Hôm nay,  

Một Chủ Nghĩa Dân Tộc Mới Tại Á Châu?

01/07/200300:00:00(Xem: 24674)
Cách đây sáu năm, cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á khởi đầu với vụ biến động tài chính mùng hai tháng Bảy năm 1997 tại Thái Lan. Ngày nay, cả khối Đông Á chưa hoàn toàn phục hồi, nhưng bài học của cuộc khủng hoảng có thể dẫn tới một chủ nghĩa dân tộc mới cho các nước liên hệ.
Nhắc lại biến cố này, Đài RFA đã trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về viễn ảnh của một chủ nghĩa dân tộc mới về kinh tế....
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ tại Đông Á, sáu năm về trước vào đúng ngày này, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad kết án giới đầu tư quốc tế là gây ra biến động tài chính tại Đông Nam Á. Tuần qua, cũng ông Mahathir đã lại đả kích Tây phương về tội đã qua là xâm lược và bành trướng toàn cầu. Vì vậy giới quan sát quốc tế cho rằng một trong những hậu quả của cuộc khủng hoảng Đông Á là sự tái xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc tại Á châu, điều đó đúng hay sai"
-- Thủ tướng Mahathir phát biểu như vậy trong Đại hội đảng hàng năm của ông, nên người ta cần đặt lời phát biểu của ông vào khung cảnh đó. Nói chung, nhiều giới lãnh đạo ưa tìm ra đối tượng ngoại quốc để đổ lỗi về các vấn đề mình gặp. Khi Malaysia và nói chung các xứ Đông Nam và Đông Bắc Á phát triển nhanh vượt bực nhờ đầu tư nước ngoài thì họ dễ tạm quên tinh thần bài ngoại; khi gặp khó khăn thì tinh thần tiêu cực đó được khoác áo chủ nghĩa dân tộc để tranh thủ hậu thuẫn của người dân và khỏa lấp trách nhiệm của nhà nước. Đây là một thái độ không có lợi ích thực tế cho các nước trong khu vực.
Hỏi: Nhưng thực tế cho thấy trong vụ khủng hoảng 1997-1998 Đông Á có bị chấn động bởi những yếu tố ngoại nhập và điều đó mới giải thích phản ứng bài ngoại nói trên chứ"
-- Đúng như vậy, nhưng các nước Đông Á đã lầm nguyên nhân với hậu quả. Nguyên nhân của vụ khủng hoảng chính là chiến lược phát triển kinh tế Đông Á có thời được coi là sự kỳ diệu Đông Á. Chiến lược đó đã hết tác dụng, nhưng thay vì nhìn vào cái gốc đó, người ta lại nhìn vào cái ngọn là giới đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư cũng chẳng phải là Tây phương. Vấn đề ở đây là chiến lược phát triển quá chú trọng đến thị trường xuất khẩu, và rập khuôn theo quy trình sản xuất Tây phương để nước nào cũng dồn sức vào ngành chế biến công nghiệp với lực lượng lao động dồi dào và lương rẻ. Bên cạnh đó, chính quyền các nước, từ Nhật trở đi, còn tích cực yểm trợ kế sách này, và kết hợp ba yếu tố chủ động là nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng để thực hiện cho bằng được lối phát triển hướng ngoại như vậy, bất kể tới doanh lợi hay rủi ro. Khi có sự cấu kết, ta có nạn tham nhũng, có phản ứng kinh doanh đầy rủi ro lỗ lã mà không ai sợ vì tin rằng có chính quyền hỗ trợ ở đằng sau. Nguyên nhân chính của vụ khủng hoảng nằm ở đó và vấn đề của Đông Á ngày nay là chưa hồi phục được mức sống đã có trước 1997 mà chỉ có một nền công nghiệp “ngoài da”, quá lệ thuộc vào đầu tư quốc tế và vào thị trường xuất khẩu trong khi các cơ sở bản xứ sản xuất cho thị trường nội địa lại bị lãng quên, có khi bị chèn ép. Đó là hoàn cảnh của các tiểu doanh thương của tư nhân tại Việt Nam, hoạt động cho thị trường tiêu thụ trong nước chẳng hạn. Nói vắn tắt, người ta giàng cỗ máy kinh tế vào các yếu tố bên ngoài cho nên khi bị biến động thì lại đổ lỗi cho ngoại quốc.
