Hôm nay,  

Đảng Csvn Khó Xử: Tư Doanh Tại Việt Nam

02/09/200300:00:00(Xem: 19650)
Trong Hội nghị cấp Bộ trưởng của Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC sẽ họp tuần này tại Bangkok, việc khuếch trương các tiểu doanh thương trong lãnh vực tư sẽ đặc biệt được đưa vào nghị trình thảo luận.
Dưới đây là cuộc thảo luận giữa Đài RFA với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về khu vực tư doanh tại Việt Nam.
Hỏi: Thưa ông, sau khi tiến hành đổi mới kinh tế, chính quyền Việt Nam đã chấp nhận hình thái kinh tế nhiều thành phần, trong đó, giá trị của thành phần tư doanh bắt đầu được công nhận. Từ đó đến nay, tình hình đã tiến triển ra sao"
-- Nếu nói cho ngắn gọn thì tiến triển khả quan ngoài sự dự liệu của nhà nước vì thực chất thì nhà nước không dự liệu như vậy và có lẽ cũng chưa muốn như vậy. Thành quả nếu có của công cuộc đổi mới chính là nhờ thành phần tư doanh hơn là khu vực quốc doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta không quên rằng từ 10 năm nay, số doanh nghiệp nhà nước đã giảm phân nửa và chủ yếu giảm vì có đến phân nửa trong số 12.000 công ty đã lặng lẽ đóng cửa vì bị phá sản, phần còn lại thì gần phân nửa bị lỗ lã khó khăn, việc cổ phần hóa, thực chất là tư nhân hóa, thì còn quá chậm. Trong khi đó, kinh tế vẫn tăng trưởng đều với tốc độ cao, thành quả ấy là nhờ khu vực ngoài quốc doanh.
Hỏi: Phải chăng vì vậy mà chính quyền Việt Nam cuối cùng cũng chú ý đến việc phát triển khu vực tư, với bộ Luật Doanh nghiệp sau cùng đã được biểu quyết và áp dụng"
-- Vâng, và có ba yếu tố có thể giải thích sự kiện này. Thứ nhất là, về cơ bản, công cuộc đổi mới là phản ứng tự phát của người dân khi chính quyền bị bó tay trước cuộc khủng hoảng kinh tế vì đường lối quản lý tập trung kế hoạch. Chính quyền ưa nói đến công lao của đảng trong việc đổi mới, thực tế thì chính là sức lao động và phản ứng biến báo linh động của người dân mới tạo ra kết quả đáng mừng này. Thứ hai là trong khi chính quyền tìm cách gom góp phương tiện để cứu vãn sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước và còn chủ quan duy ý chí lập ra những Tổng công ty theo mô hình các chaebols của Hàn quốc thì tư doanh lặng lẽ phát triển sản xuất và mở rộng tầm hoạt động, khiến chính quyền phải chạy theo mà làm luật, theo đúng quy luật “người dân đi trước nhà nước chạy sau”. Yếu tố thứ ba là ảnh hưởng của các tổ chức cấp viện, khi viện trợ cho Việt Nam đã khuyến cáo nhà nước là phải phát triển tư doanh và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần doanh nghiệp. Cuối cùng thì chính quyền đã phải làm như mình nói, là miễn cưỡng cho phép thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được hoạt động dễ dàng hơn xưa.
Hỏi: Nhưng, hiển nhiên là giới hữu trách về kinh tế tại Việt Nam cũng phải thấy giá trị khách quan của khu vực tư doanh chứ"
-- Tôi thiển nghĩ là các quan chức có liên hệ đến sinh hoạt kinh tế của người dân đều biết vậy, nhưng họ không có toàn quyền quyết định. Những người có tinh thần tiến bộ nhất thì vạch ra định hướng phát triển đồng đều các thành phần công và tư, nhưng những người có thẩm quyền về chính trị thì quan tâm đến quyền lực và quyền lợi của đảng nên quyết định về tốc độ chuyển hướng đó nhanh hay chậm. Thí dụ như họ phải chấp nhận cho tư doanh phát triển vì tư doanh là thành phần tuyển dụng công nhân nhiều nhất để đáp ứng yêu cầu là tìm ra hơn một triệu 200 ngàn công việc làm một năm vì đà gia tăng dân số. Lý do đơn giản là vì lãnh đạo vẫn bị trói buộc trong quan điểm lỗi thời là nhà nước chủ động phát triển kinh tế và hiện đại hóa hệ thống sản xuất, các doanh nghiệp nhà nước đều ưu tiên đầu tư vào kỹ thuật thâm dụng tư bản, tức là sử dụng nhiều máy móc thiết bị nên khả năng tạo ra công việc làm của khu vực nhà nước không đáp ứng nổi yêu cầu nhân dụng. Ngoài thí dụ về nhân dụng, mình còn thấy rất nhiều đóng góp khác của tư doanh.
