Hôm nay,  

Càn Khôn Đại Nã Di…

28/07/200600:00:00(Xem: 8001)

Nghệ thuật mượn sức đôi khi là nghệ thuật mệt sức. Trong mọi cuộc thương thảo, người ta chỉ đạt kết quả khi đôi bên cùng nhượng bộ… một phần.

Khi cần nhượng bộ, nhà thương thuyết phải nói với đối phương: "đây là cố gắng tột cùng của chúng tôi, chúng tôi mà lùi thêm một bước nữa thì… chúng ta cùng chết." Sau đấy, khi trở về trình bày với đồng chí, đồng nghiệp hay thượng cấp, cũng nhà thương thuyết tuyệt vọng ấy lại nói, tỉnh bơ: "chúng ta chỉ nhường cái phần chiến thuật ngoài da, và địch đã phải chấp nhận những điều kiện chiến lược sinh tử lược hơn."

Vị tương nhiệm hay đối tác ở bên kia tất nhiên cũng trình bày sự thể như vậy ở nhà.

Và thế giới bên ngoài vỗ tay mừng rỡ, có khi cao hứng còn trao giải Nobel cho cả hai!

Sự thật mất mạng

Chuyện thương thuyết hoang đường mà rất thật ấy lại càng ngày càng khó. Vì đã có ống kính truyền hình nay lại thêm ống nhắm của khẩu súng.

Lời phát biểu cho "địch" và "ta" nay đã được truyền thông chòm chõm theo dõi và phóng lên cho toàn cầu - cả ta và địch cùng biết như nhau, cũng gần như tức thời. Và cả ta và địch đều sẽ có phản ứng. Phản ứng dữ dội, nếu chúng ta nhìn vào thế giới Hồi giáo.

Chẳng vậy mà ngày xưa, Henry Kissinger mới chơi trò đi đêm mật đàm. Báo chí hãy ra ngoài, cho chúng tôi nói chuyện… đứng đắn đầu đường! Quả nhiên cái lối ăn nói nước đôi ấy khiến ông lãnh giải Nobel Hoà bình, dù cho đại pháo sau đó bắn nát Hiệp định Paris!

Thời nay, khi vào thương thuyết, người ta phải nói thẳng, và nói thật. Vì vậy mà thương thuyết mới là chuyện vô vọng. Nhiều phần vô bổ, nếu chúng ta nhìn vào thế giới Hồi giáo.

Mà sao cứ phải nói đến thế giới Hồi giáo"

Vì đấy là chuyện nóng giữa những người nóng nẩy chơi bạo, dưới con mắt của truyền thông tò mò và… chuyện gì cũng loan tải.

Chúng ta có thấy ra điều ấy qua bi kịch al-Malaki và chuyện mượn sức - nói cho văn hoa là "tá lực đả lực".

Võ công chính tà hỗn hợp

Thuộc hệ phái Hồi giáo Shia, đương kim Thủ tướng Iraq Nouri Kamel al-Maliki có tiểu sử khả dĩ tóm tắt thảm kịch Iraq.

Sinh năm 1950 tại miền Nam Iraq, ông ta học hành tử tế, tốt nghiệp cử nhân rồi cao học và làm công chức trong bộ Giáo dục. Không chịu được ách độc tài của Saddam Hussein thuộc hệ phái Hồi giáo Sunni, al-Malaki gia nhập đảng Islamic Dawa.

Đây là một đảng chính trị có xu hướng tôn giáo Shia rất mạnh, đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản, chủ trương thế quyền (quyền lực thuộc nhà nước hơn là giáo hội) và đảng Baath của dân Sunni và Saddam Hussein.

Hoạt động quá tích cực trong đảng, al-Maliki bị chế độ Saddam tuyên án tử hình (năm 30 tuổi) và phải vượt biên. Ông sống đời lưu vong và đấu tranh tại Iran và Syria, góp phần thành lập tổ chức Nghị hội Quốc gia Iraq, một lực lượng đối lập với Baghdad được Hoa Kỳ ủng hộ.

Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, al-Maliki hồi hương, từ bỏ đấu tranh hiệu Jawad để trở lại tên mẹ đẻ Nouri và tham gia Hội đồng Giải trừ đảng Baath của chế độ cũ, đồng thời trở thành lãnh tụ số hai của đảng Dawa. Khi lãnh tụ số một là Ibrahim al-Jaafari làm mất lòng các phe Sunni và Kurd nên mất ghế Thủ tướng Lâm thời của Chính quyền Iraq, al-Malaki trở thành ứng viên sáng giá nhất của đảng. Tháng Tư vừa qua, ông được Quốc hội Iraq đề cử là Thủ tướng, một Thủ tướng đầu tiên của xứ Iraq, lần đầu tiên có Hiến pháp và Quốc hội dân cử.

Nouri al-Malaki đã lăn lộn dưới chế độ độc tài Saddam Hussein, đã đấu tranh cách mạng - và bạo động - tại Iran rồi Syria và đi vào lực lượng đối lập đã được Hoa Kỳ tuyển lọc và yểm trợ từ những năm 1992, trước khi hồi hương và lên dần tới vị trí ngày nay. Sau khi góp phần giải trừ tàn dư của đảng Baath và hợp tác với Hoa Kỳ để tiêu diệt cơ sở khủng bố trong khu vựcv Sunni, ông đang phải kiềm chế các lực lượng võ trang của phe Shia để tránh cho Iraq một cuộc nội chiến.

Al-Malaki phải tiến hành việc ấy hầu Hoa Kỳ có thể sớm rút quân, và tiến hành việc ấy khi hai quốc gia đã từng yểm trợ ông là Iran và Syria đang nằm trong ống nhắm của Israel và cả Hoa Kỳ.

Chính khách tà ma

Kinh nghiệm đấu tranh của ông ta, cả văn lẫn võ, cả chính lẫn tà, nhiều vị đại diện dân cử Hoa Kỳ phải học… trăm năm mà không có. Hoa Kỳ là một thế giới khác.

Và nhiều Nghị sĩ Dân biểu Mỹ lại không hiểu điều ấy.

Vì vậy, họ không hiểu được ngón võ thương thuyết kiểu Kissinger, nên mới khóc oà là "nào có biết vậy đâu" sau khi miền Nam Việt Nam trở thành một trương mục cần xóa sổ và đã bị xoá. Một kiểu nhượng bộ ngoài da của Kissinger.

Cũng vì không hiểu được nên họ mới gay gắt với Nouri al-Maliki khi ông này thăm viếng Hoa Kỳ vào tuần qua.

Ông ta bị đả kích là tránh nói đến trách nhiệm của lực lượng khủng bố Hezbollah trong vụ khủng hoảng Trung Đông ngày nay, rồi lại còn đả kích Israel là phản ứng quá mạnh.

May là chỉ có một số nhỏ chính khách Mỹ như vậy, nhất là những kẻ bỗng tự khám phá ra sứ mệnh bảo vệ Israel chống khủng bố Hezbollah, thuộc hệ phái Shia - như al-Maliki - và do Iran yểm trợ, như al-Maliki đã từng được.

Dù sao, chuyện một số chính khách Hoa Kỳ mắc chứng mị dân theo mùa là chuyện vặt.

Định chế xứ này quá mạnh nên không sụp đổ vì trò ấy, mà tiêu biểu là John Dean, người làm nhiều lãnh tụ Dân chủ thấy lúng túng vì đã phóng túng om xòm đả kích Thủ tướng al-Malaki.

Những người phật ý vì Thủ tưởng Iraq không đả kích Hezbollah thì cho cử tri biết là mình không có mặt khi al-Malaki nói chuyện trước lưỡng viện Quốc hội, như Nghị sĩ Barbara Boxer tại California hay Charles Schumer tại New York hay. Họ mong là cử tri gốc Do Thái sẽ nhớ thái độ ấy của họ.

Những người già đòn hơn thì vẫn tham dự, như Nghị sĩ Hillary Clinton, hoặc còn ăn sáng và nói chuyện riêng với al-Malaki như Trưởng khối Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid: "ông al-Maliki có một vị trí rất khó khăn, chúng tôi không đặt vấn đề nữa."

