Hôm nay,  

Nan Đề Vn: Cải Cách Doanh Nghiệp

25/02/200400:00:00(Xem: 13854)
Tuần qua, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung ương VN chỉ thị là năm nay, cả nước sẽ phải cổ phần hóa một nghìn doanh nghiệp nhà nước thì mới kịp thực hiện kế hoạch do Chính phủ phê duyệt. Thực tế ra sao"
Dưới đây là cuộc trao đổi của đài RFA với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về trở ngại trong cải cách doanh nghiệp, căn cứ trên kinh nghiệm của quốc gia đi trước Việt Nam là Trung Quốc. M
Hỏi: Thưa ông, tuần qua, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung ương tại Hà Nội đã than phiền về tốc độ cổ phần hóa chậm trễ và ra chỉ thị về tiêu chí năm nay là cổ phần hóa 1.000 doanh nghiệp thì mới thực hiện được kế hoạch do Chính phủ đề ra. Trước hết, xin ông trình bày sơ lược về tiến trình cải cách doanh nghiệp tại Việt Nam, trước khi ta trao đổi về kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc.
-- Vì nền kinh tế tập trung kế hoạch gây ra khủng hoảng, Việt Nam bèn đổi mới từ đầu năm 1987 mà chỉ thực tế thi hành từ năm 1990. Năm đó, ta có chừng 12.000 doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ, đa số là các trung tâm lỗ lã kinh niên. Năm 1992, khi Việt Nam bắt đầu nói đến cải tổ doanh nghiệp và được quốc tế viện trợ kể cả kỹ thuật và tài chính để thực hiện việc ấy thì cả nước còn chừng 6.000 công ty, với hai phần ba bị lỗ lã. Tức là từ 1990 đến 1992, phân nửa cơ sở quốc doanh đã lặng lẽ đóng cửa vì phá sản hoặc làm ăn bất hợp lệ. Từ 1992 đến 1997, việc cải cách doanh nghiệp tiến hành chậm, sau 1997 mới có kế hoạch và nền nếp, nên số cơ sở được cổ phần hóa có nhúc nhích: một chục cơ sở vào năm 1997, 102 vào năm 1998, 242 vào năm 1999, 211 vào năm 2001. Nhưng, kể từ năm 2002 đà cải tổ lại bị trì hoãn, chỉ có 145 đơn vị được cổ phần hóa. Năm ngoái, tình hình có vẻ khá hơn, với 537 cơ sở, vì vậy Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Trung ương mới ra chỉ thị cổ phần hóa 1.000 đơn vị năm nay, sau khi phê bình là thành tích năm ngoái chỉ đạt 60% chỉ tiêu so với kế hoạch. Lý do đưa ra là “chủ yếu do nhận thức chưa thông suốt”, đến nỗi một số nơi không cổ phần hóa doanh nghiệp nào suốt năm 2003. Một số bộ, ngành hay địa phương được nêu đích danh về sự chậm trễ là Bộ Thương mại, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, là Tổng công ty Hàng không, Tổng công ty Cà phê, là hai tỉnh Thái Bình và Bà Rịa - Vũng Tầu.
Hỏi: Trên diễn đàn này, từ nhiều năm qua, ông đã đề cập tới vấn đề trên, xin ông vui lòng nhắc lại về đại thể vì sao lại có sự chậm trễ ấy.
-- Trong thập niên 90 cả thế giới đều thấy sự bất toàn của hệ thống quốc doanh và người ta nói đến việc cải cách qua tiến trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, từ cấp trung ương đến địa phương. Cụ thể là chấn chỉnh sổ sách và quản trị, sau đó bán từng phần hay toàn phần cho tư nhân khai thác, nhà nước thu tiền về làm việc có ích lợi hơn. Dù lãnh đạo Việt Nam phải ngả theo kinh tế thị trường chủ yếu là để cứu vãn quyền lực của đảng, họ vẫn không dám chấp nhận một nền tảng bình đẳng cho mọi cơ sở kinh doanh, thực tế là không dám giải phóng sức mạnh của tư nhân mà vẫn dùng khu vực nhà nước làm thế lực chỉ đạo, làm khu vực xương sống cho nền kinh tế. Trước hết, về lý luận, họ tránh dùng từ “tư nhân hóa” mà dùng từ “cổ phần hóa” để khỏa lấp nguyên do của yêu cầu cải cách. Về tư duy đã vậy, về chiến lược, suốt 10 năm sau đổi mới, từ năm 1991 đến 2000, trong khi có nhiều cơ sở quốc doanh bị đóng cửa vì lỗ lã và phá sản thì các doanh nghiệp nhà nước khác lại được thành lập, đồng thời, căn cứ trên mô thức Nhật Bản và