Hỏi: Như vậy, ông cho rằng chiến lược phát triển Đông Á đã hết công hiệu"
-- Nếu nói thật vắn tắt thì đúng như vậy vì hai lý do chính. Về chủ quan thì sau giai đoạn tăng trưởng dài, mức sống dân cư có cải thiện nên lợi thế nhân công rẻ của thời 1970 đã không còn; về khách quan thì có sự xuất hiện của Trung Quốc với lực lượng lao động rẻ hơn và đông hơn gấp bội. Trong thời thịnh đạt của chiến lược Đông Á, các nước mới chỉ công nghiệp hóa ngoài da, là làm gia công cho giới đầu tư nước ngoài để xuất cảng ra ngoài hoặc xuất cảng cho nhau. Họ có, thí dụ như, “sản phẩm chế tạo tại Malaysia” chứ chưa có “sản phẩm của Malaysia”, do khả năng tổ chức và trình độ công nghệ bản xứ vẫn còn thấp. Khi thấy thị trường Trung Quốc rẻ hơn, giới đầu tư chuyển cơ sở vào Hoa lục là kinh tế Đông Á bị khốn đốn mà không có khả năng leo lên cái cấp sản xuất tinh tế hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn. Tại Đông Á, may ra có Singapore, Đài Loan hay Hàn Quốc là kịp thoát khỏi tình trạng này. Ngày nay, Trung Quốc là nơi xuất khẩu nhiều sản phẩm điện tử nhất Á châu vào Mỹ, điều đó, vụ khủng hoảng 1997 có thể là dấu hiệu tiên báo mà nhiều nước lại chưa nhìn ra.
Hỏi: Và chủ nghĩa dân tộc trong hoàn cảnh này không giải quyết được gì phải không"

-- Thực ra, ta không nên bi quan quá đáng. Chủ nghĩa dân tộc đó vẫn cần thiết, nhưng nên được đặt đúng chỗ. Như tuần trước, khi nói về sự hình thành của các Chaebols Hàn Quốc hoặc các Tổng công ty 91 của Việt Nam, ta gọi đó là chủ nghĩa dân tộc đặt sai chỗ, để tiếp tục một chiến lược phát triển đã hết tác dụng. Hoặc loại khẩu hiệu chính trị của lãnh đạo nhằm đả kích xứ khác, nhất là các nước Tây phương, là theo đuổi chủ nghĩa thực dân mới hay cũ gì đó... đấy chỉ là biểu hiệu của tinh thần bài ngoại khi thất thế. Nếu đặt đúng chỗ thì chủ nghĩa dân tộc đó cần xét lại từ gốc rễ xem là làm thế nào xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân và giành lại được nhiều quyền quyết định về sản xuất cho người dân trong nước, thay vì bị lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài, vào thị trường xuất khẩu và chịu ảnh hưởng không đỡ nổi của những chu kỳ kinh doanh lên hay xuống từ ngòai. Khi kinh tế Mỹ, Nhật hay Âu châu suy trầm và mua ít hơn thì chẳng phải vì mấy xứ đó muốn bóc lột các nước nghèo và hạn chế nhập khẩu mà vì mình để bị lệ thuộc quá nặng vào các thị trường đó, trong khi xao lãng thị trường nội địa. Trường hợp này đáng chú ý cho các quốc gia có dân số đủ đông -như Việt Nam- để số cầu nội địa có thể là lực đẩy bổ sung cho thị trường xuất khẩu. Tôi thiển nghĩ là sớm muộn gì thì các xứ Đông Á cũng sẽ tìm ra một chủ nghĩa dân tộc trưởng thành về kinh tế, Thái Lan có lẽ đã đi bước đầu.