Vì ông hiểu rằng vấn đề nó rắc rối hơn vậy.

Nỗi riêng khép mở

Nouri al-Malaki là Thủ tướng Iraq theo hệ phái Shia và đang có nhiệm vụ dàn xếp mâu thuẫn và xung đột giữa hai phe Sunni và Shia để Iraq hết bị khủng bố là lính Mỹ sớm có ngày về. Trước Quốc hội Hoa Kỳ, ông ta nhấn mạnh đến vị trí tiền đồn chống khủng bố của Iraq và tri ơn nhân dân, chính quyền và binh lính Hoa Kỳ đã có cho Iraq cơ hội xây dựng nền móng dân chủ và hoà đồng.

Giữa biển người Hồi giáo và trong một xứ mà súng đạn còn ồn ào hơn báo chí, làm sao al-Maliki có thể bênh vực Israel và chỉ trích Hezbollah để lãnh hoạ là con đẻ của Mỹ, của Do Thái và phe Sunni, v.v…" Lãnh hoạ và lãnh đạn.

Đối với ông ta, chuyện Iraq là ưu tiên, Israel là phụ. Và những hứa hẹn hay khẳng định của ông với Hoa Kỳ về vị trí của Iraq trong toàn cuộc Trung Đông, bên cạnh Iran, chỉ có thể là niềm riêng, nói khẽ!

Đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad, Zalmay Khalilzad, một người Hồi giáo sinh tại Afghanistan và trở thành một học giả Hoa Kỳ đã cộng tác với các chính quyền Mỹ từ thời Carter đến nay, có nhận xét về Nouri al-Maliki: "ông ta là người  Á Rập (khác với dân Ba Tư của Iran), có tinh thần quốc gia và độc lập". Diễn giải cho đúng ngôn từ ngoại giao ấy: dù theo hệ phái Shia, al-Malaki không là con cờ của Iran. Và hiểu rộng hơn, ông ta không cầm cờ cho Hezbollah tiến hành cách mạng Hồi giáo theo kiểu Shia ở Trung Đông.

Nouri al-Maliki lo chuyện ưu tiên của mình là vãn hồi hoà bình và trật tự tại Iraq.

Chuyện Israel hay Hezbollah là chuyện nóng của nước Mỹ, nhưng ông cố tránh để khỏi bị lôi vào cuộc, ít ra về mặt chính thức. Chuyện tối đa là "phải giải giới các lực lượng võ trang đang khủng bố quốc gia" thì ông ta đã nói trước Quốc hội rồi. Ông còn nêu một lý luận đáng chú ý: "Iraq là mồ chôn quân khủng bố, những kẻ tấn công vào đạo Hồi".

Không thể nào nói mạnh và rõ hơn được.

Vì vậy al-Maliki cũng cáo bệnh để khỏi gặp gỡ truyền thông báo chí tại thủ đô Hoa Kỳ hôm Tứ Tư 26. Báo chí bắn câu hỏi vô tội vạ và trúng trật gì trong cách trả lời tại Mỹ, ông cũng sẽ lãnh đạn ở nhà. Mục đích yêu cầu của ông trong chuyến đi chỉ là thuyết phục Hoa Kỳ đừng tháo chạy theo lối đánh trống bỏ dùi cố hữu!

Chuyện chính ở đây là chuyện mượn sức.

Du Giây Mượn Sức

Cùng ngày 26, khi Nouri al-Malaki phải khéo lách trong bãi mìn chính trị tại Hoa Kỳ thì một vị "đồng đạo" Shia đã lên tiếng với nội dung như phản chiếu lời đả kích ông đang nhận từ một số đảng viên Dân chủ Mỹ.

Lãnh tụ số hai (theo lối nói chính thức) của Iran là Ali Akbar Hashemi Rafsanjani đả kích Saudi Arabia là không dám bênh vực dân Palestine và Lebanon chống lại Israel, y hệt như al-Maliki bị đả kích là không dám bênh vực Israel chống lại Hezbollah! Saudi Arabia là cường quốc Hồi giáo Á Rập theo hệ phái Sunni và là cái gai dưới mắt các Giáo chủ Shia của Iran.

