Hôm nay,  

Wb Giúp Vn Cải Cách Tài Chính Công

10/06/200300:00:00(Xem: 25277)
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có những nhược điểm nguy ngập nào" Và chế độ Hà Nội cần phải cứu nguy ra sao" Và dự án Cải cách Quản Lý Tài Chính Công mà WB đang giúp VN ra sao"
Đó là đề tài mà Đài RFA đã phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa như sau.
Hôm Thứ Sáu vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện Ngân hàng Thế giới đã ký một Hiệp định thuộc loại “tín dụng phát triển” để giúp Việt Nam thực hiện dự án Cải cách Quản lý Tài chính công.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hôm Thứ Sáu vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã viện trợ cho Việt Nam ngân khoản tín dụng phát triển gần 54 triệu Mỹ kim để thực hiện dự án Cải cách Quản lý Tài chính công. Trước tiên, xin ông cho biết sơ lược về dự án này.
-- Tài chính công, hay nói cho dễ hiểu việc quản lý chi thu ngân sách quốc gia, là lãnh vực được Ngân hàng Thế giới cùng các nhà tài trợ khác quan tâm từ nhiều năm. Việc giúp Việt Nam cải cách hệ thống quản lý công quỹ được nhiều cơ quan cấp viện tiến hành; ngoài Ngân hàng Thế giới, còn có các Vương quốc Anh, Thụy Điển, Hà Lan, hay Na Uy và Phần Lan đều giúp cơ quan hữu trách Việt Nam về cả mặt phân tích lẫn kỹ thuật thực hiện và đào tạo. Trong khuôn khổ một kế hoạch viện trợ lâu dài nhằm giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, dự án Cải cách Quản lý Tài chính công sau cùng được Ngân hàng Thế giới khởi công, với ngân khoản viện trợ gần 54 triệu Mỹ kim, thực hiện trong năm năm, kể từ nay đến 2008. Kinh phí dự án lên tới hơn 71 triệu; ngoài 54 triệu của Ngân hàng Thế giới còn có gần 10 triệu của Cơ quan Phát triển Quốc tế, tức là cơ quan viện trợ, của Anh. Về chi tiết, người ta gọi đây là tín dụng phát triển, nghĩa là cho vay trong mục tiêu phát triển. Thực tế thì là gần như cho không, vì Ngân hàng Thế giới không lấy lãi, Anh quốc thì cho không, thuật ngữ kinh tế gọi là “tặng dữ”. Việt Nam có 40 năm để trả nợ, và chỉ bắt đầu trả sau 10 năm gọi là “ân hạn”. Ngoài số 54 triệu và 10 triệu viện trợ này, Việt Nam bỏ ra chừng hơn bảy triệu bằng bạc Việt Nam và chỉ thanh toán khoản lệ phí dịch vụ nhỏ là 0,75% của 54 triệu Mỹ kim cho Ngân hàng Thế giới. Về phía Việt Nam, cơ quan thực hiện dự án là Bộ Tài chính, có sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ Y tế, bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và bộ Giao thông Vận tải. Về các nhà tài trợ, cơ quan thực hiện dự án là Ngân hàng Thế giới.
Hỏi: Xin cám ơn ông. Qua phần thứ hai, xin ông cho biết sơ lược về tình hình tài chính công của Việt Nam trong những năm qua.
-- Chúng ta đã vượt qua cái thời nguệch ngoạc làm ngân sách bằng bút chì và quản lý đời sống quốc dân bằng thông cáo tùy tiện và những chính sách về “giá lương tiền” hay “bù giá vào lương” khiến lạm phát tăng vọt quá 700%. Nhưng, có lẽ nhờ loại kinh nghiệm cách mạng đó mà chính quyền ngày nay đã thận trọng hơn khi xử lý tài nguyên quốc gia. So với các quốc gia chưa phát triển khác thì Việt Nam đứng vào hạng khá và còn chừng một phần ba đoạn đường cải cách nữa, sau khi đã tiến được chừng một phần ba đường kể từ năm 1998 đến nay. Đó là một đánh giá khách quan của Ngân hàng Thế giới, và một trong những tiến bộ thuộc loại gọi là “trông thấy” là các cơ quan nhà nước ở cấp địa phương đã biết niêm yết các khoản chi thu ngân sách ra ngòai trụ sở cho dân chúng xem. Đây là bước tiến rất lớn, sau khi có quyết định của Chính phủ năm 2000 là công bố dần dần các mục thu chi ngân sách quốc gia vì bị cộng đồng viện trợ than phiền quá nhiều về tinh thần bưng bít thông tin. Trong lĩnh vực quản lý tài chính công, ta có vấn đề thông tin như vừa nói, khiến người dân và các cơ quan công quyền biết được là những ai dùng tiền thuế của dân và dùng vào những mục tiêu gì.
