Hôm nay,  

Tam Phân Iraq

13/10/200600:00:00(Xem: 7852)

Tam Phân Iraq

Số phận Iraq đang được định đoạt. Nhưng rất lâu sau bầu cử tại Mỹ…

Có lẽ, lần đầu tiên người ta nghe nói đến giải pháp chia ba Iraq là mùng tám Tháng Tám, khi tờ The New Anatolian của Turkey tiết lộ nội dung phúc trình của một trung tâm nghiên cứu Turkey, International Strategic Research Organization. Bản phúc trình dày 33 trang thúc giục chính quyền Ankara phải chuẩn bị cho một tình huống rất lạ: Iraq có thể được chia thành ba nước và Turkey cần có đối sách với tộc Kurd ở miền Bắc Iraq (và miền Nam Turkey).

Tin ấy xuất hiện khi thế giới còn đang quan tâm đến cuộc phản công của Israel chống quân Hezbollah tại Lebanon. Vì vậy, chuyện tam phân Iraq không được dư luận chú ý.

Đúng hai tháng sau, mùng tám tháng 10, nhật báo Times tại Luân Đôn lại nhắc đến giả thuyết trên khi tiết lộ đề nghị của một ủy ban độc lập của Quốc hội Hoa Kỳ. Do cựu Ngoại trưởng James Baker làm đồng chủ tịch, Ủy ban Iraq Study Group trù tính là sau cuộc bầu cử thì đệ nạp Quốc hội một giải pháp cho Hoa Kỳ để khỏi hoặc tháo chạy hoặc sa lầy tại Iraq.

James Baker là bạn chí thiết của Tổng thống George H. Bush (Bush 41), từng cộng tác với chính quyền Reagan trong các chức vụ Đổng lý Văn phòng (Chief of Staff) hay Tổng trưởng Tài chánh khi ông Bush làm Phó tổng thống và sau này là Ngoại trưởng đã bố trí giải pháp "hậu Liên xô" cho Tổng thống Bush. Ông cũng là đại diện của George W. Bush trong cuộc tranh cãi về kiểm phiếu tại Florida giữa hai liên danh Bush-Gore năm 2000.

Năm nay 76 tuổi, Baker là luật sư, nhà thương thuyết chiến lược và người thân tín của gia đình Bush từ nhiều thập niên. Khi ông được mời vào chỉ huy một ủy ban nghiên cứu độc lập (lưỡng đảng) cho Quốc hội Mỹ, ông có nhiệm vụ tìm ra lối thoát cho Hoa Kỳ và cho đương kim tổng thống, ông Bush 43.

Trong các cuộc tiếp xúc với truyền thông Mỹ sau những tiết lộ về Ủy ban Nghiên cứu Iraq, Baker đã không che giấu những lời chỉ trích giành cho chính quyền Bush về hồ sơ Iraq. Có thể là ông muốn tự tạo ra một tư thế độc lập để chuẩn bị cho những giải pháp sẽ đề nghị về Iraq. Giải pháp ấy có thể là thiếp lập một chế độ liên bang giữa ba sắc tộc chính là Shia, Sunni và Kurd, hoặc chia hẳn xứ Iraq làm ba.

Cho đến gần đây, Tổng thống Bush và Ngoại trưởng Rice đều không mấy ưa giải pháp tam phân. Nhưng xung đột liên tục về sắc tộc và hệ phái tôn giáo khiến chính quyền Bush hết kiên nhẫn nổi với chính phủ Baghdad và khiến đối lập tại Mỹ được cơ hội tấn công Bush để tác động vào bầu cử. Ở tại chỗ, các lãnh tụ của sắc dân Kurd cũng hết kiên nhẫn nổi với việc họ chịu lép trước hai phe Shia và Sunni để cùng Hoa Kỳ tìm giải pháp cho Iraq mà cuối cùng bạo động giữa hai phe ấy vẫn tiếp tục.

Bây giờ đến lượt dân Kurd phải nghĩ đến quyền lợi của chính họ.

Chỉ dấu của phản ứng đó là lời phát biểu của Tổng thống Iraq, một lãnh tụ Kurd.