Hỏi: Ông hay nói về Thái Lan, họ có loại kinh nghiệm gì mà Việt Nam có thể học được"
-- Khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra của Thái nhậm chức vào đầu năm 2001, ông ta cũng có khẩu hiệu sặc mùi dân tộc như Thủ tướng Mahathir, nhưng, đó là lối vận động chính trị của ông ta. Ưu điểm của Thaksin là ông ta hoạt động trong doanh trường trước khi là chính trị gia nên tính toán thực tế hơn để khỏi bị khẩu hiệu chính trị tự mê hoặc mình. Dưới sự lãnh đạo của ông, Thái Lan đã tự kiểm điểm để thấy trước tiên sự bất toàn của chiến lược Đông Á. Chiến lược đó rập khuôn quy trình sản xuất Tây phương ở một cấp thấp hơn và bán cho Tây phương loại mặt hàng rẻ hơn vì thâm dụng nhân công mà Tây phương hết muốn làm nữa. Thế rồi, tiến theo bậc thang của Tây phương, các nước cũng học luôn cả lề lối sinh hoạt của họ mà lãng quên cái gọi là bản sắc dân tộc và nhất là một thành phần dân số đông đảo không sống trong khu vực tôi xin tạm gọi là phục vụ thị trường nước ngòai. Xã hội vì vậy phát triển theo hai hướng trong ngoài, bên ngoài chạy nhanh hơn bên trong, và khi thị trường bên ngoài suy sụp, hoặc gặp cạnh tranh lớn từ phía Hoa lục chẳng hạn, kinh tế bị khủng hoảng và xã hội cũng bị biến động.
Hỏi: Từ những lượng định đó, Thái Lan đã làm những gì theo hướng nào thưa ông"
-- Tôi thiển nghĩ rằng mỗi quốc gia hay dân tộc lại có đặc tính văn hóa và kinh tế khác biệt mà mình không thể rập khuôn bắt chước. Từ nguyên tắc đó, xin nói sơ về chiến lược mà Thái Lan đang theo đuổi và nhiều xứ khác đang theo dõi để học hỏi hay thử nghiệm. Thứ nhất, họ không đả phá kinh tế thị trường và lợi ích của toàn cầu hóa hoặc đả kích giới đầu tư nước ngoài về những vấn đề của mình rồi giao cho chính quyền trách nhiệm lãnh đạo công cuộc phát triển. Điều này, Việt Nam rất nên chú ý. Thứ hai, họ nhìn từ trong ra ngoài, từ nhu cầu quốc dân ra môi trường quốc tế thay vì nhìn ngược lại, để tìm xem ưu thế của mình là gì thay vì chỉ lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Thứ ba, đối chiếu các yếu tố trong ngoài, họ tìm một thế cạnh tranh tinh tế hơn là lối cạnh tranh của chiến lược cũ, là dựa trên sản phẩm đồng dạng mà rẻ hơn chẳng hạn. Thứ tư, từ lượng định đó, họ thấy là nguồn nhân lực trong nước chưa đủ tinh vi để có thể cạnh tranh hữu hiệu, cho nên giáo dục và thông tin phải là ưu tiên. Sau đó, và bước qua lãnh vực hành động, họ tìm cách khai thác những ưu thế nội tại của xứ sở, thí dụ như đặc tính văn hóa, địa dư, lịch sử, tài nguyên, tay nghề, v.v... để phát triển một số ngành nghề có khả thu thu hút ngoại tệ, kể cả du lịch văn hóa cấp cao. Từ đó, và đây là yếu tố thứ sáu, họ tìm cách đa năng hóa và đa diện hóa hoạt động sản xuất, cụ thể là mở ra hai hướng phát triển, vừa nâng cao khả năng tiêu thụ và sản xuất nội địa, vừa tinh vi hóa khả năng cạnh tranh ở bên ngoài.
