Hôm nay,  

Hậu Quả Dịch Cúm Gia Cầm

10/02/200400:00:00(Xem: 13750)
Tin tức hàng ngày cho thấy dịch cúm gia cầm đang có xu hướng hoành hành nặng hơn. Hậu quả của trận dịch sẽ ra sao đối với sinh hoạt kinh tế tại Việt Nam" Những kỹ nghệ nào có thể bị thiệt hại dây chuyền"
Đài RFA thảo luận cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài này như sau.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, như đã dự đoán, ta thấy trận dịch cúm gia cầm đang có hướng trầm trọng hơn mỗi ngày, vì vậy, trong chương trình hôm nay, xin ông hãy nêu ra các dữ kiện cho phép phỏng tính hậu quả của dịch bệnh đối với sinh hoạt kinh tế.
-- Tất nhiên là chúng ta phải cố lượng định hậu quả của dịch cúm gia cầm vì đây là một vấn đề trầm trọng dù cho đến nay ta chưa có đủ mọi dữ kiện làm cơ sở dự đoán và tình hình còn biến chuyển gần như mỗi ngày. Cho nên, mình chỉ có thể nêu được một số chiều hướng chính yếu, với một số giả thuyết. Trước hết, cho đến Thứ Hai, ta thấy đã có 14 trường hợp tử vong trong 17 ca được phát hiện, một tỷ lệ tổn thất rất lớn, đến hơn 80%, cho nên đây là mấu chốt đáng quan tâm nhất. Kế tiếp, các cơ quan hữu trách, cả Việt Nam lẫn quốc tế, đều chưa thể thống nhất quan điểm về nguyên nhân lẫn hậu quả, nên mình chỉ có thể nêu ra một số giả thuyết mà thôi. Căn cứ trên đó, mình có thể định ra một số kịch bản, từ nhẹ đến nặng, từ lạc quan đến bi quan.
Hỏi: Ông thấy là mình có thể nêu ra những giả thuyết như thế nào"
-- Về mặt khoa học, ta có thể gặp ba trường hợp nặng nhẹ khác nhau. Giả thuyết thứ nhất, thuộc kịch bản lạc quan, là vi khuẩn của chủng loại A chỉ lây lan từ gia cầm tới những ai tiếp cận với các loài gà vịt, chim chóc. Một khi tiêu hủy được các loại gia cầm hoặc nói chung các loài có lông vũ trong từng vùng hiện dịch thì mình đã thoát được một mối họa lớn. Giả thuyết thứ hai là dịch cúm có thể lây nhiễm từ gia cầm qua gia súc, như heo bò, và sẽ gây hậu quả trầm trọng hơn. Cho đến nay, các cơ quan hữu trách như Lương nông FAO hay Y tế Thế giới WHO và Bộ Nông Nghiệp cùng Cục Thú y của Việt Nam chưa xác định được trường hợp nhiễm dịch ấy nên ta thực chưa rõ. Giả thuyết thứ ba là nếu dịch bệnh biến dạng để từ gia cầm nhảy qua người và từ người lây qua người thì ta gặp trường hợp nguy kịch nhất vì hậu quả lan rộng ra ngoài khu vực chăn nuôi mục súc. Đó là về khoa học khách quan. Về mặt tổ chức chủ quan, thì ta cũng có nhiều giả thuyết từ thấp đến cao, là khả năng ứng phó của chính quyền các ngành các cấp tại Việt Nam để thứ nhất chặn được sự lây lan của dịch, thứ hai khôi phục được sinh hoạt sản xuất gia cầm và gia súc, và thứ ba, diệt trừ được những hậu quả lâu dài của dịch bệnh để không có trường hợp tái phát trong tương lai lâu dài. Cho đến nay, ngoài những chỉ thị có tính động viên nghĩa là tuyên truyền, ta chưa thấy là về mặt tổ chức, Việt Nam đã có thể sớm khắc phục được cả dịch bệnh lẫn hậu quả. Chưa kể là ngay trong chính phủ cũng đã có những tiếng nói trái ngược về phương cách đối phó, và thực tế thì có khi người dân chưa đánh giá được hậu quả nghiêm trọng về dài. Nói chung, vì lợi ích ngắn hạn, như nhà nước ém tin và giải quyết chậm lụt trong khi người dân lại tiếc của và lo việc diệt trừ một cách qua quít, có khi người ta làm dịch bệnh truyền nhiễm rộng lớn hơn và lâu hơn.