Ngày 26 tháng Chín vừa qua, ông Jalal Talabani này đã tuyên bố tại Thủ đô Mỹ qua đài phát thanh National Public Radio, rằng Iraq có thể gây rối cho các lân bang (Iran, Turkey và Syria) nếu các nước này không chấm dứt can thiệp vào nội tình Iraq. Ba ngày sau, ống dẫn dầu khí từ Iran qua Turkey bị đánh bom và Tehran tố giác đó là hành vi phá hoại của các nhóm Kurd đòi ly khai.

Về sắc tộc, dân Shia chiếm đa số (60%) đa số ở miền Nam, một vùng có nhiều trữ lượng dầu hỏa. Với chừng 20% dân số, người Sunni tập trung tại miền Trung, gồm cả khu vực Baghdad, và từng thống trị Iraq dưới thời Saddam Hussein, nay đang tranh giành ảnh hưởng với dân Shia. Khu vực sinh hoạt của họ không có dầu hỏa. Tại phía Bắc, dân Kurd sinh sống trên những giếng dầu và có bà con đồng chủng tộc ở tại Turkey và Iran. Nếu họ đòi ly khai thành một xứ độc lập có dầu khí thì hai nước lân bang kia sẽ bị đe dọa phân hoá.

Cho tới nay, các lãnh tụ Kurd không lặng lẽ hợp tác với Hoa Kỳ và hai sắc tộc kia. Giải pháp sống chung khi ấy là làm sao phân phối tài nguyên dầu khí cho đồng đều giữa ba sắc dân và tự thân thì đấy cũng đã là một vấn đề về hiến pháp và ngân sách (giữa trung ương với các địa phương). Vấn đề ấy lại chưa đặt ra vì sống chung là điều hai sắc dân Sunni và Shia không muốn. Và nếu nhiều lãnh tụ Shia muốn tiến dần đến quyền tự trị ở tại miền Nam thì dân Kurd tại miền Bắc cũng không đòi hỏi gì hơn.

Ở giữa, phe Sunni thấy mình thất thế. Ở chung quanh, các nước như Turkey hay Iran cũng thấy bất an. Iran có thể chi phối tình hình Iraq qua một số lãnh tụ Shia, nhưng sẽ không yên tâm nếu dân Kurd tại Iran muốn ly khai để được sát nhập vào quốc gia Kurd có thể thành hình từ một mảnh vụn của Iraq.

Hôm thứ Tư 11 vừa qua, Quốc hội Iraq đã biểu quyết một đạo luật cho phép đề ra một cơ chế phân phối quyền hạn của các chính quyền địa phương, bao gồm bên trong có cả quyền lợi về tài nguyên dầu khí. Đạo luật ấy chưa chính thức đề ra chế độ liên bang, là một điều thuộc phạm vi hiến định, của Hiến pháp, nhưng cho phép các tỉnh có thể tổ chức trưng cầu dân ý để tham gia vào các "khu vực tự trị", là một hình thái liên bang trong thực tế. Liên minh lớn nhất của phe Sunni và hai nhóm Shia khác đã muốn ngăn quyết định trên mà không hội đủ túc số.

Chính quyền Bush và lực lượng Shia mạnh nhất "Thượng Hội đồng Cách mạng Hồi giáo Iraq" (SCIRI) có vẻ ủng hộ giải pháp tiến dần đến chế độ liên bang cho Iraq, nhưng tổ chức SCIRI này chưa chắc đã đủ thực lực để bảo vệ an ninh trong khu vực và chính quyền Bush bị suy yếu ở nhà cũng mất dần khả năng vận động cho giải pháp đó. Nếu đảng Dân chủ thắng cử vào tháng tới, Hành pháp Bush còn bị Lập pháp cột tay và không đủ thời giờ theo đuổi giải pháp liên bang.

Trong hoàn cảnh ấy, Ủy ban Nghiên cứu của James Baker có thể sẽ tung ra sáng kiến còn táo bạo hơn, đó là chia Iraq làm ba nước. Sáng kiến này được nhiều nhân vật Dân chủ ủng hộ, như Nghị sĩ Boseph Biden, với sự biểu đồng tình của nhiều nhân vật Cộng hoà như Nghị sĩ John Warner: họ thất vọng về sự bất lực của chính quyền liên hiệp ở Baghdad.

