Hôm nay,  

Càng Học Tập Càng Tăm Tối

17/11/200600:00:00(Xem: 7305)

Càng Học Tập Càng Tăm Tối, Tham Lam, Mất Phẩm Chất

Hoa Thịnh Đốn.-  Trong khi cả nước hoang mang chưa biết  phải làm ăn như thế nào để không bị thua thiệt trên thương trường hoặc vi phạm các Thoả hiệp kinh tế với Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, WTO) thì Bộ Chính trị lại ra chỉ thị bắt toàn đảng, toàn dân chuẩn bị  "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", một đề tài đã chứng minh thất bại trong qúa khứ.

Chỉ thị ngày 7/11 cho biết “chiến dịch” học tập này sẽ  bắt đầu từ ngày 03/02/2007 và tổng kết vào ngày 03/02/2011, trước vài tháng chấm dứt nhiệm kỳ đảng Khoá X.

Bộ Chính trị nói với mọi người: “Mục đích của cuộc vận động là: Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.”

Như vậy là cả nước phải bỏ cơm gạo ra mà học tập, nhưng Hồ Chí Minh  có “Đạo đức gì” mà phải học"  Và “Đạo đức” này có hứa hẹn đem đến cơm no áo ấm  cho dân trong thời kinh tế thị trường  không"  Không cần phải đợi “Thời gian sẽ trả lời”, nếu ta tuần tự trở lại các giai đoạn  lịch sử  từ ngày còn “tòan dân kháng chiến giành độc lập”.

Nhưng trước hết nên biết “nội dung cuộc vận động” mà  Bộ Chính trị  đưa ra  có những bài bản gì"

Chỉ thị ra lệnh toàn đảng phải: “Tổ chức nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức trong các tác phẩm" Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", "Di chúc" và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung vào các phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí.”

“Mỗi người tự liên hệ, tự phê bình, kiểm điểm cá nhân; tổ chức để quần chúng ở nơi công tác và nơi cư trú góp ý cho cán bộ, đảng viên.”

“Các cơ quan, đơn vị xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để phấn đấu thực hiện phù hợp với tình hình từng cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, yếu kiém; xử lý các sai phạm được phát hiện theo đúng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.”

“Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về cuộc vận động.”

NGUYÊN NHÂN  PHẢI HỌC

Nhưng tại sao lại phải học lại những điều đã học ngay từ khi Hồ Chí Minh còn sống" Lý do đơn giản vì  cán bộ, đảng viên có “ học mà không hành” từ năm này qua năm khác nên những yếu kém vẫn tồn tại chống chất lên theo  thời gian.

Báo cáo Xây dựng đảng đọc tại Đại hội  đảng X họp hồi tháng 4/2006 đã xác nhận tình trạng này: “Cần thẳng thắn và nghiêm túc nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém của Đảng. Nổi lên là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; chậm làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng; chậm cụ thể hóa, thể chế hóa một số quan điểm lớn, đúng đắn về sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng đã đề ra trong Cương lĩnh và các Nghị quyết Đại hội Đảng; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.”

“Dân chủ trong Đảng và trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy còn yếu. Quan hệ giữa Đảng và nhân dân có lúc, có nơi bị xói mòn do những hạn chế, yếu kém trong công tác tư tưởng chính trị, công tác vận động quần chúng, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý nhà nước và những khó khăn phát sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế - xã hội.”

“Không ít tổ chức đảng yếu kém, nhất là ở cơ sở, không làm tròn vai trò hạt nhân chính trị và nền tảng của Đảng, không đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở, thậm chí có những tổ chức cơ sở đảng tê liệt, mất sức chiến đấu. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng; một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội", "chạy bằng cấp".

“Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ.”

Về mặt phê bình và tự phê bình, Báo cáo viết tiếp: “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được chuyển biến cơ bản, chưa góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa nêu gương, chưa làm tròn trách nhiệm trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Việc xử lý kỷ luật đối với những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí ở ngành, địa phương, đơn vị chưa kịp thời, kiên quyết.”