Hỏi: Ông nhìn thấy sự việc đó qua những khía cạnh nào"
-- Chúng ta hãy mở báo chí trong nước ra mà xem. Luôn luôn ở trang nhất ta thấy những cột báo dài với hình ảnh rực rỡ là tin tức về các giới chức lãnh đạo đi làm việc này, thăm viếng vùng kia. Và chúng ta vẫn thấy nguyên vẹn lối đặt tựa rất kêu rất nổ như khẩu hiệu thời xưa về việc làm của quan chức nhà nước. Nhưng bên dưới và ở trang trong, ta thấy rất nhiều tin tiêu cực về thành quả của quốc doanh, với nhiều cách giải thích khiên cưỡng. Ngoài ra, những tin tức kinh tế lạc quan nhất thì đều từ khu vực ngoài quốc doanh mà ra. Thí dụ như tháng trước, khi nguy cơ nhập siêu gia tăng vì nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, ta thấy phần doanh thu ngoại tệ nhờ xuất cảng của các cơ sở ngoài quốc doanh lại chiếm tỷ lệ cao nhất. Gần đây hơn, thống kê về sản xuất công nghiệp trong tám tháng đầu năm cho thấy một mức tăng trưởng bình quân là gần 16%, trong đó phần của công nghiệp ngoài quốc doanh tăng đến hơn 18%, riêng trong tháng tám vừa qua, tăng gần 20%. Ngược lại, mình thấy rằng phần đóng góp của các tổng công ty vào ngân sách nhà nước vẫn còn rất thấp và gia tăng chủ yếu là nhờ giá dầu thô lên cao so với năm ngoái.

Hỏi: Phần sản xuất của tư doanh vì vậy vẫn lặng lẽ chiếm một tỷ lệ cao hơn trong sản lượng toàn quốc"
-- Vâng, và còn có thể cao hơn nữa nếu thực sự được giải phóng. Tôi còn nhớ cách đây mấy năm tại một hội nghị hằng năm của các cơ quan viện trợ cho Việt Nam, gọi là Nhóm Tư vấn của Ngân hàng Thế giới, năm đó triệu tập tại Paris, khi được báo chí quốc tế hỏi về tỷ trọng của khu vực quốc doanh trong sản xuất, vị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư lúc đó lúng túng chưa biết trả lời sao thì Giám đốc Thường trú của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, thời đó đã đỡ lời, rằng doanh nghiệp nhà nước đóng góp đến 40% vào tổng sản lượng, và còn nhắc rằng tỷ trọng đó cũng bằng với hệ thống quốc doanh của Pháp. Ông ta quên không nói là cơ chế kinh tế của Pháp dù sao vẫn coi tư doanh là chính và hệ thống công quản hay quốc doanh của Pháp phải sinh hoạt theo quy luật thị trường, là điều chưa có tại Việt Nam. Ngày nay, nếu nhìn thấy sự sa sút của các công ty quốc doanh Pháp, có lẽ viên chức này sẽ bớt chống chế cho quan chức Hà Nội. Thực tế tại Việt Nam thì khu vực tư doanh đang tiến và tiến đến đâu thì nhà nước lùi đến đó.