Nam Hàn, Việt Nam còn lập ra loại Tổng công ty quốc doanh, như những zaibatsu Nhật hay chaebol Hàn Quốc, làm cơ sở chỉ đạo kinh tế theo cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đến giữa năm 2001, Hà Nội mới cấm lập thêm công ty quốc doanh. Hậu quả chung cuộc là phần đóng góp của các cơ sở quốc doanh không thay đổi nhiều trong tổng sản lượng, và tăng trưởng sản xuất thì vẫn do khu vực ngoài quốc doanh, với vốn đầu tư của tư nhân Việt Nam hay nước ngoài, đảm nhiệm phần lớn. Trong năm 2002, Hà Nội có ban hành hàng loạt Quyết định hay Nghị định Chính phủ để đẩy mạnh hơn việc cải cách, nhưng thực tế thì vẫn gặp trở ngại vì loại lý do thứ ba, là quyền lợi và sự tham ô của nhiều đảng viên trong các bộ, ban, ngành và địa phương. Đấy là lý do khiến tuần qua Ban chỉ đạo Đổi mới phải ra chỉ thị về chỉ tiêu cổ phần hóa. Ngoài ra, còn lý do thứ tư, là sự yếu kém kỹ thuật của kế hoạch cải cách, từ trung ương xuống. Vì chỉ có thể cổ phần hóa các đơn vị có lời thì người phục vụ các đơn vị đó không muốn mất quyền lợi nếu bị mất việc hoặc bị chuyển qua một bộ phận khác; còn loại đơn vị có hiệu năng kém thì lại mắc nợ lớn, làm sao thanh toán các khoản nợ này là một vấn đề quá phức tạp cho giới hữu trách trong chính quyền và công ty. Sau cùng, để tổng kết vấn đề, cần nói là Việt Nam chưa có ý niệm rõ rệt về vai trò và tổ chức của quốc doanh nên một số doanh nghiệp nhà nước thực ra vẫn có lời nhờ chế độ ưu đãi hiện hành, thí dụ như trong ngành xuất khẩu hay dệt sợi, vì vậy họ không hiểu vì sao cần cổ phần hóa hay tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước. Kết cuộc thì cải cách doanh nghiệp gặp hàng loạt trở ngại, ở mặt lý luận, ở chiến lược kinh tế, ở thủ tục thanh lý nợ xấu, luật đất đai và quyền sử dụng đất, ở lối định giá tài sản khi bán cho tư nhân, v.v.... Vấn đề chính ở đây là tư duy và quyết tâm của lãnh đạo.

Hỏi: Bây giờ, ta hãy tìm hiểu việc cải cách tại Trung Quốc. Theo dõi kỹ việc cải cách kinh tế tại đây, ông có nói đến thử thách của thế hệ lãnh đạo mới tại Bắc Kinh với những sóng gió có thể xảy ra năm nay cho kinh tế Hoa Lục. Việc cải cách doanh nghiệp tại Trung Quốc ảnh hưởng ra sao tới những thử thách này"
-- Về đại thể, Trung Quốc tiến hành cải cách từ tháng 12 năm 1978, trong thực tế thì họ mới đẩy mạnh việc cải cách doanh nghiệp trên quy mô lớn từ năm 1995 về sau, tức là đi trước Việt Nam không lâu nhưng tiến xa hơn nhiều. Ngày nay, phần sản xuất của khu vực nhà nước tại Trung Quốc còn khoảng 20% so với cỡ 38% tại Việt Nam và tư doanh Trung Quốc có cơ hội bành trướng mạnh hơn tư doanh Việt Nam. Lý do chính yếu có thể là trình độ của lãnh đạo, vắn tắt là họ có Đặng Tiểu Bình và Chu Dung Cơ, loại người yêu nước, có viễn kiến, đảm lược và trong sạch. Nói chung, quốc doanh Hoa Lục cũng có chứng tật và nhược điểm như quốc doanh Việt Nam trong chế độ bao cấp vì được nhà nước yểm trợ và ngân hàng quốc doanh tài trợ theo diện chính sách. Đó là trên đại thể. Cụ thể thì từ 1995 đến 2002 có gần 8.000 doanh nghiệp nhà nước được khai báo phá sản, đa số vào trước năm 1999 và có gần 30 triệu công nhân viên nhà nước mất việc. Nhưng, nhiều lý do đã hãm đà cải cách và sự trì hoãn đó đang gây vấn đề mới cho Bắc Kinh, trở thành thách đố cho Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Hỏi: Vì sao lại có sự trì hoãn cải cách doanh nghiệp tại Trung Quốc"