Nhận xét về công tác giáo dục chính trị cho đảng viên, Báo cáo nhìn nhận: “Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn nhiều hạn chế, thiếu sót; tính định hướng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả chưa cao; thiếu chủ động và sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình", chống tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch, bác bỏ các quan điểm sai trái; thiếu những hình thức, biện pháp cụ thể, có sức thuyết phục để xây dựng, củng cố niềm tin, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp và những mâu thuẫn mới nảy sinh trong quá trình đổi mới; chưa làm tốt chức năng dự báo tình hình, chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chủ động đi vào kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn chung chung, kém hiệu quả. Công tác nghiên cứu lý luận còn yếu, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới. Trong chỉ đạo, quản lý cũng như hoạt động của báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật còn nhiều yếu kém, khuyết điểm chậm được khắc phục, nhất là chưa ngăn chặn có hiệu quả khuynh hướng xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu thấp kém, vì lợi ích vật chất cá nhân, cục bộ.”

CHUYỆN XƯA NHƯ TRÁI ĐẤT

Nhưng đâu phải những điều Hồ Chí Minh để lại đã không xẩy ra trong thời kỳ còn kháng chiến chống Pháp giành độc lập"

Trong Bài “Thực hành Tiết kiệm, chống Tham ô, Lãng phí, Chống bệnh Quan liêu” viết  năm 1952, Hồ Chí Minh nói:

“Các đồng chí,

“Chương trình công tác của Chính phủ, của Đoàn thể ta năm nay vẫn gồm trong tám chữ "Trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh".

Để thực hiện đúng chương trình đó, Chính phủ và Đoàn thể nêu ra mấy điểm chính, là:

- Thi đua giết giặc, thi đua tăng gia, thi đua tiết kiệm, và

- Chống nạn tham ô,

- Chống nạn lãng phí,

- Chống bệnh quan liêu.

“Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi.

 “Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta.

Tham ô là gì"

- Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là:

Ăn cắp của công làm của tư

Đục khoét của nhân dân

Ăn bớt của bộ đội.

Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô.

- Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là:

Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế.

Lãng phí là gì"

Lãng phí có nhiều cách:

- Lãng phí sức lao động: Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo - đó là một thí dụ.

- Lãng phí thời giờ: việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Thí dụ: những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày. …”

“Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô.

“Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu.

“Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn.

“Nói tóm lại: vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí.”

“Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.”

Họ Hồ kết luận: “Tham ô, Lãng phí và bệnh Quan liêu là kẻ thù của nhân dân…”  (Tài liệu đảng CSVN)

Như vậy, tham nhũng , quan liêu trong đảng CSVN đã có từ khi họ chưa nắm được chính quyền. Sau khi có quyền cai trị nửa nước trên miền Bắc thì tệ nạn này tiếp tục sinh sôi nẩy nở tiếp sau  khi Hồ qua đời năm 1969.

Về Chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh cũng đã bảo đảng viên:  “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ thù nguy hiểm của đạo đức cách mạng XHCN. "Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng CNXH. Cho nên thắng lợi của CNXH không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ gian ngoan, xảo quyệt, nó khéo léo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là nguyên nhân sinh ra căn bệnh tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tự kiêu, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, mệnh lệnh v.v...”  (Triệu Sơn, Tài liệu đảng)

Chủ nghĩa cá nhân nguy hiểm như thế mà tại sao  những kẻ có chức, có quyền của chế độ  đã bỏ ngoài tai lời kêu gọi  “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”  của  Hồ Chí Minh  là nguyên nhân khiến Bộ Chính trị phải bắt cả nước học thêm lần nữa.

CHIA RẼ LAN RỘNG

Nhưng tại sao kỳ học kéo dài 5 năm này lại có cả bài  Di chúc của Hồ Chí Minh dính vào"

Nguyên do  vì tình trạng chia rẽ trong đảng, nạn cá lớn nuốt cá bé, nịnh trên nạt dưới, gian tham của đội ngũ cán bộ cứ  tự do “trăm hoa đua nở” không sợ ai tiếp tục lan rộng.

Trong Di chúc có chứng kiến của Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương, đề ngày 15-5-1965, Hồ Chí Minh viết: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”

“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.”

“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”

“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”

Kể từ ngày Hồ Chí Minh không còn nữa, đảng và nhà nước CSVN đã tốn không biết bao nhiêu công của và giấy mực tuyên truyền cho “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nhưng tất cả những gì Hồ Chí Minh bảo đảng thi hành, mong cán bộ, đảng viên làm theo đã không được ai nghe.

Tham nhũng càng ngày càng tồi tệ, nạn cán bộ hành dân, là “quan cách mạng”, hành chính rườm rà làm khổ dân vẫn tự do hòanh hành mà một số đông  lãnh đạo vẫn không thừa nhận là khuyết tật của cán bộ. Ngược lại nhiều người coi đó là hậu qủa mặt trái của nền kinh tề thị trường  đã làm cho nhiều cán bộ, đảng viên mất phẩm chất không giữ được đạo đức theo tiêu chuẩn của Hồ.