Chuyện bênh hay chống hai phe Sunni và Shia là trò đu giây hàng ngày của al-Malaki. Và Hoa Kỳ rất hiểu vì đã khai thác trò ấy trong tinh thần mược sức bẻ sức.

Từ 2003 đến nay, Hoa Kỳ đã mượn sức các lực lượng Shia tại Iraq để gây sức ép với hệ phái Sunni khiến giới lãnh đạo Sunni phải từ bỏ giải pháp khủng bố (của al-Qaeda và các nhóm xưng danh Thánh chiến) hay phá hoại (của tàn dư đảng Baath và các nhóm Sunni chống Mỹ vì tinh thần độc lập Iraq) và tham gia đấu tranh chính trị trong chính quyền Iraq mới.

Ngày nay, liệu việc mượn sức ấy có gây phản tác dụng"

Các lực lượng Shia, từ Iran tới Iraq và Lebanon, có lập được trận tuyến liên hoành từ Đông qua Tây để khống chế thế giới Hồi giáo và trở thành một kẻ thù của khối Hồi giáo Sunni và một đối thủ của Hoa Kỳ hay không"

Đây không là câu hỏi lý thuyết.

Hoa Kỳ thời Carter đã từng mượn sức các nhóm "Thánh chiến" Sunni tại Afghanistan để làm suy yếu Liên xô và còn mặc nhiên giúp lực lượng Taliban "ổn định" Afghanistan sau khi Liên xô rút quân, với kết qua ra sao thì đã là thời sự! Hoa Kỳ thời Reagan cũng từng mượn sức Iran, và qua Israel cung cấp hỏa tiễn chống chiến xa TOW cho Iran khống chế Iraq. Để đáp lễ, Tehran chỉ thị cho lực lượng Hezbollah thả các con tin Pháp và Mỹ bị họ bắt tại Lebanon.

Bây giờ, sau khi mượn sức Shia tại Iraq, liệu Hoa Kỳ có lãnh hậu quả bất ngờ là khiến phe Shia tại Iran chiếm thế thượng phong, từ Iraq đến Lebanon, và đe dọa cả Israel lẫn các chế độ Sunni thân Mỹ trong khu vực hay không" Một hậu quả khác, lớn lao hơn, liệu hai phe Sunni và Shia có lâm chiến trong thế giới Hồi giáo không"

Nếu người ta có quên chuyện ấy thì hôm sau, ngày 27, lãnh tụ số hai của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri đã vừa kịp lên tiếng xí phần Thánh chiến: khi khủng bố Hezbollah theo hệ phái Shia đã xuống đồng dàn trận chống lại chiến xa Israel thì khủng bố Sunni cũng phải lên tiếng từ trong hang trên núi: nhân danh việc bảo vệ Lebanon và Palestine kêu gọi ra đòn khủng bố chống Israel và Hoa Kỳ.

Cả hai phe Sunni và Shia cùng đòi bảo vệ dân Palestine và Lebanon để tấn công Hoa Kỳ.

Chuyện mượn sức của Mỹ có khi lại thành mệt sức.

Nhưng, có khi nào Hoa Kỳ yên thân nhờ Shia lại gây đại chiến với Sunni chăng"

Một câu hỏi đầy hấp dẫn trong phép tá lực đả lực.

Đại chiến Shia và Sunni"

Iran là một nước có thế lực nhất và đang dùng đòn bẩy Shia để khuynh đảo Lebanon và khống chế Iraq, cường quốc cừu thù lâu đời nay đang nuôi hy vọng dân chủ và hoà giải ngay giữa nguy cơ nội chiến.

Mũi xung kích bén nhạy nhất của Iran là Hezbollah - hãy nhìn sự chật vật của Israel thì rõ. Đây là lực lượng khủng bố có cơ sở toàn cầu và nay lại là một quốc gia trong một quốc gia, với quân đội, đền thờ, nhà thương, nhà băng, nhà trường và thế lực chính trị còn mạnh hơn chính quyền dân cử tại Beirut!

Đã thế, Iran còn sai khiến được một xứ Hồi giáo đầy tham vọng là Syria.