Hỏi: Và còn nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản lý thuần túy khác nữa phải không"
-- Vâng, vì ngân sách quốc gia trực tiếp ảnh hưởng đến sự vận hành kinh tế lẫn các mục tiêu then chốt của chính quyền nên nói chung, người ta phải quan tâm đến phần thu rồi phần chi lẫn mục tiêu sử dụng các ngân khoản đó, nhất là trong hoàn cảnh mà mức sống dân cư còn quá thấp và sự chênh lệch giàu nghèo giữa các thành phần dân cư và các địa phương lại có xu hướng đào sâu từ khi có cải tổ kinh tế. Nói chung, vì phản ứng vung tay quá trán của thời trước nên gây ra lạm phát, chính quyền Việt Nam ngày nay đã thận trọng hơn trong lãnh vực công chi thu, nên bị bội chi tương đối thấp và mắc nợ cũng không nhiều. Đó là về lãnh vực được quan tâm nhất, là quân bình công chi thu. Tuy nhiên, trong chi tiết thì hệ thống ngân sách Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm.

Hỏi: Xin ông liệt kê một số nhược điểm đó.
-- Về phần thu, nguồn thu chủ yếu lệ thuộc vào dầu khí, vào nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp nhà nước, đa số ở trong Nam; vào hệ thống thuế khóa quá rườm rà lại không ăn sâu vào sinh hoạt kinh tế. Đó là hiện tượng quản lý nông mà chưa hữu hiệu, vì vậy, ngân sách Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình giá cả dầu thô trên thị trường quốc tế, nhiều hơn là người ta nghĩ. Một thí dụ nhỏ là tình hình chiến cuộc Iraq và giá dầu thô lên hay xuống thực ra có ảnh hưởng đến ngân sách Việt Nam mà dư luận có khi không để ý. Ngoài ra, vì nghĩa vụ ngân sách mà nhiều doanh nghiệp nhà nước có thể có ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế quốc dân và có khi chi phối các quyết định cải cách nhanh hay chậm mà dư luận cũng không rõ. Đó là về phần thu, về phần chi, chúng ta còn gặp nhiều nhược điểm hơn nữa. Nói thật đơn giản thì ta có hai lọai công chi lớn là đầu tư và điều hành, thí dụ như trả lương công chức chẳng hạn. Từ nhiều năm nay, phần chi về đầu tư có tăng mà chi về điều hành, chưa kể lương bổng, thì lại giảm, trong khi đó Việt Nam phải đối phó với hai yêu cầu lớn là tăng lương công chức và tăng chi cho các địa phương chậm phát triển. Khi tài nguyên có hạn mà nhu cầu thì nhiều, người ta phải nghĩ đến một thứ tự ưu tiên nào đó thì đây lại là một nhược điểm khác của tài chính công ở Việt Nam.