-- Việc cải cách gặp trở ngại chủ yếu vì đảng viên tham ô đã lợi dụng việc cổ phần hóa để làm thịt các cơ sở quốc doanh, sang tên cho gia đình thân nhân và tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Trong một kỳ trước, khi nói đến hiện tượng tẩu tán tài sản, tôi có nhắc tới một thống kê của Ban quản lý Ngoại hối Bắc Kinh theo đó từ năm 97 đến 99 đã có 52 tỷ đô la đuợc chuyển ngân lậu ra ngoài, đa số do đảng viên cán bộ nhà nước. Đầu năm 2002, Tân hoa xã nói về một báo cáo theo đó trên 4.000 cán bộ đã biển thủ hơn 600 triệu đô la rồi tẩu thoát ra ngoài, 70% số này là giới chỉ huy các cơ sở quốc doanh. Những kẻ chưa bị lộ đến nỗi bỏ chạy thì tiếp tục trục lợi nên lãnh đạo mang tiếng. Ngoài nạn tham nhũng, việc cải cách cũng dẫn tới nạn sa thải công nhân viên chức, trung bình 4-5 triệu người mỗi năm từ 1996 đến 1998, gây ra một khối thất nghiệp và lao động dư dôi chưa từng thấy. Hậu quả là dân chúng bất mãn, biểu tình phản đối, mà truyền thông báo chí chỉ có thể tường thuật được một phần nhỏ. Vụ khủng hoảng Đông Á khởi sự từ tháng Bảy năm 1997 đã tác động vào Hoa Lục và vụ Pháp luân công nổi lên từ tháng Tư năm 1999 cũng gây nguy cơ động loạn. Ngần ấy vấn đề dồn dập khiến cho xu hướng thủ cựu thắng thế, lãnh đạo Bắc Kinh hãm đà cải cách và Thủ tướng Chu Dung Cơ suýt mất việc nếu không là người đang chủ trì hồ sơ gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới và có uy tín lớn đối với giới đầu tư quốc tế. Trước đây, họ Chu là Thống đốc ngân hàng trung ương rồi Phó Thủ tướng cầm đầu Ủy ban Kinh tế Thương mại Nhà nước và chủ trì việc cải cách doanh nghiệp trước khi lên Thủ tướng năm 1998. Suốt hai năm liền, Bắc Kinh chuẩn bị chuyển giao quyền lực và họ Chu ở vào cảnh bấp bênh nên việc cải cách doanh nghiệp bị đình. Ngày nay, thế hệ thứ tư lên nắm quyền khi kinh tế tăng trưởng mạnh, họ có cơ hội mở lại hồ sơ này, người chịu trách nhiệm là Tổng lý Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo, người lãnh đạo là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Lần này, họ hết trì hoãn được nữa.
Hỏi: Câu hỏi cuối, xin hỏi ông lý do vì sao Bắc Kinh lại không trì hoãn được nữa"
-- Vì từ nhiều năm qua, quốc doanh Hoa Lục tiếp tục nếp kinh doanh cũ và thành khách nợ hàng đầu của hệ thống ngân hàng quốc doanh. Tổ chức Standard & Poors ước đoán số nợ xấu của ngân hàng lên tới gần 850 tỷ đô la, tức là 60% tổng sản lượng. Trung Quốc hiện có gần 160 ngàn cơ sở quốc doanh, với hai ba ngàn sẽ phá sản trong vòng năm năm tới. Vì vậy, lãnh đạo mới không thể không đẩy mạnh việc cải cách doanh nghiệp và ngân hàng lẫn diệt trừ tham nhũng vì tham nhũng và quốc doanh phát triển trong thế cộng sinh làm ung thối hệ thống ngân hàng và gây nguy cơ động loạn xã hội. Đây là một thử thách cho giới lãnh đạo mới, vì nếu không khéo giải quyết, xứ này sẽ bị loạn. Cho tới nay có lẽ họ có ý chí cải cách rõ rệt hơn Hà Nội, là điều chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thật không có năm nào nhộn nhịp như cuối năm 2007, khi mà báo chí, đài phát thanh, các chương trình TV phát hình, các báo trên liên mạng
Điện thoại reo liên hồi, những người ở rất xa, vừa biết tin giờ chót có Đêm Thắp nến Tưởng niệm 40 năm
Trong niềm hân hoan chào đón một mùa Xuân mới, các Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông HK
Khi nhìn sâu vào một trái cam, không cần ánh sáng của khoa học, ta cũng có thể thấy rõ trái cam được làm bởi rất nhiều điều kiện như là: đất, nước, gió, mây
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo  thông báo: Phòng mạch Bác Sĩ tại 3610 W. First ST, # G Santa Ana, CA 92703 khám bịnh cho toa miễn phí giúp đồng đạo
Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1787, trong đó không hề có một chữ "Thượng Đế" (God). Thời kỳ đó cách nay đã hơn hai thế kỷ
Ông Đoàn Hữu Định đã được đa số đại diện các quân binh chủng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.