Hôm nay,  

Iraq Trên Dòng Potomac

24/11/200600:00:00(Xem: 8604)

Iraq Trên Dòng Potomac

Có ai biết lập trường của thủ đô Mỹ về Iraq là gì hay không"

Câu hỏi ấy có thể gây khó chịu. Sự hiểu biết thông thường đều cho thấy đảng Cộng hoà đã thất cử và Chính quyền Bush mất sự ủng hộ của quần chúng do chuyện Iraq. Nhưng, người ta vẫn cần nêu lại câu hỏi: giới lãnh đạo Hoa Kỳ, từ hai chính đảng qua đến các lãnh vực khác - tôn giáo, kinh doanh, hay nghiệp đoàn - hiện muốn gì tại Iraq"

Chúng ta không rõ. Trong khi cả nước - nhất là truyền thông - bàn tán sâu rộng về chiến tranh Iraq, người ta không đào đâu ra một lập trường mạch lạc hoặc lý luận thuần nhất về lẽ chiến hay hoà ở ngay trung tâm Hoa Kỳ là thủ đô Mỹ, nơi cọ sát sự tác động của mọi trung tâm quyền lực.

Lý do có thể là vì Chính quyền Bush đã thu hút hoặc phóng chiếu ra lý luận căn bản nhất. Nhưng, điều ấy không giải thích tất cả, và có thể giải thích vì sao Iraq sẽ là biến cố làm thay đổi chính trường Mỹ sâu đậm hơn người ta thường nghĩ.

Đầu tiên, hãy xét tới đảng Dân chủ.

Nền tảng lý luận của đảng này ở dưới cơ sở, trong "quần chúng đảng", đã chuyển dịch về cánh tả và phản chiến. Lãnh đạo của đảng ở trên lại cố bám lấy vị trí trung tả nguyên thủy và tránh bị dán nhãn hiệu "phản chiến" hay tháo chạy.

Trong cuộc bầu cử 2004, đảng Dân chủ chọn ứng viên John Kerry cũng vì lối tính toán nước đôi ấy, chủ hoà mà không ra phản chiến! Sau khi thắng cử, đảng này cũng đẩy Dân biểu chủ hoà John Murtha ra biên và đề cử Dân biểu Steny Hoyer của Maryland vào ghế Trưởng khối đa số. Lý lịch tham nhũng của John Murtha - mà truyền thông cố tình bỏ qua không xét hỏi - không giải thích tất cả!

Huống hồ, đảng này đã đẩy Nghị sĩ Joe Lieberman ra ngoài vì ông ủng hộ cuộc chiến Iraq mà cuối cùng, Lieberman lại thắng lớn trong tư thế Độc lập. Đối thủ do đảng này đưa ra tại Connecticut, Ned Lamont, con nhà tỷ phú, thiên tả và phản chiến - tiêu biểu cho xu hướng Dân chủ đáng ghét - đã bị đại bại: lập trường chiến hoà về Iraq không là yếu tố quyết định.

Đây là một nghịch lý rất… hợp lý.

Đảng Dân chủ không muốn trưng bày ra một quan điểm chủ trương rõ rệt về Iraq vì bề nào cũng hốt phiếu phản chiến. Nếu có bày ra lập trường phản chiến quá đáng thì không lấy phiếu được thành phần trung dung ôn hoà bên đảng Cộng hoà. Họ tính rất đúng như kết quả bầu cử cho thấy. Họ chỉ cần đả kích phương thức tiến hành chiến tranh của Chính quyền Bush là đủ ăn tiền. Huống hồ, càng nói nhiều thì càng bị kẹt trong cuộc tổng tuyển cử 2008.

Mà sở dĩ đảng Dân chủ mờ ảo qua sông Potomac và thắng lớn tại Thủ đô trong Quốc hội khoá 110 tới đây vì, ngoài thành phần phản chiến, thì quần chúng của đảng… không mấy quan tâm đến chuyện Iraq.