Hỏi: Câu hỏi cuối ở đây, Việt Nam đã cần học hỏi kinh nghiệm này chưa và điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến một chủ nghĩa dân tộc mới như ông trình bày ở trên"
-- Tôi thiển nghĩ rằng giới lãnh đạo Việt Nam tự cho mình là vô địch về chủ nghĩa dân tộc, điều tai hại là nó bị đặt sai chỗ; và sau khi đổi mới, ta vừa tân trang chủ nghĩa đó cho hiện đại hơn để góp mặt với thế giới thì môi trường thế giới đã lại thay đổi. Việc tân trang đó coi như vô hiệu và càng tăng trưởng cao trong vài năm tới là càng sớm gặp loại vấn đề các lân bang đã thấy và đang muốn sửa. Giúp cho người dân thấy trước vẫn có lợi hơn và có tinh thần dân tộc hơn là đòi người dân phải chạy theo sự lãnh đạo của mình để đâm vào những bế tắc mà các nước khác đã gặp. Nói cho gọn thì “bàn tay vô hình” của thị trường có những lợi ích nhất định của nó, nhưng sẽ không có tác dụng lâu dài nếu gặp bàn chân thô bạo của chính quyền, cứ ngoan cố đẩy dân vào những chiến lược đã bế tắc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sáng Thứ Tư 6/12/2006, Nhóm Nghiên Cứu Iraq (Iraq Study Group – ISG) gồm 10 nhân vật thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ (1) sau khi chính thức chuyển cho tổng thống Bush
Sáng Thứ Tư 6/12/2006, Nhóm Nghiên Cứu Iraq (Iraq Study Group – ISG) gồm 10 nhân vật thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ (1) sau khi chính thức chuyển cho tổng thống Bush
Cộng sản Việt Nam luôn tự hào đã đánh thắng Pháp xâm lược và “Đế quốc Mỹ” sừng sỏ nhất thế giới, nhưng lại đang run sợ tột cùng trước đòi hỏi tự do, dân chủ của người dân
Ủy ban Nghiên cứu Iraq do Viện Hoà bình Hoa Kỳ USIP thành lập từ một đề nghị của Dân biểu Cộng hoà Frank Wolf (với hậu thuẫn của Quốc hội và sự đồng ý của Hành pháp) đã mất chín tháng
Cho đến ngày nay, nhân quyền được hiểu một cách rộng rãi là quyền của con người được sống trên hành tinh nầy. Đó là những quyền tự do căn bản đã được hầu hết
Bộ trưởng Ngân khố Hoa kỳ sang Bắc Kinh vào tuần tới, vì trữ tệ của Trung quốc đã lên tới cả ngàn ngàn Mỵ kim, còn đồng Mỹ kim bị sụt giá. Ben Bernanke, chủ tịch ngân khố liên bang
Trong kỳ họp Hội nghị Thượng Đỉnh APEC - 14 diễn ra vừa qua ở Việt Nam, đối với chúng tôi là những nạn nhân của chiến dịch càn quét mà công an CSVN lùng bắt. Với lý do đảm bảo
Trung quốc nổi lên như là một siêu cường kinh tế, khiến cho chính quyền Trung quốc phải nghĩ lại một số vấn đề nằm trong chính sách đối ngoại ưu tiên theo phong thái hảo hán.
Gạo là lương thực chính yếu cho phân nửa nhân loại, nhưng các nước sản xuất được bao nhiêu thì tiêu thụ gần hết tại chỗ nên chỉ còn một tỷ lệ nhỏ được buôn bán ra thị trường quốc tế
Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Và đã đến lúc chính phủ Hoa Kỳ thấy rằng nhìn nhận sự tác hại của chất Dioxin quân đội Hoa Kỳ đã dùng trong chiến tranh là một thái độ hòa giải với nhân dân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.