Hôm nay,  

Ông Hàng Bánh Mở Cửa Hàng

11/11/200600:00:00(Xem: 8574)

Ông Hàng Bánh Mở Cửa Hàng

Sau bầu cử, ông Baker mở cửa bán bánh vẽ cho ông Bush..

Năm 1992, khi Tổng thống George H. Bush (Bush 41) lật đật mời Ngoại trưởng James Baker III làm trưởng ban tái tranh cử của mình vào giờ chót, chúng ta biết là ông sẽ thất cử.

James Baker là một phù thủy chính trị, bạn thân của ông Bush từ nhiều thập niên và đã đảm nhiệm rất nhiều chức vụ then chốt trong các chính quyền Ronald Reagan và Bush 41. Nhưng, khi mà một tổng thống vừa thắng trận phải mời một nhân vật cực kỳ xuất sắc về lo việc tranh cử cho mình, ông mặc nhiên chứng tỏ một điều: tự thân, ông không đáng thắng nếu không có kỹ thuật Baker.

Bây giờ Tổng thống George W. Bush (Bush 43) cũng lại phải mời ông Baker này ra gỡ rối cho mình về vụ Iraq, chúng ta có quyền đặt câu hỏi.

Và câu hỏi càng cấp thiết khi một nhân vật thân cận của Bush 43 và Baker lại được mời ra làm Tổng trưởng Quốc phòng. Đó là ông Robert Gates, nguyên Giám đốc CIA và nhân vật số hai trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Bush 41, thành viên của ban nghiên cứu Iraq Study Group do ông Baker là đồng chủ tịch (ông Gates vừa từ chức khỏi bộ phận này vào ngày Thứ Sáu để chuẩn bị nhiệm vụ mới).

Về cuộc bầu cử thì căn cứ trên kết quả bầu cử Hoa Kỳ từ nửa thế kỷ nay, trung bình đảng của tổng thống mất 29 ghế Dân biểu và sáu ghế Nghị sĩ trong kỳ bầu cử vào năm thứ sáu, giữa nhiệm kỳ hai của vị tổng thống đương chức. Nếu như vậy, trong cuộc bầu cử ngày mùng bảy vừa qua, việc đảng Cộng hoà mất khoảng ba chục ghế tại Hạ viện (là con số chưa chính thức) và sáu ghế tại Thượng viện không hẳn là chuyện bất thường, đó là trung bình từ 50 năm!

Đáng lẽ, với tình hình Iraq và thành tích rất tệ của đảng Cộng hoà - nói nhiều làm ít, và làm bậy thì chẳng kém gì đối phương - đảng Dân chủ phải thắng lớn hơn rất nhiều.

Chuyện ấy, giới bình luận chính trị tại Hoa Kỳ sẽ còn phân tách và giải thích.

Riêng về hồ sơ Iraq, chuyện đáng nói là việc Tổng trưởng Donald Rumsfeld phải rời bộ Quốc phòng ngay hôm sau và ông Robert Gates được chỉ định thay thế.

Về tiểu tiết, người ta được biết là Tổng thống George W. Bush đã dự tính như vậy từ nhiều tuần vậy mà vài ngày trước khi cử tri đi bỏ phiếu, ông vẫn khẳng định sự tín nhiệm của mình với Tổng trưởng Rumsfeld (và Phó Tổng thống Dick Cheney - mà dư luận đồn đãi từ hôm Thứ Năm là sẽ sớm từ chức. Ông Bush có cái lý của mình, khi trả lời việc đó rằng ông không muốn có những quyết định cận ngày bầu cử theo lối tính toán chính trị vì quan tâm đến tinh thân của chiến binh ngoài tiền tuyến. Nói cách khác, không vì chính trị tại hậu phương mà gây hoang mang tâm lý ngoài chiến trường. Dĩ nhiên, báo chí không hài lòng với lời giải thích ấy nhưng bỏ qua đã quá vui với việc cây cột thu lôi, nhân vật thu hút lời công kích của dư luận, cuối cùng đã bị đốn.

Đó là chuyện tiểu tiết.

Chuyện lớn lao hơn, nhìn từ cục diện an ninh toàn cầu, việc cải tổ bộ máy chiến tranh mà Donald Rumsfeld dự tính thi hành từ tháng Giêng năm 2001 coi như không thành. Bước vào năm 2007, Hoa Kỳ chưa chuẩn bị xong một quân đội cho thế kỷ 21. Và nhiều phần là sẽ khôg hoàn tất được việc đó trong mười năm trước mặt.

Sở dĩ như vậy là vì vụ khủng bố 9-11, chiến sự tại Afghanistan và nhất là những lúng túng tại Iraq.

Ông Robert Gates được bổ nhiệm chủ yếu là để giải quyết hồ sơ Iraq.