Nhưng những người này lại quên rằng  Hồ Chí Minh đã nói đến những tệ nạn của cán bộ, đảng viên  từ năm 1952 khi lực lượng Cộng sản còn ở trong rừng.

Ba năm trước đây, ngày 27 tháng 3 năm 2003, Ban Bí thư khoá IX cũng đã ra Chỉ thị (Số 23 -CT/TW) phát động cuộc “Nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới” trên cả nước.

Lý do phải học tập vì  còn nhiều cấp lơ là không chịu nghiên cứu và làm theo  tư tưởng Hồ Chí Minh,  hoang mang trước quyết định của đảng kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời ký mới.

Chỉ thị viết: “Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm nói trên chủ yếu là do không ít cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí tư tưởng Hồ Chí Minh, về trách nhiệm tổ chức nghiên cứu công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng của Người, Đảng ta chưa thực hiện có nền nếp chế độ học tập lý luận chính trị đối với mọi đảng viên; chậm hoàn chỉnh nội dung, tài liệu giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở thống nhất cho công tác tuyên truyền. Đầu tư cho tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh còn hạn chế và chưa tương xứng.”

Mục đích của kỳ học tập  ấy tập trung vào các việc: “Làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc nguồn gốc, nội dung, giá trị, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần, tư tưởng của xã hội ta.”

“Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tự giác của mỗi người, của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống.”

Như vậy quyết định bắt dân học lại “Tư tưởng Hồ Chí Minh” từ ngày 3-2-1007 đến ngày 03/02/2011 có mới gì không hay chỉ xác nhận sự thất bại của đảng trong công tác này"

Chẳng nhẽ thời gian dài 54 năm, kể từ khi họ Hồ  viết bài cảnh giác về nạn tham ô, quan liêu và chủ nghĩa cá nhân  trong đảng năm 1952 cho đến bây giờ  đã không cải tiến được con người Cộng sản hay các chứng hư tật xấu này là bản chất của  họ nên dù có học cách mấy đảng CSVN  vẫn  không thay đổi được"

(11/06)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hằng năm cứ khi  hoa đào  nở rộ trên vùng trời  thì đồng hương Quảng Đà vùng Thủ Đô HTĐ chọn một chiều Xuân thật đẹp để tổ chức Hội Xuân.
Trước sự lớn mạnh về tinh thần lẫn vật chất và tiềm năng chính trị của các cộng đồng Người Việt Quốc Gia Tị Nạn Cộng Sản trên thế giới, đảng CSVN muốn dùng tiền bạc, chất xám, ảnh hưởng chính trị tại quốc gia sở tại...
Chủ trương đấu tranh ôn hòa bất bạo động của Đức Đạt lai Lạt ma, từ bấy lâu nay, đã tỏ ra không hiệu quả, làm nản lòng người dân Tây Tạng.
Trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, nhiều bông hoa rực rỡ của tuổi trẻ đã trỗi lên trong phong trào dân chủ Việt Nam.
Đời chiến binh thường nguy hiểm, nên trong quân ngũ có một thứ tình rất là cao đẹp đó là “Tình chiến hữu”,  “Huynh Đệ Chi Binh”
Với cái nhìn của thế hệ 1.5, cá nhân Hiếu rất thích chương trỉnh này vì: Không quá nặng nề về chính trị, vừa đủ lịch sử để thế hệ sau học hỏi thêm.
Song song với sinh hoạt ca nhạc kịch nghệ cải lương, ca sĩ Hà Phương còn được biết đến như một người hoạt động từ thiện rất tích cực với tấm lòng luôn rộng mỡ
Ngày 22 tháng 3 năm 2008 là ngày anh chị em thân hữu của www.ninh-hoa.com đáng ghi nhớ và cùng hãnh diện. Nói như thế để mọi người, bạn bè khắp thế giới
Ngày 20 tháng 03 năm 2008, theo thư mời của Commando Diensten Centra. Chúng tôi đến dự lễ tốt nghiệp của trường Sĩ Quan Quân Y Quân-Đội Hòa Lan
Người Trung Hoa đã nói: “Đại thống nhất”, họ tự cho họ là cái rốn của vũ trụ, là một dân tộc ưu việt. Nên xem các nước láng giềng là “man di” cần đem
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.