Hôm nay,  

Chiến Tranh Và Kinh Tế

19/07/200600:00:00(Xem: 6994)

Kinh tế Mỹ có thể chỉ bị suy trầm nhẹ chứ các nước đang phát triển tại Đông Á sẽ bị suy thoái, thậm chí khủng hoảng như Nhật Bản đã bị năm 1990 và Đông Á đã bị năm 1997.

Thế giới đang e ngại nguy cơ suy trầm kinh tế thì đúng một tuần sau khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn tại Đông Bắc Á, quân khủng bố lại đánh bom tại Mumbai của Ấn Độ; thế rồi xung đột vừa bùng nổ tại Trung Đông và có thể suy đồi thành chiến tranh lan rộng. Diễn đàn Kinh tế Đài RFA sẽ tìm hiểu về hậu quả của cuộc chiến đối với kinh tế toàn cầu qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chiến cuộc tại Trung Đông đã kéo dài một tuần và chưa có hướng lắng dịu khiến dầu thô đã vọt tăng giá và nhiều thị trường chứng khoán bị suy sụp. Với viễn ảnh bất trắc về kinh tế toàn cầu mà chúng ta đã đề cập tới từ ba tuần qua, kỳ này, xin đề nghị là chúng ta sẽ phân tích xem chiến tranh Trung Đông mà lan rộng thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Chúng ta sẽ bắt đầu từ vùng hỏa tuyến ra thế giới.

- Thưa vâng, nếu đi từ Lebanon là nơi xuất phát biến cố châm ngòi là vụ lực lượng Hezbollah tấn công các đơn vị Israel và bắt giữ hai tù binh Do Thái làm con tin ngày 11 tháng Bảy khiến Israel trả đũa rồi đôi bên mở cuộc tấn công bằng đại pháo, không kích và hoả tiễn, thì hai quốc gia bị ảnh hưởng kinh tế nặng nhất sẽ là xứ Lebanon và sau đó là Israel.

- Hỏi: Từ hai xứ đó, ảnh hưởng bất lợi về kinh tế sẽ ra sao đến các xứ khác trong khu vực"

- Lebanon là nước nghèo và nhỏ không có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới trừ một lãnh vực. Đó là ma túy. Tôi xin giải thích, quốc gia này chưa có đến bốn triệu dân, có tổng sản lượng GDP tính theo tỷ giá mãi lực thì chỉ có chưa đầy 20 tỷ, bằng một phần mười của Việt Nam, dù lợi tức đồng niên một đầu người có thể cao hơn gấp 10, khoảng hơn năm nghìn Mỹ kim. Xứ này sống chủ yếu nhờ nông nghiệp và du lịch mà cũng là nơi chuyển ngân khá tự do của khu vực vì hệ thống ngân hàng thô thiển và thiếu kiểm soát.

- Hỏi: Xin hỏi ngay là ông vừa nói đến ma túy, vì sao lại như vậy"

- Ngòi nổ của vụ xung đột nằm tại thung lũng Bekaa, một vùng thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Hezbollah và là một trung tâm chế biến ma túy từ thuốc phiện xuất phát từ Aghanistan. Việc quân lực Israel đang tấn công khu vực này và cả thủ đô Beirut tất nhiên ảnh hưởng đến nguồn cung cấp ma tuý, kinh tài và chuyển ngân lậu của quân khủng bố. Nhưng đây chỉ là ảnh hưởng thu hẹp nếu so với thiệt hại lớn lao hơn của Israel. Theo chiều hướng được thấy trong tuần qua, toàn lãnh thổ Israel đều có thể nằm dưới tầm hoả tiễn của quân khủng bố, kể cả Tel Aviv và Jerusalem nên sinh hoạt kinh tế tất nhiên bị thiệt hại nặng. Dù chỉ có bảy triệu dân, Israel có nền kinh tế giàu gấp đôi hai nền kinh tế lân bang gộp lại là Lebanon và Syria.