Hỏi: Ông cho rằng chính quyền Việt Nam chỉ miễn cưỡng lùi bước để khu vực tư doanh mở rộng phạm vi hoạt động"
-- Hiển nhiên như vậy và một cách định kỳ, nghĩa là một năm đôi ba lần trong các hội nghị của các cơ quan cấp viện hay các định chế tài chính quốc tế, Việt Nam vẫn được nhắc nhở là phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng cho khu vực tư. Cụ thể là cho đến nay, chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được cấp phát tín dụng ưu đãi, với lãi suất nhẹ và điều kiện bảo đảm, để đương tài sản tương đối dễ dàng. Tuyệt đại đa số hoạt động ngân hàng hiện vẫn do bốn ngân hàng thương mại quốc doanh đảm đương và các ngân hàng này dồn vốn cho các doanh nghiệp nhà nuớc vay. Khi Việt Nam được viện trợ chính thức, gọi là ODA, thì đối giá bạc Việt Nam của các khoản viện trợ đó cũng được dồn cho các doanh nghiệp nhà nước. Tư doanh phải vay vốn của các công ty thuê mua tài chính với lãi suất cắt cổ. Trong lãnh vực trước đây vẫn là độc quyền của nhà nước là xuất khẩu, tư doanh vẫn chưa được tự do thông tin để nắm vững tình hình thị trường và trong buớc đầu mở mang ra bên ngoài thì vẫn chưa được yểm trợ về chi phí tiếp cận thị trường. Nói chung, chức năng của các cơ quan chuyên môn của nhà nước chưa được minh định là để ưu tiên phục vụ tư doanh, cũng bình đẳng như quốc doanh. Nhìn ra ngoài thì khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn kém vì tư doanh phải xếp hàng sau quốc doanh là thành phần chậm lụt nhất, dù có bộ máy yểm trợ của nhà nước ở đằng sau.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, liệu Việt Nam có kịp thay đổi quan niệm so với các nước khác trong vùng không"
-- Tôi không mấy lạc quan về khả năng tự giác của chính quyền, nhưng lại tin tưởng rằng yếu tố khách quan bên ngoài sẽ khiến Việt Nam phải thay đổi nhanh hơn. Trong trung hạn, ta có viễn ảnh Việt Nam muốn gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO nào năm 2005 này nên sẽ phải giải phóng tư doanh. Trước mắt thì Việt Nam đã có những cam kết về cải tổ với các cơ quan viện trợ. Do khuyến cáo của các cơ quan cấp viện, Việt Nam có thành lập Quỹ Hỗ trợ Phát triển và đã được viện trợ về tài chính lẫn kỹ thuật để cải cách thể chế kinh tế hầu phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nghĩa là lộ trình đã có, bản đồ đã vẽ, còn lại là chính quyền có muốn giải quyết những ách tắc do chính sách và bộ máy hành chính của mình gây ra hay không. Tuần này, Thủ tướng Thái Lan cũng đề nghị đưa vào nghị trình của hội nghị các Bộ trưởng Tài chính trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương đề mục thảo luận là yểm trợ phát triển tư doanh. Việt Nam có thể học được nhiều ở hội nghị này để không bị thua sút các nước trong khu vực và để người dân thực sự đóng góp vào việc cải thiện sinh hoạt kinh tế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Giai đoạn yêu đương tán tỉnh giữa ứng cử viên Tổng Thống (TT) và cử tri sắp qua.  Trong vài ngày nữa, cử tri trên khắp 22 tiểu bang của Hoa Kỳ sẽ quyết định
Nghĩa Hình Tướng: Bát Nhã Tâm hay còn gọi là Trí Tuệ Tâm, dược ví như thanh gươm vô cùng rắn chắc, và sắc bén như kim cương
Lệ phí giao dịch $8 sẽ được bớt cho các khách hàng nào dùng Wells Fargo ExpressSendSM lần đầu cho tới ngày 29 tháng Hai, 2008
 Lê Công Phụng, Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn vửa mở cửa hàng  chào khách đã nói những điều không thật và nói sai thực tế 
Cộng đồng người Việt ở Canada có khoảng hai trăm ngàn người nhưng  Liên Hội Người Việt Canada
Ông bà nào cũng tuyên bố chung chung ủng hộ tự do, dân chủ, tranh đấu nhân quyền… Toàn rượu nhạt trong bình cũ...
Sau hơn một tuần lễ kể từ ngày chính phủ Hoa Kỳ đạt thỏa hiệp trục xuất với Cộng Sản Việt Nam 22 tháng Giêng, 2008, chúng tôi vẫn tiếp tục
Đinh Từ Bích Thúy sinh năm 1962 tại Sàigòn, rời Việt Nam tháng Tư 1975, tốt nghiệp cử nhân danh dự song khoa văn
Năm đó, Vân Quỳnh còn rất bé. Cùng với người chị lớn là Quỳnh Giao, ba chị em tên Vân, con gái Dương Thiệu Tước
Tổng cục Thống kê tại Việt Nam vừa cho biết là chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 2,4% so với tháng 12. Và nếu so với tháng Giêng năm ngoái
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.