Đỗ Thành Công cho thấy người Việt hải ngoại về nước dù đi chơi, thăm gia đình hay làm công tác giáo dục, từ thiện, thương mại... là đã có nguy cơ để cho nhà nước giam hãm tư tưởng của mình làm con tin. Mấy tháng trước nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc dẫn một đoàn du sinh Úc về Việt Nam nghiên cứu, nhưng vừa đến sân bay Tân Sơn Nhất thì ông bị tống xuất.

Vì sống ở nước ngoài nên nhà nước Việt Nam không thể kiểm soát được tư tưởng của người Việt hải ngoại. Còn người dân trong nước thì bị cưỡng chế tư tưởng vì không được tự do thông tin liên lạc, không có tự do phát biểu, tự do chọn người đại diện. Những cản trở đó làm chậm lại đà phát triển của đất nước.

Nhưng trong nước đang có những nhà hoạt động dân chủ bất khuất như Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh Thuỷ, Huỳnh Việt Lang, Nguyễn Khắc Toàn, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, Đỗ Nam Hải, Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Hoàng Long, Trần Hoàng Lê, Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Chân Tín, Lê Chí Quang, Hoàng Minh Chính... Ủng hộ việc tranh đấu của họ là để Việt Nam bớt tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, có luật pháp nghiêm minh, giúp đất nước tăng tốc phát triển, chứ không phải là xâm hại an ninh quốc gia hay có âm mưu nhằm lật đổ chính quyền.

Đỗ Thành Công là thành phần trí thức của cộng đồng người Việt hải ngoại, những người mà nhà nước Việt Nam đang ra sức mời gọi đóng góp trí tuệ cho quê hương. Nhưng nhà nước không thể chỉ cần đến khả năng chuyên môn mà cưỡng đoạt tư tưởng của một con người. Vì như thế con người đó sẽ không còn khả năng suy nghĩ để phát triển.

(talawas.org)


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Quốc trưởng của một quốc gia được quốc trưởng của một quốc gia khác mời tới thăm viếng quốc gia bạn thì chuyến công du này
Suốt buổi sáng Thứ Sáu mùng bảy, truyền thông Hoa Kỳ tập trung phân tách một đề tài nóng nhất, là cuốn băng hình do al-Qaeda phổ biến
Xưa, Trần Quốc Toản, một thiếu niên đời Trần, đã bóp nát trái cam lúc nào không biết vì căm phẫn trước tình trạng đất nước bị giặc Nguyên xâm lăng
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian
Phần chính bài này đã được trình bày trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Việt Hùng, đài RFA, với tác giả  và đã được phát thanh sáng 6.9 giờ VN.
Nhìn lại chuyện đúng sai của quá khứ để rút tỉa bài học cho tương lai là quá trình bình thường. Tiếc thay, con đường kiến tạo tương lai
Thế nào là những “người bạn dân”, có phải gắn lên mình hai chữ nhân dân thì là bạn dân" Thế nào là nhà nước của dân, do dân và vì dân
Hoa Thịnh Đốn.- “Rối rắm, lung tung beng” là những chữ rất chính xác để mô tả về nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, sau 20 năm  đổi mới.
Hồ Chí Minh từng viết báo và tham gia sáng lập nhiều tờ báo cách mạng ở Pháp. Các bài viết của ông chủ yếu là các bài chính luận nảy lửa
Sở trường của người cộng sản xưa nay vẫn là "chia để trị", một chính sách hết sức nham hiểm. Mục đích" Thứ nhứt là phân loại thành phần
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.