Hôm nay,  

Hiệu Ứng Bắc Hàn

12/07/200600:00:00(Xem: 6597)

...Việc Bắc Hàn gây rối sẽ còn kéo dài, với hậu quả bất lợi cho kinh tế Đông Á. Trước mắt thì xăng dầu và lạm phát sẽ càng khiến kinh tế của khu vực dễ bị suy trầm.

Việc Bắc Hàn phóng hỏa tiễn vào tuần qua sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Đông Á trong viễn ảnh kinh tế Á châu có thể bị suy trầm vào năm tới" Diễn đàn Kinh tế đài RFA nêu câu hỏi ấy với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong cuộc trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, qua mấy kỳ liên tiếp, diễn đàn này đã phân tích nguy cơ suy trầm kinh tế Á châu vào năm tới với nhiều chỉ dấu có thể thấy từ Hoa Kỳ. Trong hai ngày mùng bốn, mùng năm vừa qua, việc Chính quyền Bắc Hàn lại phóng một loạt hỏa tiễn khiến các thị trường Á châu đều bị giao động mạnh. Do đó, chúng tôi xin đề nghị là kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về hậu quả của vụ khủng hoảng Bắc Hàn đối với kinh tế Đông Á.

Nhưng trước khi đề cập đến chuyện Bắc Hàn, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là trong tuần qua, người ta có những chỉ dấu gì xác nhận thêm về nguy cơ suy trầm hay không"

- Thưa vâng, trước khi đề cập đến hiệu ứng của vụ Bắc Hàn phóng hỏa tiễn, ta có thể nhắc tới thống kê nhân dụng, tức là về tình hình việc làm, ở ngay tại Hoa Kỳ. Hôm mùng bảy vừa qua, bộ Lao động Mỹ báo cáo là số việc làm mới tạo thêm trong tháng Sáu chỉ có 121 ngàn, chỉ bằng phân nửa dự đoán của thị trường và giới kinh tế. Nếu tính bình quân cho cả Quý II năm nay, từ tháng Tư đến tháng Sáu, thì mỗi tháng kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm dưới 110 ngàn việc mới. Đó là chỉ dấu xác nhận mối lo của nhiều người là đà tăng trưởng sản xuất tại Hoa Kỳ có chậm lại và viễn ảnh suy trầm vào cuối năm càng có xác suất cao.

- Hỏi: Thế nhưng, nếu tăng trưởng đình đọng thì ngược lại, nguy cơ lạm phát có thể nhờ vậy giảm thấp khiến ngân hàng trung ương Hoa Kỳ khỏi cần tăng lãi suất và do đó mà Á châu đỡ bị lâm vào thế kẹt là cũng phải nâng lãi suất để giữ trị giá đồng bạc của mình và vì vậy mà làm cho kinh tế càng dễ bị suy trầm không"

Sự thể có lẽ không được như vậy vì lạm phát vẫn là một đe dọa tại Hoa Kỳ khiến lãi suất có thể vẫn tăng vào tháng Tám này, sau khi đã tăng 25 điểm vào ngày 29 tháng trước như người ta đã dự đoán. Hậu quả là kinh tế có thể bị hai tai ách là cả suy trầm lẫn lạm phát, với ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế Á châu. Rồi trong bối cảnh ấy, chúng ta lại có vụ Bắc Hàn.

- Hỏi: Vì sao vụ Bắc Hàn bắn hoả tiễn lại có thể gây hậu quả cho kinh tế Đông Á"

- Trước hết, đây là một vụ khủng hoảng về địa dư chiến lược cho toàn khu vực và khủng hoảng tất nhiên gây giao động bất lợi cho sinh hoạt kinh tế. Hôm Chủ nhật mùng chín vừa rồi Ấn Độ cũng vừa thử nhiệm loại hỏa tiễn Agni III có tầm xa hơn hỏa tiễn Đại pháo đồng hạng II của Bắc Hàn mà thế giới vẫn không coi đó là một vụ khủng hoảng. Chủ yếu là vì Ấn Độ là một xứ dân chủ và có tinh thần trách nhiệm quốc tế. Bắc Hàn là chế độ cộng sản bị khủng hoảng thường trực, lại có thường gây hấn với lân bang và có tham vọng chế tạo võ khí hạch tâm, còn muốn bắn hoả tiễn để bắt bí thiên hạ. Vì vậy, việc Bắc Hàn bắn một loạt bảy hỏa tiễn trong hai ngày liền và dọa là sẽ còn thử nghiệm nữa trong những ngày tới mới khiến thế giới e ngại. Mà vụ khủng hoảng này có khi còn kéo dài nhiều tháng nên mới đáng cần theo dõi.