Còn chuyện al-Qaeda và khủng bố toàn cầu, thì trong khi chính quyền Mỹ chuẩn bị thế hợp tác lưỡng đảng, có hai biến cố đã xảy ra. Ngày Thứ Sáu, cuốn băng ghi âm được coi là của trùm khủng bố al-Qaeda tại Iraq, Abu Ayyub al-Masri, tự xưng công trạng là đuổi Tổng trưởng Quốc phòng Rumsfeld ra khỏi Iraq và còn hăm là al-Qaeda có sẵn 12 ngàn tay súng và sẽ có thêm 10 ngàn để đánh đuổi quân Mỹ khỏi Iraq. Cùng ngày, bà Giám đốc An ninh của Anh  (MI5) báo động là lãnh thổ Anh hiện có chừng 200 cơ sở khủng bố với 1.600 đặc công có thể mở màn tấn công bằng nhiều loại võ khí, kể cả nguyên tử.

Một sự thật chói lòa trước mắt mọi người là, bất kể tới kết quả tại Iraq, Hoa Kỳ và thế giới sẽ còn phải đối phó với khủng bố Hồi giáo trong nhiều thập niên. Sự thật này, dân Mỹ chưa biết và các chính khách chưa thèm biết, cho tới khi Mỹ sẽ lại bị tấn công một lần nữa, như trùm khủng bố al-Masri đã hăm dọa.

Chính quyền Bush sở dĩ đã mở chiến dịch Iraq vì một lý luận căn bản mà không được trình bày thành lý do chính thức: chọn một chế độ Hồi giáo cuồng tín, độc tài và hung hiểm nhất để đánh phủ đầu, hầu thế giới Hồi giáo lấy đó làm gương.

Năm 1991, có một nhân vật trong chính quyền Bush 41 đã phát biểu:

"Chiếm Baghdad rồi, chúng ta chưa biết sẽ làm gì với của nợ đó. Chúng ta không rõ sẽ lập ra loại chính phủ nào so với chính quyền hiện có (của Saddam Hussein). Sẽ là một chế độ Shia, Sunni hay Kurd" Hay một chế độ thiên về đảng Baath, hoặc ngả theo phe Hồi giáo quá khích" Chính quyền ấy có uy tín cỡ nào nếu là do quân lực Mỹ lập ra khi đang ở đó" Và quân đội Mỹ còn phải ở đó bao lâu để bảo vệ những người ủng hộ chính quyền ấy" Rồi khi ta rút đi, tình hình sẽ ra sao""

Người nêu ra những câu hỏi khôn ngoan này là Tổng trưởng Quốc phòng của Bush 41 và hiện là Phó Tổng thống của Bush 43, ông Dick Cheney.

Nhớ lại như vậy, không thể nói rằng ông Dick Cheney mù quáng và hiếu chiến như đảng Dân chủ thường xuyên tạc. Nhớ lại như vậy, ta mới hiểu ra ảnh hưởng sâu xa của vụ khủng bố 9-11 và những đắn đo suy nghĩ của chính quyền Bush, của các ông Cheney và Rumsfeld, khi họ mở chiến dịch Iraq.

Khác với sự cẩn trọng của chính quyền Bush 41 - cẩn trọng đến nỗi hứa hẹn tự do với dân Shia và Kurd rồi buông rơi để họ bị chế độ Saddam tàn sát - chính quyền Bush 43 tiến thẳng vào Baghdad.

Họ lật đổ Saddam Hussein, rồi vừa đánh vừa đàm với phe Sunni vừa hợp tác với hai phe Shia và Kurd giúp dân Iraq đi bầu để xây dựng lên một hiến pháp, quốc hội và chính quyền mới. Chính quyền ấy đang do ông Nouri al-Malaki người Shia làm Thủ tướng và ông Jalal Talabani người Kurd làm Tổng thống, với các Tổng trưởng người Sunni trong nhiều bộ then chốt, kể cả Thiếu tướng Mohammed al-Shahwani đang cầm đầu cơ quan an ninh quốc gia.

Và chính quyền Bush 43 đang bị thế giới nguyền rủa, bị dư luận Mỹ buông rơi nên phải mời phù thủy Baker ra gỡ rối qua nhóm nghiên cứu Iraq Study Group, bên là ảnh hưởng rất mạnh của quần thần thời Bush 41 và những nhân vật nổi tiếng thực tiễn của đảng Dân chủ, trong chính quyền Bill Clinton ngày xưa.

Là thành viên của nhóm nghiên cứu này, tân Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates có thể là lá bài cấp cứu của ban tham mưu Bush 41 - và của James Baker - cho chính quyền Bush 43.

Ông Gates cấp cứu ra sao, chúng ta sẽ có dịp trở lại câu hỏi này.

Có thể là ban đầu, khi thấy phải thay đổi tại Iraq - nếu chưa là thực tế thì cũng là để gây ấn tượng- chính quyền Bush chỉ muốn lập ra một ban nghiên cứu và mời nhân tài và trí tuệ của cả hai đảng tìm ra những giải pháp cho mình và cho đảng Cộng hoà chọn lựa trong khi chuẩn bị tổng tuyển cử 2008.

Thế rồi, càng cận ngày bầu cử, chính quyền Bush càng thấy rằng đảng Cộng hoà sẽ thất cử và nội dung nghiên cứu hay lời đề nghị của Iraq Study Group bỗng trở thành quan trọng hơn.