Quần chúng truyền thống của đảng - là các nhóm đấu tranh cho dân quyền, kể cả quyền phá thai hay hôn nhân đồng tính, là công chức, dân thiểu số, nghiệp đoàn và thành phần bảo vệ môi sinh - đều chia sẻ một ấn tượng chung là ghét Bush nhưng họ theo đuổi những mục tiêu riêng. Họ không cần một chủ trương rõ rệt về Iraq.

Kết cuộc thì đảng Dân chủ tránh không thảo luận trong nội bộ về lẽ tiến thoái tại Iraq và đã thắng lớn nhưng sau đó vẫn chưa có một chủ trương gì về một cuộc chiến đang gây sôi nổi trong cả nước.

Đảng Cộng hoà thực ra cũng chẳng khá hơn.

Đảng này không hỏi giấy đảng Dân chủ, như ông Bush thường hỏi ("Thế kế hoạch của quý vị là gì"") và mặc nhiên để chính quyền Bush là phiến nam châm thu hút mọi thịnh nộ hay ủng hộ của quần chúng. Vì sao lại có hiện tượng kỳ lạ ấy"

Vì chiến lược của ông Bush.

Rút kinh nghiệm thất cử của phụ thân năm 1992, vì lý do kinh tế, ông Bush tiến hành chiến tranh mà không muốn quần chúng phải kề vai chia sẻ gánh nặng. Trong tinh thần ấy, ông hành xử như một vị Tổng thống Texas khác là Lyndon B. Johnson trong cuộc chiến Việt Nam. Ông khai chiến, giảm thuế và không một lần phủ quyết việc tăng chi phi lý của Quốc hội do phe Cộng hoà kiểm soát. Trong cuộc chiến đáng lẽ phải của toàn dân vì mang đặc tính toàn diện, ông Bush phó thác cho và tin tưởng vào quân đội và cơ quan tình báo. Còn mọi chuyện khác ở hậu phương thì vẫn là chuyện thời bình.

Việc gì lãnh đạo đảng Cộng hoà phải tranh luận hoặc thảo luận với Hành pháp về Iraq" Đã thế, ngoài Tổng thống, Phó Tổng thống và hai Tổng trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, không thấy một nhân viên nội các nào  của ông Bush nói đến chiến tranh hay hy sinh trong thời chiến.

Điểm đặc biệt nữa là doanh trường, nghiệp đoàn và cả các tôn giáo cũng không có lập trường quan điểm gì rõ rệt về Iraq. Chiến hay hoà, tiến hay thoái, và làm sao giải quyết"… là những câu hỏi không được các thành phần ấy nêu ra, trước nhất là trong nội bộ của mình, sau đó là cho chính quyền Bush. Nếu lãnh đạo các thành phần xã hội ấy mà công khai tranh luận và nói thẳng với Tổng thống, rằng quần chúng của chúng tôi có quan điểm khác, hết ủng hộ Tổng thống trong trận Iraq thì sự thể có lẽ đã khác.

Lần duy nhất họ có phản ứng là hôm mùng bảy vừa qua, khi không thèm đi bầu cho đảng Cộng hoà, hoặc bực bội bước qua bầu cho đảng Dân chủ, và chính quyền Bush bị thất bại mà vẫn không biết lòng dân, hoặc ít ra những thành phần quần chúng đó muốn gì tại Iraq!

Thành phần chủ chiến, những người quan ngại cho nền an ninh của Mỹ hoặc thân nhân các chiến binh Mỹ, đã ủng hộ ông Bush đến tận cùng. Quan điểm của họ là phải cần thời gian mới có kết quả tại Iraq. Nhưng cuối cùng thì họ cũng nản chí. Việc ông Bush chuẩn bị một nhóm nghiên cứu về Iraq, với sự tham dự của giới ngoại giao ôn hoà, thực tiễn và ban tham mưu của ông Bush cha, khiến thành phần chủ chiến thất vọng. Việc ông Bush cách chức Tổng trưởng Rumsfeld càng gây thất vọng nặng hơn. Nếu cần thì sao không làm từ trước khi bầu cử, dù bất công thì cũng còn có lợi!