- Hỏi: Và phải chăng vì Syria có liên hệ đến vụ xung đột nên có thể cũng bị lôi vào cuộc"

- Hezbollah được Iran yểm trợ về chiến lược và Syria về chiến thuật nên Syria có thể cũng sẽ bị Israel tấn công - như đã từng bị trong quá khứ. Trong giả thuyết đó, sản lượng xuất khẩu chừng 200 ngàn thùng dầu thô một ngày của Syria sẽ bị gián đoạn nếu giếng dầu bị tấn công hoặc hải cảng Banias bị phong toả. Điều ấy hơn là ma túy tại Lebanon mới trở thành mối lo toàn cầu nếu chiến tranh lan rộng và kéo dài. Trong khung cảnh vốn đã bất ổn vì Iran hăm dọa sử dụng dầu hỏa làm võ khí kinh tế, Bắc Hàn phóng hỏa tiễn và Nigeria bị khủng hoảng, dầu thô đã có lúc vượt mức 78 đồng một thùng và sẽ còn lên xuống rất thất thường đột ngột.

- Hỏi: Trước khi đi vào hậu quả chính yếu của chiến cuộc tại Trung Đông, vốn là nguồn cung cấp dầu khí lớn nhất của thế giới, xin hỏi ông thêm là còn những loại thương phẩm hay hàng hoá nào sẽ bị ảnh hưởng nữa"

- Có một nghịch lý ở đây là khi tình hình thế giới bất ổn như vậy, đồng Mỹ kim sẽ lên giá vì suy đi tính lại người ta thấy rằng lưu giữ tài sản bằng đô la Mỹ hoặc đầu tư vào Hoa Kỳ vẫn là nơi an toàn nhất. Kế tiếp là vàng cũng sẽ lên giá, nhất là ở những vùng không dễ đổi đô la. Khi dầu thô và đô la lên giá, đồng bạc của các xứ khác cũng mất giá nếu so với Mỹ kim. Và chìm bên dưới là một mối nguy khác là vật giá có thể gia tăng đồng loạt do hiện tượng gọi là "lạm phát vì phí tổn".

- Hỏi: Bây giờ ta nói đến chuyện dầu khí lên giá. Hậu quả chung sẽ là thế nào"

- Nói chung thì những nước xuất khẩu có lợi và nhập khẩu bị thiệt. Nhưng dù có xuất khẩu thì vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp khi nhập khẩu hàng hoá với giá cao hơn vì cần tới nguyên nhiên liệu là dầu khí và vì chi phí bảo hiểm và vận chuyển cũng gia tăng. Mức độ thiệt hại vì vậy cũng tùy ở mức độ lệ thuộc vào dầu khí và ngoại thương nhiều hay ít.

- Hỏi: Trong trường hợp mà giao tranh kéo dài và có khi lan tới các cứ khác thì một cơn chấn động về dầu khí có thể ảnh hưởng thế nào đến các nền kinh tế"

- Mức độ ảnh hưởng nặng nhẹ cũng còn tùy mức lệ thuộc của từng nền kinh tế vào năng lượng dầu khí trong cơ cấu sản xuất mà ta có thể gọi là "hiệu năng tiêu thụ", cụ thể là cần bao nhiêu đơn vị dầu khí để sản xuất ra cùng một đơn vị hàng hoá. Ngoài Nhật Bản, các nước Đông Á đều có hiệu năng tiêu thụ kém, thua hẳn nền kinh tế của các nước công nghiệp Tây phương.

- Hỏi: Nói về từng khối kinh tế lớn thì hậu quả của một cơn chấn động dầu khí sẽ ra sao"

- Trên đại thể thì hậu quả ấy cũng còn tùy vào hoàn cảnh hiện thời của từng nền kinh tế. Nói chung thì cả ba khối kinh tế mạnh nhất đều bị thiệt hại và vì vậy cũng gây hậu quả cho các nước khác nếu xuất khẩu mạnh vào các thị trường này.

Trước tiên là kinh tế Âu châu hiện đang gặp nhiều vấn đề nhất. Các nước lớn nhất Liên hiệp Âu châu vốn đã có nhiều bất trắc về chính trị cũng lại có mức tăng trưởng bấp bênh nhất, chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ. Mạnh nhất Âu châu là kinh tế Đức thì cũng là nơi mà niềm tin của giới đầu tư và tiêu thụ có chiều hướng suy sụp nhất. Với lãi suất ngân hàng đã tăng, một vụ chấn động về dầu khí sẽ gây ra suy trầm cho cả khu vực và ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của các nước khác vào thị trường Âu châu, đồng thời càng đẩy mạnh phản ứng quốc gia cực đoan về kinh tế và duy trì tình trạng bảo hộ mậu dịch đầy bất lợi cho các nước nghèo.

