Hôm nay,  

Dân Chủ Và Dầu Khí

09/09/200600:00:00(Xem: 5653)

Với các chính khách, xăng dầu là chuyện quan trọng… một cách đại khái

Khi chiến sự bùng nổ tháng trước tại Trung Đông và việc Iran vờn Liên hiệp quốc như mèo con vờn chuột cống, dầu thô có lúc bốc giá tới 80 Mỹ kim một thùng. Vào mùa thiên tai bão lụt tại vùng Vịnh Mexico mà bom đạn lại tưng bừng nổ gần Vịnh Ba Tư thì xăng dầu lên giá là chuyện đương nhiên. Nhất là khi ống dẫn dầu của tổ hợp BP tại Prudhoe Bay trên Alaska lại bị tai nạn và phải khoá…

Một tháng sau, ngày nay, tình hình bỗng đảo ngược. Dầu xuống giá và trong một hai năm tới có thể sẽ lửng lơ ở mức 50 đồng một thùng, xăng cũng vậy….

Khi giá xăng vượt mức ba Mỹ kim một ga-lông, đảng Dân chủ thổi lên sự bực bội của dân Mỹ: lỗi tại Bush cả. Khi giá xăng đã giảm- như hiện nay - đảng Dân chủ không nói chuyện xăng mà xoáy vào Iraq: lỗi tại Bush cả!

Đây là quy luật bình thường của chính trường. Chẳng có gì đáng phàn nàn hết!

Trình độ dân chủ của một quốc gia tùy thuộc vào trình độ dân trí, trong đó có trình độ hiểu biết của người dân về kinh tế để biết thế nào là quy luật khách quan của thị trường, thế nào là trò ma mãnh của chính trường. Không hiểu để bị chính khách lường gạt thì ráng chiu.

Dù sao cũng không tệ bằng chuyện bị lường gạt "đi B" để giải phóng miền Nam, vào một thời xa xưa nào đó…

Nhân dịp này, chúng ta thử nhìn vào bài toán xăng dầu trong đầu óc các chính khách. May ra thì khỏi bị mê hoặc bởi những lập luận hàm hồ trong mùa bầu cử - hay những suy luận lếu láo vì có ẩn ý của truyền thông.

Mùng năm tháng Chín vừa qua, tổ hợp dầu khí Chevron xác nhận là các cuộc thử nghiệm các giếng dầu trong vùng Vịnh Mexico cho biết là mỏ dầu dưới đáy Vịnh có thể lên tới 15 tỷ thùng. Nếu mọi việc tiến hành tốt đẹp giếng dầu ấy bắt đầu bơm dầu vào năm 2010 và việc sản xuất sẽ đi vào thường xuyên kể từ 2013, khiến trữ lượng dầu thô của Hoa Kỳ có thể tăng được 50%.

Một tin tức như vậy - nhất là khi mọi người đều lo rằng dầu thô sẽ khó tuột dưới mức 70-75 đồng một thùng - đáng lẽ phải là tin lớn và được truyền thông bình luận sâu xa tường tận. Không có! Một tin chấn động như vậy đáng lẽ phải được giới chính trị thổi lên để hậu thuẫn cho lập trường của mình chứ. Càng không có.

Vì sao lạ vậy!

Lý cho chính: mối quan tâm của người tiêu thụ xăng dầu chỉ là trái banh cho các chính khách đá rách lưới đối thủ - chứ thực ra vẫn được họ coi như dép rách. Chính trị gia là kẻ xin phiếu cử tri với lập luận là để bảo vệ người dân khỏi những mối nguy do chính họ thổi lên.

Chuyện ấy nghe có vẻ cực đoan gay gắt, nhưng giếng dầu Chevron tại Vịnh Mexico có thể là cơ hội kiểm chứng lại sự việc. Sự việc là chánh sách năng lượng của Hoa Kỳ.

