Hôm nay,  

Hoa Kỳ Và Trung Quốc

13/12/200600:00:00(Xem: 9374)

Hoa Kỳ và Trung Quốc

...Mỹ là nơi có nhiều cơ hội đầu tư an toàn, có lợi nhất nên dù có ghét Mỹ thì nhiều nước cũng không thể gây họa cho mình bằng cách tẩy chay đồng đô la...

Một phái đoàn lãnh đạo kinh tế Hoa Kỳ sẽ thăm viếng Trung Quốc trong bối cảnh đáng chú ý là tiền Mỹ bị tuột giá so với nhiều ngoại tệ khác khiến chế độ ngoại hối của Bắc Kinh có thể sẽ lại là đề mục được nêu lên trong hai ngày hội nghị.

Mỹ và Trung Quốc đều là hai nước mà nội tình và chính sách của họ có ảnh hưởng đến Việt Nam về nhiều mặt, nên tuần này Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về sự kiện đó qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện sau đây.

- Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong hai ngày 14 và 15 tới đây, một phái đoàn gồm các viên chức lãnh đạo kinh tế Mỹ sẽ qua thăm viếng Trung Quốc. Chuyến công du này xảy ra khi đồng Mỹ kim bị tuột giá nặng cho nên có thể khơi dậy một đề mục gây nhiều mâu thuẫn giữa hai nước là chế độ ngoại hối của Bắc Kinh.

Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi đề nghị là ta cùng trao đổi về cuộc thăm viếng này trong bối cảnh của quan hệ kinh tế khá đặc biệt giữa hai nước. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là, vì sao tiền Mỹ lại mất giá trên các thị trường quốc tế"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Cho đến tuần qua, đồng Mỹ kim đã tuột giá mạnh so với nhiều ngoại tệ khác như đồng Euro Âu châu, đồng bảng Anh, đồng Yen Nhật và nhiều đơn vị tiền tệ Á châu khiến các thị trường quốc tế đều quan tâm theo dõi.

Tìm hiểu vì sao Mỹ kim mất giá, chúng ta chỉ có thể ngắn gọn nêu ra một số lý do mà thôi. Nói về cái nhân, tức là yếu tố thuộc về cơ cấu trường kỳ, thì khi một quốc gia bị nhập siêu, mua nhiều hơn bán, quá nhiều và quá lâu thì trị giá đồng bạc của xứ ấy phải giảm sút. Mỹ bị nhập siêu đến hơn 6% tổng sản lượng GDP nên về lâu dài đồng Mỹ kim phải tuột giá.

Về cái duyên, tức là yếu tố thời cơ trong một thời gian nhất định, khiến việc Mỹ kim tuột giá thì ta phải kể ra rất nhiều lý do. Hoa Kỳ đã hết tăng lãi suất từ năm tháng nay sau 17 đợt liên tục từ tháng Sáu năm kia và các thông tin kinh tế về quý ba đã xác nhận điều mà thị trường lo ngại và diễn đàn này đã đề cập tới là kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nhẹ từ cuối năm nay qua tới năm sau.

Thêm vào đó, kinh tế Âu châu, đặc biệt là của Đức đã hưng chấn cao hơn dự đoán và nói chung là vì có quá nhiều vấn đề nên sẽ còn có hy vọng cải thiện nên cũng khiến đồng Euro lên giá.

Ngoài ra, thị trường thế giới cũng chú ý đến tin đồn là nhiều quốc gia như Liên bang Nga hoặc các nước xuất khẩu dầu thô trong hiệp hội OPEC cũng đang lặng lẽ bán bớt Mỹ kim trong dự trữ ngoại tệ của họ. Ngần ấy yếu tố thuộc về cả Hoa Kỳ lẫn thế giới đã khiến tiền Mỹ sụt giá. Trong một kỳ khác, chúng ta có thể sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về vụ này.

Quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc

- Việt Long: Trở lại mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì, như ông vừa trình bày, một số quốc gia đang bán tháo Mỹ kim, thì liệu trường hợp ấy có xảy ra cho Trung Quốc không, vì Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ hiện đã lên đến con số tương đương với một ngàn tỷ đô la"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi này rất hấp dẫn ở nhiều khía cạnh. Các nước Hồi giáo thường bán dầu khí lấy đô la và tổng cộng có mức dự trữ Mỹ kim còn cao hơn Trung Quốc. Nếu có bán ra thì cũng chỉ dăm ba tỷ, mà kín đáo và rất chậm. Lý do là nếu bán tháo thì Mỹ kim sụt giá mạnh, tài sản của họ cũng lập tức bị mất giá.

Trường hợp Trung Quốc có lẽ không khác, với chừng 70% dự trữ ngoại tệ là bằng Mỹ kim, tức là cỡ 700 tỷ đô la. Ai cũng sợ tiền Mỹ mất giá, và không muốn là người sau cùng tháo chạy với một lượng Mỹ kim sụt giá mất hai ba chục phần trăm chẳng hạn. Nhưng làm sao duỗi tiền Mỹ ra cho khéo để khỏi gây ra một vụ hốt hoảng tháo chạy đó"

- Việt Long: Hỏi thêm ông một câu về đề tài này, là trong hiện tình thế giới thì nhiều nước Hồi giáo có dầu khí có khuynh hướng chống Mỹ, hay ít ra cũng chống điều mà họ coi là sự thống trị về kinh tế của Mỹ, của đồng đô la. Vậy có khi nào các nước bỏ rơi tiền Mỹ như phương tiện giao hoán chính yếu không"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Tiền Mỹ có thể giảm giá tiệm tiến nhẹ nhàng chứ không đột ngột để dẫn tới phản ứng bỏ của chạy lấy người, đó là về đại thể. Thứ hai, nếu không tàng trữ tài sản để đầu tư dưới dạng Mỹ kim thì thế giới cũng không có nhiều giải pháp khác.

Thị trường Mỹ vẫn là nơi có nhiều cơ hội đầu tư an toàn và có lợi nhất nên dù có ghét Mỹ thì nhiều nước cũng không thể gây họa cho mình bằng cách tẩy chay đô la. Chuyện ấy rất khó xảy ra vì dù sao lãnh đạo các nước hay nói một đàng cho quần chúng, chứ khi hành động thì vẫn làm một nẻo, cho quyền lợi của họ.

Đồng Nhân dân tệ và Mỹ kim

- Việt Long: Bây giờ, ta đi vào đề mục chính là quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc qua chuyến thăm viếng của một phái đoàn cao cấp Hoa Kỳ. Thưa ông, tất nhiên là việc Bắc Kinh giàng giá đồng Nhân dân tệ vào Mỹ kim theo một tỷ giá quá thấp sẽ được phiá Mỹ nêu ra"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Đấy là truyền thông loan tải như vậy và có thể cũng là điều Tổng trưởng Ngân khố Mỹ nói ra cho nhu cầu chính trị trong nội tình nước Mỹ. Chứ tôi thiển nghĩ là hai bên sẽ thảo luận về rất nhiều vấn đề khác còn nghiêm trọng hơn.

- Việt Long: Vì sao ông nhận định như vậy khi Hoa Kỳ đã từng nêu vấn đề của đồng Nhân dân tệ từ nhiều năm nay"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Chuyến thăm viếng Bắc Kinh của phái đoàn Hoa Kỳ lần này có nội dung và kích thước hoàn toàn khác, có lẽ mấy chục năm mới có một lần. Dẫn đầu phái đoàn là Tổng trưởng Tài chính Hank Paulson, một người cực kỳ am hiểu tình hình kinh tế Trung Quốc từ khi còn điều khiển tập đoàn đầu tư Golman Sachs và Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, tức là Thống đốc hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ là ông Ben Bernanke.

Theo cơ chế kinh tế và chính trị Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương Mỹ là cơ quan độc lập, Chủ tịch Bernanke không có nhiệm vụ nói lên quan điểm của Chính phủ Mỹ mà sẽ nêu vấn đề, nếu có, từ giác độ thuần túy kinh tế và trên bình diện toàn cầu.

Ngoài ra, phái đoàn Hoa Kỳ lần này còn có bốn Tổng trưởng và vị Đại diện thương mại, cũng là một chức vụ trong Nội các của Tổng thống Hoa Kỳ.