- Hỏi: Bây giờ ta mới đi vào phần chính của đề tài, vụ Bắc Hàn ảnh hưởng tới kinh tế thế giới như thế nào" Phải chăng vì xứ này cũng có sức nặng kinh tế như Nam Hàn"

- Bắc Hàn là xứ cộng sản lạc hậu, chỉ có 22 triệu dân mà sẵn sàng để hai triệu người chết đói từ năm năm trước trong khi dồn sức chế tạo võ khí hạch tâm. Xứ này chỉ có sản lượng kinh tế cỡ 40 tỷ Mỹ kim, sống nhờ viện trợ và xuất khẩu võ khí tàn sát cho các xứ độc tài và 80% ngoại thương thì tập trung qua ba ngả là Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản. Lợi tức bình quân một đầu người tại Bắc Hàn thì có thể giàu gấp ba một người dân Việt, nhưng sản lượng xứ này chưa bằng 5% sản lượng Nam Hàn. Với xuất nhập khẩu chỉ chiếm 10% tổng sản lượng GDP, Bắc Hàn không là thế lực kinh tế quốc tế, nhưng lại là thế lực gây rối trong bối cảnh có nhiều bất trắc tại Đông Á.

Chúng ta không quên rằng từ năm năm nay, thế giới thực ra đang ở trong thời chiến, từ vụ khủng bố 9-11 xảy ra tại Hoa Kỳ tới chiến cuộc tại Afghanistan, Iraq và những bất ổn gần đây ở Trung Đông vì chuyện Palestine. Đã vậy, kinh tế thế giới cũng gặp nhiều thất quân bình, phản ứng bảo hộ mậu dịch đang lan rộng, dầu thô và thương phẩm đang tăng giá trong khi nhiều trái bóng đầu tư đã căng phồng và sắp vỡ tại Đông Á. Giữa hoàn cảnh ấy, vụ khủng hoảng vì Bắc Hàn bắn hoả tiễn mới là một mối quan tâm kinh tế…

- Hỏi: Một cách cụ thể thì hỏa tiễn Đại pháo đồng của Bắc Hàn tác động thế nào vào kinh tế Đông Á"

- Tôi thiển nghĩ là qua bốn ngả có hiệu ứng tương hằng tương tác với nhau. Khi dầu thô đang lên giá mạnh vì nhiều lý do - từ an ninh đến chuyện cung cầu - thì khủng hoảng Bắc Hàn sẽ tiếp tục đẩy giá dầu thô lên mức báo động. Trước vụ khủng bố năm 2001 tại Mỹ, giá dầu thô nằm dưới 28 đồng một thùng; ngày nay, giá dầu có thể chờn vờn quanh mức 75 đồng và qua năm tới vẫn chưa có chiều hướng giảm thấp dưới 70 Mỹ kim một thùng.

Hiệu ứng thứ hai của vụ Bắc Hàn là luồng trao đổi hàng hoá trên thế giới sẽ trở thành tốn kém hơn và lượng trao đổi có thể giảm nên sẽ ảnh hưởng đến các nước sống nhờ xuất nhập khẩu. Lý do là việc chuyển vận khó khăn nguy hiểm sẽ đòi hỏi tiền bảo hiểm cao hơn. Năng lượng đắt đỏ và ngoại thương bị cản trở là hai ngả dễ thấy nhất của hiệu ứng Bắc Hàn.

- Hỏi: Như vậy, vẫn còn hai ngả ảnh hưởng khác"

- Hiệu ứng thứ ba chính là nguy cơ lạm phát. Tiến trình toàn cầu hoá được đẩy mạnh từ sau 1990 đến nay đã có một hậu quả âm thầm mà mãnh liệt là vật giá hết tăng mà còn giảm, tức là hiện tượng giảm phát. Bây giờ, trong khi cả thế giới đang e ngại nạn lạm phát thì năng lượng và vận chuyển lại tăng giá, hai yếu tố này sẽ càng thổi mạnh giá cả và khiến các ngân hàng trung ương đều nghĩ đến việc nâng lãi suất để ngừa lạm phát. Chúng ta còn nhớ là trong kỳ trước, mình đã nói đến kịch bản bi quan là lãi suất liên ngân hàng tại Mỹ có thể vượt qua 5,50% để lên tới 6%, là chỉ dấu báo hiêụ suy trầm cho Đông Á. Chuyện ấy nay càng dễ xảy ra hơn vì vụ hỏa tiễn Bắc Hàn.

Hiệu ứng thứ tư của vụ Bắc Hàn này là thất thoát tư bản. Đông Á vốn dư thừa hiện kim nhờ tiền rẻ nhưng chu kỳ ấy sẽ sớm chấm dứt vì tư bản sẽ lùi khỏi khu vực này mà chạy về những nơi an toàn và có lợi hơn, là điều chúng ta đã đề cập tới trong một kỳ trước. Bây giờ vụ hỏa tiễn Bắc Hàn càng thúc đẩy hiện tượng ấy, mà ta có thể kiểm chứng được khi thấy các thị trường cổ phiếu bị sụt giá. Giới đầu tư sẽ trước tiên bán những cổ phiếu ít lời nhất và sẽ dời tư bản qua thị trường khác nếu vụ khủng hoảng này không êm.