Nước Mỹ nên có chánh sách năng lượng ra sao để được tiện lợi, an toàn và sạch sẽ" Tiện lợi là rẻ và dễ kiếm, an toàn là không bị gián đoạn hay bắt bí vì những lý do chính trị của nguồn cung cấp và sạch sẽ là để khỏi gây ô nhiễm môi sinh.

Trên chính trường Hoa Kỳ, lập trường của hai đảng chính - Dân chủ và Cộng hoà - đối với chánh sách năng lượng đó là gì"

Đảng Dân chủ có lập trường chủ động và tích cực nhất về mọi chuyện liên hệ đến năng lượng, còn đảng Cộng hoà thì chỉ có khả năng phản ứng và đỡ đòn. Đấy là đại thể.

Vốn có nhiều sáng tạo, đảng Dân chủ đã nhắm vào một chiến lược (thuyết phục) trường kỳ nhằm khéo cột hồ sơ năng lượng vào chung một gói bao gồm bốn khía cạnh là an ninh quốc gia, giá trị kinh tế, bênh vực lao động và bảo vệ môi sinh. Khi nói đến chuyện trường kỳ, người ta có lợi thế là khỏi bị vướng bởi những việc lặt vặt trước mắt.

Nhưng, trên chính trường, điều ấy hơi khó.

Trong những tính toán của đảng này, chiến lược năng lượng được trù hoạch cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008. Họ cột các vấn đề lớn và nâng lên tầm chiến lược của vị lãnh đạo quốc gia. Cũng vì vậy, họ không thể có đáp số về các bài toán trước mắt - cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày mùng bảy tháng 11 này. Khi hữu sự thì họ dùng lập luận mị dân (đại chúng - populist) để quy tội cho đối phương dù họ biết rằng nếu như mình chiếm đa số bên Hành pháp hay Lập pháp thì cũng vậy, là chuyện đã thấy năm 2000, hoặc trước đó.

Lập luận chủ yếu của họ là tại các tổ hợp dầu khí làm giá và bóc lột giới tiêu thụ, với sự toa rập của chính quyền Bush, vốn nhiều đời liên hệ đến kỹ nghệ dầu hỏa. Lập luận ấy ăn khách khi xăng dầu lên giá, nhưng mất hiệu lực khi giá xăng đã giảm.

Đảng Cộng hoà cũng chẳng khá hơn!

Xưa nay, họ lập luận là vì áp lực của giới bảo vệ môi sinh, Hoa Kỳ không tận khai tài nguyên dầu khí của mình, thí dụ như khai thác dầu khí tại Alaska, và không cho lập thêm nhà máy lọc dầu, nên xăng dầu mới lên giá. Bây giờ, họ đành chấp nhận sự thể khó chối cãi, rằng kinh tế Mỹ quá lệ thuộc vào dầu khí nhập cảng và cần tìm ra những loại năng lượng điền thế.

Trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang ngày 31 tháng Giêng năm nay, ông Bush đã lần đầu tiên nói đến việc đó, một sự xoay chuyển lập trường khá ngoạn mục từ một người vẫn bi dư luận coi là có quyền lợi gắn bó với dầu hỏa. Sau khi đã lùi một bước, đảng Cộng hoà cố tìm ra lập luận chứng tỏ rằng mình thực tiễn và ôn hoà trong khi đối phương lại có những đòi hỏi quá khích, không tưởng.

Nhưng trên trận thế lý luận ấy, cái tin Chevron kiếm ra giếng dầu có thể nâng trữ lượng Hoa Kỳ thêm 50% thực chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến lập trường căn bản của hai đảng. Nên bị quăng thùng rác!

Sau khi kiểm lại "triết lý năng lượng" rất khác biệt nhưng đều mơ hồ của cả hai đảng, chúng ta thử tìm hiểu xem họ sẽ đấu lý ra sao trong cuộc bầu cử trước mắt, rồi trong kỳ hẹn 2008.

Trước mắt thì đấu lý rất ít và nói phét thì nhiều.