Bốn Tổng trưởng đó, đầu tiên là của bộ Lao động, một phụ nữ Hoa Kỳ gốc Đài Loan, rồi bộ Năng lượng, Y tế và Dân vụ, và bộ Môi trường. Phái đoàn này lại tới Trung Quốc sau khi đảng Dân chủ chiếm đa số tại cả Thượng và Hạ viện của Quốc hội. Vì vậy, nội dung thảo luận không thể thu hẹp trong có một đề tài là ngoại hối.

Những vấn đề được thảo luận

- Việt Long: Như vậy, ông dự đoán là hai nước sẽ thảo luận về những đề mục gì trong kỳ họp này"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ bên ngoài, chúng ta chỉ có thể lạm bàn trong các dự đoán mà thôi. Trước hết, Quốc hội khoá 110 của Hoa Kỳ nhậm chức vào ngày mùng bốn tháng tới sẽ có nhiều đại biểu Dân chủ vừa chống Trung Quốc vừa muốn bảo hộ mậu dịch mãnh liệt hơn.

Trên đại thể, Hoa Kỳ vẫn chủ trương phát huy tự do mậu dịch và Chính quyền Bush sẽ cố gắng gìn giữ tinh thần ấy. Đây là điều khó vì từ hai năm qua, Quốc hội Mỹ đã đệ nạp tổng cộng 27 dự luật có nội dung phê phán và trừng phạt Trung Quốc về cạnh tranh bất chính trong giao dịch kinh tế. Với Quốc hội mới, điều này sẽ còn khó hơn nữa trong năm tới và một số dự luật có thể được thông qua. Bắc Kinh cần hiểu ra sự thể ấy để đừng tự gây khó cho mình nữa.

- Việt Long: Thí dụ về tự gây khó của Trung Quốc có thể là tiếp tục định giá đồng bạc quá rẻ để xuất khẩu quá dễ vào Mỹ, phải không ông" Ngoài ra, ông còn dự đoán những đề mục gì khác trong nghị trình thảo luận"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Một điểm thứ hai có thể sẽ được nêu ra là rủi ro đình đọng kinh tế của Mỹ trong năm tới với hậu quả sẽ vô cùng tai hại cho kinh tế Hoa lục.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, hơn 20% trong suốt năm năm qua, mà xuất khẩu chiếm hơn một phần ba tổng sản lượng GDP của Trung Quốc, có thể vượt mức 35% trong năm nay. Vì vậy, Trung Quốc, và cả các nước Đông Á khác, nên đề phòng là sự suy thoái xuất khẩu qua Mỹ sẽ dẫn tới suy sụp kinh tế mà chuẩn bị biện pháp ứng phó.

- Việt Long: Xin ngắt lời ông để hỏi ngay là ứng phó như thế nào và vì sao ông cho rằng phía Hoa Kỳ lại muốn báo trước điều ấy cho Trung Quốc"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Về câu hỏi thứ nhất, ứng phó như thế nào nếu việc xuất khẩu vào Mỹ bị giảm sút, thì những người như Tổng trưởng Hank Paulson hay Tổng lý Ôn Gia Bảo của Bắc Kinh đều biết rõ: phải nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa để ít bị lệ thuộc hơn vào xuất khẩu, và ít bị hiệu ứng thăng trầm của thị trường quốc tế.

Tôi nghĩ rằng đấy cũng là quan điểm của lớp lãnh đạo mới tại Bắc Kinh khi họ muốn dồn ưu tiên vào các tỉnh nằm sâu trong lục địa thay vì chỉ nhìn vào sự thăng tiến của các tỉnh duyên hải nhờ mở ra với thị trường quốc tế.

Về câu hỏi thứ hai, chúng ta đang sống trong một thế giới liên lập, nước nào cũng có thể có quan hệ quyền lợi gắn bó với nước khác, vừa cạnh tranh vừa hợp tác, nên sự suy sụp của xứ này chưa chắc đã có lợi cho xứ khác, nhất là giữa hai quốc gia như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tôi còn trộm nghĩ rằng Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc bị khủng hoảng nên mới có một phái đoàn hùng hậu và đa diện như vậy thăm viếng Bắc Kinh tuần này.