- Hỏi: Trong hoàn cảnh ấy, thế giới có hy vọng đẩy lui mối nguy này hay không"

- Ngay sau khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn, người ta đã nói đến việc Liên hiệp quốc phải có nghị quyết trừng phạt để chế độ Bình Nhưỡng biết sợ mà chấm dứt hành động phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng tôi thiển nghĩ là việc ấy ít có hy vọng thành công vì hai lý do chính trị và kinh tế.

- Thứ nhất, về lý do chính trị, Trung Quốc và Liên bang Nga chưa chắc đã đồng ý với việc trừng phạt gay gắt, mà họ lại có lá phiếu phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Bắc Hàn là do Liên xô thành lập ra ngay sau Thế chiến II và hiện vẫn có mối quan hệ khắng khít với Bắc Kinh. Hai xứ này vì vậy sẽ chỉ phản đối Bắc Hàn một cách tượng trưng mà thôi.

Thứ hai, về lý do kinh tế thì kinh tế Bắc Hàn chủ yếu là loại tự cung tự cấp, ít lệ thuộc vào việc trao đổi với nước ngoài và chủ yếu chỉ giao dịch với ba nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn như ta vừa nói. Nếu có cấm vận hay phong toả kinh tế thì chỉ có Nhật Bản thi hành, Nam Hàn thì chỉ tạm ngưng viện trợ kinh tế chứ chưa chắc đã sốt sắng chấp hành việc trừng phạt, trừ phi là đảng cầm quyền của Tổng thống Roh Moo Hyun bị thất cử năm tới vì chính sách hoà dịu với Bình Nhưỡng.

- Hỏi: Thế còn trường hợp Trung Quốc" Liệu chính quyền Bắc Kinh có quyết định trừng phạt hay gây sức ép cho Bắc Hàn chấm dứt hành động khiêu khích này hay không"

Đây là điều mà các thị trường và chính quyền trên thế giới đang theo dõi.

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn nói nước đôi để thỏa mãn hai mục tiêu mâu thuẫn. Trung Quốc cần chứng tỏ rằng mình là một quốc gia biết điều và có trách nhiệm đối với các vấn đề nghiêm trọng của thế giới. Nhưng đồng thời cũng muốn chế độ Bình Nhưỡng tồn tại vì sợ khủng hoảng mà bùng nổ thì làn sóng tỵ nạn sẽ túa chạy từ Bắc Hàn qua lãnh thổ của mình. Nhìn trong trường kỳ, Bắc Kinh cũng không mấy ưa một nước Đại Hàn thống nhất theo xu hướng tự do dân chủ và trở thành cường quốc kinh tế cạnh tranh với mình trên vùng Đông Bắc. Ngay trước mắt thì họ cũng cần một xứ gây rối cho các nước mà họ chi phối được để qua đó gây ảnh hưởng trên các diễn đàn quốc tế. Việc kết giao với các xứ hung đồ và độc tài là một lẽ thường của Bắc Kinh.

Khi phải cân nhắc những mục tiêu mâu thuẫn ấy, Bắc Kinh sẽ xoay trở rất tinh vi rắc rối. Mà dù sao thì kết quả của việc trừng phạt kinh tế cũng giới hạn. Chưa kể là chế độ Bình nhưỡng sẽ còn ráo riết tìm cách xuất khẩu võ khí tàn sát hàng loạt này để tìm thêm ngoại tệ. Cho nên, người ta phải nghĩ đến giải pháp khác - kể cả quân sự - mà chẳng có giải pháp nào lại sớm hiệu quả. Vì vậy, việc Bắc Hàn gây rối sẽ còn kéo dài, với hậu quả bất lợi cho kinh tế Đông Á. Trước mắt thì xăng dầu và lạm phát sẽ càng khiến kinh tế của khu vực dễ bị suy trầm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cách đây không lâu tôi có viết một bài đăng trên báo Việt ngữ tựa đề “cần tìm hiểu thêm về đạo Hồi-Giáo” do bởi có đa số người Việt đã quá hiểu lầm về Hồi giáo
Lịch sử mấy nghìn năm dân Việt chống Bắc thuộc, đánh giặc Tàu, ngăn chận ý đồ bành trướng của Đại Hán kể như chấm dứt vào cái ngày định mệnh và ô nhục
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Gần 800 năm trước đây, khi đất nước Việt Nam bị quân Nguyên Mông xâm lược, vua tôi nhà Trần đã có hội nghị Diên Hồng lịch sử để nói lên quyết định đồng tâm nhất
Tôi là một trong những người đã tham gia cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 trước Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối chính quyền Trung Quốc
Giờ phút này đây, tại quê nhà yêu quý, đồng bào quốc nội đang sục sôi biểu tình trước tòa đại sứ và tòa lãnh sự Trung Quốc ở hai đầu tổ quốc
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt
Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại Hà Nội & Sài gòn! Tại sao hy hữu" Vì từ khi lên nắm quyền bính đến nay, mới thấy nhà nước độc tài Việt gian Hà Nội
Sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc của thế giới. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới
Tổng Thống William Jefferson "Bill" Clinton, sinh ngày 19/8/1946, là Tổng Thống thứ 42 của Hoa Kỳ, phục vụ 2 nhiệm kỳ từ 1993 đến 2001.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.