Còn non hai tháng thôi, Quốc hội Mỹ có nhiều chuyện hệ trọng hơn là biểu quyết các đề luật cần thiết liên hệ đến năng lượng. Về căn bản, cả hai đảng đều chú trọng đến vế "cung" của xăng dầu. Làm sao đào dầu và chế xăng nhiều hơn (bên Cộng hoà) nhưng sạch hơn vì không làm bầu khí quyển thêm nóng và môi sinh thêm ô nhiễm vì thán khí (bên Dân chủ).

Cả hai đảng đều tránh nói đến về "cầu", đến việc kêu gọi hay hướng dẫn quần chúng thay đổi thói quen tiêu thụ. Quần chúng là cử tri mà!

Không nói vào vấn đề chính thì xoay ra tấn công đối phương căn cứ trên cảm quan nhận thức của cử tri.

Thấy cử tri than phiền là xăng dầu lên giá, đảng Dân chủ ghim ngay tội đó lên lưng đối phương: muôn sự chỉ vì chính quyền (Bush) không dám kiểm soát các tổ hợp dầu khí, quản trị tồi và lại bị sa lầy tại Iraq. Đảng Cộng hoà thì chống đỡ bằng những giải thích rắc rối về tình hình thị trường, về toàn cầu hóa, v.v… Bây giờ xăng dầu nới giá, đảng Cộng hoà chỉ mừng thầm là đối phương mất một lý lẽ công kích. Chuyện dầu khí Chevron là chuyện của 2010, tới đó hãy tính.

Từ nay đến ngày bầu cử, Quốc hội có đem hồ sơ nào ra bàn cãi về năng lượng thì cũng chỉ để đôi bên khai triển lập luận cố hữu và triết lý năng lượng của mình. Chứ Quốc hội sẽ không có những thay đổi mang tính chất chiến lược. Chuyện ấy, phải dành cho 2008.

Năng lượng và dầu khí sẽ giữ vai trò gì trong cuộc tranh cử 2008 và sẽ được hai bên khai thác ra sao"

Trước hết, Quốc hội khoá 110 được cử tri bầu lên vào ngày mùng bảy tháng 11 này sẽ chụp lấy một đề tài ăn khách. Hiện tượng nhiệt hoá địa cầu (khiến thiên tai bão lụt xảy ra nhiều hơn) là vấn đề được dân Mỹ quan tâm nhiều hơn và đảng Dân chủ triệt để khai thác đề tài ấy (với sự tái xuất hiện của ông Al Gore). Việc tiểu bang California đi bước đầu với đạo luật hạn chế thán khí (hiệu ứng nhà kính - greenhouse emission) do Thống đốc Arnold Schwarzenegger vừa ký hôm mùng bốn sẽ khiến chính quyền liên bang phải có lập trường và quyết định. Hiệu ứng nhà kính là đề tài lớn của hai năm tới, từ tháng 11, 2006 đến bầu cử 2008 và năng lượng sẽ là yếu tố tranh luận trong đề tài ấy. Đảng Dân chủ sẽ chiếm ưu thế.

Thứ hai, vấn đề an ninh hay khả năng tự túc về năng lượng là cơ hội phản công bên phía Cộng hoà. Cả hai đảng đều hiểu rằng nước Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào dầu khí nhập cảng, nhưng trong khi đảng Dân chủ nói đến dầu khí và ảnh hưởng bất lợi tới môi sinh thì bên Cộng hoà nhấn mạnh đến khía cạnh nhập cảng - đòn bắt bí của Iran hay Venezuela là minh diễn.

Trước sự thể ấy, đảng Dân chủ cố tìm ra một góc tấn công khác: an ninh của Hoa Kỳ (đề tài sở trường bên Cộng hoà) bị suy yếu vì kinh tế quá lệ thuộc vào dầu khí và nhất là dầu khí Trung Đông. Tin mừng của Chevron làm giảm bớt sức thuyết phục - hay dọa nạt - của đảng Dân chủ nên càng dễ bị chìm xuồng.