Đây không còn là kịch bản chính trị cho thủ đô mà trở thành lộ trình giải thoát tại Iraq. Việc ông Baker mở cửa cho ông Gates vào Ngũ giác đài có thể được hiểu như vậy.

Ngoài các nhân vật bên đảng Dân chủ hay trong chính quyền Clinton thời xưa, như Tổng trưởng Quốc phòng William Perry, Đổng lý Văn phòng Leon Panetta, Cố vấn Vernon Jordan, v.v… nhóm nghiên cứu này còn rất nhiều nhân sự thuộc loại chống Bush bên đảng Cộng hoà và trong chính quyền Bush 41 (trừ cựu Thị trưởng New York là Rudy Giulianai). Đa số là những người có kinh nghiệm ngoại giao, thực tiễn theo lối cổ điển nghĩa là đổi chác về ngoại giao hơn là lý tưởng theo kiểu chủ quan của cánh "tân bảo thủ". Họ là những người coi việc đàm phán là quan trọng, dù có phải hy sinh quyền lợi của các xứ nhược tiểu thì cũng đành.

Điều ấy không ngoa, James Baker là người đã muốn cứu vãn tình hình Liên bang Xô viết thời Mikhail Gorbachev đến độ kín đáo ngăn cản phong trào dân chủ và độc lập của các nước Đông Âu và vùng Baltic. Lý luận của ông ta, và của chính quyền Bush 41, là nếu các nước này tuyên bố độc lập thì Liên xô sẽ tan rã và thế giới bị khủng hoảng. Họ không ngờ khủng hoảng nổ ra từ bên trong khi Gorbachev bị đảo chánh và một nhân vật liều lĩnh đứng dậy - trước họng chiến xa - khiến đảng Cộng sản Liên xô tan rã.

Nếu chính quyền Bush ngày nay chấp hành những đề nghị của thành phần thực tiễn này, lãnh đạo nhiều nước như Liên bang Nga, Trung Quốc, Pakistan, Egypt, Saudi Arabia, Venezuela và… cả Việt Nam sẽ rất vui vì có thể nói chuyện phải quấy với Hoa Kỳ được. Và nói chuyện xong thì quay về diệt sạch mầm dân chủ ở bên trong mà khỏi bị trách cứ hay hăm dọa.

Vì cuối cùng thì chính quyền Bush sẽ nhượng bộ.

Một trong những lý do khiến Hoa Kỳ bị các nước nghi ngại - và bị dân Shia thù ghét tại Iraq từ khi bị hy sinh năm 1991 - chính là vì thái độ thực tiễn ấy. Khi ông Baker ngào bột làm bánh, những ai lỡ trông cậy vào Hoa Kỳ hay lời cổ võ dân chủ của chính quyền Bush hãy nên tự chuẩn bị.

Món quà ngon ngọt nhất của ông Bush khi qua Hà Nội chính là cái bánh ông Baker đang định rao bán tại Iraq.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hằng năm cứ khi  hoa đào  nở rộ trên vùng trời  thì đồng hương Quảng Đà vùng Thủ Đô HTĐ chọn một chiều Xuân thật đẹp để tổ chức Hội Xuân.
Trước sự lớn mạnh về tinh thần lẫn vật chất và tiềm năng chính trị của các cộng đồng Người Việt Quốc Gia Tị Nạn Cộng Sản trên thế giới, đảng CSVN muốn dùng tiền bạc, chất xám, ảnh hưởng chính trị tại quốc gia sở tại...
Chủ trương đấu tranh ôn hòa bất bạo động của Đức Đạt lai Lạt ma, từ bấy lâu nay, đã tỏ ra không hiệu quả, làm nản lòng người dân Tây Tạng.
Trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, nhiều bông hoa rực rỡ của tuổi trẻ đã trỗi lên trong phong trào dân chủ Việt Nam.
Đời chiến binh thường nguy hiểm, nên trong quân ngũ có một thứ tình rất là cao đẹp đó là “Tình chiến hữu”,  “Huynh Đệ Chi Binh”
Với cái nhìn của thế hệ 1.5, cá nhân Hiếu rất thích chương trỉnh này vì: Không quá nặng nề về chính trị, vừa đủ lịch sử để thế hệ sau học hỏi thêm.
Song song với sinh hoạt ca nhạc kịch nghệ cải lương, ca sĩ Hà Phương còn được biết đến như một người hoạt động từ thiện rất tích cực với tấm lòng luôn rộng mỡ
Ngày 22 tháng 3 năm 2008 là ngày anh chị em thân hữu của www.ninh-hoa.com đáng ghi nhớ và cùng hãnh diện. Nói như thế để mọi người, bạn bè khắp thế giới
Ngày 20 tháng 03 năm 2008, theo thư mời của Commando Diensten Centra. Chúng tôi đến dự lễ tốt nghiệp của trường Sĩ Quan Quân Y Quân-Đội Hòa Lan
Người Trung Hoa đã nói: “Đại thống nhất”, họ tự cho họ là cái rốn của vũ trụ, là một dân tộc ưu việt. Nên xem các nước láng giềng là “man di” cần đem
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.