Lãnh tụ Syria thuộc nhóm Allwites của thiểu số Shia trong một quốc gia Sunni và Á Rập. Tham vọng của Syria là trở thành cường quốc khu vực, nếu khống chế được Lebanon, giành lại cao nguyên Golan của Israel và tranh thắng với đảng Baath của phe Sunni tại Iraq. Vì tham vọng đế bá ấy, cha con al-Assads tại Damascus mới liên kết với Iran và góp phần yểm trợ lực lượng Hezbollah do Iran thành lập tại Lebanon.

Với thế lực ấy, Iran chuẩn bị chế tạo võ khí hạch tâm và thách đố các cường quốc Hồi giáo khác trong khu vực, như Saudi Arabia, Egypt và Jordan bằng cách cướp cờ chống Mỹ và tiêu diệt Israel.

Tuy nhiên, nhìn trên toàn cuộc, phe Shia chiếm đa số tại Iran và Iraq nhưng lại là thiểu số trong thế giới Hồi giáo. Và nhìn vào cục diện Trung Đông, Iran theo hệ phái Shia nhưng thuộc sắc tộc Ba Tư. Các nước còn lại thuộc sắc tộc Á Rập. Như vậy, dân Á Rập trong khu vực sẽ trung thành với các giáo chủ Shia hơn là các lãnh tụ Á Rập của mình" Và Syria có chơi dại mà đứng về phe Shia và Ba Tư chống lại cả khối Á Rập và dân Sunni hay không"

Nếu thâu tóm những mấu chốt phức tạp này vào một chuyện thì phong trào liên kết các lực lượng Shia do Iran đề xướng có vượt qua nổi những khác biệt hay mâu thuẫn về chủng tộc không"

Dân Á Rập vốn thù ghét Israel, nhưng cũng không mấy yên tâm với sự bành trướng quá lộ liễu của hệ phái Shia do Tehran điều khiển đằng sau. Và dù có say đòn hay say đạo đến mấy các Giáo chủ Tehran cũng chẳng dại gì tuyên chiến với cả khối Á Rập Sunni, vốn không thích Israel nhưng lại thân Mỹ.

Thành thử, nguy cơ đại chiến Hồi giáo giữa hai phe Shia và Sunni khiến Hoa Kỳ có thể rảnh tay kết thúc hồ sơ Iraq là một giả thuyết mơ hồ. Ngược lại, xung đột giữa hai phe Sunni và Shia sẽ có một địa bàn thuận lợi nhất, và thu gọn vào đấy. Đó là xứ Iraq!

Iraq dưới hai lằn đạn.

Trong truyện võ hiệp Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung, Trương Vô Kỵ đã học Càn Khôn Đại Nã Di tâm pháp để mượn sức dời vách núi mà thoát ra ngoài. Vô Kỵ không biết rằng nàng a hoàn Tiểu Siêu giúp mình học võ lại là công chúa Ba Tư.

Và võ công mượn sức ấy xuất phát cũng từ Ba Tư!

Kim Dung viết truyện võ hiệp cứ như một nhà bình luận chuyện quốc tế!

Cực kỳ cao thâm về kỹ thuật "kiếm tông" với võ khí siêu đẳng, Hoa Kỳ có khi lại không hiểu gì về "khí tông", về nguyên khí nội lực, cho nên đã tá lực mà bị tá hoả. Nếu có đọc Kim Dung, có khi họ biết thêm rằng Vô Kỵ sở dĩ vận dụng được Càn Khôn Đại Nã Di là nhờ đã có nội lực từ trước, nhờ Cửu Dương thần công.

Đó là truyện vui để tiêu khiển qua ngày, nhuung cũng nói lên vài sự thật về đại thế chính trị.

Có lẽ Nouri al-Malaki hiểu rõ điều ấy nên biết rằng xứ mình chứ không phải toàn khối Hồi giáo mới là nơi thư hùng giữa hai phe Sunni và Shia. Thiên hạ sẽ mượn sức dân Iraq để giết nhau cho sáng danh Thượng đế, theo đúng Thánh hoả lệnh Ba Tư.

Vì vậy, ông không nói thẳng nói thật với các chính khách và truyền thông Hoa Kỳ.

Dại gì!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.