Một khía cạnh thứ ba là lực lượng lao động tại Hoa Kỳ.

Khác với nhiều xứ trên thế giới, thành phần công nhân thợ thuyền có thể thiên tả về chánh sách kinh tế xã hội (và ngả theo đảng Dân chủ) nhưng lại bảo thủ về an ninh và đối ngoại (nên có thiện cảm với bên Cộng hoà). Năng lượng là đề tài được giới lao động chú ý, một hiện tượng rất mới, vì nhiều lý do bất ngờ.

Khi thay đổi nguồn nhiên liệu trong việc sản xuất - từ xe hơi đến kỹ nghệ biến chế - chánh sách năng lượng và cả chánh sách môi sinh đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề mới trong tiến trình sản xuất. Việc đó có thể làm giảm bớt đà mất việc của công nhân Mỹ vì trào lưu đặt làm gia công ở nước ngoài (outsourcing).

Các nghiệp đoàn lớn của công nhân ngành thép và xe hơi (US Steelworkers và United Autoworkers) sẽ có tiếng nói trong cuộc tranh cử 2008 và cả hai đảng đều phải tìm cách khai thác chuyện năng lượng thành lợi thế lao động cho kỳ hẹn bầu cử đó ở hai khía cạnh là tay nghề và kỹ thuật mới mà công nhân nước ngoài không thể cạnh tranh được.

Những thay đổi về nguồn năng lượng - xăng dầu nội địa hay nhập cảng và nhiên liệu thay thế xăng dầu - thực ra đòi hỏi thời gian khá lâu rồi mới thành hình. Việc Hoa Kỳ có thêm trữ lượng dầu thô cũng sẽ ảnh hưởng đến chánh sách năng lượng ở nhiều khía cạnh khác nhau (an ninh, môi sinh hay lao động), nhưng việc trù hoạch chánh sách ấy là chuyện lâu dài và khó khăn vì cần dung hoà nhiều quyền lợi đối nghịch. Các chính khách chưa kịp tìm ra những mấu chốt đó và nếu có thì cũng phải mất nhiều năm.

Vì vậy, tội chi mà phải ầm ĩ về một giếng dầu khổng lồ ở ngoài khơi. Và cũng vì vậy, dư luận không nên thắc mắc vì sao lãnh đạo - trong và ngoài chính quyền - chả ai đả động gì đến tin vui đó cả.

Các chính khách chỉ có thời khi dân thấy lo, chứ khi dân vui mừng thì họ mất vui!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cách đây không lâu tôi có viết một bài đăng trên báo Việt ngữ tựa đề “cần tìm hiểu thêm về đạo Hồi-Giáo” do bởi có đa số người Việt đã quá hiểu lầm về Hồi giáo
Lịch sử mấy nghìn năm dân Việt chống Bắc thuộc, đánh giặc Tàu, ngăn chận ý đồ bành trướng của Đại Hán kể như chấm dứt vào cái ngày định mệnh và ô nhục
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Gần 800 năm trước đây, khi đất nước Việt Nam bị quân Nguyên Mông xâm lược, vua tôi nhà Trần đã có hội nghị Diên Hồng lịch sử để nói lên quyết định đồng tâm nhất
Tôi là một trong những người đã tham gia cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 trước Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối chính quyền Trung Quốc
Giờ phút này đây, tại quê nhà yêu quý, đồng bào quốc nội đang sục sôi biểu tình trước tòa đại sứ và tòa lãnh sự Trung Quốc ở hai đầu tổ quốc
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt
Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại Hà Nội & Sài gòn! Tại sao hy hữu" Vì từ khi lên nắm quyền bính đến nay, mới thấy nhà nước độc tài Việt gian Hà Nội
Sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc của thế giới. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới
Tổng Thống William Jefferson "Bill" Clinton, sinh ngày 19/8/1946, là Tổng Thống thứ 42 của Hoa Kỳ, phục vụ 2 nhiệm kỳ từ 1993 đến 2001.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.