Và dư luận Mỹ cũng hết kiên nhẫn về việc Mỹ để binh lính bị cầm chân tại Iraq.

Cho nên, ngay sau bầu cử, Hoa Kỳ có thể đề nghị các lân bang của Iraq, như Syria và Turkey - hay cả Iran - triệu tập một hội nghị quốc tế để thảo luận về một giải pháp hòa bình cho Iraq. Cựu Ngoại trưởng Baker đang kín đáo vận động giải pháp đó. Như vậy, chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Nouri al-Maliki chỉ có non hai tháng để chứng tỏ là thế liên hiệp ấy có khả năng tồn tại. Nếu không, sau cuộc bầu cử tháng 11 và trước khi Quốc hội mới sẽ khai mạc khoá họp vào đầu năm tới, Tổng thống Bush sẽ tung ra sáng kiến mới cho vấn đề Iraq.

Nhưng, hãy nhìn xa hơn một chút về giải pháp tam phân này.

Chia ba theo tiêu chuẩn nào" Với 53% dân số Iraq tập trung trong bốn thành phố lớn và sống lẫn lộn tại ba của bốn thành phố đó, thì ai sẽ đi và ai sẽ ở, và đi đâu" Ngay tại Baghdad, dân Shia đang sống bên Đông ngạn của sông Tigris sẽ cắt đất chia dầu ra sao với dân Sunni sống bên Tây ngạn dòng sông trong cùng một thủ đô"

Dù sao, nếu có thành thì hoà đàm quốc tế để chia ba Iraq sẽ là một hội nghị kéo dài nhiều năm trong tiếng súng. Và Hoa Kỳ sẽ không dễ gì phủi tay bước ra khỏi Iraq. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ là Tướng Peter J. Schoomaker, có nói ra điều ấy khi gián tiếp bắn sẻ vào lưng thượng cấp là Tổng trưởng Quốc phòng Rumsfeld: Lục quân Hoa Kỳ đang lập kế hoạch để có thể duy trì quân số Bộ binh tại Iraq như hiện nay trong ba năm nữa. Cho đến năm 2010!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Geraldine Ferraro, nguyên là cựu dân biểu, sau lời tuyên bố của Ferraro theo đó ông Obama là 1 ứng viên mạnh nếu không phải là người da đen.
Thống Đốc Elliot Spitzer đã loan báo từ chức, hiệu lực từ ngày Thứ Hai, mở đường cho Phó Thống Đốc David Paterson trở thành Thống Đốc da đen đầu tiên
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, với thống kê lao động vừa được công bố Thứ Sáu mùng bảy vừa qua, dư luận Hoa Kỳ tin rằng kinh tế xứ này đang bị suy trầm
Hai đối thủ Obama và Clinton đang đấu sức trong 6 tuần lễ để tranh thắng tại Mississippi, với 33 đại biểu - ông Obama là nghị sĩ của tiểu bang Illinois
Đã có dấu hiệu cho thấy Thống Đốc Eliot Spitzer chuẩn bị từ chức, theo lời lãnh tụ khối đa số Hạ Viện New York James Tedisco tiết lộ sau khi
Với chiến thắng tuần qua của thượng nghị sĩ Hillary Clinton tại Rhode Island, Ohio và Texas, cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc bên phía Dân Chủ đã đi vào… ngõ cụt
Chỉ còn hai tuần nữa là bước sang Xuân, sẽ có nắng ấm và gió nhẹ, mầm sống vươn lên, cây đâm chồi nẩy lộc, đơm nụ, kết hoa…
Đề Án Zangpo là một chương trình đang cần sự hỗ trợ để giúp quảng bá Phật Giáo Tây Tạng
Sau cuộc bầu cử sơ bộ tại bốn bang Vermont, Rhode Island, Texas và Ohio hôm Thứ Ba 3/3/08, Thượng nghị sĩ John McCain đã đạt được hơn 1191 phiếu đại biểu
Ưu tiên bảo vệ ích lợi phe nhóm của các đại gia! Bộ Tài chánh và Ngân hàng Nhà nước chống phá nhau! Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Sinh Hùng ai cầm đầu
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.