Hỏi: Trong giả thuyết đầu, mà ông gọi là kịch bản lạc quan, thì những gì có thể xảy ra"
-- Theo giả thuyết này thì dịch cúm chỉ lây lan trong gia cầm và chỉ gây nguy hiểm cho những ai tiếp cận với gia cầm hay chim chóc bị nhiễm dịch. Trường hợp này mà xảy ra thì trong vòng từ ba đến sáu tháng, tức là trong một hai quý, Việt Nam đã có thể đẩy lui được dịch bằng cách tích cực tiêu hủy gia cầm trong vùng bị dịch và tổn thất chỉ là sự suy sụp của ngành chăn nuôi sản xuất gà vịt. Nếu chính quyền khéo tổ chức thì sau ba tháng, mọi chuyện đã có thể êm, như dịch Sars năm ngóai. Tôi không tin vào khả năng tổ chức đó mà dự đoán một thời hạn lâu hơn. Hậu quả là kỹ nghệ chăn nuôi gia cầm của Việt Nam bị sụt trong sáu tháng liền và thành phần dân cư ở nông thôn bị thiệt hại nặng nhất vì gia cầm là nguồn lương thực và lợi tức đáng kể. So với Thái Lan, là một nước xuất khẩu gia cầm quan trọng của thế giới và hàng đầu của Đông Á, thì thiệt hại về ngoại thương không đáng kể bằng, nhưng với mức sống dân cư còn quá thấp, thì tổn thất đó vẫn là lớn, mà cho đến nay, ta chưa có đủ cơ sở để định lượng, tức là tính ra cho chính xác là bao nhiêu. Một cách chủ quan và phải nói là hơi lạc quan, tôi thiển nghĩ xác suất của giả thuyết này là khoảng 50%, nghĩa là khá cao vì có hy vọng thoát nạn chừng 50%.
Hỏi: Bước qua giả thuyết thứ hai, là kịch bản gọi là trung trung, thì sự thể sẽ ra sao"

-- Vi khuẩn thuộc chủng loại A có thể từ gia cầm nhảy qua gia súc và tổn thất sẽ lan rộng từ gà vịt chim chóc lên tới heo bò. Trường hợp này mà xảy ra, thời gian ngăn chặn được dịch bệnh có thể kéo dài qua đến năm sau, và toàn khu vực chăn nuôi mục súc có thể bị thiệt hại suốt năm. Nếu căn cứ trên các thống kê còn quá thô thiển và chưa cập nhật mà mình có thì ngành chăn nuôi của Việt Nam, cả chính thức lẫn bán chính thức, đóng góp chừng một phần năm của sản xuất nông nghiệp, tương đương với từ 4 đến 5% của tổng sản lượng nội địa là GDP. Trong giả thuyết này thì đà tăng trưởng kinh tế của năm 2004 sẽ sụt chứ không thể đạt được chỉ tiêu hơn 7% hay gần 8% mà Việt Nam đã đề ra. Hậu quả nguy kịch đến mức nào và có kéo dài qua năm sau chăng thì còn tùy khả năng tổ chức của chính quyền trong những tháng sắp tới. Cho đến nay, các cơ quan hữu trách chưa thống nhất được quan điểm về việc dịch cúm có thể lây từ gà vịt qua heo lợn hay không nên mình chưa rõ hậu quả sẽ ra sao. Tuy nhiên, với trường hợp dịch bệnh lở mồm long móng đã được phát giác tại Quảng Nam, nhồi trong một môi trường dễ lây nhiễm, thì tôi thiển nghĩ là xác suất của giả thuyết này không phải là nhỏ, có thể lên tới 30%.
Hỏi: Bây giờ, ta nói đến giả thuyết bi quan nhất, dịch bệnh từ người lan qua người....
-- Đây là kịch bản đen tối hơn cả, với xác suất dù sao cũng thấp hơn hai giả thuyết trên, chỉ khoảng 20% là cùng. Trong trường hợp này, ngoài số tử vong có thể rất cao, ta còn nên e ngại yếu tố tâm lý là sự hốt hoảng của dư luận ở trong và ngoài nước sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kỹ nghệ du lịch, các dịch vụ ăn uống và bán lẻ lẫn các ngành vận chuyển hàng hóa và người. Yếu tố hốt hoảng hay không tùy thuộc ở phẩm chất của thông tin, nghĩa là tin tức có đáng tin hay không, có khả tín không, và ở khả năng ứng phó của chính quyền các ngành và các cấp. Chính quyền Việt Nam có đặc tính là hồn nhiên tin vào lập luận tuyên truyền của mình mà bất kể tới phản ứng thực tế của người dân, nên lối nói theo nghị quyết tất nhiên là bị phản tác dụng. Còn về khả năng ứng phó thì nếu không có sự lên tiếng khả tín của các cơ quan quốc tế qua những khuyến cáo được đưa ra, người dân cũng sẽ không tin. Vì thiếu niềm tin nên dân chúng ưa suy luận theo giả thuyết bi quan nhất. Nếu trường hợp này mà xảy ra, ngoài khu vực chăn nuôi và mục súc sẽ bị thiệt hại, kỹ nghệ du lịch, khách sạn, hàng không, dịch vụ hàng quán ăn uống và cả các ngành bán lẻ đều sẽ bị ảnh hưởng, làm đà tăng trưởng của tổng sản lượng GDP có thể sụt tới 1-2%, tức là thất thâu mất ít nhất một hai tỉ Mỹ kim, là một con số rất lớn so với mức lợi tức quá thấp của Việt Nam. Ta sẽ biết được sự thể ra sao nội trong một hai tháng nữa. Việc chính quyền Việt Nam đột nhiên hâm nóng vụ chất độc da cam bằng cách cho người đệ đơn kiện tụng, dù độc chất này thực tế là hết tác dụng bảy năm sau khi sử dụng, tức là trễ nhất vào năm 1980 hơn 20 năm trước, có thể cho thấy một cách chuyển dịch mối quan tâm của dư luận qua lãnh vực khác nhưng vẫn không thể khỏa lấp đuợc vấn đề.