- Hỏi: Còn trường hợp của các nước khác, thí dụ như Nhật Bản, là khối kinh tế thứ nhì thế giới"

- Hôm 14 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật đã nâng lãi suất, lần đầu tiên kể từ sáu năm nay và mặc nhiên chấm dứt thời kỳ lãi suất nằm ở số không vì nạn giảm phát và suy trầm.

- Hỏi: Việc ấy có là chỉ dấu cho thấy kinh tế Nhật đã hoàn toàn phục hồi hay không"

- Thưa phục hồi thì có nhưng hoàn toàn phục hồi thì chưa. Nhật Bản đã có chính sách tài trợ với lãi suất rất rẻ để sản xuất và xuất khẩu tối đa hầu chiếm thị phần mà bất cần lời lỗ, y hệt như trường hợp Trung Quốc ngày nay. Hậu quả của chính sách ấy đã thổi lên trái bóng đầu tư trên một núi nợ rất lớn, đa số là nợ khó đòi và sẽ mất. Khi trái bóng bị vỡ vào đầu thập kỷ 90, kinh tế Nhật bị khủng hoảng và Nhật phải bơm tiền vào nền kinh tế đến nỗi trong vòng có mấy năm đang là chủ nợ lớn nhất thế giới biến thành con nợ lớn nhất thế giới.

Ngày nay, nạn giảm phát đã bị đẩy lui và Nhật lại e ngại lạm phát nên mới phải tăng lãi suất ngân hàng thêm 25 điểm, là 0,25%, nhưng triển vọng vẫn chưa sáng sủa. Kinh tế Nhật bị bội chi ngân sách đến 6% của tổng sản lượng GDP và dân số lên tới đỉnh cao nhất vào năm 2004; từ nay mỗi năm sẽ giảm dần, thành phần ở tuổi lao động và đóng thuế cho ngân sách cũng vậy. Đã thế, Nhật Bản còn ở dưới tầm hoả tiễn của Bắc Hàn và nay lại bị nguy cơ chấn động về dầu khí nên năm tới có thể gặp hoàn cảnh của một con bệnh vừa hồi phục thì lại ngã bệnh.

- Hỏi: Còn trường hợp của Hoa Kỳ"

- Dù có hiệu năng tiêu thụ dầu khí cao nhất, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia tiêu thụ dầu khí mạnh nhất. Kinh tế Hoa Kỳ hiện đang bị hai nguy cơ song hành là vừa đình trệ vừa lạm phát, thuật ngữ kinh tế gọi là "stagflation", stagnation với inflation. Vì nguy cơ lạm phát, Hoa Kỳ đã tăng lãi suất 17 lần liên  tục, lần cuối vào ngày 29 tháng trước, và có thể sẽ còn tăng lãi suất thêm một lần nữa vào ngày mùng tám tháng tới. Trong khi ấy, hiệu ứng phồn thịnh của thị trường gia cư nhờ tài sản địa ốc tăng giá mạnh trong năm năm liền, hiệu ứng ấy đã hết vì thị trường địa ốc nay đã nguội. Giá nhà hết tăng khiến người ta có cảm giác như mình nghèo hơn và tần tiện chi tiêu hơn trước. Mức tin tưởng của giới tiêu thụ có sút giảm như một biểu hiện của tâm lý ấy. Vào đúng lúc này mà dầu thô lại lên giá và sẽ còn giữ giá cao cho đến năm tới thì kinh tế tất nhiên bị ảnh hưởng. Ngay trước mắt thì giá xăng tại Mỹ đã mấp mé ba đô la một ga-lông và có thể sớm vượt qua ngưỡng ấy nếu chiến tranh lan rộng tại Trung Đông khiến sức chi tiêu của dân chúng bị hao hụt có thể đến trăm tỷ. Khi kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu châu đều bị đình trệ hoặc suy trầm cùng lúc thì kinh tế các nước khác tất nhiên sẽ lãnh hậu quả nặng vì nhập khẩu đắt hơn mà xuất khẩu lại ít hơn.