Họ coi là ông Bush đành thỏa hiệp và hy sinh quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ. Họ buồn bã ở nhà không đi bầu hoặc dồn phiếu cho các ứng viên Dân chủ không chủ trương tháo chạy. Jim Webb hốt phiếu khá nhiều của thành phần này tại Virginia. Và họ hoài nghi về chính trường, y như các thành phần bảo thủ và cực hữu của Pháp đã hoài nghi lập trường của Charles de Gaulle về vụ Algéria.

Kết cuộc thì năm năm sau vụ khủng bố, ba năm sau vụ Iraq, truyền thông và dân Mỹ ở khắp nơi đều nói đến Iraq và tương lai của cuộc chiến chống khủng bố nhưng giới lãnh đạo tại Thủ đô vẫn… một ngày như mọi ngày, thao dợt chính trị cho chân trời 2008. Mà không có một chương trình hành động gì về Iraq khả dĩ những người hữu trách có thể tìm hiểu và phân tách lẽ hơn thua.

May ra, khi nhóm nghiên cứu Iraq Study Group trình bày đề nghị của họ như quăng cục đá xuống mặt sông Potomac, dư luận Thủ đô sẽ có vài ngày bận rộn việc tranh cãi đúng sai. Rồi đâu lại vào đấy!

Không ai có thể ngờ một sự thể kỳ lạ ấy.

Và nếu người ta quen nói như vỉa hè Sàigon thời xưa, rằng "Mỹ nó đã tính thế này, thế nọ", chúng ta có thể hỏi lại: "Mỹ nào""

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Dù được thông-báo và tổ-chức trong một thời-gian kỷ-lục, buổi ra mắt sách Nhìn Lại Sử Việt của Tiến-sĩ Sử-học Lê Mạnh Hùng hôm Chủ-nhật vừa qua
Tuần qua, dầu thô đã mấp mé 100 Mỹ kim một thùng trong khi tiền Mỹ lại sụt tới mức thấp nhất so với đồng Euro kể từ khi đồng tiền này xuất hiện đầu năm 1999
Một nhà thờ tại Phan Thiết đã bị nhà nứơc đưa bộ đội tới đập tan, chỉ chừa lại tháp chuông và hang Đức Mẹ, theo một lá thư khiếu kiện mang ấn ký của Giám mục
Thế giới đang lên cơn sốt về vấn đề Iran làm bom nguyên tử. Trong không khí chống khủng bố, Iran lại là nước công khai tuyên bố chính sách thù nghịch
Nói đến luật thì Việt Nam hiện giờ không thiếu bởi: mỗi một kỳ họp Quốc hội lại có hàng loạt luật, dự án luật ra đời. Nhưng các luật đó có đi vào cuộc sống không
Kính thưa các quí anh chị em ủng hộ dân chủ nhân quyền, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa thì cả thế giới sẽ trang trọng kỷ niệm 59 năm
Tướng Giáp nay đã hơn 96 tuổi. Ông tướng này, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, vừa mở một trận chiến cuối cùng trong đời ông.
Hiện nay, tại VN, người ta nhận thấy trên phương diện tôn giáo, có nhiều nơi thờ tự được xây dựng, nhiều lễ hội tôn giáo và tín ngưỡng (nhân gian) được tổ chức
Một trong những phát minh quan trọng và có lẽ lâu đời nhất của giai cấp thống trị đó là hình thức bóc lột bằng cách bắt giai cấp bị trị
Nước thải sinh hoạt gia cư là một vấn đề quan trọng cho những thành phố lớn và đông dân cư, nhất là đối với các quốc gia đã phát triển
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.