Khủng hoảng

- Việt Long: Ông nói đến chuyệnTrung Quốc khả dĩ khủng hoảng là một điều khá bất ngờ, khi Trung Quốc xuất khẩu mạnh và tích lũy được cả ngàn tỷ trong kho dự trữ ngoại tệ của họ.

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhật Bản cũng thế, từng là chủ nợ giàu nhất của thế giới 20 năm về trước và sau đó bị khủng hoảng kinh tế trong 15 năm liền nay mới hồi phục. Ở Trung Quốc tình hình sẽ khác vì khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn tới khủng hoảng chính trị vì xứ này chưa có dân chủ nên không có giải pháp thay thế.

Kinh tế và cả xã hội Trung Quốc gặp nhiều mâu thuẫn ngay trong cơ cấu, trong xương tủy và tầng lớp lãnh đạo mới như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia bảo và Úy Kiện Hành đã thấy ra và muốn cải sửa từ năm 2003 đến nay mới định hình ra chiều hướng cải cách mà chưa biết có thi hành nổi hay không.

Là một doanh gia về đầu tư tài chính, ông Paulson đã trước sau thăm viếng xứ này 70 lần kể từ năm 1990 cho đến khi nhậm chức Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ. Chúng ta có thể suy đoán là ông cũng nhìn ra các vấn đề ấy và muốn đưa ra những khuyến cáo trong tinh thần xây dựng.

Những vấn đề môi sinh, năng lượng, lao động hay ngân hàng tất nhiên sẽ được đề cập. Trong tinh thần chào mừng năm năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO của Trung Quốc, giới lãnh đạo kinh tế Hoa Kỳ tất nhiên sẽ nói đến những thử thách trước mặt cho lãnh đạo Hoa lục và đồng thời đề nghị những việc cải cách cần thiết.

- Việt Long: Câu hỏi cuối ở đây, vì sao ông cho rằng Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc bị khủng hoảng khi hai quốc gia này đang ở vào thế cạnh tranh khá gay gắt chẳng những về mậu dịch mà còn về quyền lợi chiến lược nữa"

- Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta chỉ có thể dự đoán mà thôi. Một xứ ở Châu Phi mà khủng hoảng thì có thể gây ra nội chiến và trở thành vấn đề nhân đạo cho thế giới.

Một xứ như Trung Quốc mà có loạn thì cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng về nhiều mặt, từ ngoại thương và kinh tế tài chính đến an ninh chiến lược. Vấn đề vì vậy không chỉ thu hẹp vào một ngàn tỷ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và ảnh hưởng đến đồng Mỹ kim mà còn chi phối hòa bình và sự thịnh vượng của toàn cõi Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
19/07/2007. Em hy vọng tất cả mọi người hãy nhớ lấy hôm nay mà kể từ đây em sẽ gọi là NGÀY DÂN HẬN. Và cũng xin thưa với tất cả các Đảng viên Cộng sản
Hai Tổng thống Bush và Musharraf đang ngờ, đang chờ, đang nhờ nhau" Sau khi một số Nghị sĩ Cộng Hoà bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược Iraq
Sau 28 ngày màn trời chiếu đất, đói khát, bệnh hoạn, những người dân cùng khổ rủ nhau lên trước tòa nhà gọi là Quốc Hội của thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Vừa nghe thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam: Trong đợt thi vào lớp 10 ở TP. HCM mới đây, có tới 13.000 học sinh (mười ba ngàn) đạt kết quả điểm thì cao
Dường như đảng Cộng sản Việt Nam không biết chán khi nói đi nói lại các vấn đề : Tư tưởng đảng viên đã mòn; Nội bộ Đảng đã ruỗng; Cán bộ thích làm quan
Sau 26 ngày dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát lên khiếu kiện mất nhà mất đất ở
Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo...
Ngày hôm qua 18, Tổng thống Bush đã tránh được một viên đạn giấy từ Thượng viện phóng ra khi viện trên của Quốc hội Mỹ vẫn không hội đủ
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.