Hỏi: Thưa ông, ngoài những tổn thất về sản lượng và lợi tức như vậy, người ta còn phải dự đoán những hậu quả gì khác"
-- Dịch cúm gia cầm này là một loại thuế trời đánh và đánh trên thành phần dân cư ở nông thôn, với hậu quả lan rộng sẽ là nạn lạm phát. Vì sản xuất giảm và vì yêu cầu dinh dưỡng được chuyển từ gà vịt qua các loại lương thực khác, như thịt heo bò và nhất là thủy sản, ta sẽ thấy giá cả nhiều mặt hàng lương thực gia tăng. Trong lọai kịch bản bi quan, ta còn có nạn đầu cơ tích trữ. Về phương diện chính sách, nếu nhà nước muốn vừa chặn đứng dịch bệnh, vừa khuyến khích dân chúng chấp hành kỷ luật cách ly và phòng ngừa, vừa chuẩn bị kế hoạch khôi phục sản xuất gia cầm và gia súc sau cơn khủng hoảng, thì ngân sách quốc gia sẽ phải tăng chi, cùng với khối tiền tệ khả dụng do hệ thống ngân hàng bơm ra để bồi thường và khuyến khích sản xuất, v.v... Ngần ấy biện pháp đều có hậu quả trước mắt là đẩy mạnh lạm phát và bội chi ngân sách, với hiệu quả lâu dài là giảm bớt được mức độ thiệt hại trong sản xuất để tình hình năm 2005 sẽ khả quan hơn. Yếu tố then chốt ở đây là khả năng của nhà nước khi phải chủ động ứng phó với khủng hoảng bất ngờ và tác động vào xã hội để giảm thiểu thiệt hại. Còn hậu quả lâu dài hơn, thí dụ như gia cầm bị nhiễm bệnh không bị tiêu hủy mà chỉ được chôn vùi tạm bợ cho phải phép và dịch bệnh lại tái phát dưới dạng khác, thì chúng ta chưa biết được. Có khi năm bảy năm sau mới lại bị một trận khác mà không biết rằng nguyên do đã được gieo rắc từ năm nay...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc biểu tình của đồng bào Tiền Giang càng ngày càng lan rộng mang tính bức xúc lên đến đỉnh điểm. Dân oan khiếu kiện các tỉnh cũng đổ dồn về thành phố
Đầu năm 2007, Tổng thống Bush đề nghị một chiến lược khác cho Iraq, với một bộ chỉ huy mới và hai vạn quân được tăng phái để diệt trừ khủng bố và phiến loạn
Suốt 32 năm thống trị tám mươi triệu đồng bào Việt Nam, Nhà cầm Quyền Hà Nội đã dùng chính sách lao tù , bắt bớ đễ đe dọa
Sau sự sụp đổ của chính quyền Sàigòn tháng 4 năm 1975, hơn nửa triệu người Việt nam
Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước ” là khẩu hiệu tuyên truyền được lập đi lập lại nhiều lần từ Đại hội đảng X năm 2006
Cuộc 'tọa kháng' để đòi chính quyền Hà Nội phải trả lại ruộng đất nhà cửa đã bị nhà nước cướp đoạt bất công trước văn phòng quốc hội II tại Sài Gòn
Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, lúc đó là Tỉnh Trưởng của tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam Cộng Hòa, đề nghị tôi gặp GS Huy để biết thêm về chính trị Việt Nam
Hôm Thứ Sáu mùng sáu, nhân chuyến thăm viếng Ấn Độ, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói đến việc nâng cấp quan hệ Việt-Ấn
Những thay đổi trong đời sống dù to tát hay nhỏ nhoi cũng có thể ảnh hưởng không nhiều thì ít đến chúng ta. Lúc tuổi cao, những thay đổi này càng
Nếu không hiểu rõ giá trị truyền thống của các tôn giáo bạn, thì chúng ta rất khó bày tỏ lòng kính trọng các tín ngưỡng khác biệt
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.