- Hỏi: Dầu vậy, tuần qua Trung Quốc vừa cho biết là kinh tế xứ này đã đạt mức tăng trưởng bình quân là gần 11%, liệu xứ này có thoát được nguy cơ suy trầm của nhiều xứ khác chăng"

- Tôi e rằng không, có thể bị chậm hơn nhưng cũng sẽ nặng hơn là đằng khác. Chúng ta nhớ tới Nhật Bản 15 năm trước thì có thể sẽ thấy tái diễn trường hợp tương tự trong một hai năm tới. Trung Quốc đã có tăng lãi suất và tiết giảm tín dụng mà không có kết quả nên hôm Chủ Nhật Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ thị cho bộ máy chính quyền phải triệt để quan tâm đến những thất quân bình và bất ổn kinh tế. Hơn một năm sau khi chính quyền đã ban hành biện pháp hạ nhiệt kinh tế mà vẫn tăng trưởng 2% cao hơn chỉ tiêu thì ta phải thấy ra khả năng quản lý rất kém của xứ này. Với nguy cơ lạm phát gia tăng, một cơn chấn động dầu khí vì chiến tranh tại Trung Đông có thể sẽ lây lan thành khủng hoảng vào năm tới. Đã thế, cuối năm nay Trung Quốc phải mở cửa cho hệ thống ngân hàng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài, núi nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ đổ và khủng hoảng tài chính càng dễ xảy ra.

- Hỏi: Trong giả thuyết ấy, tình hình khu vực Đông Á sẽ ra sao"

- Kinh tế Trung Quốc cũng giống như người đi xe đạp, không đạp thì xe đổ. Khi gặp nguy cơ khủng hoảng ngân hàng vì mất nợ, họ sẽ càng cố đạp xe cho mạnh. Họ càng đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa, bất kể lời lỗ, tức là bán hàng dưới cả giá thành. Các nước trong khu vực sẽ bị cạnh tranh kịch liệt hơn về ngoại thương vào đúng lúc xuất khẩu của mình gặp khó khó khăn vì suy trầm toàn cầu.

Hậu quả thứ hai là chính quyền sẽ lại bơm tiền cấp cứu các doanh nghiệp nhà nước để khỏi gặp nạn thất nghiệp và động loạn xã hội, cho nên tranh chấp về mậu dịch sẽ càng gay gắt hơn. Sau cùng, luồng tư bản tháo chạy khỏi khu vực Đông Á đầy bất trắc này sẽ chảy ngược về Hoa Kỳ là nơi an toàn hơn cả. Kinh tế Mỹ có thể chỉ bị suy trầm nhẹ chứ các nước đang phát triển tại Đông Á sẽ bị suy thoái, thậm chí khủng hoảng như Nhật Bản đã bị năm 1990 và Đông Á đã bị năm 1997.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tại nhà hàng Kim Sư vào lúc 9 giờ sáng thứ tư ngày 12 tháng 12 năm 2007 một buổi gặp gở với giới báo chí
Trong tuần lễ đầu tháng 10, năm 2007, tất cả các cơ quan ngôn luận trên thế giới đều loan tải và sôi nổi bàn tán về một nguồn tin liên quan tới một vị tổng thống
Tại Hội trường Nhật Báo Việt Báo, vào lúc 10 giờ 30 sáng thứ ba ngày 11 tháng 12 năm 2007
Ông Đặng Đình Khiết, Ông Nguyễn Minh Nữu cùng một nhóm  phật tử và nhà hoạt động vùng Hoa Thịnh Đốn
Sau Ngân hàng Trung ương Anh quốc, đến lượt Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cũng hạ lãi suất và ngày càng nhiều người dự đoán là nạn suy trầm kinh tế
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng sa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Trong trận hải chiến không cân sức này
Cụm từ này không phải là một phát kiến mới mẻ về mặt ngôn từ, mà thực tế đã hình thành và thai nghén từ nhiều năm nay
Nhơn chuyến đi từ Canada làm công tác Phật sự ở Cali, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu
Bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 9-12-2007, trước khuôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội, hàng trăm tiếng hô đã vang lên
Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 Tháng 12,  năm thứ 59, nhiều người thuộc Đảng Việt Tân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.