Hỏi: Nhược điểm đó là sự phối hợp của các cơ quan nhà nước về trình tự ưu tiên này"
-- Vâng, thật đơn giản thì bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách ngân sách đầu tư qua các dự án đầu tư công cộng, bộ Tài chính phụ trách các mục chi về điều hành. Chúng ta chưa thấy sự phối hợp đó nên chính sách của nhà nước, nếu có, từ các nghị quyết hay quyết định vẫn chưa đi sâu sát tới cấp thực hiện. Dự án cải cách do Ngân hàng Thế giới thực hiện lần này chắc chắn sẽ phải giúp Việt Nam cải thiện tình trạng đó. Ngoài ra, còn phải kể thêm một loạt vấn đề nằm trong cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam ngày nay là các khỏan chi ngoại ngạch, không nằm trong ngân sách, vẫn không được bút ghi hay tính toán mạch lạc, chưa nói gì đến công khai hóa. Cạnh đó, còn có núi nợ không sinh lời được cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, vốn được coi là khu vực xương sống, khu vực chủ đạo của cái định hướng đó. Bên dưới, ta còn gặp vấn đề thiếu thống nhất về danh xưng, về tiêu chuẩn kế toán để bút ghi các trương mục thu chi, nên dù có muốn, nhà nước cũng chưa thể theo dõi việc thực hiện ngân sách ở các cấp xem có đúng với mục tiêu hay không. Và trong tình trạng mập mờ như vậy, tham nhũng rất dễ nảy sinh. Tức là ta lại trở về với vấn đề thông tin cho minh bạch để quản lý cho hữu hiệu.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, đâu là những ưu tiên của dự án cải cách này"
-- Chúng ta khó đi vào chi tiết kỹ thuật của một dự án vừa mới được thông qua và có thể là mươi hôm tới, tại hội nghị giữa năm của Nhóm Tư vấn Ngân hàng Thế giới quy tụ các cơ quan và quốc gia cấp viện cùng chính phủ Hà Nội, ta sẽ biết rõ hơn vài ba dữ kiện cụ thể. Tuy nhiên, căn cứ trên hiện tình về ngân sách và quản lý, có lẽ ưu tiên dễ hiểu nhất vẫn là cải tổ hệ thống thông tin để biết rõ hơn về thu chi, nhất là kết hợp các khoản công chi làm một để chấm dứt các mục chi ngoài ngân sách chả ai biết là bao nhiêu và vào mục tiêu gì. Ngòai ra, cũng phải thống nhất hệ thống kế toán quốc gia để còn kiểm kê và so sánh được mục tiêu với phương tiện được giao cho các cơ quan công quyền. Xa hơn nữa thì cũng phải theo kịp thế giới để hiện đại hóa hệ thống kiểm kê báo cáo bằng điện toán. Một ưu tiên thứ hai thì trực tiếp liên hệ đến việc quản lý, là sau khi cải thiện thông tin để biết những gì đang xảy ra về việc chi thu, ta phải biết xem chi thu để làm gì" Nghĩa là củng cố khả năng lượng định ngân sách hầu thực hiện được các mục tiêu lớn của quốc gia, theo một thứ tự ưu tiên nào đó được thông suốt từ trên xuống và được báo cáo trung thực từ dưới lên. Thí dụ như đầu tư thì phải biết thẩm định giá trị kinh tế của dự án, hoặc cứu đói giảm nghèo thì phải xem việc phân phối và nhất là tản quyền cho cấp địa phương có được thực hiện chu đáo không. Tại trung ương, người ta cũng phải được biết rõ hơn về ảnh hưởng toàn quốc, hay vĩ mô, và lâu dài, về các quyết định lớn trong nền tài chính công đối với kinh tế quốc dân. Sau cùng, còn có việc quản lý công trái, là các khoản nợ của nhà nước, nợ bên trong và bên ngoài; quản lý tài nguyên quốc gia, trong đó có các công ty quốc doanh, quản lý các nguồn thu quốc gia và nhất là đánh giá những rủi ro tài chính.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngài đến Hamburg lần nầy là lần thứ tư, chính thức như một quốc khách, và cũng là lần thăm viếng lâu nhất
Ngày nay khi nói đến những nước Cộng sản là mọi người nghĩ ngay đến “Chế độ độc tài Đảng trị, nạn sùng bái cá nhân
..để cho ngần ấy nước xâu xé khai thác tài nguyên nên mới bị khủng hoảng. Ép mãi sức dân thì sẽ gây sức bật...
Nhật báo The Canberra Times hôm Thứ Hai 1-10-2007 đã có bài tường thuật về buổi lễ cầu nguyện cho nhân dân Miến Điện
Các đối tác quảng cáo thuộc truyền thông sắc tộc của Flex Your Power đang gởi đi các thông điệp báo động tình trạng hâm nóng địa cầu
...để cho ngần ấy nước xâu xé khai thác tài nguyên nên mới bị khủng hoảng. Ép mãi sức dân thì sẽ gây sức bật...
Xe chạy loanh quanh mấy vòng mà vẫn chưa có chỗ đậu. Tứ phía đông nghẹt. Tờ chương trình trong tay
Cuộc khủng hoảng nguyên tử giữa Bắc hàn và Hoa Kỳ bắt đầu từ cuộc sụp đổ của Liên bang Xô viết đầu thập niên 90’s của thế kỷ 20
Mới đây, có người quen hỏi tôi nguyên nhân nào đưa đến sự thống nhất nước Đức" Đây cũng đề tài một bài báo mà tôi đã  viết và đăng trên Việt Báo
Cuộc khủng hoảng nguyên tử giữa Bắc hàn và Hoa Kỳ bắt đầu từ cuộc sụp đổ của Liên bang Xô viết đầu thập niên 90’s của thế kỷ 20
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.